I - CUỘC SỐNG MỚI DƯỚI CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG VÀ THUẬN LỢI SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (TỪ THÁNG 8/1945 ĐẾN 12/1946)
Tháng 9/1945, hệ thống chính quyền cách mạng từ cấp tỉnh, thành phố đến huyện, xã nhanh chóng được hình thành và đi vào hoạt động. Các đơn vị hành chính được sắp xếp lại, bãi bỏ cấp tổng và thành lập xã mới. Toàn tỉnh Thừa Thiên gồm thị xã Thuận Hóa và 6 huyện: Phong Điền (8 xã), Quảng Điền (13 xã), Hương Trà (20 xã), Phú Vang (21 xã), Hương Thủy (trên 20 xã) và Phú Lộc (15 xã).
Cuối năm 1945, thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức chính quyền nhân dân và ủy ban hành chính các cấp, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh được đổi thành Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh, do đồng chí Hoàng Anh làm Chủ tịch.
Chính quyền cách mạng vừa mới thành lập đã phải đối đầu với muôn vàn khó khăn thử thách. Trong toàn tỉnh, nạn đói năm 1945 do đế quốc Pháp và phát xít Nhật gây ra vẫn còn de dọa tiếp diễn, nền tài chính kiệt quệ. Ngoài ra, những di hại của một nền giáo dục nô dịch để lại nặng nề với hơn 85% dân số mù chữ, các tệ nạn xã hội còn phổ biến. Đồng bào các dân tộc miền núi phía Tây đời sống vô cùng thiếu thốn, lạc hậu.
Trong lúc những khó khăn về kinh tế - xã hội còn gay gắt thì họa thù trong giặc ngoài đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của chế độ mới. Dưới danh nghĩa quân Đồng Minh, 20 vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc. Đầu tháng 9/1945, 5.000 quân Tưởng đến Huế. Bên cạnh quân Tưởng, 4.500 quân Nhật với đầy đủ vũ khí vẫn còn ở Huế, đang chờ ngày quân đội Đồng Minh giải giáp. Tháng 3/1946, quân Tưởng rút hết về nước theo Hiệp ước Pháp - Hoa vào ngày 28/2/1946, thì lập tức có 850 quân Pháp với trang bị vũ khí có mặt ở Huế.
Ngay sau khi cách mạng thắng lợi, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính phủ (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 3 chủ trương lớn: chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm.
Ở Thừa Thiên Huế, tháng 10 năm 1945 Hội nghị cán bộ toàn tỉnh đã họp để triển khai các chủ trương, chính sách mới của Trung ương Đảng và Chính phủ. Sau Hội nghị hàng loạt công tác được tiến hành.
Trên mặt trận cứu đói, chính quyền cách mạng Thừa Thiên Huế cùng với Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc vận động nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Một phong trào quyên góp, tổ chức “ngày đồng tâm”, “hũ gạo cứu đói”... được phát động mạnh mẽ. Trên tinh thần “tình làng nghĩa xóm”, hoạn nạn có nhau, chỉ sau một thời gian ngắn số lương thực cứu đói thu được khá nhiều, không những giúp được đồng bào nghèo mà còn gửi cứu trợ đồng bào miền Bắc đang bị đói nghiêm trọng. Song song với công tác lạc quyên cứu đói, chính quyền cách mạng còn phát động phong trào tăng gia sản xuất để giải quyết nạn đói tận gốc.
Đi đôi với công tác chống giặc đói là chống giặc dốt, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiến dịch với khí thế sôi nổi, hào hứng từ tỉnh, huyện đến các làng xã đều thành lập Ban Bình dân học vụ chuyên lo xoá mù chữ cho dân. Các đoàn thể cứu quốc, thanh thiếu niên làm nòng cốt đi đầu phong trào, ngày công tác, tăng gia sản xuất, đêm học đọc, học viết, học tính. Gần như đâu đâu cũng có lớp học, già, trẻ, gái, trai đều nô nức đến lớp bình dân.
Để giải quyết những khó khăn của nền tài chính nước nhà, tại Thừa Thiên Huế, nhân dân, công chức, bộ đội, công nhân... tích cực tham gia “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”. Chỉ trên dưới một tuần lễ với sự nhiệt tình của quần chúng, thành phố Huế đã thu được 945 lượng vàng, ba huyện phía bắc đóng góp 10kg vàng, huyện Phú Vang 25 lượng, một thôn Cự Lại (Phú Vang) đóng góp trên 5 tạ đồng.
Chính quyền cách mạng tỉnh đã thực thi các quyền tự do dân chủ, nam nữ bình đẳng, tự do tín ngưỡng, bãi bỏ thuế khoá của thực dân - phong kiến, chia lại ruộng, vận động xây dựng nếp sống mới trong nhân dân.
Những thắng lợi đầu tiên trong việc chống giặc đói, giặc dốt, xây dựng nền tài chính... trên toàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc củng cố hệ thống chính trị của chế độ mới.
Để thực hiện nhiệm vụ chủ yếu lúc này là giữ vững chính quyền cách mạng, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc Hội, thành lập chính phủ chính thức được tiến hành kịp thời. Ngày 6 tháng 1 năm 1946 cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thừa Thiên Huế đi bầu cử Quốc hội. Tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu đạt 90%, có xã 100%, tất cả các ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều trúng cử với số phiếu cao. Các ông Đoàn Trọng Truyến, Hoàng Anh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Kinh Chi, Thích Mật Thể... đã trúng cử đại biểu Quốc Hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi tiến hành bầu Quốc hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bầu Hội đồng Nhân dân các cấp và từ đó bầu Ủy ban hành chính các cấp.
Cùng với việc xây dựng chính quyền cách mạng, các tổ chức quần chúng như Mặt trận Việt Minh, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, công nhân cứu quốc... cũng được củng cố và ngày càng phát triển.
Ngoài các vấn đề xây dựng chính quyền, an sinh xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế còn xây dựng lực lượng quân chủ lực và ngành công an để giữ gìn trật tự an ninh xã hội.
Sau sự kiện ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, quân và dân Thừa Thiên Huế còn có nhiệm vụ chi viện tích cực cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, đồng thời còn phải lo đối phó với các thế lực thù trong giặc ngoài là lực lượng quân Tưởng, quân Pháp và bè lũ tay sai ngay trên mảnh đất quê hương.
Tháng 7/1946, Hội nghị Cán bộ Đảng tỉnh Thừa Thiên mở ra có giá trị như một đại hội. Ban chấp hành Tỉnh ủy được kiện toàn, sức mạnh của Đảng bộ được tăng thêm, đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo chuẩn bị cuộc kháng chiến ở Thừa Thiên Huế. Sau Hội nghị, công tác chuẩn bị kháng chiến càng khẩn trương.
Đầu tháng 12/1946, dã tâm xâm lược toàn bộ đất nước của thực dân Pháp đã rõ ràng. Công cuộc chuẩn bị kháng chiến ở Thừa Thiên Huế được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Nhân dân Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng chiến đấu.
II - NĂM ĐẦU KHÁNG CHIẾN (TỪ THÁNG 12/1946 ĐẾN THÁNG 12/1947)
Tại Thừa Thiên Huế ngay trong đêm lịch sử 19.12.1946, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp phiên mở rộng, quán triệt chủ trương đường lối kháng chiến của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, đồng thời thông qua kế hoạch tác chiến theo chủ trương của Xứ ủy Trung bộ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Trung bộ.
Đúng 2 giờ 30 phút, ngày 20/12/1946, chiến dịch Huế mở màn. Quân dân ta đã bao vây địch suốt 50 ngày đêm trong thành phố Huế. 50 ngày đêm quân và dân Thừa Thiên Huế chiến đấu anh dũng, ngoan cường, tiêu diệt 250 tên địch, thu và phá huỷ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng. Hai lần quân địch phải thả dù quân tăng viện và tiếp tế lương thực, vũ khí cho quân của chúng ở Huế. Điều đó nói lên tình trạng nguy khốn của địch và kết quả tiêu hao, tiêu diệt địch của quân ta. Cùng với nhân dân cả nước, quân và dân Thừa Thiên Huế dưới sự lãnh đạo của Đảng đã viết nên những trang sử hào hùng về lòng dũng cảm, chí khí kiên cường, tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đầu tháng 2/1947, cuộc kháng chiến của quân và dân ta gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Sau khi chiếm được Huế, thực dân Pháp nhanh chóng triển khai lực lượng đánh chiếm những trọng điểm quan trọng, đánh rộng ra vùng ngoại ô, rồi tràn ra khắp vùng đồng bằng các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc.
Ngày 12/3/1947, Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên đầu tiên sau ngày thực dân Pháp xâm chiếm toàn Tỉnh. Tháng 3/1947, Thường vụ Tỉnh ủy mở Hội nghị cán bộ Đảng tại làng Nam Dương huyện Quảng Điền dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Chí Thanh (Bí thư Tỉnh ủy). Hội nghị kiểm điểm tình hình kháng chiến, rút kinh nghiệm một số thất bại, ra nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết phải ổn định phong trào cách mạng quần chúng, phát động phong trào chiến tranh du kích, chỉ đạo cán bộ kiên cường bám đất bám dân. Hội nghị cũng đã quyết định xây dựng chiến khu tại Hòa Mỹ (Phong Điền).
Ngày 15/4/1947, Pháp lập nên chính quyền bù nhìn là Hội đồng Chấp chánh lâm thời Trung Kỳ đặt tại Huế do Trần Văn Lý làm Hội trưởng.
Từ sau Hội nghị Nam Dương (3/1947), phong trào kháng chiến của quân và dân Thừa Thiên Huế dần dần đi vào quy củ và ổn định. Các cơ sở Đảng ở địa phương và các huyện trong tỉnh dần dần được khôi phục, làm nòng cốt cho hoạt động chiến tranh du kích.
Ngày 24/3/1947 trung đoàn chủ lực Trần Cao Vân của ta tổ chức đánh đồn Hộ Thành thắng lợi, sau đó tiếp tục đột kích đồn Đất đỏ (29/3/1947). Ở phía Nam tỉnh các đội cảm tử quân của hai huyện Hương Thủy và Phú Vang tấn công tập kích vào đồn Sư Lỗ giành thắng lợi ngay giữa đồng bằng. Ngày 5/7/1947, lực lượng vũ trang Hương Thủy phối hợp với tiểu đoàn 18 trung đoàn Trần Cao Vân phục kích quân địch đi càn ở Võ Xá, diệt 33 tên, bắt 16 tên, thu nhiều vũ khí. Ngày 15/7/1947 quân ta tiếp tục thắng trận Mỹ Chánh.
Tháng 9 năm 1947 tại chiến khu Hoà Mỹ, Hội nghị cán bộ Đảng bộ Thừa Thiên Huế họp bàn vấn đề xây dựng cơ sở Đảng. Nội dung chủ yếu là kiểm điểm tình hình công tác Đảng bộ từ sau Hội nghị tháng 3 năm 1947, thảo luận chỉ thị nghị quyết Trung ương và Khu uỷ, xác định chương trình hành động và bầu lại BCH Đảng bộ tỉnh.
Trên chiến trường cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng từ cuối năm 1947 đã dần dần đi vào thế ổn định, phòng trào kháng chiến bắt đầu phát triển, cơ sở Đảng được củng cố, chiến tranh du kích và lực lượng vũ trang có điều kiện chủ động đánh địch và chặn đứng thế tiến công của chúng.
III - TOÀN DÂN, TOÀN DIỆN KHÁNG CHIẾN (1948 – 1949)
Đầu năm 1948, chiến trường Thừa Thiên Huế bắt đầu hình thành các vùng: vùng tự do, vùng căn cứ du kích, vùng du kích và vùng tạm chiếm. Ở mỗi vùng địch có những thủ đoạn khác nhau để đối phó. Các vùng du kích và căn cứ du kích chúng tập trung đánh phá rất ác liệt. Vùng tạm chiếm thì chúng lập hội tề kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của nhân dân. Tính đến tháng 5/1948, ở Thừa Thiên Huế địch đã lập được 462 hội tề trong tổng số 548 thôn và đóng quân ở 48 đồn bốt.
Để đưa cán bộ nhanh chóng trở lại bám đất bám dân, ta có chủ trương đưa người của ta vào các hội tề và phát triển rộng rãi các loại hầm bí mật.
Trên lĩnh vực quân sự, đầu năm 1948, nổi lên một số trận đánh của bộ đội ta như trận diệt đồn Câu Nhi trên đường Quốc lộ I vào ngày 23/1, trận chống quân Pháp càn lên chiến khu Hòa Mỹ từ ngày 7 đến 23/3/1948.
Trước sự chuyển biến, phát triển tích cực của tình hình đòi hỏi sự tăng cường trực tiếp chỉ đạo của Tỉnh uỷ nhằm bám sát địa bàn hoạt động. Tháng 5 năm 1948, Tỉnh uỷ và các cơ quan chỉ đạo kháng chiến chuyển từ chiến khu Hoà Mỹ vào căn cứ Dương Hoà cách Huế 12km về phía Tây.
Bước vào thu đông năm 1948, lực lượng của Đảng bộ Thừa Thiên Huế có bước phát triển đáng kể. Tổng số đảng viên của toàn tỉnh lên tới 1.547 đồng chí, tăng thêm chất lượng lãnh đạo kháng chiến, nhất là ở cơ sở.
Trên mặt trận kinh tế, ở vùng giải phóng ruộng được chia theo nguyên tắc nam nữ bình quyền, sản xuất phát triển mạnh, các chợ kháng chiến được thành lập ở vùng căn cứ, tờ bạc Việt Nam được phát hành rộng rãi. Công phiếu kháng chiến chỉ phát hành trong thời gian ngắn đã được nhân dân mua trên 5 triệu đồng. Không chỉ nhân dân ở vùng tự do mà nhân dân ở vùng địch tạm chiếm cũng tích cực mua công phiếu kháng chiến.
Trong thời gian này, ngoài những trận đánh có quy mô khá lớn như trận tiến công tiêu diệt đồn Mỹ Lợi (267/1948), đồn Hà Thành (87/1948), còn có những hoạt động kháng chiến ở thành phố Huế do Đội Công an danh dự của tỉnh và Hội học sinh kháng chiến Thuận Hóa tiến hành.
Sang đến năm 1949, để đối phó với sự phát triển của lực lượng kháng chiến, địch ráo riết tung quân càn quét, dựng lại các hội tề, chấn chỉnh các đồn bốt.
Về phía ta, do biết kết hợp gữa đấu tranh quân sự, chính trị và binh vận mà cuộc kháng chiến của ta có thêm những thắng lợi mới. Những tháng đầu năm 1949, ta đã làm thất bại cuộc tiến công của 2.000 tên địch có máy bay yểm hộ lên chiến khu Dương Hòa, tiến công bốt Vỹ Dạ (2/3), tiêu diệt đồn Vân Trình (18/3), bẻ gãy trận càn lên vùng núi Khe Tre, Nam Đông (4/1949), chiến thắng trận Hói Mít, Phú Lộc (12/1/1949).
Ngày 16/4/1949, tại chiến khu Dương Hòa Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh được triệu tập. Hội nghị đã quyết nghị những vấn đề quan trọng để đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của tỉnh tiến lên. Nghị quyết của Hội nghị nêu rõ: “phát huy tất cả mọi lực lượng của nhân dân, đánh mạnh vào địch về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa; làm cho ta mau mạnh, địch mau yếu”, “phát triển Đảng thật mạnh mẽ và đều khắp nơi, củng cố phải đi đôi với phát triển”; “bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp”, “củng cố các đoàn thể cứu quốc và Mặt trận Việt Minh để làm nòng cốt cho Hội Liên Việt”, “mở rộng chiến tranh du kích,... tiến tới vận động chiến... mở rộng phạm vi kiểm soát của ta”, “bao vây, phá hoại kinh tế địch, bỏ đồng bạc Đông Dương trên thị trường ta”....
Qua tháng 5/1949, ta bắt đầu xây dựng lực lượng quân sự cấp tiểu đoàn, trung đoàn để có thể đánh tiêu diệt với quy mô lớn.
Các lĩnh vực khác phục vụ kháng chiến cũng đi lên như tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân xã và tỉnh; mở trường học, tổ chức các kỳ thi; nâng cao tỷ giá đồng bạc Hồ Chí Minh so với đồng bạc Đông Dương.
Tổ chức cơ sở Đảng ngày càng lớn mạnh, năm 1949 toàn tỉnh có 9.578 đảng viên.
Với những thắng lợi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã gửi điện khen ngợi: “Bình Trị Thiên kháng chiến ngày càng vững mạnh lên, địch cũng phải công nhận. Đó là điều đáng khen”.
(Còn nữa)