Khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 - năm 2019 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt", tối 26/4/2019. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Gốm Hương Sa so dáng gốm Phước Tích
Trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2019, công chúng và khách du lịch có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm Hương Sa, lần đầu tiên được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ (số 1 Phạm Hồng Thái) từ tối 27/4 kéo dài cho đến hết 2/5. Sản phẩm gốm là sự kết hợp của các nghệ nhân thiết kế XQ, những bàn tay vàng của nghệ nhân gốm Bát Tràng, từ phù sa sông Hương kết tinh văn hóa giữa hai vùng đất Cố đô Huế và Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Gốm Hương Sa được các ông Võ Văn Quân - Tổng Giám đốc XQ Việt Nam và ông Nguyễn Trung Thành - Tổng Giám đốc Tập đoàn Gốm Gia tộc Việt cùng nhau tạo lập nên. Để hình thành nên ý tưởng này, ông Võ Văn Quân, Tổng Giám đốc XQ Việt Nam cho biết: Dòng Hương bắt nguồn từ đại ngàn Trường Sơn, cuốn theo những hạt phù sa cùng dòng nước thơm của cây Thạch xương bồ đã tạo nên dòng Hương Giang huyền thoại, cùng núi Ngự Bình trở thành biểu tượng của vùng đất Cố đô Huế. Từ những sự tinh túy đó, ông luôn trăn trở là phải có một sản phẩm hữu hình có được linh khí của dòng Hương giang hội tụ... Và gốm "Hương Sa" hình thành từ đó.
Những ưu điểm mà gốm Hương Sa vượt trội hơn các dòng sản phẩm gốm khác đó là đa dạng về mẫu mã, được thiết kế bởi một ý tưởng riêng biệt. Bên cạnh đó, loại đất để tạo ra gốm Hương Sa nhẹ hơn nhiều so với sản phẩm khác, ông Nguyễn Trung Thành, Tổng Giám đốc Tập đoàn Gốm Gia tộc Việt cho biết thêm. Dịp này, cùng với việc trưng bày, còn có cuộc thi chế tác gốm Hương Sa với sự tham gia đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước nhằm tìm ra được những người làm ra sản phẩm đẹp mắt, hoàn thiện để trao giải.
Bên cạnh đó, đến với Festival Nghề truyền thống năm nay, gốm Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc quê hương. Phước Tích vốn được biết với nghề gốm hơn 500 tuổi, từng là sản phẩm nổi tiếng khắp miền Trung với những sản phẩm gia dụng như chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống… Các sản phẩm gốm truyền thống nay được đa dạng hóa mẫu mã cũng như họa tiết để phục vụ lễ hội, thu hút du khách gần xa.
Đến với không gian trưng bày gốm Phước Tích, khách tham quan còn được trải nghiệm nghề làm gốm. Dưới bàn tay khéo léo và tài nghệ của các nghệ nhân, gốm Phước Tích trở nên nổi tiếng bởi độ bền và tinh xảo, mang nét đẹp dân dã của làng quê Việt.
Những sắc màu thổ cẩm
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm dệt zèng của Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Trong nhiều gian trưng bày tại Festival Nghề truyền thống 2019, không gian dành cho trưng bày sản phẩm thổ cẩm được du khách trong và ngoài nước đặc biệt chú ý. Đây vốn là những nghề truyền thống đặc sắc cần lưu giữ, phát triển. Tại đây có nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc được trưng bày, biểu diễn, từ những làng lụa nổi tiếng trong cả nước như, Lụa Thái Nam Nha Xá, Lụa Vạn Phúc, Đũi Nam Cao, Lụa Bảo Lộc, Vietnam Silk House…
Không chỉ có những cái tên quen thuộc, du khách còn được tận mắt nhìn thấy những loại thổ cẩm thuộc dạng hiếm, lần đầu tiên tham dự Festival Nghề truyền thống như, trang phục truyền thống của người K’ho và người Châu Mạ. Đây là hai trong số ít tộc người vẫn còn bảo lưu được nhiều nét độc đáo trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Chỉ bằng những bộ khung dệt làm bằng thanh gỗ, thanh tre hay những ống lồ ô, người K’ho, Châu Mạ đã tạo ra những sản phẩm thổ cẩm nhiều màu sắc, đẹp mắt với nhiều công dụng như tấm đắp, khố, váy, túi xách, những đồ dùng trang trí…
Những người phụ nữ nơi đây là những kỹ thuật viên điêu luyện trong lĩnh vực tạo sắc màu nhuộm chỉ và dùng chủ yếu các nguyên vật liệu sẵn có tại nơi mình sinh sống. Bằng các loại vỏ, quả, lá và củ cây rừng, họ có thể pha chế ra các màu trên vải dệt truyền thống như đen, đen chàm, đỏ, vàng, trắng, xanh… Qua bàn tay tài hoa của họ kết hợp với một số bí quyết tích lũy tự bao đời đã tạo ra những cuộn chỉ dệt chất lượng cao, màu không lây sang quần áo khác khi giặt, trải qua đôi mươi mùa rẫy mà thổ cẩm vẫn giữ được sắc màu nguyên thủy.
