Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Quảng, khởi đầu phân liệt xứ Đàng Trong - Đàng Ngoài
Tháng 11/1558, Nguyễn Hoàng được lệnh vào trấn thủ Thuận Hóa với một quyền hạn rộng lớn “phàm mọi việc ở địa phương không kể to nhỏ đều cho tùy tiện xử lý”. Nguyễn Hoàng ra đi vừa để bảo toàn mạng sống, vừa tính kế phát triển sự nghiệp lâu dài, nên khi rời đất Bắc, ông đã lôi kéo một lực lượng đông đảo bao gồm nhiều tướng lĩnh (Văn Nham, Thạch Xuyên, Tiền Trung, Tường Lộc), binh lính (1000 thủy quân), và nhân dân các làng mạc ở huyện Tống Sơn, nghĩa dũng đất Thanh Hóa cùng một số quan lại, binh lính ở Thanh Hóa và Nghệ An. Đây chính là một cuộc di dân thực sự.
Trong suốt thời gian trấn thủ đất Thuận Quảng (1558 - 1613), Nguyễn Hoàng đã dốc sức củng cố thế lực, thu phục lòng người bằng lối cai trị mềm mỏng để đặt nền tảng cho việc xây dựng giang sơn riêng cho dòng họ mình. Và Thuận Hóa trở thành đất dựng nghiệp của họ Nguyễn.
Các thủ phủ của Cháu Nguyễn ở Thừa Thiên Huế
Chúa Nguyễn vào Nam xây dựng cơ đồ, tạo lập giang sơn riêng là cả quá trình vận động cam go và biến đổi không ngừng trên nhiều phương diện, trong đó có cả việc xây dựng, củng cố và xác lập thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất Đàng Trong. Trong hơn 200 năm thời chúa Nguyễn kể từ khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), đến khi họ Nguyễn phải rời khỏi Phú Xuân (1775), thủ phủ của chính quyền đã trải qua 8 lần thay đổi vị trí:
- Ái Tử (1558 – 1570);
- Trà Bát (1570-1600);
- Dinh Cát (1600 – 1626);
- Phước Yên (1626 – 1636);
- Kim Long (1636 – 1687);
- Phú Xuân lần thứ nhất (1687 – 1712);
- Bác Vọng (1712 – 1738)
- Phú Xuân lần hai (1738 -1775).
Mỗi lần di chuyển quy mô xây dựng và vai trò của thủ phủ ngày càng được nâng lên, khẳng định dần về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, đồng thời cũng gắn với việc phát triển và vai trò quan trọng của vùng đất Thừa Thiên Huế đối với sự nghiệp của chúa Nguyễn cũng như đối với Đàng Trong.
Tổ chức cai trị của Chúa Nguyễn
Với ý đồ tách Đàng trong ra khỏi sự thống trị của vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng và những người nối nghiệp một mặt củng cố phòng thủ đất Thuận Quảng, chống lại có hiệu quả các cuộc tấn công của quân Trịnh, mặt khác ra sức mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Bằng chính sách nội trị mềm dẻo, ngoại giao khéo léo, Nguyễn Hoàng đã thành công trong việc xây dựng thực lực và năm 1570, được lãnh trấn thủ cả vùng đất Thuận Quảng.
Buổi đầu, với chức Trấn thủ việc cắt đặt quan lại của Nguyễn Hoàng chịu sự chi phối của triều đình Lê - Trịnh. Quan lại vẫn do vua Lê bổ nhiệm. Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha, quyết định thải hồi các quan do nhà Lê cắt cử, cải tổ lại bộ máy chính quyền, dời chuyển phủ chúa vào Phước Yên và tổ chức bộ máy ở Chính Dinh gồm 3 ty: Ty Xá (sai giữ việc giấy tờ, kiện tụng), Ty Tướng thần (coi việc thu thuế) và Ty Lệnh sử (giữ việc tế tự và phát lương cho quân lính). Ngoài ra, Chính Dinh còn có thêm Ty Nội lệnh sử coi các loại thuế, hai ty Tả, Hữu lệnh sử chia nhau thu nộp tiền sai dư (thuế thân). Ty Lệnh sử đồ gia (Nhà đồ) giữ việc thu phát vật liệu, quản lý kho. Từ năm 1669, Nguyễn Phúc Tần đặt thêm Ty Nông lại để coi thu thuế điền thổ.
