menu_open
Thời Tây Sơn (1786-1802)
Xem cỡ chữ:
Núi Bân, noi Nguyễn Huệ công bố lên ngôi Hòang đế (22/12/1788)
Trong lịch sử Việt Nam, triều đại Tây Sơn tồn tại trong 30 năm nhưng triều đại này đã để lại một sự nghiệp sáng ngời trong lịch sử dân tộc.
Núi Bân, noi Nguyễn Huệ công bố lên ngôi Hòang đế (22/12/1788)
Giới thiệu:

Trong lịch sử Việt Nam, triều đại Tây Sơn tồn tại trong một thời gian tương đối ngắn, nếu tính từ khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa chống chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong năm 1771, đến thời điểm kết thúc vào năm 1801, nhà Tây Sơn chỉ hiện hữu trong 30 năm. Nhưng chính sử ghi nhận triều đại này chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1788, khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, đến năm 1801, lúc triều đình Cảnh Thịnh rút khỏi đây để chạy ra đất Bắc, nghĩa là trong vòng 14 năm. Tuy tồn tại ngắn ngủi nhưng triều đại này đã để lại một sự nghiệp sáng ngời trong lịch sử dân tộc.

Mảnh đất Phú Xuân - Thừa Thiên Huế đã gắn bó với triều đại Tây Sơn từ rất sớm, khi Nguyễn Huệ giải phóng Thuận Hóa - Phú Xuân (1786). Chính tại nơi đây, phong trào Tây Sơn đã phát triển đến đỉnh cao dưới thời vua Quang Trung (1788 - 1792). 

Nét đặc trưng:

Thừa Thiên Huế và sự phát triển của phong trào Tây Sơn

Nắm được thời cơ thuận lợi có thể đánh lấy Thuận Hóa, ngày 25/5/1786, quân Tây Sơn dưới sự thống lĩnh của Nguyễn Huệ xuất phát tiến ra Thuận Hóa. Ngày 20/6/1786, quân Tây Sơn đánh thành Phú Xuân, Phó tướng trấn giữ thành là Hoàng Đình Thể nghênh chiến, bị bại trận đã tự vẫn. Tướng Trịnh là Phạm Ngô Cầu trói mình nộp mạng để được tha chết nhưng sau đó bị đưa vào Quy Nhơn xử tử. Nghe tin về cuộc thảm bại ở Phú Xuân, quân Trịnh đóng giữ những đồn ở Dinh Cát (Quảng Trị), Động Hải (Đồng Hới, Quảng Bình) đều bỏ đồn tẩu thoát. Chiến thắng vẻ vang này tạo tiền đề quan trọng cho sự nghiệp xóa bỏ ranh giới chia cắt hai miền, thống nhất đất nước.

Sau khi thoát khỏi ách kìm kẹp của quân tướng họ Trịnh, nhân dân Thuận Hóa bắt tay xây dựng lại quê hương, gia sức ủng hộ phong trào Tây Sơn, nô nức cầm gươm, vác giáo tham gia đội quân “áo vải cờ đào” tiếp tục cuộc trường chinh bảo vệ đất nước. Nhiều tư liệu (chữ viết, hiện vật) tìm được trên đất Thừa Thiên Huế ngày nay như đinh bạ các làng đều có kê khai số dân đinh tham gia phong trào Tây Sơn. Đinh bạ làng Xuân Hòa kê khai toàn bộ dân đinh đều tham gia quân đội, đinh bạ làng Dạ Lê Thượng (Hương Thủy) ghi 255 lính và quan của triều đình trên tổng số 295 người...

Nhờ có chính nghĩa và hợp lòng dân nên phong trào Tây Sơn đã có sức hút mạnh mẽ sự tham gia của quần chúng trong đó có sự hưởng ứng hết sức tích cực của nhân dân Thuận Hóa – Phú Xuân. 

Vài nét khái quát về Thừa thiên Huế thời Tây Sơn (1786 - 1801)

Trong lịch sử Việt Nam, triều đại Tây Sơn tồn tại trong một thời gian tương đối ngắn, nếu tính từ khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa chống chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong năm 1771, đến thời điểm kết thúc vào năm 1801, nhà Tây Sơn chỉ hiện hữu trong 30 năm. Nhưng chính sử ghi nhận triều đại này chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1788, khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, đến năm 1801, lúc triều đình Cảnh Thịnh rút khỏi đây để chạy ra đất Bắc, nghĩa là trong vòng 14 năm. Tuy tồn tại ngắn ngủi nhưng triều đại này đã để lại một sự nghiệp sáng ngời trong lịch sử dân tộc.

