menu_open
Quốc Tử Giám (Huế) - Trường Đại học quốc gia dưới thời nhà Nguyễn
Xem cỡ chữ:
Quốc Tử Giám là truờng Đại học quốc gia ngày xưa do triều đình mở ra để đào tạo nhân tài. Ở nước ta, Quốc Tử Giám đầu tiên được thành lập vào năm 1076 tại Kinh đô Thăng Long. Đến thời Nhà Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã quyết định xây dựng kinh đô tại Huế. Cùng với việc xây dựng Văn Miếu ở vị trí phía trên chùa Linh Mụ (chùa Thiên Mụ), trường Quốc Tử Giám cũng được lập ra ở đó, ban đầu với tên gọi Đốc Học Đường.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ KIẾN TRÚC QUỐC TỬ GIÁM (HUẾ)

Tháng 8 năm 1803, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã cho xây dựng một trường học mang tính quốc gia với tên gọi là Đốc Học Đường (hay Quốc Học Đường) tại An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách Kinh thành khoảng 5km (nay thuộc địa phận làng An Bình, giáp với làng Long Hồ Hạ, huyện Hương Trà). Trường nằm bên cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương nên cảnh vật rất hữu tình

Tháng 3 năm 1820, vua Minh Mạng đổi tên trường thành Quốc Tử Giám và tên này tồn tại mãi đến năm 1945 khi trường Quốc Tử Giám chấm dứt vai trò của mình cùng với sự cáo chung của vương triều Nguyễn. 

Quốc Tử Giám - Huế (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

Dưới thời vua Gia Long, quy mô kiến trúc của trường còn nhỏ, chỉ gồm một tòa chính ở giữa và hai dãy nhà hai bên, dùng làm chỗ để quan Chánh, Phó Đốc Học giảng dạy. Sang thời vua Minh Mạng, quy mô của trường được phát triển to lớn hơn. Năm 1821, vua cho dựng tòa Di Luân Đường, một tòa giảng đường và hai dãy nhà học hai bên Di Luân Đường, mỗi dãy 19 gian phòng học, làm chỗ cho sinh viên đọc sách, làm bài. Đến đầu thời Tự Đức, Quốc Tử Giám đã khá bề thế nhưng trường vẫn tiếp tục được mở mang, xây cất. Năm 1848, xây thêm một tòa nhà 9 gian, xung quanh có tường gạch bao bọc và hai dãy cư xá, mỗi bên 2 gian cho sinh viên. Trường cũng mở thêm 2 cửa nhỏ hai bên để sinh viên tiện ra vào.

Năm 1854, trong một lần tới thăm trường vua Tự Đức đã làm một bài văn và một bài thờ gồm 14 chương để răn dạy và khuyến khích sinh viên học hành. Toàn bộ trước tác này đã được khắc vào một tấm bia đá thanh lớn, dựng trước sân trường. Về sau, trường Quốc Tử Giám đã nhiều lần bị hư hỏng nặng do thiên tai, nhất là cơn bão năm Giáp Thìn (1904). Nhưng sau mỗi lần bị hư hỏng, trường đều được phục hồi.

huỳnh tự thư thanh, cảnh trường Quốc Tử Giám, Thần kinh nhị thập cảnh, vua Thiệu Trị

"Huỳnh tự thư thanh" (cảnh trường Quốc Tử Giám) là một trong 20 thắng cảnh đất Thần Kinh xưa

Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía đông nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay ở đường 23 tháng Tám, bên trong Thành nội Huế) để tiện việc đi lại kiểm tra của các quan Kiêm quản đại thần, và ngay cả bản thân nhà vua khi muốn đến thăm hoặc tổ chức khảo hạch cũng như những buổi lễ tế hoặc lễ Thị Học. Quy mô của trường lúc ấy gồm có: chính giữa là Di Luân Đường; hai bên là hai dãy phòng học; trước mặt là hai dãy cư xá của sinh viên; phía sau trường, ở giữa là tòa Tân Thơ Viện, hai bên là nhà ở của quan Tế Tửu, Tư  Nghiệp (hiệu trưởng, hiệu phó) và các viên chức khác của trường. Trong số các công trình kiến trúc này, Di Luân Đường, Tân Thơ Viện và tòa nhà dành cho vị Tế Tửu Quốc Tử Giám ở là những công trình kiến trúc gỗ theo phong cách truyền thống có giá trị nghệ thuật cao (Tân Thơ Viện, Di Luân Đường đều có nguồn gốc từ các công trình kiến trúc của Cung Bảo Định).

Năm 1923, Tân Thơ Viện trở thành Bảo Tàng Khải Định (Musée Khải Định, ngày nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) nên trường Quốc Tử Giám phải lập một thư viện mới mang tên Thư Viện Bảo Đại ở phía sau Di Luân Đường. Từ đó đến tháng 8 năm 1945, thời điểm Quốc Tử Giám chấm dứt vai trò lịch sử của mình, kiến trúc của trường hầu như không thay đổi.