Cho đến giữa thế kỷ XVIII, họ Nguyễn đã làm chủ cả vùng rộng lớn từ Nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau, Đàng Trong chia thành 12 dinh: Bố Chính, Quảng Bình, Lưu Đồn, Cựu Dinh, Chính Dinh (Phú Xuân), Quảng Nam, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và 1 trấn là Hà Tiên. Mỗi dinh quản hạt 1 phủ (riêng Quảng Nam quản 3 phủ), dưới phủ có huyện, tổng, xã (hay phường). Chỉ có Chính Dinh mới có đủ cơ cấu 3 ty, các dinh khác có 1 hoặc 2 ty.
Sau khi chúa Nguyễn Hoàng mất, đời con cháu của ông vẫn được nhà Lê phong chức, đến năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, thành lập triều đình, đổi Ký lục thành Lại bộ, Nha úy thành Lễ bộ, Đô tri làm Hình bộ, Cai bạ làm Hộ bộ, đặt thêm Binh bộ và Công bộ, đồng thời đổi văn chức làm Hàn lâm viện. Vậy là các thay đổi lớn về chính quyền đều diễn ra trên đất Thừa Thiên Huế với tư cách là Chính Dinh.
Các đơn vị cơ sở ở Thừa Thiên Huế và cả Đàng Trong bấy giờ biến động và thay đổi luôn do quá trình khai hoang lập làng diễn ra rất mạnh.
Về bổ nhiệm quan lại, nửa đầu thế kỷ XVII, quan lại được bổ nhiệm theo tiến cử, thân tộc. Năm 1646, chúa Nguyễn Phúc Lan bắt đầu định phép thi cử gồm 2 cấp: Chính đồ (khoa thi lấy người đậu ra làm quan) và Hoa văn (khoa thi lấy học trò viết chữ tốt ra làm lại). Ngoài ra, chúa Nguyễn còn sử dụng chế độ mua quan, bán tước và không cấp bổng lộc cho quan lại, bổng lộc của quan lại phần nhiều do dân đóng góp.
Xây dựng vùng đất Đàng Trong trong bối cảnh phải đương đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài và tự mở mang thêm lãnh thổ nhằm tạo thế lực nên Nguyễn Hoàng và các chúa kế nghiệp đã xây dựng một thể chế đậm tính quân sự, lấy quân đội làm chỗ dựa và ưu tiên việc binh. Từ đầu thế kỷ XVII, người Đàng Trong đã học được cách đúc súng và trang bị cho thuyền chiến.
Phương thức tổ chức chính quyền, quân đội như vậy đã tạo cho Đàng Trong có bước chuyển biến nhanh, đạt được ý đồ xây dựng cơ đồ của họ Nguyễn. Tuy nhiên nó cũng nhanh chóng bộc lộ những hạn chế làm cho bộ máy cồng kềnh, trở thành gánh nặng đối với nhân dân và xã hội.
Dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn, vùng đất Thừa Thiên Huế nhanh chóng được khai thác. Đất đai trồng trọt mở rộng thêm, làng xóm được hình thành ở khắp đồng bằng ven biển, vùng đầm phá, gò đồi. So với thời Lê – Mạc, diện tích ruộng đất và làng xã đã tăng lên rất nhiều. Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ là ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền thuộc phủ Triệu Phong có 23 tổng, 234 xã, 23 thôn, 77 phường, 1 giáp, 1 châu và 3 sách.