Thông qua tấm vải dệt, người phụ nữ K’ho, Châu Mạ đã gửi gắm tâm hồn, tình cảm cũng như sự cảm nhận thế giới tự nhiên vào từng sản phẩm thổ cẩm. Đến với Festival Nghề truyền thống 2019, vẻ đẹp của thổ cẩm K’ho, Châu Mạ được tôn vinh, giới thiệu tại Không gian Lụa và Thổ cẩm tại địa chỉ số 15 Lê Lợi (Trung tâm Văn hóa Phương Nam cũ). Hy vọng rằng, qua Festival Nghề truyền thống Huế, vẻ đẹp của nghề dệt thổ cẩm của người K’ho, người Châu Mạ được nhiều người biết đến hơn và tiếp tục phát triển trong tương lai.
Độc đáo sản phẩm từ Sen
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm lụa từ tơ cây sen của nghệ nhân đến từ Hà Nội. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Nổi lên như một "hiện tượng", những sản phẩm từ sen của anh Nguyễn Thanh Thảo (phường Hương Sơ, thành phố Huế) luôn nhận được sự yêu thích từ du khách trong và ngoài nước, nên nhanh chóng tìm được "chỗ đứng" trên thị trường. Những cây sen đang được anh Thảo ươm kĩ càng để đảm bảo độ “tươi” lâu nhất khi trang trí ở Không gian sen. Đó cũng là một cách hay để đưa hương sen thật, “tinh hoa” của sen vào Festival.
Nguyễn Thanh Thảo cho biết, ngoài sen tươi trồng trong chậu, anh còn mang nhiều sản phẩm, tác phẩm làm từ sen đến Festival Nghề truyền thống 2019, nhưng chủ đạo, đặc trưng nhất vẫn là nón lá sen. Cách làm của anh thiên về hơi hướng nghệ thuật, mỗi tác phẩm sen được làm ra là một câu chuyện bình dị, liên quan đến những nét văn hóa xa xưa, cội nguồn của Huế, của dân tộc Việt; là nghệ thuật trình diễn sen dưới nhiều hình thức. Ngoài ra, còn có màn trình diễn viết thư pháp trên lá sen…
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có trên 200 ha diện tích trồng sen, chủ yếu được trồng trong các hồ, trong đó nhiều nhất là sen trắng. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, chàng trai xứ Huế, Nguyễn Thanh Thảo đã tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng sen vào làm hàng lưu niệm, như: tranh sen, nón lá sen. Sản phẩm mới của anh trưng bày trong Không gian sen tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 luôn thu hút đông đảo công chúng và du khách bởi tính sáng tạo và độc đáo.
Không dừng lại ở chiếc nón lá sen, Thảo tiếp tục mày mò để chế tác ra nhiều đồ thủ công mỹ nghệ từ lá sen, đó là những chiếc tráp đựng trang sức, bình hoa trang trí lá sen đến những chiếc đèn lồng, quạt, tranh lá sen.
Nguyễn Thanh Thảo cho biết, những mặt hàng của anh được rất nhiều du khách ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ưa chuộng, một số chủ doanh nghiệp ở Thái Nguyên còn đặt anh làm ra hộp đựng trà trang trí lá sen; thậm chí còn đề nghị anh cung cấp sản phẩm từ lá sen sang bán cho người Thái. Lô hàng đầu tiên là 45 chiếc nón lá sen cùng nhiều bình hoa, tranh lá sen đã giúp Thảo mở đường bước đi đầu tiên để sản phẩm của mình đến với Thế giới.
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm Hoa sen giấy của Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Bên cạnh đó, Làng nghề truyền thống Hoa giấy Thanh Tiên (thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) mang đến Festival Nghề truyền thống Huế năm 2019 các sản phẩm hoa sen làm từ giấy. Nghệ nhân Thân Văn Huy, người đã có hơn 50 năm kinh nghiệm làm hoa giấy cho biết, để làm được cành hoa, người thợ phải chuẩn bị các công đoạn từ mấy tháng trước khi Huế vào mùa mưa. Ngay từ tháng 7 âm lịch, cơ sở đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Hiện cơ sở trưng bày gần 3.000 sản phẩm tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019.
Sản phẩm hoa sen giấy Thanh Tiên ngày càng được quảng bá rộng rãi và tạo nên thương hiệu trong và ngoài nước. Những màu sắc rực rỡ mà giản dị của hoa giấy Thanh Tiên không chỉ tô đẹp thêm văn hóa nơi đây mà còn thể hiện nét độc đáo của con người xứ Huế...