Địa thế của vùng đất Dương Hòa thuận lợi cho việc xây dựng hậu cứ để phục vụ chiến đấu lâu dài. Chính vì vậy, sau sự kiện chiến khu Hòa Mỹ (huyện Phong Điền) bị Pháp tấn công, càn quét và đặc biệt đến giữa năm 1948 phong trào cách mạng các huyện phía Nam phát triển mạnh, đòi hỏi sự tăng cường trực tiếp chỉ đạo của Tỉnh ủy nhằm bám sát địa bàn hoạt động.
Tháng 5/1948, Tỉnh ủy và các cơ quan chỉ đạo kháng chiến của tỉnh (Ủy ban hành chính kháng chiến, Tỉnh đội, Công an và các tổ chức đoàn thể kháng chiến khác) chuyển từ chiến khu Hòa Mỹ vào căn cứ Dương Hòa và Dương Hòa trở thành chiến khu cách mạng.
Tại Chiến khu Dương Hòa, qua hai cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, quân và dân ta đã tổ chức, đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của thực dân Pháp; đồng thời được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng... trên đường công tác chỉ đạo kháng chiến đã ghé thăm và làm việc.
Ngoài cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính đóng ở Lương Miêu, Dương Hòa, còn có căn cứ của các cơ quan phục vụ kháng chiến như: Cơ xưởng, Nhà in, Trường học, Ngân hàng, Kho tàng đóng từ khe Rệ đến chân động Mang Chang; các cơ quan đoàn thể, đơn vị Bộ đội, Công an đóng ở Dương Hòa, Đình Môn, Kim Ngọc để thường xuyên cơ động về đồng bằng; Công ty kinh tài Việt Phú và Ty Lương thực đóng gần thác Hộ để thu mua, tiếp nhận gạo, lúa, hàng hóa từ đồng bằng lên; Huyện ủy Hương Thủy đóng ở xóm Lụ; Huyện ủy Hương Trà đóng ở Đình Môn (1948); khe Dứa là nơi các cơ quan Bệnh viện đóng; từ cây Chò lên khe Dài là kho xưởng và nhà in; Đại đội 114, 115, 116, Tiểu đoàn 319 đóng ở quanh Đình Môn; Trung đoàn 101 và Trung đội 7 đóng ở Lương Miêu (CK2); Thành ủy, Thành đội đóng ở chân động núi Mang Chang; cây Nhãn (Lương Miêu) là nơi đóng trụ sở của Ban Tuyên huấn; đồi Voi – khe Túi là nơi thành lập Đại đội vũ trang 116 Hương Thủy (1961); bến đò Lương Miêu, Tân Ba là nơi tiếp nhận, đưa đón quân ta qua về, từ đồng bằng lên Chiến khu và ngược lại...
Để giải quyết vấn đề lương thực và dự trữ cho Chiến khu, một mạng lưới thu mua lương thực được hình thành. Theo đà phát triển, các mặt hàng lương thực, thực phẩm được vận chuyển từ Chiến khu về Huế và từ Huế lên Chiến khu như: Vũ khí, đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm, lương thực... và những loại trái cây như: Thanh trà, bưởi, cam, quýt, dâu... cùng các loại mặt hàng lâm thổ sản. Các mặt hàng này được tập kết tại thôn Hạ, gần bến đò Tân Ba và từ đó phân bổ về các vùng lân cận; cùng với việc các chị em tiểu thương đến buôn bán, quán xá cũng bắt đầu mọc lên như: Quầy tạp hóa, quán café giải khát, quán cắt tóc, quán cơm, phở, tiệm ảnh... tạo điều kiện cho việc hình thành ngôi chợ và trở thành trung tâm giao lưu buôn bán giữa đồng bằng với Chiến khu, đồng thời là nơi tiếp tế hàng hóa, cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho Chiến khu.