menu_open
NSƯT Ploong Thiết: “Viên ngọc thô” của xứ Huế
Xem cỡ chữ:
Thiếu tá, NSƯT Ploong Thiết. Ảnh NVCC.
“Con đường đến với nghệ thuật, ngoài năng khiếu thiên phú, người học phải có môi trường cọ xát, rèn luyện để phát huy hết tố chất bên trong con người”, đó là chia sẻ của Thiếu tá, NSƯT Ploong Thiết
Thiếu tá, NSƯT Ploong Thiết. Ảnh NVCC.

“Viên ngọc thô” của xứ Huế

Thiếu tá, NSƯT Ploong Thiết (tên thật là Hồ Văn Thiết, người dân tộc Pa Cô, công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) sinh ra trong gia đình nghèo có 6 anh em, ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Để phụ gia đình mưu sinh, ngoài thời gian đi học Ploong Thiết tranh thủ giúp bố mẹ làm nương rẫy, chăn bò.

Theo lời kể của NSƯT Ploong Thiết, bố mẹ anh không được học hành đầy đủ, do vậy họ luôn mong muốn các con đi học để thay đổi cuộc đời. Cuộc sống khó khăn bữa no, bữa đói nhưng không bao giờ bố mẹ anh có ý định cho con bỏ học. Thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằn của gia đình, lên lớp 7 Ploong Thiết quyết tâm thi đậu vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện A Lưới.

Những ngày tháng học xa nhà, Ploong Thiết năng nổ tham gia các hoạt động đoàn, đội. Chính sân khấu nhỏ ở trường đã vun đắp đam mê ca hát trong anh. “Mỗi lần lên sân khấu tôi hát say sưa, đắm chìm trong những tràng pháo tay khích lệ của thầy cô, bạn bè”, Ploong Thiết chia sẻ.

NSUT Ploong Thiet
Thiếu tá, NSƯT Ploong Thiết sinh ra ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh NVCC.

Lên cấp 3, Ploong Thiết trúng tuyển vào Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thừa Thiên Huế. Với giọng hát truyền cảm lên lớp 11 anh được nhà trường chọn tham dự “Cuộc thi văn hóa thể thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Thanh Hóa. Trong cuộc thi, Ploong Thiết đã hát bài “Miền Trung nhớ Bác” và tạo được ấn tượng cho ban giám khảo. Năm đó, anh giành giải nhất.

Ploong Thiết nhớ lại: “Sau khi thi xong, cố nhạc sĩ An Thuyên hỏi tôi có muốn theo con đường ca hát chuyên nghiệp không? Nếu có, cuối cuộc thi đến thử giọng một lần nữa. Lúc tôi đến có rất nhiều bạn đang chờ thử giọng nên tôi không kỳ vọng mình sẽ được chọn.

Sau đó tôi về quê, không còn nhớ gì về buổi thử giọng. Mấy tháng trôi qua, khi đang chăn bò trên đồi, anh trai cầm giấy trúng tuyển chạy lên báo. Lúc đó hai anh em ôm nhau ăn mừng”.

Để có tiền đi nhập học, Ploong Thiết quyết định bán chiếc xe đạp, thứ giá trị nhất mà bố mẹ dành dụm mua cho anh hồi còn học ở trường nội trú. Ngày đi nhập học, ngoài mấy bộ quần áo cũ bạc màu cùng số tiền ít ỏi là 70 nghìn đồng một mình anh bắt xe từ Huế ra Hà Nội. Trên xe, anh cầm tờ giấy báo nhập học hỏi những người đi cùng chuyến xe đó có ai biết Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Quân đội không? “May sao có một anh tên Tèo sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải cũng người Huế đã tận tình dẫn tôi đi nhập học”, Plong Thiết kể lại.

Ploong Thiết thuộc diện xét đặc cách vào trường do vậy, trước khi vào học chương trình Trung cấp phải học một năm dự bị. Thời gian đó, anh được học kiến thức cơ bản về âm nhạc, định hướng chuyên ngành. Anh kể: “Bạn bè trong lớp không chỉ hát tốt mà còn biết chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Còn tôi, ngoài giọng hát trời phú, không biết chơi một loại nhạc cụ nào. Không ít lần anh được bạn bè, thầy cô khuyên nên chuyển hướng học sư phạm.

Gia đình khó khăn học sư phạm không mất học phí nhưng tiền sinh hoạt phí, tiền trọ hàng tháng sẽ lấy từ đâu? Cũng từ đó, tôi nỗ lực, rèn luyện ngày đêm. Có những hôm luyện tập trắng đêm. Kết thúc một năm dự bị, tôi hoàn thành tốt các phần thi. Năm 2000 chính thức được phân học hệ trung cấp thanh nhạc của Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Quân đội”.


Thiếu tá, NSƯT Ploong Thiết tên thật là Hồ Văn Thiết, người dân tộc Pa Cô. Ảnh NVCC.

Năm 2015 Ploong Thiết vinh dự được phong danh hiệu NSƯT

Miệt mài, bền bỉ rèn luyện năm 2002 Ploong Thiết mạnh dạn đăng ký tham dự cuộc thi “Tiếng hát Truyền hình Hà Nội lần thứ V” và giành giải ba. Thừa thắng xông lên, năm 2003 Ploong Thiết tham gia giải “Sao mai” và đoạt giải Nhì với ca khúc dân ca Pa Cô “A Miêng ơi”. Sau cuộc thi đó được công chúng biết đến, dành cho anh tên gọi mới A Miêng thay vì Ploong Thiết”.

Năm 2005, tốt nghiệp Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), anh được trường phân về Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Năm 2015 Ploong Thiết vinh dự được phong danh hiệu NSƯT.

Sau gần 20 năm khoác trên mình bộ quân phục Thiếu tá, NSƯT Ploong Thiết đã mang tiếng hát đi khắp muôn nơi từ biên giới đến hải đảo hay các chuyến lưu diễn ở nước ngoài để quảng bá văn hóa, tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương, con người Việt Nam.

Những thành tích đã đạt được trong sự nghiệp của Thiếu tá, NSƯT Ploong Thiết:

Năm 2000: Huy chương vàng hội diễn ca múa nhạc toàn quân năm. Năm 2001: Giải đặc biệt hội thi các trường nghệ thuật toàn quốc tại Huế. Năm 2002: Huy chương bạc hội diễn ca múa nhạc toàn quân 2002. Năm 2002: Giải Ba Tiếng hát Truyền hình Hà Nội. Năm 2003: Giải 2 Sao Mai. Nhiều ca khúc đạt huy chương vàng, bạc hát cho nhạc múa trong các hội diễn ca múa nhạc toàn quốc. Năm 2015: được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

Ngô Chuyên