menu_open
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản quốc gia Ca Huế
Xem cỡ chữ:
Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản vốn có của ca Huế sau khi được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đang là bài toán nan giải.



Ca Huế là một nét văn hóa độc đáo của vùng đất cố đô được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, để ca Huế phát huy được giá trị di sản vốn có thì vẫn đang là bài toán nan giải.

Hơn 3 thập kỷ qua, hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương đã trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách khi đến thăm Cố đô Huế. Tuy nhiên, do nhu cầu phục vụ đại chúng nên Ca Huế trên sông Hương dần biến dạng, những bản cổ của Ca Huế như: “Quả phụ”, “Nam Xuân”, “Nam Ai”, “Phú Lục”, “Tứ Đại Cảnh”… gần như vắng bóng. Thay vào đó, đa số các nghệ sĩ, nhạc công trình diễn các làn điệu dân ca, điệu lý, hò… dẫn đến việc biến dạng hình thức diễn xướng Ca Huế cổ truyền.




Ca Huế

Nghệ sĩ Ca Huế Thu Hiền, có 20 năm trình diễn Ca Huế trên sông Hương trăn trở: “Từ trước đến nay, tiền đi diễn Ca Huế của anh chị em nghệ sĩ rất thấp, mức sống khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn hành nghề để giữ cho Ca Huế phát triển. Cũng mong anh chị em nghệ sĩ phải nghĩ cách cải thiện chất lượng để khách đến nghe Ca Huế ngày càng nhiều”.

Khi Ca Huế được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia hồi tháng 6 vừa rồi, việc bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế được quan tâm. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đối với Ca Huế trong giai đoạn hiện nay đó là làm thế nào để loại hình nghệ thuật này ngày càng thu hút được giới trẻ, trong khi những nghệ nhân Ca Huế gạo cội như: Minh Mẫn, Thanh Lương, Kim Vàng… đã tuổi cao sức yếu.

Ở Huế, hiện có hai đơn vị đào tạo các chuyên ngành về Ca Huế là trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Huế và Học viện Âm nhạc Huế, trực tiếp đào tạo nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công kế cận cho nghệ thuật Ca Huế.

Nghệ sĩ Võ Quê cho biết, để thực sự hội nhập và đón nhận một cách sâu rộng cũng cần soạn thêm lời mới cho Ca Huế được phong phú: “Hình ảnh của Ca Huế trên dòng sông Hương với Ca Huế thính phòng phòng đang đi vào trong tâm thức của nhiều người. Vì vậy, cũng cần có sự hội nhập trong lời ca với nội dung bài bản. Nhất là những bài bản lớn của Ca Huế, rất cần những nội dung mới để có sự định hình, góp phần bảo tồn cũng như sự phát triển cái loại hình nghệ thuật Ca Huế”.

Ở Huế có trên 400 nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công tham gia biểu diễn Ca Huế phục vụ du khách trên sông Hương. Mới đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành quy định, mỗi chương trình biểu diễn Ca Huế phải dài ít nhất 60 phút trở lên, phải có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại đàn thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu và sáo; 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn, 8 diễn viên và nhạc công đối với thuyền đôi...

Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay: Do dịch vụ biểu diễn có hạn nên các làn điệu Ca Huế mang tính hàn lâm, bác học hay các bài Ca Huế kinh điển không thể nào đưa lên thuyền rồng để phục vụ du khách. Hơn nữa, do quá trình đào tạo chóng vánh nên nhiều diễn viên Ca Huế trẻ không thể hát được các làn điệu cổ...

Ông Cao Chí Hải cho rằng, đưa ca Huế trở lại không gian thính phòng là giải pháp tốt nhất để bảo tồn và phát huy giá trị ca Huế: “Ca Huế hiện nay được công nhận là Di sản quốc gia rồi thì phải cố gắng để ngày càng nâng cao chất lượng biểu diễn Ca Huế trên sông Hương phục vụ khách du lịch. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch phối hợp với thành phố, các câu lạc bộ để tiếp tục phục hồi lại Ca Huế thính phòng trong các phủ đệ, trong các nhà vườn tạo thành sản phẩm rất độc đáo, gắn kết với hoạt động du lịch”.

Trước những thách thức đặt ra cho Ca Huế, hiện các ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đang gấp rút tổ chức sưu tầm, tập hợp tài liệu các bài Ca Huế cổ, tổ chức các hội đồng thẩm định để nâng cao chất lượng Ca Huế trên sông Hương. Đặc biệt, là vinh danh các nghệ sĩ, nghệ nhân có công gìn giữ, biểu diễn và truyền bá Ca Huế, nhằm góp phần tôn vinh, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo của đất Cố đô./.