menu_open
Lễ tế giỗ tổ ngành Tuồng
Xem cỡ chữ:
Lễ tế giỗ tổ ngành Tuồng được xếp vào loại hình lễ hội ngành nghề truyền thống, được tổ chức vào giữa tháng 3 và tháng 7 Âm lịch tại Thanh Bình từ đường.
Địa chỉ: Thanh Bình từ đường (281 Chi Lăng, Tp. Huế)
Thời gian hoạt động: Kỳ Xuân tế (15 tháng 3 Âm lịch) và Thu tế (5 tháng 7 Âm lịch) hàng năm
Lịch sử hình thành:

Tuồng là một nghệ thuật đã có thời vàng son ở Huế. Lễ tế Tổ là một nghi lễ quan trọng được tổ chức hằng năm tại Thanh Bình từ đường.

Thanh Bình từ đường ở ngoài kính thành, ở phường Phú Hiệp hiện tại (gần chợ Dinh, từ cầu Gia Hội, dọc theo đường Chi Lăng đi xuống khoảng 1km). Đây là nhà thờ Tổ hát tuồng lớn nhất của nước ta, được trùng tu vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823), chưa rõ xây dựng năm nào.

Nhà thờ tổ Thanh Bình là cơ sở phụng thờ chính thức được triều đình nhà Nguyễn công nhận (hiện vẫn còn ngọc sắc của triều đình).

Bài vị ông tổ ngành tuồng được sắp xếp trong từ đường trên các bệ thờ phía trong. Bài vị các thánh, các thần chia ra như sau:

Chính giữa: Tổ sư chi vị, Thánh sư chi vị, Thiên sư chi vị.

Tả: Quan Thánh đế quân, Chư Tiên liệt vị, Thái Thượng lão quân, Tề Thiên đại thánh, thiên tiên, địa tiên.

Tả ban: Lão lang đại thần, Đông trừ Tư mệnh.

Hưu: Lục Giáp - Lục Đinh, Thánh Nương vương mẫu, Cửu Thiên huyền nữ, Chức Ngọc tiên bà, thập nhị nương nương.

Hữu ban: Cao Các đại vương, Thổ địa chính thần. Dân gian Huế còn truyền tụng Đào Duy Từ và Càn Cương hầu là hai thầy dạy nghề tuồng. Nhưng tìm các bài vị trong từ đường chỉ có tên Càn Cương hầu, không thấy tên Đào Duy Từ.

Càn Cương hầu lả một con hát người Tàu, được vua Minh Mạng mời qua Việt Nam dạy tuồng trong cung đình. Ông là người dạy điệu hát Bắc (hay hát khách), nên mả của ông, dân gian gọi là mả ông hát khách.

Đào Duy Từ vốn là con ông Đào Tá Hán, một kép hát ở đất Thanh Hóa, vì vậy không được đi thi. Ông bất bình, vào Nam giúp chúa Nguyên Phúc Nguyên lập Hòa Thanh Thự để đẩy ca, vũ và nhạc. Ông soạn các điệu múa cung đình. Tương truyền ông dạy hát tuồng ở Bình Định trước khi ra Huế giúp chúa Nguyễn.

Qua bài vị thờ và truyền thuyết ta thấy có nhiều vị được ngành tuồng tôn thờ như là Tổ sư. Trong văn bản hát thất kích, lại có những câu khẳng định Tổ hát bộ (bội) thờ ở từ đường Thanh Bình là Phật Mục Kiền Liên.

Ngoài ra, truyền thuyết "ông làng" còn cho ta biết ông Tổ ngành tuồng là một ông Hoàng nhỏ tuổi, trốn đi xem hát, ngồi trên dàn tre chung với dân chúng, dàn gãy đè hoàng tử chết. Hồn của hoàng tử cứ vấn vương theo các gánh hát để phù hộ các nghệ sĩ. Họ thờ ông rất trịnh trọng. Hoàng tử thích hương thơm của trái thị nên gánh hát cấm đem thị vào trong rạp, sợ ông Hoàng mê thị sẽ bỏ gánh hát mà đi, diễn viên sẽ không hát được.

Nét đặc trưng:

Hằng năm, hai dịp tế Tổ ngành tuồng được cử hành trong kỳ Xuân tế (15 tháng 3 Âm lịch) và Thu tế (5 tháng 7 Âm lịch). Mỗi kỳ tế kéo dài 3 ngày. đó là lễ tế bình thường. Nếu có tổ chức hát thất kích và múa chèo lễ đại đàn thì buổi lễ phức tạp hơn. Đó là hình thức Đại lễ tế tổ, 3 năm tổ chức một lần vào rằm tháng 7 tùy theo điều kiện cho phép:

Đại lễ tế Tổ gồm:

- Ngày lễ trình hay ngày chuẩn bị.

