menu_open
Sảng khoái bài chòi
Xem cỡ chữ:
Xa đưa tiếng mõ bài chòiKhách xem đứng kín còn chen nỗi gìĐành thôi leo gốc hồng bìVểnh tai hứng những lời gì vọng ra…

Dân gian miền trung có truyền thống văn hay chữ tốt, sáng tạo nên nhiều trò chơi lý thú. Một trong đó là hội bài chòi – hình thức giải trí gây tiếng cười sảng khoái, dụng văn, trí và diễn xuất. Bài nghĩa là bộ quân bài bằng giấy bồi vẽ hình gần giống với bộ chắn/ tổ tôm/ tam cúc, khổ 7,5x 2,5 centimét, lưng tô đỏ. Chòi là là một căn liều nhỏ bằng tre nứa lá dựng trên cao như điếm canh, treo một chiếc mõ. Trong hội bài chòi, có chín cái chòi cho chín người cùng tham gia. Bài chòi do vậy là thú chơi đánh bài từ trên chòi cao.

Một bộ bài chòi gồm 30 cặp lá bài nhưng ba cặp thường không dùng là ông ầm, thái tử và bạch huệ. 27 cặp còn lại chia làm thành ba pho: vạn với chín đôi: nhất trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, ngũ trượt, lục trạng, thất vung, bát bồng, cửu chùa; văn chín đôi: nhất gối, nhì bánh, ba bụng, tứ tượng, ngũ ruột, sáu xưởng, bảy liễu, tám miếng, chín cu và sách chín đôi: nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ xách, ngũ dụm, sáu hường, bảy thưa, tám dây, cửu điều. Trước khi chơi, chúng được phân đôi, một nửa đặt vào ống tre cái, một nửa phát cho chín người. Những người muốn chơi phải đóng tiền mua chòi, nhận ba lá bài rồi lên chòi đợi. Buổi đánh bài chòi kéo dài chín ván, thể hiện bằng chín lá cờ trao cho người thắng sau mỗi ván. Sau khi cả chín người đã ổn định, người hô bài hay anh hiệu sẽ cầm ống đựng bài, tiến ra phía trước, chào người xem đồng thời công bố khai cuộc bằng những câu thơ hoặc dân ca:

Hôm nay gió mắt trăng thanh/ Bài chòi có hội xin mời bà con/ Thưởng thức và đóng góp luôn/ Lời hay ý đẹp cho thêm bài chòi.

Người xem vỗ tay rào rào. Anh hiệu chắp tay đáp lễ và dõng dạc: Vậy thì xin mời yên vị để nghe bài chòi. Kế đó, anh hiệu rút trong ống một lá bài và hô to cho người chơi biết đó là bài gì. Trước kia, luật chỉ cho phép miêu tả hình vẽ của lá bài bằng dân ca hoặc bằng những câu thơ song nay có thể cung cấp hoàn toàn hoặc dẫn dắt tới cái tên đó, ví dụ:

Đi đâu cắp sách đi hoài/ Cử nhân chẳng đỗ tú tài cũng không (nhất trò)
Không ngon cũng bánh lá gai/ Dù anh nói dại cũng trai học trò (nhất trò)
Tiếc công bỏ cú nuôi cu/ Cu ăn chóng lớn cu vù bay đi (chín cu)
Sự đời có bốn cái ngu/ Mai dong hứng nợ gác cu cầm chầu (chín cu)
Chồng nằm chính giữa/ Vợ ở hai bên/ Lấy chiếu đắp lên/ Đúng là ba bụng (ba bụng)
Gío mát sau lưng/ Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này (ba bụng)…

Ai có lá bài như đang gọi thì gõ vào chiếc mõ ngay bên cạnh. Anh hiệu sẽ sai người mang một lá cờ vàng đến cắm ở chòi ấy. Ai nhanh tay nhanh miệng thì đoạt được ba lá cờ liên tục sẽ thắng toàn cuộc. Để đạt điều ấy, người chơi phải nhớ tên và thuộc cả 30 mặt bài. Giải thưởng được trích từ phần đóng góp của chính người chơi, tuy không nhiều song vui, bộc lộ nếp sống lành mạnh văn hóa.

Do bài chòi vừa mang chất văn chương bình dân, vừa là thú vui, cũng là sân khấu trình diễn các làn điệu dân ca và thơ phú, mọi người đến xem bài chòi rất đông, rất tự nhiên, thoải mái, có thể hàng trăm người cùng đứng, ngồi hoặc trải chiếu quây quanh sân, reo hò tán thưởng những câu hô hay bí hiểm, những điệu hò, câu vè, hát bội luyến láy, trầm hùng trong tiếng trống, sáo và đàn rộn rã. Để dẫn dắt người xem, anh hiệu luôn phải thay đổi giọng điệu, nội dung của lá bài nếu gặp lại, khéo léo dùng những câu cổ nhân đã nói xen lẫn với câu tự tác thêm vào đó những tiểu tiết lạ để tăng thêm độ khó, nhưng người chơi vẫn suy luận được. Trong năm mới, đầu xuân hay lễ hội nhiều thôn xóm miền trung từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đều tổ chức đánh bài chòi đoán vận may. Nếu ai có cặp bài trùng đầu tiên thì năm đó sẽ lấy được vợ/chồng, ai được nhiều lần quà sẽ có nhiều tài lộc…Một số nơi người dân đã đưa bài chòi trở thành hoạt động thường xuyên hơn, như ở Hội An hàng tối thứ bảy đều có bài chòi trên sông Hoài rất sôi động, ở Huế thường có hội bài chòi vào dịp chợ quê ở Cầu ngói Thanh Toàn.

Từ hô bài chòi vào thập niên 60 đã phát triển thành ca kịch bài chòi với sự ra đời của đoàn ca kịch Liên khu V, trong đó một diễn viên đóng một lúc nhiều vai, Âm nhạc chủ yếu là điệu xuân nữ, nam xuân, xàng xê. Nhạc cụ đơn giản là đàn nhị, sanh sứa, đàn nguyệt, sáo và sinh tiền. Hiện nay, ca kịch bài chòi nảy rộ đặc biệt ở Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa…với các tác phẩm kinh điển như Thoại Khanh - Châu Tuấn. Phạm Công - Cúc Hoa, Mối tình Việt Chăm…

Chu Mạnh Cường