Mảnh đất Phú Xuân - Thừa Thiên Huế đã gắn bó với triều đại Tây Sơn từ rất sớm, khi Nguyễn Huệ giải phóng Thuận Hóa - Phú Xuân (1786). Chính tại nơi đây, phong trào Tây Sơn đã phát triển đến đỉnh cao dưới thời vua Quang Trung (1788 - 1792).

Phú Xuân - Kinh đô của Đại Việt dưới triều Tây Sơn

Sau khi giải phóng Thuận Hóa - Phú Xuân, Nguyễn Huệ tiếp tục tiến quân ra Bắc phò Lê diệt Trịnh. Khi trở về, Nguyễn Huệ được Nguyễn Nhạc phong làm Bắc Bình Vương, giữ trọng trách cai quản trực tiếp địa bàn từ đèo Hải Vân trở ra.

Bối cảnh đất nước lúc bấy giờ, ở phía Nam lực lượng của Nguyễn Phúc Ánh trỗi dậy, phía Bắc vua Lê cầu viện nhà Thanh nhằm củng cố ngai vàng. Lợi dụng sự cầu viên đó, nhà Thanh đã cử Tôn Sỹ Nghị dẫn 29 vạn quân tràn vào đất Bắc (11/1788). Đứng trước tình thế đó, phải có “chính danh” để dẫn quân ra Bắc, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ chính thức lên ngôi Hoàng đế.

Ngày 22/12/1788, Nguyễn Huệ tổ chức Lễ tế trời tại núi Bân, công bố chiếu lên ngôi, lấy niên hiệu là Quang Trung, điểm binh và tiến ra Bắc.

Phú Xuân trở thành kinh đô của triều đại Tây Sơn, nơi xuất phát những ý tưởng, chủ trương, chính sách hướng tới xây dựng một đất nước thống nhất, tiến hành cải tổ trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục tiến bộ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và kế thừa tinh hoa của cha ông xưa.

Diện mạo của kinh đô Phú Xuân dưới thời Tây Sơn không khác mấy so với khi còn là thủ phủ của chúa Nguyễn. Triều Tây Sơn chủ yếu chỉ trùng tu, sửa chữa những cung điện cũ mà không chú trọng xây mới.

Sau khi Quang Trung mất (16/9/1792), Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Ông là người có học vấn, nhưng thiếu tài “kinh luân”, nên phó mặc việc triều chính cho đại thần văn võ. Đây chính là nguyên nhân để triều Tây Sơn suy yếu và đi đến diệt vong.

Tình hình chính trị, kinh tế, và xã hội Thừa Thiên Huế thời Tây Sơn 

Nhà Tây Sơn trải qua hai triều Quang Trung và Cảnh Thịnh, nhưng hầu hết các chính sách xây dựng đất nước đều do vua Quang Trung vạch ra và bước đầu thực hiện, đáng tiếc vì thời gian cầm quyền quá ngắn ngủi nên hiệu quả chưa rõ rệt.

Về hành chính, vua Quang Trung đã xây dựng một hệ thống hành chính và quan chế mới, tuy không có văn bản nào đề cập chi tiết đến hệ thống hành chính và quan chế này nhưng qua một số tư liệu, hiện vật còn tồn tại ở các làng xã, tư gia ở Thừa Thiên Huế có thể ghi nhận một số chức danh của quan lại dưới triều Tây Sơn như: Hàn lâm thự đãi chế An Dương bá, Bí thư thự chánh tự Hào Dục bá, Tham đốc, Đô úy, Đô ty, Hộ quân sứ, Chỉ huy, Trung úy, Đại đô đốc, Hùng úy...

Về kinh tế, chính sách kinh tế của nhà Tây Sơn vẫn xây dựng trên căn bản “trọng nông”, khuyến khích phát triển nông nghiệp nhưng trong quản lý ruộng đất lại không cụ thể. Địa bạ thời Tây Sơn rất sơ sài, nhà nước chỉ nắm khái quát tổng thể diện tích ruộng, không phân biệt tốt xấu, để bổ thuế đồng niên, còn chi tiết cụ thể, phân phối thực tế là việc nội bộ của làng xã.

Về giáo dục, nhà Tây Sơn có một số cải cách về giáo dục, ban bố Chiếu khuyến học. Vua Quang Trung tổ chức trường học đến tận cấp xã, dùng chữ Nôm trong công văn và khoa cử. Tu sửa Văn Miếu và Học Cung cũ của chúa Nguyễn ở Long Hồ. Mở khoa thi để chọn kẻ sĩ (mở một khoa năm 1789).

