Bàn thờ trong gia đình Huế. Ảnh: Bảo Đàn
Thật ra, mọi tập tục, trở thành tập quán, đều được định hình và chi phối đời sống của con người suốt cả quá trình dài, nên để nhìn nhận hay kết luận nó, cũng cần có cái nhìn xâu chuỗi có hệ thống và với thiện chí của một “người trong cuộc”. Có như vậy, Huế mới thực sự gần gũi mà vẫn không kém phần sang trọng, sâu sắc đến tinh tế, đúng tinh thần cốt lõi của Tết Huế, đã nói lên rất rõ điều đó: yếu tố gia tiên trong văn hóa gia tộc.
Dưới thời phong kiến Nho giáo phụ quyền, Huế trong vai trò là kinh đô của đất nước dưới thời Nguyễn, đương nhiên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được đặc biệt coi trọng, đến mức nâng lên thành đạo: Đạo thờ cúng tổ tiên. Ở đây, điểm đáng chú ý là những giới hạn phạm vi quan trọng trong khái niệm thờ cúng và tổ tiên, bởi hệ giá trị nhân văn nổi bật được nhân sinh quan của người xưa gói ghém, thể hiện một cách sâu xa, đầy triết lý nhưng cũng rất thực tế qua phong tục tập quán, sinh hoạt thường nhật. Có thể nhận thấy, khái niệm tổ tiên không chỉ dành riêng cho người đã khuất (thờ cúng, lăng mộ, giỗ chạp) mà cao cả hơn, chính là cho người đang sống (chăm lo phụng dưỡng). Chính chức năng hương hỏa trở nên tối quan trọng, là sợi dây, trụ cột nối kết mọi thành viên, mọi không gian, mọi thế giới trong gia đình..., tạo nên phong khí, phong hóa, sức sống đặc trưng. Từ đó, mới có thể mở rộng ra, nối kết giữa gia đình và xã hội - tạo lập kết cấu nền tảng bền chặt.
Nhà vườn Huế nhìn từ bên ngoài. Ảnh: Vĩnh Khánh
Do đó, gia đình mới thực sự là tế bào của xã hội. Có thể thấy, cộng đồng dòng họ huyết thống trở thành yếu tố then chốt trong quá trình mở cõi về Nam, hình thành nên làng xã Việt ở miền Trung. Các triều đại chúa Nguyễn, rồi vua Nguyễn rất chú trọng tới vai trò của cộng đồng gia tộc, tất cả đều được điển chế hóa trên phương diện pháp lý cũng như vận hành phổ biến trong đời sống xã hội luân lý, chi phối sâu rộng trong đời sống người dân, cho đến hiện nay.
Thông qua việc thực hành đạo thờ cúng tổ tiên, mọi thành viên gia tộc luôn nỗ lực hết mình để “tu thân”, “tề gia”, bồi bổ, làm rạng danh gia tộc theo hướng “vinh danh” - tạo phước, tránh nguy cơ làm “ô danh” - tạo nghiệp chướng, vô phước theo ngôn ngữ nhà Phật. Gia pháp, gia qui... dần dần được hình thành, tạo dựng nên phong khí, gia phong đặc trưng của từng gia tộc. Từ cầu nối cửa ngõ, bình phong ở bên ngoài, những khát vọng đó đã được biểu tượng hóa cao nhất, thiêng liêng nhất qua vấn đề hương hỏa bên trong: bát hương - bài vị trên bàn thờ gia tiên, ở nhà trên, gắn liền với người đàn ông và bếp lửa - trang bếp của người phụ nữ, ở nhà dưới. Không gian nhà trên - nhà dưới gắn liền với bát hương - bếp lửa, có sự phân định rõ ràng, chi tiết đến khắt khe, nghiệt ngã bởi định chế hương hỏa, tạo nguồn lực vĩnh cửu nối kết mọi thành viên đại gia đình, tạo nên sức sống của gia tộc. Hương hỏa trở thành vấn đề then chốt trong việc nghiên cứu mô hình đại gia đình phụ quyền - danh gia vọng tộc, văn hóa dòng họ, tín ngưỡng khai canh khai khẩn… Nhờ đó, mới có cơ sở nhấn mạnh dấu ấn, hệ giá trị đặc trưng và khả năng kế thừa, phát huy giá trị, bước chuyển lịch sử v.v…, trong việc nghiên cứu đại gia đình, văn hóa dòng họ truyền thống Huế.
Tổ tiên đã khuất hiện diện thường trực trong gia đình thông qua những điểm thiêng giàu tính biểu tượng là bài vị - di ảnh - bát hương trên bàn thờ, ở chính gian giữa của ngôi nhà, để chứng nhận thành tựu (vinh danh) cũng như giám sát những sai sót (ô danh) của con cháu đang sống. Do đó, trước bàn thờ gia tiên, việc hiếu thiết thực trợ lực cho tư tưởng khuyến thiện - khuyến nghĩa, đồng thời với việc răn/ngăn ác, có chức năng dục và mang đậm tính nhân văn. Đặc biệt là trong quan niệm nhân sinh truyền thống Huế, tổ tiên đã khuất thực sự chỉ được cấp “giấy phép” từ thế giới bên kia để “về nhà” trong hai đại lễ là ngày giỗ và những ngày Tết.
Kể từ ngày 23 tháng Chạp, sau khi đã tiễn đưa ông Táo về Trời báo cáo gia đạo trong năm qua, gia đình người Huế mới tập trung dọn dẹp, quét tước, sửa sang bàn thờ, nhà cửa, nhất là thay bát nhang và chuẩn bị phẩm vật để cúng tế, sinh hoạt trong những ngày Tết. Lễ cúng tất niên mang hai ý nghĩa chính yếu: (1) là lễ tạ ơn thổ thần, chư vị thần linh và tổ tiên đã phò trợ gia đạo an lành, hanh thông trong năm; (2) chính thức mời tổ tiên đã khuất về ngự trên bàn thờ gia tiên để cùng “ăn Tết” với cháu con.
Tổ tiên hiện diện chính thức trên bàn thờ từ ngày cúng Tất niên, thường là ngày cuối năm, cho đến ngày Cúng Cộ Đưa (khoảng mồng 2, mồng 3 hoặc mồng 4 Tết, tiễn đưa ông bà đã khuất “lên đường”) nên con cháu “có hiếu” cũng phải thường trực để hầu hạ cơm nước chu toàn như lúc sinh thời: mâm cơm, bánh trái, trà nước ba bữa đầy đủ. Trong khoảng thời gian này, mọi thành viên trong gia đình chỉ được phép tập trung giải quyết quan hệ huyết thống, như viếng mộ tổ tiên, bái lạy từ đường, chúc phúc các bậc trưởng thượng, mừng tuổi cháu con. Sau Cộ Đưa, đã xong quan hệ huyết thống, mới mở rộng ra quan hệ cận cư láng giềng, bằng hữu, đồng nghiệp v.v...
Đến đây, tập quán Huế mới cho phép mọi người ra khỏi nhà, người Huế mới thực sự mang Tết Huế ra ngoài cửa ngõ.
Trần Đình Hằng