menu_open
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tượng đài hòa bình tại Hoa Kỳ
Xem cỡ chữ:
Giám Mục Martin Amos đã có giải thích điều này trong bài diễn văn ngắn gọn của mình tại buổi lễ trao giải: Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là người cả đời công hiến cho lý tưởng hoà bình. Ông là người luôn cổ xuý cho một thế giới bất bạo động. Ông đã kết hợp hài hoà được tư tưởng Đông-Tây...

Giải thưởng Hòa Bình Thế Giới xuất phát từ phía đạo Thiên Chúa vinh danh hiến tặng cho một tu sĩ thuộc hàng giáo phẩm cao cấp của Phật Giáo là một quyết định trung thực và cao quý. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh được thế giới công nhận như là người sáng lập của phái Phật Giáo xã hội nhập thế và đồng thời là người khởi phát của pháp tu Chánh Niệm (Mindfulness) trong văn hóa phương Tây. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh được vinh danh do thành quả “công phu xây dựng được nhịp cầu tâm linh nối liền giữa phương Đông và phương Tây”. Hai nhà lãnh đạo tôn giáo Martin Luther King và Thích Nhất Hạnh đã từng nhiều lần hội kiến với nhau tại Hoa Kỳ để chia sẻ lý tưởng tìm kiếm một nền hòa bình công chính và tinh thần đấu tranh bất bạo động có tầm ảnh hưởng lớn đến không khí chính trị vào những năm cuối thập niên 1960.



Vào lúc 10:00 sáng ngày Thứ Bảy 31/10/2015, tại tu viện Lộc Uyển (Escondido- California) đã diễn ra lễ trao giải thường Hoà Bình Thế Giới (Pacem in Terri) cho Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.


Tu viện Lộc Uyển trong buổi lễ trao giải.


Đại diện cho Uỷ Ban Quản Nhiệm đến trao giải thưởng là Giám Mục Martin Amos. Vì lý do Thiền Sư Nhất Hạnh vẫn còn trong giai đoạn điều dưỡng bệnh tại San Francisco, cho nên Ni Sư Chân Không cùng tăng đoàn Làng Mai đã đại diện nhận giải thưởng cao quí này thay cho vị thầy tôn kính của mình, trước sự chứng kiến của khoảng 500 người đang có mặt ở tu viện Lộc Uyển để tham dự một khoá tu tại đây.



Pacem in Terri là Giải Thưởng Hoà Bình Thế Giới Của Thiên Chúa Giáo, có từ năm 1964, được đề xướng bởi Đức Giáo Hoàng John XXIII, với tôn chỉ trao giải là “ giải thưởng vinh danh các nhân vật tạo được những thành tựu về Hòa Bình, Công Lý không chỉ riêng cho đất nước của họ mà cho toàn thế giới.” ("to honor a person for their achievements in Peace and Justice, not only in their country but in the world). Sáu trong 42 người đạt giải thưởng Pacem in Terris trước đây cũng đã nhận được giải Nobel Hòa Bình: Martin Luther King, Mẹ Teresa, Desmond Tutu, Lech Walesa… Điều này phần nào nói lên được uy tín của giải thưởng này.



Nhiều người ngạc nhiên vì tại sao một vị tu sĩ Phật Giáo như Hoà thượng Thích Nhất Hạnh lại được một tổ chức tôn giáo khác trao giải. Giám Mục Martin Amos đã có giải thích điều này trong bài diễn văn ngắn gọn của mình tại buổi lễ trao giải: Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là người cả đời công hiến cho lý tưởng hoà bình. Ông là người luôn cổ xuý cho một thế giới bất bạo động. Ông đã kết hợp hài hoà được tư tưởng Đông-Tây. Ông là người đi tiên phong trong việc đưa khái niệm “Chánh Niệm- Tỉnh Thức” của Phật Giáo vào trong đời sống hằng ngày, giúp cho hàng triệu người trên thế giới thuộc mọi màu da, tôn giáo chuyển hoá nội tâm, chế tác năng lượng bình an cho cuộc sống.



Những ai đã quen thuộc với những sinh hoạt của tăng đoàn Làng Mai do Thiền Sư Nhất Hạnh sáng lập, thì sẽ không ngạc nhiên trước sự kiện này. Đã từ gần nửa thế kỷ nay, định hướng Đạo Phật ứng dụng, hiện đại hoá của Thiền Sư Nhất Hạnh đã giúp cho Đạo Phật có một sức sống mới, lan toả mạnh mẽ trong thế giới Âu Mỹ. Pháp môn tu học của Làng Mai cũng dựa trên những chân lý căn bản của Phật Pháp, nhưng có tính thực dụng cao, dễ thực tập, và năng lượng chuyển hoá có thể nhận thấy được rõ ràng. Do đó, chúng đã giúp được rất nhiều người Âu Mỹ thoát được khổ đau, tìm lại được niềm hạnh phúc cho cuộc sống. Một vị thiền sư ở Lộc Uyển đã nhận xét rằng những người Mỹ khi họ đã nắm được phương pháp thực tập- thí dụ như phương pháp quán niệm hơi thở, phương pháp thiền hành…- thì họ còn thực tập siêng năng hơn người Việt, do đó kết quả tiến bộ về tâm linh đạt được cũng nhanh chóng hơn.



Một đặc điểm nữa giúp cho các phương pháp thực tập của Làng Mai lan toả mạnh đó là vì chúng không mang nhiều màu sắc tôn giáo. Thực tập Hiểu và Thương, hay ăn cơm trong chánh niệm, hay quán chiếu sâu sắc sự thật về các hiện tượng trong cuộc sống… thì người thuộc tôn giáo nào cũng có thể thực hành được. Thiền Sư Nhất Hạnh luôn khuyên mọi người khi đến thực tập các pháp môn Làng Mai là hãy giữ lấy truyền thống tâm linh. Rời bỏ cội nguồn tâm linh có thể khiến cho con người dễ bị tổn thương, lạc lõng trong xã hội, cộng đồng của mình. Những ai đã từng đến Làng Mai vào dịp Giáng Sinh, Phục Sinh, sẽ thấy tăng thân ở đây cũng kỷ niệm mừng những ngày lễ này như người có đức tin Ki Tô. Thiền sư Nhất Hạnh hay chỉ ra những điểm tương đồng trong niềm tin giữa các tôn giáo khác nhau, để mọi người tin rằng dù ở truyền thống tâm linh nào, họ đều có khả năng tìm được sự bình an cho chính mình. Hoà bình với bản thân là điều quan trọng nhất. Làm được điều này, một cá nhân mới có thể có được bình an trong tâm hồn, rồi mở rộng lòng thương yêu đến với người khác. Hoà bình của một quốc gia, của toàn nhân loại đến từ hoà bình của từng cá nhân.



Sự kiện Thiền Sư Thích Nhất Hạnh được trao Giải Thưởng Hoà Binh Thế Giới của Thiên Chúa Giáo là một niềm vinh hạnh chung cho người Việt Nam. Nó cũng đem lại một thông điệp hoà bình, một niềm hy vọng mới đến với cộng đồng người Việt cả trong lẫn ngoài nước. Bởi vì hơn bao giờ hết, người Việt yêu hoà bình, tự do, công lý khắp nơi cần xích lại gần với nhau hơn, vượt qua những khác biệt về tôn giáo, ý thức hệ… để cùng nhau thực hiện một ước mơ chung: đem lại tự do, dân chủ, công lý cho quê hương Việt Nam.


Đoàn Hưng / SBTN
Nguồn: http://vedepphatphap.vn tổng hợp