VỊ TRÍ CỦA QUỐC TỬ GIÁM TRONG QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Ở Việt Nam, từ gần ngàn năm trước, trường Quốc Tử Giám đã được thành lập vào đầu thời Lý. Suốt các triều đại tiếp theo, ngôi trường này luôn tồn tại và ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, diện mạo một Quốc Tử Giám như thế nào thì chỉ đến Huế người ta mới có thể “tận mục sở thị”. Đây cũng là nguyên do để trường Quốc Tử Giám được thành lập dưới thời Nguyễn ở Huế trở thành một công trình độc hiếm của nước ta.

Quốc Tử Giám là trường dạy “làm quan” duy nhất trong toàn đất nước, nên tất cả sĩ tử mưu cầu công danh đều quy tụ về đây ngày càng đông. Tồn tại hơn 100 năm tại làng An Bình, bên cạnh Văn Miếu Huế, cùng với kiến trúc và khung cảnh hữu tình nơi đây cũng như vị thế đặc biệt của Quốc Tử Giám, dưới thời Vua Thiệu Trị, nhà vua đã xếp trường vào một trong 20 thắng cảnh của đất Kinh kỳ. Ngôi trường này chính là thắng cảnh thứ 18 (đệ thập bát cảnh) trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh, còn bài thơ ca ngợi mang tên "Huỳnh tự thư thanh" (Nghe tiếng đọc sách ở trường). Toàn bộ bài thơ (có một bài tựa viết theo lối biền ngẫu) được khắc vào bia đá và dựng ngay trước mặt Di Luân Đường. Năm 1908, khi trường Quốc Tử Giám dời về vị trí hiện nay, tấm bia đá này cũng được mang về và vị trí của nó vẫn là phía trước của Di Luân Đường. 

Quốc Tử Giám Huế, Trường Đại học Quốc gia dưới thời phong kiến, Nhà Nguyễn, Di Luân Đường

Quốc Tử Giám (Huế) ngày nay tại đường 23 tháng 8, đồng thời là trụ sở của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế

Có thể nói Quốc Tử Giám là một trong những di tích đặc biệt quý hiếm của Huế và của cả Việt Nam hiện nay, bởi đây là trường Đại học duy nhất trong thời quân chủ còn tồn tại ở nước ta. Chỉ riêng với ý nghĩa này thôi, di tích Quốc Tử Giám đã xứng đáng được xếp hạng và được bảo vệ như một di tích đặc biệt của Quốc gia.

Về mặt lịch sử, Quốc Tử Giám là đại diện duy nhất phản ánh diện mạo của một trường Đại học thời phong kiến, nó cũng là sự minh chứng cho tư tưởng coi trọng việc học hành của thời Nguyễn nói riêng và các triều đại Việt Nam nói chung. Hơn 200 năm tồn tại, Quốc Tử Giám đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo những nhân tài cho đất nước. Trong số hơn 500 vị tiến sĩ, phó bảng của triều Nguyễn, có không ít vị đã từng dùi mài kinh sử tại ngôi trường này.

Về mặt kiến trúc, Quốc Tử Giám mà đặc biệt là tòa Di Luân Đường là một công trình độc hiếm của kiến trúc cung đình thời Nguyễn, một công trình có sự pha trộn giữa "đường" và "các" rất đặc biệt của thời Nguyễn. Đây cũng là một công trình có giá trị rất cao về mặt nghệ thuật trang trí với hàng trăm ô hộc khảm chạm xương ngà và đắp nổi sành sứ ở nội ngoại thất. Các công trình khác như nhà trưng bày, nhà kho cũng có những giá trị nhất định về kiến trúc và lịch sử vì chúng đều là hiện thân của một thời kỳ phát triển của kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Phát huy giá trị di tích, từ năm học 2019 - 2020, danh hiệu "Học sinh danh dự toàn trường" được tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tuyên dương ở di tích Quốc Tử Giám (Huế)

Về mặt văn học, Quốc Tử Giám cũng là nơi lưu trữ hàng trăm bài thơ có giá trị của các vua quan triều Nguyễn; hai tấm bia đá thời Thiệu Trị và thời Tự Đức trong khuôn viên trường cũng chứa đựng những nội dung rất quý về văn học và nghệ thuật chế tác bia.

Quốc Tử Giám ở Huế, nay là Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế, là di tích trường đại học duy nhất thời phong kiến còn tồn tại trên đất nước ta. Đây là một di tích lịch sử, văn hóa có giá trị rất cao. Ngày 11/12/1993, Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di Sản Văn hóa Thế giới.