- Ngày chính tế, gồm có lễ tế và hát thất kích và múa chèo lễ đại đàn.

- Ngày lễ tạ hay ngày thu dọn.

Năm nào có đại lễ các phường, gánh hát quanh vùng đều được báo từ nhiều tháng trước để sắp xếp công việc và sắm lễ vật, tiền nong quyên cúng, mỗi gánh thường mang về từ đường những miếng trò hay, những làn điệu sở trường mới mẻ được sáng tác trong những năm qua để trình diễn trước Tổ. Phần việc của ngày lễ trình và lễ tạ chủ yếu thuộc về ban tổ chức. Ngày tế và múa hát đại đàn mới thực sự là phần việc chung của tất cả mọi người.

Nghi thức đại lễ diễn ra ở cả ngoài sân và trong từ đường suốt cả ngày với 3 phần:

- Lễ tế

- Hát thất kích

- Múa chèo lễ đại đàn.

1. Lễ tế:

Diễn ra ở gian giữa Từ đường, từ hiên ngoài đến bệ thờ trong cùng. Các nghệ nhân đóng vai quan viên tế đều mặc theo phẩm phục nghi lễ Khổng giáo chỉnh tề, sắp hàng đứng hai bên. Các chiếu giữa dành cho chủ tế và hai bồi tế. Ngoài sân sắp đầy đàn, quạt, lọng, cờ cùng chiêng to, trống lớn treo trên các giá. Dàn nhạc bát âm đứng tập trung ở hiên gian trên trái. Các nhạc công mặc lễ phục dân tộc cổ truyền. Cửa các từ đường mở rộng, các cánh được tháo ra. Bàn thờ nào cũng khói hương nghi ngút, đèn nến sáng choang, hoa quả sắp đầy. Bàn thờ giữa ngày trước là lễ Tam sinh (trâu hoặc bò, dê và heo) nay thay bằng heo, gà, vịt. Cửa các khám nhỏ trong có các tượng ông làng đều mở cánh.

Phần sân sát thềm hiên giữa có một hương án trên để trâu, rượu, chè để rước dâng lên bàn thờ Tổ lúc tế. Còn lễ vật của các nơi đưa đến được ban tổ chức tiếp nhận bày vào các bàn thờ trong nhà.

Số người đứng lễ gồm có:

- Một chủ tế và hai bồi tế

- Hai xướng tế

- Bốn dẫn lễ

- Hai nghinh lễ (đứng trong dẫn lễ đặt lên bàn thờ)

- Một đọc chúc văn (văn tế)

- Hai người đánh trống chiêng cùng dàn nhạc bát âm.

Tiến trình hành lễ: Bắt đầu buổi lễ, ông Chủ tế đánh ba hồi ba tiếng trống cái. Các quan viên, nhạc công ai vào chỗ nấy.

Hai ông xướng lễ lần lược xướng lên các tiết lễ để các quan viên thực hiện. Lời xướng bằng tiếng Hán gồm:

- Chấp sự giả. các tư kỳ sự: Tất cả mọi người đều lo đến công việc của mình.

- Củ soát tế vật: Chủ tế bước vào từ đường kiểm tra lần cuối các lễ vật để cúng tế.

- Khởi chiêng cổ: Đánh chiêng trống.

- Nhạc sanh khởi nhạc: Ban bát âm khởi sự hòa tấu.

- Chủ tế tựu vị: Người chủ tế bước vào chiếu dưới

- Bồi tế tự vị: hai người bồi tế bước vào hàng của mình.

- Nghệ quán tẩy sở: Chủ tế đến bên thau nước.

- Quán tẩy, thuế cân: Người chủ tế rửa tay, rồi lấy khăn ở giá lau tay

- Chủ tế tại vị : Người chủ tế ở lại vị trí của mình.

- Nghệ hương án tiền: Chủ tế và hai bồi tế bước lên trên chiếu.

- Quỳ: Chủ tế quỳ xuống

- Giai quỳ: hai bồi tế cùng quỳ.

- Phần hương: Hai dẫn lễ mang lư trầm và trầm vào cho chủ tế bỏ trầm và lư (nhỏ), xong chủ tế bưng khay có lư trầm vái 1 vái rồi trao cho đàn lễ.

- Thượng hương: Hai người dẫn lễ bưng khay đựng lư hương vào từ đường, hai ông nghinh lễ nhận hương dâng lên.

- Phủ phục: cúi xuống để lạy.

- Hưng: Đứng dậy.

- Bái: lạy xuống

- Bình thân: Đứng thẳng, ngay ngắn

- …

- Hành sơ hiến lễ: Lễ dâng rượu lần thứ nhất

- …

- Tiến tửu: Hai dẫn lễ mang rượu và ly không vào quỳ cho chủ tế làm như phần hương.

- Hiến tửu: Hai dẫn lễ dâng rượu như dâng hương.

