menu_open
Điểm du lịch Làng cổ Phước Tích - Làng di sản cấp Quốc gia tại Huế
Xem cỡ chữ:
Được mệnh danh là một trong ba ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, đồng thời cũng là “Làng di sản cấp Quốc gia” (được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2009), Làng cổ Phước Tích (thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày nay là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và nước ngoài đến khám phá và trải nghiệm.

GIỚI THIỆU 

Cách trung tâm thành phố Huế 40 km về hướng Bắc, làng cổ Phước Tích mang trong mình vẻ đẹp nguyên sơ của một làng quê Việt Nam. Với vẻ hiền hòa, yên bình được bồi đắp hơn 500 năm nay từ dòng sông Ô Lâu huyền thoại bốn mùa trong xanh, bao bọc lấy ngôi làng, Phước Tích như một bức tranh quê đặc trưng không chỉ ở dáng dấp bên ngoài với cây đa, bến nước, sân đình… mà còn ở những trầm tích di sản và nét văn hóa mà những con người ở Phước Tích xây dựng và bồi đắp nên qua bao thế hệ.

Theo sử sách ghi lại, Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời vua Lê Thánh Tông, có diện tích khoảng 49 ha. Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, lúc đầu làng có tên gọi là Phúc Giang như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Đến thời Tây Sơn, Phúc Giang được đổi thành Hoàng Giang, để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng (Hoàng là tên dòng họ khai canh, Giang là vùng gần với sông nước). Đến đời Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích, như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.


Làng cổ Phước Tích hình thành cùng với lịch sử của nghề làm gốm (Ảnh: Thanh Toàn)

Với ước mong đó, các thế hệ dân cư của làng đã tiếp nối truyền thống ông cha lao động sáng tạo xây dựng cho mình một làng quê tươi đẹp với những nét văn hóa cổ kính, như cảnh quan kiến trúc của làng mang đậm triết lý phương Đông, như văn hóa làng nghề, dòng họ, xóm, phe và đặc biệt là hệ thống đình, chùa, đền, miếu, nhà rường cổ.

Theo nhận xét của KTS Hoàng Đạo Kính thì: "Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn, nhà vườn. Ở Phước Tích, quỹ kiến trúc cổ và cũ, song cảnh quan và vườn được bao quanh thì lại rất trẻ và tràn đầy sức sống".

Đến với Làng cổ Phước Tích, mọi người sẽ được hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên trù phú, qua sự khéo léo tôn tạo của con với sự hòa hợp giữa đời sống con người và cây cỏ, giữa nếp sống tinh thần và vật chất. Tất cả đều bổ sung cho nhau để tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống.

NÉT ĐẶC TRƯNG

Phước Tích - xứ sở nhà rường cổ

Xứ Huế có nhiều ngôi làng nổi tiếng về nhà rường, nhưng có lẽ chẳng nơi nào nhà rường lại dày đặc và đẹp như ở Phước Tích. Hiện Phước Tích còn gần 40 ngôi nhà rường cổ từ 100-300 năm tuổi, tọa lạc giữa những khu vườn rộng hàng nghìn m2 rợp bóng cây trái. 24 ngôi nhà rường trong số này là nhà ở của người dân, số còn lại là nhà thờ họ tộc. 

Ngoài những nét chung của nhà rường truyền thống xứ Huế, nhà rường ở Phước Tích còn có nhiều nét rất riêng. Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ chạm khắc làng mộc Mỹ Xuyên nổi tiếng gần đó, các bộ phận của nhà rường như vì kèo, xuyên, trách, đố, liên ba, cửa bàng khoa… được chạm trổ cực kỳ công phu và tinh tế.

Một ngôi nhà rường cổ tại Phước Tích (Ảnh: Thanh Toàn)

Làng trường thọ, sống xanh

Ngoài nổi tiếng bởi cảnh quan, nhà rường cổ, làng Phước Tích còn được mệnh danh là làng trường thọ nhất xứ Huế. Đến với Phước Tích, không khó để bắt gặp những gia đình 3 - 4 thế hệ. Mang trong mình trầm tích của những câu chuyện, những di tích gắn liền với lịch sử, với làng nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng, người dân nơi đây giữ gìn môi trường sống xanh, trong lành, không khói bụi, không ồn ào. Dân làng Phước Tích luôn duy trì lối sống lành mạnh, thể dục thể thao, ăn uống thanh đạm…

Vì vậy mà hầu hết người dân làng Phước Tích đều có tuổi thọ từ 80 đến hơn 100 tuổi và giữ được thân hình trẻ trung hơn so với tuổi tác. Không những vậy, người dân trong làng từ già đến trẻ đều rất ít khi gặp các vấn đề về sức khỏe, mắc bệnh tật.

Làng cổ tiên phong ứng dụng công nghệ số

Làng cổ Phước Tích là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là làng di sản cấp quốc gia vào năm 2009. Sau 09 năm được công nhận, đến nay làng cổ Phước Tích đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Bức tranh về du lịch ngày càng chuyên nghiệp, hệ thống di sản vật thể được tu bổ, trùng tu.

