Thơ văn trên kiến trúc cung đình thường được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa”, mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh chạm khắc theo các đề tài bát bửu, tứ thời… gần như trở thành một lề lối phép tắc quy chuẩn của triều đình như ở Huế - chưa thấy di tích nào trên thế giới có.
Vị trí thể hiện chủ yếu là trên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, cả trong nội thất và ngoại thất, để ở vị trí nào người ta cũng có thể chiêm ngưỡng, thưởng thức được.
Ngoài ra, còn phải kể đến dấu ấn thư pháp Việt trên Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Đây là tập hợp những nét chữ đẹp nhất của các đại thần do vua tuyển chọn, với đầy đủ các kiểu chữ chân, thảo, triện, lệ. Những tác phẩm này là sự kết tinh của nhiều yếu tố khác nhau, từ mỹ thuật, kỹ xảo trang trí, thư pháp, nghệ nhân nghề mộc cổ truyền cung đình… tạo nên một phong cách mang đậm truyền thống của riêng Huế - Việt Nam.
4 bài thơ của vua Minh Mạng được viết trên nền Pháp lam ở Ngọ Môn. Ảnh: T.L