- …

- Nghệ đọc chúc vị: Người đọc chúc văn bước vào bàn để chúc văn.

- Độc chúc: Đọc văn tế.

- …

- Hành á hiến lễ: Dâng lễ lần thứ hai.

- …

- Hành chung hiến lễ: Dâng rượu lần cuối.

- …

- Hiến trà: Hai ông nghinh lễ ra dâng trà.

- …

- Phân ban: Chủ tế và bồi tế lui ra hai hên để cho những người tham dự vào lễ.

- …

- Phục vị: Chủ tế và hai bồi tế trở lai vị trí cũ.

- Đệ chúc văn, kim, ngân: Những người nghinh lễ và dẫn lễ bưng chúc văn, vàng, bạc và đồ giấy ra sân trước để đốt.

- Nghệ liệu sở, vọng liệu: chủ tế và bồi tế hướng nhìn về phía sân xem người ta đốt chúc văn và vàng bạc...

- Phục vị: Trở về vị trí cũ.

- Lễ tết: Lễ xong.

Một tiết lễ, chủ tế và bồi tế đều nhất nhất làm theo lời người xướng lễ.

Dàn nhạc chỉ cử trong từng tiết lễ. Bản nhạc dùng cho tế tổ là những bài lưu thủy, hành vân được tấu bằng sáo, nhị, tam, tiu, bộc, nguyệt. Điểm nhịp cho từng rồi xướng lễ là chiêng và trống lớn.

Kết thúc buổi lễ là phần đốt văn tế và vàng bạc. Khi đọc văn tế, có đốt pháo, tất cả phải lặng để nghe. Chủ tế, bồi tế, các quan viên và người đọc chúc đều phải quỳ. Khi đốt trầm, rót rượu xong, người chủ tế phải nâng hiện vật lên vái trước, sau đó mới chuyển cho người dẫn lễ. Những người này khi nhận hiện vật cũng phải kính cẩn vái, xong mới tiến hành làm phận sự mình.

2. Hát thất kích:

Hát thất kích là một nghi thức tín ngưỡng riêng của ngành sân khấu Huế. Văn bản thất kích gọi là "Thư kích bản" bằng chữ Nôm pha chữ Hán ghi thành sách lưu giữ tại từ đường Thanh Bình để chuyên dùng vào ngày lễ tế Tổ.

Thơ thất kích do một nhà cái và tám nhà con hát trước bàn thờ Tổ tiếp sau phần tế.

Đội hát thất kích ăn mặc áo dài, khăn đóng. Lúc hát hoặc ngồi, hoặc đứng tùy theo từng đoạn, tư thế nghiêm trang thành kính.

Dàn nhạc thất kích gồm: trống chiên (bản), trống cơm, kèn bầu, sáo, nhị, mõ, tiu, đàn. Những chủ đạo là trống chiến và trống cơm. Các nhạc công cũng áo dài khăn đóng đứng tấu sau đội hát. Âm nhạc ở đây chỉ đệm làm nền, giữ nhịp cho lời ngâm, lời xướng, lời xô, lời hát, nên có lúc chỉ dùng nhạc gõ. Có lúc cả dàn cùng hòa tấu, có lúc chỉ có trống.

Mở đầu hát thất kích, đội hát thất kích theo nhà cái vào lễ tổ. Dàn nhạc dạo. Nhà cái ở giữa chiếu lễ, các nhà con chia hàng hai bên.

Nhà cái đứng hát có dàn nhạc đệm. Nội dung đoạn nhà cái hát, nhà con đệm phần mở đầu cách 1: (từ câu 1 đến câu 55) là chào mừng hoàng đế, đất nước thanh bình, dân chúng an vui mở hội, xin hiến lễ thành để chư vị chứng minh. Cách 2: Câu 56 đến câu 75, chúc Phật Mục Kiền Liên, Thái Thượng lão quân, Tiên sư, tống tai ương, đẳng dữ để bản thự (Thanh Bình) được an ninh. Chúc thầy chúc sự phú quý vinh hoa, bách niên trường thọ: Thự Thanh Bình trên hòa dưới thuận, trăm họ bách niên giai lão.

Sau ba nhịp trống lưu không, nhà cái, nhà cụm ngồi trước bàn thời, tiếp tục hát cách 3, dàn nhạc vẫn đệm.

Đoạn hát này là câu thơ sau tám. Hát câu sáu hai lần liền rồi mới hát câu tám một lần. Nhà cái hát một câu sáu tám một mình trước, tiếp theo là cả nhà cái và nhà còn cùng hát.

Cách 3 từ câu 76 đến câu 105, trình bày quá trình hình thành vũ trụ, con người, cuộc sống (Câu 76 – câu 95).