Ngày 09/09/2019, Làng cổ Phước Tích được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 2186/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo điều kiện hồi sinh và phát huy các giá trị văn hóa của ngôi làng cổ độc đáo bậc nhất Việt Nam.

Hiện nay, Du lịch Phước Tích có 09 loại hình dịch vụ du lịch với 40 người tham gia hoạt động gồm: dịch vụ tham quan nhà rường, lưu trú, ẩm thực, xe đạp, hướng dẫn viên, quảng diễn nghề gốm, làm bánh, giao lưu văn nghệ… Hệ thống nhà rường cổ có 11 hộ tham gia tiếp đón khách tham quan; 04 hộ kinh doanh lưu trú; 04 điểm phục vụ dịch vụ ẩm thực. Các dịch vụ hầu hết được phục vụ chu đáo, nhiệt tình, mến khách góp phần đáp ứng nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa địa phương của du khách. Chính vì lẽ đó, hình ảnh du lịch Phước Tích đã được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, Phước Tích trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch đến tham quan và khám phá làng cổ Phước Tích. 

Xem VR - 360 Làng cổ Phước Tích

Xem VR-360 Làng cổ Phước Tích

Điểm du lịch làng cổ Phước Tích có các tài nguyên du lịch như: hệ thống nhà thờ họ tộc; hệ thống các nhà rường truyền thống, hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Đôi, miếu Quang Tế (thờ Yoni và Linga của người Chăm) và các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang (người Chăm), đền Văn Thánh… Miếu Đôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thần Hoàng của làng, Đi vào trong làng là những khu vườn rộng rãi với những cây cổ thụ xanh tốt, cây hoàng lan hơn 100 tuổi trước nhà mệ Tràng thơm ngát…

Mặc khác, nơi đây còn có các nghề truyền thống như nghề gốm nổi tiếng từ hơn 500 năm nay với kỹ thuật nung bằng rơm, tạo ra những sản phẩm nổi danh được ví qua câu thơ “Om Phước Tích ngon cơm Hoàng đế, Sen Hà Trì quý thể Phú Xuân”  và nghề làm bánh. Ngoài ra, các dịch vụ ăn uống, mua sắm đầy đủ, các nhà hàng đặc sản địa phương, có tổ ẩm thực chuyên phục vụ ẩm thực cho khách du lịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cùng với 01 quầy hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.

Cây cách mạng - Cây di sản

Trong các di sản có ở Làng cổ Phước Tích, nổi tiếng nhất có thể kể đến Cây thị và Miếu cây thị. Cây thị tại Phước Tích không chỉ có một vị trí quan trọng trong tín ngưỡng và tâm thức của người dân làng Phước Tích mà đó còn là nơi che dấu cán bộ cách mạng trong những năm tháng chiến tranh. Theo lịch sử Đảng bộ thôn Phước Tích, vào đầu năm 1945 khi Nhật bắt đầu đảo chính Pháp thì một lượng lớn thanh niên trong làng bị Pháp bắt đi lính, để chống lại chính sách đó nhiều thanh niên trong làng đã nấp bên trong phần rỗng của cây thị để trốn lệnh quân dịch. Không chỉ người dân làng Phước Tích lợi dụng phần rỗng của cây thị để tránh đi lính mà bộ đội địa phương cũng nấp ở đó đợi ngày phản công. Do thân cây rỗng nên đây là nới cất giấu tài liệu và cũng là nơi ẩn nấp của một tiểu đội gồm 12 người của bộ đội địa phương. 

Hằng năm cứ đến ngày 16/1 âm lịch, người dân làng Phước Tích lại làm lễ để tưởng nhớ đến những người đã có công khai khẩn làng, cũng như để cám ơn sự che chở và bao bọc cho người dân của thần cây, thần miếu.

cây thị nghìn năm tuổi
Làng cổ Phước Tích với Miếu cây thị và cây thị nghìn năm tuổi (Ảnh: Thanh Toàn)

Với những tính chất quan trọng về mặt văn hóa tín ngưỡng và lịch sử, tháng 10/2014, Ban quản lý khu di tích Làng cổ Phước Tích đã lập hồ sơ gởi đến Bộ VH, TT&DL đề nghị công nhận cây thị trong làng trở thành cây di sản. Năm 2015, cây thị và miếu cây thị đã được công nhận là cây di sản.

Thăm làng, du khách có dịp được khám phá, trải nghiệm cuộc sống thanh bình của một miền quê yên ả, gần gũi, thân thiện là sự kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người.

Để biết thêm thông tin chi tiết, du khách có thể liên hệ:

Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Phước Tích

Địa chỉ: 31 đường Phò Trạch, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Điện thoại: 02343.771055

Một số hình ảnh về Làng cổ Phước Tích:

Ảnh: Thanh Toàn, Visithue, VnExpress...