Bộ mặt xứ Huế từng bước phát triển với tốc độ đáng kể nhất là khi chúa Nguyễn chuyển dinh phủ từ Phước Yên đến Kim Long, xây dựng thủ phủ xứ Đàng Trong với quy mô lớn trên đất Phú Xuân. Xứ Huế chuyển dân từ làng quê thành phố chợ, cảng thị tấp nập tàu bè các vùng, các nước đến buôn bán, Điều đó làm cơ sở cho việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp. Sự chuyển biến về kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng đến văn hóa Huế, với vị trí là “thủ phủ”, phong thái thượng lưu quý tộc cũng đòi hỏi nhu cầu tương ứng với vị thế xã hội. Nếp sống đài các, tao nhã, thanh lịch ảnh hưởng sâu đậm đến các giai tầng, trở thành đặc trưng văn hóa của vùng đất Huế, biểu hiện trong nếp ứng xử, trong ẩm thực, y phục và nghệ thuật.
Sự suy yếu của chính quyền họ Nguyễn, Thừa thiên Huế thời chính quyền Lê - Trịnh
Nhà Nguyễn xây dựng cơ đồ trên đất Đàng Trong đã có sự tác động tích cực đến sự phát triển của Đàng Trong nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng trong các thế kỷ XVI - XVII và đầu XVIII. Song với bộ máy hành chính cồng kềnh do thực hiện chế độ mua quan, bán tước, điều đó đồng nghĩa với việc người dân phải nai lưng làm việc để nuôi đội ngũ quan lại. Quan lại càng đông thì nạn nhũng nhiễu, tệ bớt xén, hối lộ càng đè nặng lên cuộc sống của người dân, làm cho sự phân hóa xã hội diễn ra gay gắt. Từ năm 1744, khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng dinh phủ quy mô to lớn, lộng lẫy. Các gia đình quý tộc, quan lại cao cấp ăn chơi xa xỉ, đời sống của nhân dân càng gặp nhiều khó khăn. Sau khi Nguyễn Phúc Khoát mất (1765), Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi khi mới 12 tuổi, quyền hành rơi vào tay Trương Phúc Loan, nạn nhũng nhiễu, vơ vét, đục khoát nhân dân càng trở nên trầm trọng.
Để cung đốn cho triều đình và cuộc sống xa hoa của quan lại, triều đình đã áp dụng chế độ thuế khóa nặng nề. Đến nửa sau thế kỷ XVIII, ở Chính Dinh đã chứa đựng sự bất ổn do “luôn mấy mùa đói kém, lại phải đánh trận bắt lính không thôi, quân dân lìa lòng, sùng sục mong làm loạn” (Lê Quý Đôn toàn tập, tập I). Mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt, chế độ phong kiến Đàng Trong bước vào giai đoạn khủng hoảng sâu sắc.
Trong bối cảnh ấy, năm 1771, tại đất Quy Nhơn đã nổ ra cuộc khởi nghĩa Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ dưới khẩu hiệu “Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương” chiếm cứ một nửa đất Đàng Trong, cô lập Thuận Hóa. Nắm được tình hình hỗn loạn ở Đàng Trong, năm 1774 chúa Trịnh Sâm cử Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc và Bùi Thế Đạt đem quân vào đánh chúa Nguyễn. Trước sức tấn công của quân Trịnh, chúa Nguyễn Phúc Thuần bỏ chạy vào Gia Định. Ngày 30/1/1775, quân Trịnh chiếm dinh phủ Phú Xuân, Hoàng Ngũ Phúc được kiêm kĩnh Trấn thủ xứ Thuận Hóa, bắt đầu thời kỳ cai trị của chính quyền Lê - Trịnh trong vòng hơn 10 năm.
Đội ngũ quan quân chúa Trịnh đã áp dụng chính sách cai trị theo kiểu quân quản khắc nghiệt. Từ chủ tướng cho đến binh sỹ đều nhanh chóng bộc lộ bản chất xấu xa của giai cấp phong kiến thống trị vào buổi suy tàn chẳng khác quan quân chúa Nguyễn trước đó. Hơn 10 năm cai trị của chính quyền Lê - Trịnh, cả Thuận Hóa vẫn không vượt qua được tình trạng khủng hoảng. Đời sống của các tầng lớp nhân dân cơ cực. Kinh tế - xã hội sa sút. Mâu thuẫn giai cấp càng thêm gay gắt. Nhân dân hướng về phong trào Tây Sơn với hy vọng thời cuộc sẽ thay đổi.