Về văn hóa, chính sách văn hóa đặc biệt nhất dưới thời Tây Sơn là chính sách đối với Phật giáo. Nhà Tây Sơn chủ trương chế tài đối với Phật giáo nhằm hạn chế số chùa chiền và sư sãi.

Về y tế, cơ bản vua Quang Trung vẫn giữ cơ cấu tổ chức cũ của họ Nguyễn, tham khảo cách tổ chức và quan chế đời nhà Lê. Các cơ quan chuyên môn chăm sóc sức khỏe của vua quan và nhân dân thời Tây Sơn gồm Y Lâm viện (trong đó có Thái Y thự), Điều Hộ Ty, Nam Dược cục cùng một số bộ phận liên quan góp phần làm hoàn chỉnh hệ thống tổ chức của một triều đình cuối thế kỷ XVIII. Thành tựu y học giai đoạn này phải kể đến tập Nam dược ca bằng thơ Nôm lục bát, phân tích đặc điểm và tính năng của 500 vị thuốc đặc biệt của nước ta.

Về quân sự, nhà Tây Sơn rất trọng quân sự, quyết tâm xây dựng lực lượng quân đội hùng hậu để bảo vệ đất nước. Vì vậy nhà nước quản lý dân đinh rất chặt chẽ, cứ ba suất đinh lấy một suất lính. Để tiện việc kiểm soát, mỗi dân đinh đều được phát một thẻ “Thiên hạ đại tín”, ghi rõ tên họ, quê quán và điểm chỉ của người mang thẻ.

Với những biện pháp tích cực, vua Quang Trung đã cố gắng vãn hồi đất nước sau một thời gian dài sa sút nghiêm trọng. Nhờ công cuộc chiêu tập dân lưu tán, đẩy mạnh việc khai hoang phục hóa mà xã hội dần dần ổn định, đời sống nhân dân dần được cải thiện. Tất nhiên tình hình Thuận Hóa - Phú Xuân cũng không ngoại lệ. Nhân dân nơi đây vốn rất phấn khởi hưởng ứng phong trào Tây Sơn ngay từ đầu và tích cực tham gia xây dựng quê hương, cần cù lao động, mở mang ruộng vườn. Sau mấy năm, tình hình đời sống xã hội đã có dấu hiệu tiến bộ, nếp sinh hoạt, làm ăn ngày một khá hơn.

Sau khi Quang Trung mất, Quang Toản lên ngôi, ông không thể giải quyết được mọi khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, đời sống của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thuận Hóa - Phú Xuân nói riêng lại rơi vào khó khăn.

Sự suy tàn của triều Tây Sơn

Vua Quang Trung là linh hồn của nhà Tây Sơn, có thừa uy lực chế ngự hoàn toàn các quan lại và tướng lĩnh để bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhưng sau khi ông mất, vua mới là Quang Toản không đủ uy tín và tài năng để duy trì đại cục, trong triều Thái sư Bùi Đắc Tuyên thâu tóm quyền hành, củng cố quyền lực, nội bộ triều Tây Sơn chia bè kéo cánh, mâu thuẫn sâu sắc. Tình trạng tranh chấp, thanh toán phe phái đã làm cho triều đại Tây Sơn suy yếu dần, nhân dân nản lòng không hướng về Tây Sơn nữa.

Trong bối cảnh triều đình trung ương rối ren, tinh thần chiến đấu của quân Tây Sơn cũng tụt dốc nhanh chóng, dẫn đến những thất bại trước sức tấn công của Nguyễn Phúc Ánh (dòng dõi chúa Nguyễn) muốn khôi phục lại sự nghiệp tổ tiên của mình.

Ngày 11/6/1801 (ngày1 tháng 5 năm Tân Dậu), quân Nguyễn tấn công vào cửa biển Tư Dung (Tư Hiền), quân Tây Sơn thua trận, quân Nguyễn nhanh chóng tiến đến cửa Eo (Hòa Duân). Ngày 13/6/1801 (ngày 3 tháng 5 năm Tân Dậu), vua Cảnh Thịnh (Quang Toản) cùng các quan chạy ra đất Bắc đổi niên hiệu là Bảo Hưng, cùng Nguyễn Quang Thùy mưu việc khôi phục, nhưng rút cuộc không thể cứu vãn nổi.

Triều đại do anh hùng áo vải Nguyễn Huệ xây dựng nên, hiển hách một thời bỗng chốc sụp đổ vì người nối ngôi hèn kém, nhóm đại thần tướng lĩnh chia bè kết phái xâu xé lẫn nhau.

Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử