menu_open
Khắc bia một bài Ca Huế
Xem cỡ chữ:
Năm 2016, Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế tròn 710 năm hình thành và phát triển, kể từ năm 1306 diễn ra mối tình giữa công chúa Huyền Trân nước Đại Việt với vua Chế Mân Chiêm Thành.

Nhân tròn 710 năm mốc thời gian lịch sử ấy, tôi xin có ý kiến như sau. Cuộc tình duyên của công chúa Huyền Trân là một sự kiện lịch sử. Nhiều khách văn chương đã lấy đề tài này sáng tạo tác phẩm. Trong số đó có bài Ca Huế theo điệu Nam Bình của tác giả Võ Chuẩn “Nước non nghìn dặm” rất nổi tiếng.

Ông Võ Chuẩn người Hương Thủy, Thừa Thiên Huế là con Thượng thư Bộ Lễ Võ Liêm. Ông Võ Chuẩn từng giữ chức Tổng đốc Quảng Nam. Theo nhà nghiên cứu, nhà báo Dương Phước Thu, tác giả Võ Chuẩn viết “Nước non nghìn dặm” vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XX. Nam Bình là một bài bản “lớn” rất có giá trị của Ca Huế, lại được chắp cánh bằng một lời thơ - ca “để đời” về một mối tình nổi tiếng trong lịch sử. Có thể nói, những cái “nổi tiếng” ấy kết tinh lại làm cho bài Ca Huế “Nước non nghìn dặm” trở thành bất hủ. Bài ca như sau:

NƯỚC NON NGHÌN DẶM

Nước non nghìn dặm ra đi
Cái tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô- Ly
Đắng cay vì
Đương độ xuân thì

Độ xuân thì
Cái lương duyên hay là nợ duyên gì
Má hồng da tuyết
Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết
Vàng lộn theo chì
Khúc ly ca sao còn mường tượng nghe gì!
Thấy chim hồng nhạn bay đi
Tình lai láng, bóng dương hoa quỳ...
Dặn một lời Mân quân
Nay chuyện đã như nguyện
Đặng vài phân
Vì lợi cho dân
Tình đem lại mà cân
Đắng cay muôn phần...!


                                Võ Chuẩn

Tưởng nhớ công lao tiền nhân, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân ở phường An Tây (thành phố Huế). Chúng tôi nghĩ, bài “Nước non nghìn dặm” nên được khắc bia đá, dựng ở Trung tâm văn hóa Huyền Trân, cụ thể ở khu vực đền Huyền Trân. Bài ca cũng nên được dàn dựng thành tiết mục phát thanh, truyền hình để phát ở khu vực đền, khách đến viếng tâm hồn càng lắng đọng bởi âm điệu và lời ca điệu Nam Bình thâm trầm, man mác....

Theo Minh Khiêm