menu_open
Sân bay A So
Xem cỡ chữ:
Sân bay A So thuộc địa phận thôn Loa, xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, có diện tích 5 km2 (dài 1.200m, rộng 800m), nằm giữa một thung lũng rộng lớn, cách trung tâm Thành phố Huế 90km về hướng Đông Nam theo quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh. Đây là một trong 3 sân bay do đế quốc Mỹ xây dựng thuộc địa bàn huyện A Lưới nhằm tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự, với mục đích khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn.

Địa chỉ: Xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Sân bay A So (thuộc địa phận xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) là sân bay dã chiến do Mỹ xây dựng từ những năm 1960 nhằm tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự, với mục đích khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đông Sơn là hành lang của Đoàn vận tải 559, bộ đội Trường Sơn, nên Mỹ ra sức tàn phá cung đường này hòng ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam. Sân bay A So được dựng lên nhằm làm nơi chứa, đựng chất độc hoá học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, trước thời cơ thuận lợi trên toàn chiến trường miền Nam, lực lượng chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tấn công giải phóng đồn A Sầu, sân bay A So. Cả một vùng rộng lớn phía Nam huyện A Lưới được giải phóng. Chiến thắng đã tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh.

Hòng xoay chuyển tình thế, tái chiếm lại vùng giải phóng, Mỹ đã rải chất độc da cam, phát quang hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng, phá vỡ thế trận chiến tranh nhân dân. Từ tháng 8-1965 đến 12-1970, A Lưới có tới 256 phi vụ rải chất độc hóa học, với 3 chất chủ yếu là White, Orange và Blue. Dư lượng chất độc ấy còn để lại hậu quả đến hôm nay. Sân bay A So trở thành nơi ghi dấu những chiến công của quân và dân ta, đồng thời là chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ.

SÂN BAY A SO - NỖI ĐAU DIOXIN

Trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa, đựng chất độc hoá học, là trạm trung chuyển để không quân Mỹ đi phun rải ở khu vực miền Trung. Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432.812 gallon với khối lượng dioxin ước tính khoảng 11kg, do đó tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất độc dioxin.

Theo kết quả nghiên cứu từ 1994 đến năm 2000 của UB 10-80 HATFIELD Consultans Co LTD Canada ghi lại: “Trong chiến dịch Ranch Hand (1961-1971) Mỹ đã rải xuống khu vực A Lưới lượng bom đạn và chất độc hóa học, hơn 3.000 phi vụ rải với gần 500 gallons chất diệt cỏ, trong đó có trên 50% chất da cam có chứa diôxin. Sân bay A So căn cứ của Mỹ xây dựng năm 1960, được giải phóng năm 1966, Mỹ đã rải chất độc da cam, hủy diệt môi trường sinh thái nặng nề nhất với nồng độ trên 70 gallas/km2”.

san bay a so, a lưới, Huế, nỗi đau dioxin, xoa dịu nỗi đau da cam

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng quà cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin tại lễ khởi công Dự án "Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế"

Theo kết quả nghiên cứu, sự tồn lưu của dioxin đối với hệ sinh thái ở điểm nóng sân bay A So có hàm lượng dioxin trong đất là 879,85 pg/g. Toàn tỉnh có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới là khoảng 5.000 người. Ngoài ra, các mẫu lấy từ mỡ gan, cá trắm cỏ, máu người dân sinh ra sau chiến tranh đều có nồng độ chất độc cao.

Trong vòng 10 năm (1961-1971), Thừa Thiên Huế với trọng điểm là sân bay A So là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề của hơn 432.812 gallon với khối lượng dioxin ước tính khoảng 11kg, do đó tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và huyện A Lưới nói riêng là một trong những địa bàn chịu hậu quả nặng nề của chất độc dioxin.

Điểm di tích Sân bay A So, là nơi chứng minh sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm thông minh sáng tạo của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đồng thời cũng là một chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ, là nơi thử nghiệm vũ khí chất độc hóa học để lại những hậu quả đau lòng đối với nhân dân ta.

Với những ý nghĩa lịch sử to lớn đó, Sân bay A So đã được cấp bằng chứng nhận Di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 678/QĐ-BVHTTDL ngày 7/2/2013 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL.

SÂN BAY A SO - CHỨNG TÍCH CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT

Ngày 11/3/2016, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện A Lưới, UBND huyện A Lưới khánh thành Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh chất độc hóa học tại sân bay A So thuộc xã Đông Sơn. Đây là một phần thuộc Khu chứng tích chiến tranh hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm: khu di chứng tích tái hiện lịch sử chiến tranh hóa học Mỹ tiến hành ở Việt Nam (ngoài trời, tại sân bay A Sho); khu vực thiên nhiên bị tàn phá và vùng đối chứng; khu tổ hợp trung tâm (tại ngã ba Bốt Đỏ); trung tâm điều trị, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra còn có các hợp phần thuộc dự án như khu phục vụ nghiên cứu khoa học; hệ thống giao thông nội vùng và nâng cấp các địa điểm du lịch lân cận.

Với hơn 100 hiện vật chiến tranh và hình ảnh nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học tại A Lưới được sưu tầm và hiến tặng như: Tấm ri, cu vơ, cọc thép gai, đầu đạn cối 82, ống bô máy bay, ống đựng đầu đạn BKB, ống pháo sáng, cánh bom na pan, quạt máy bay, vỏ bom bi… đây là địa chỉ sinh động đối với khách du lịch, là nơi để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng giải phóng sân bay A So, nơi ghi dấu sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; Đồng thời là nơi lưu giữ hình ảnh, kỷ vật, hiện vật mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại A Lưới. 

Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh chất độc hóa học tại sân bay A So không chỉ là địa chỉ mang ý nghĩa giáo dục mà còn nhắc nhở lương tri loài người về tội ác của chiến tranh, hãy giữ gìn hòa bình cho mỗi dân tộc và mọi người dân trên Trái đất.

sân bay a So Thừa Thiên Huế, xử lý đất nhiềm dioxin, xoa dịu nỗi đau da cam

Cán bộ Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) thực hiện xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So - Thừa Thiên Huế (Ảnh: Ngọc Văn/ Tiền phong)

Hiện nay, Bộ Tư lệnh Hóa học (Bộ Quốc phòng) đang triển khai dự án xử lý ô nhiễm dioxin tai sân bay A So nhằm cụ thể hóa kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau nhiều năm khảo sát, Bộ Tư lệnh hóa học xác định khoảng 5 hecta sân bay A So bị nhiễm chất độc dioxin với chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7 m, tổng khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý 35.000m3. Trong đó khoảng 6.600m2 đất có nồng độ ô nhiễm trên 200 ppt (mức độ rất nặng). Vùng đất nhiễm dioxin ở A Lưới một khi được hồi sinh sẽ tạo ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế xã hội cho huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn này. 

Nỗ lực xử lý đất tồn dư dioxin tại sân bay A So, A Lưới (Nguồn: TRT)

Hồi sinh trên mảnh đất da cam (nguồn: TRT)

HƯỚNG DẪN ĐƯỜNG ĐI:

Sân bay A So thuộc xã Đông Sơn, huyện A Lưới. Từ Trung tâm thành phố Huế, bằng phương tiện ô tô, xe máy theo quốc lộ 49 khoảng 66km đến ngã ba Bốt Đỏ (đường 72 - 14B) rẽ phải theo hướng Tây Nam 2km là đến sân bay A So.