Sự ra đời của hát bộ (câu 96 - câu 97)

Dâng hương (câu 98 - câu 105)

Cách 4: từ câu 106 - câu 194: Trình diễn nghề nghiệp thờ Tổ.

Giáo không (Khen: theo nghệ nhân Phan Hữu Lễ) các trò.

Không đất (câu 116 - câu 123)

Không trống (câu 124 - 147)

Không pháo (câu 148 - 167)

Và thơ các trò trên:

Thơ đất (câu 168 - câu 174)

Thơ thống (câu 175 - câu 179)

Thơ pháo (câu 180 - câu 184)

Các đoạn các câu từ 185 - 193 chưa rõ nói gì.

Cách 5: Từ câu 194 đến 245:

- Mời mọi người đưa linh về (câu 194 - 204)

- Noi gương hiếu thảo của 12 người con hiếu theo sách "Nhị thập tứ hiếu” (câu 205 - câu 241)

- Nói về tầm quan trọng của chữ hiếu (câu 242 - 245)

Cách 6: Từ câu 246 - câu 282: Bày tỏ lòng hiếu kính.

Cách 7: Từ câu 283 - 303 (hết): Tiễn linh hồn tái hồi thượng giới.

3. Chèo lễ đại đàn:

Múa chèo hát lễ đại đàn là tiết lễ cuối cùng của đại lễ tế Tổ ở từ đường Thanh Bình. Đội múa gồm toàn nam giới đóng các vai:

- Một nhà cái

- Một ông lái

- Hai hàng nhà con (hoặc 24 người, hoặc 16 người, ít nhất cũng là 12 người).

Nhà cái ăn mặc kiểu tướng tuồng: mù kim khôi, áo dài tướng võ, đi hia, tay cầm cái lệnh bằng đồng và dùi để đánh lệnh.

Ông lái tóc râu lông mày trắng bạc phơ, áo ngắn, một tay trong áo, một tay ngoài áo - tay áo bỏ không cùng các vạt quấn chéo người và có dây thắt ngang lưng: quần xắn móng lợn, ống thấp ống cao, chân đi đất, đầu quấn khăn, tay cầm chèo, tay cầm nón mê.

Nhà con mặc xiêm giáp, áo ngắn gài trong xiêm, quần dài, chân quấn xà cạp, đi đất, đầu quấn khăn màu, tay cầm chèo, nửa trên sơn đỏ, nữa dưới sơn trắng.

Hát thất kích chấm dứt, đội chèo Lễ Đại Đàn xếp hai hàng giữa sân từ đường. Nhà cái cầm lệnh đứng đầu, giữa hai hàng nhà con. Ông lái lảng vảng ở ngoài. Dàn nhạc thất kích chuyển ra sân phục vụ cho điệu múa hát này.

Sau khi lễ Tổ, nhà cái quay xuống chỉ huy hai đội nhà con bằng lời và bằng tiếng lệnh.

Mở đầu, hai hàng nhà con ngồi xổm, một tay giữ mái chèo, dựng tựa vào vai, một tay cầm thanh tre. Nghe tiếng lệnh, tất cả reo vui theo nhà cái: "A... a... a..." và cười “Ha… ha… ha…”, rồi dùng thanh tre gõ lên mái chèo như kiểu dân chài gõ đuổi cá vào lưới. Nhà cái ra lệnh ngừng gõ, đứng ra vừa múa và xướng lên: ”Một chiếc ghe, một mái ngói"

Nhà con reo: "A... a... a..." Nhà cái hô: "Dậy".

Nhà con cầm chèo đứng cả dậy, múa theo nhịp nhạc, cuối khúc vừa múa vừa hò đệm thêm: "Húi... húi... húi..." vào cuối ba động tác múa sau cùng.

Khúc múa chấm dứt - Hàng con lại ngồi xuống. Nhà cái ra lệnh mới: Tất cả lại cùng reo "A... a... a... và cười ha... ha... ha..." một cách sảng khoái trước khi gõ mái chèo và múa tiếp khúc thứ hai.

Khúc hai bắt đầu, nhà cái xướng tiếng: "Một chiếc ghe, một mái đi, mượn sênh ba nhịp một" vũ điệu cũng như trước.

Khúc ba cũng như khúc hai, chỉ khác lời xướng của nhà cái: "Một chiếc ghe ba mái vô theo". Tiếp liền, đội múa vừa múa vừa hát:

“ Chân trời mặt bể (tình mà) cõi (á) xa

Nghiêng lòng (lòng thôi mà) quy hoát (a này rồi), chúng thả đà ngóng trông

Nghiêng lòng (lòng thôi mà) quy hoát ( a này rồi), chúng thả đà ngóng trông

Dồ hậy dá dô - Dô hậy dá dô - Dá dô dồ hậy – Ô hậy á dà hậy – Ta dô hồ hậy – Hù khoan à hù khoan”

“Chúng tôi một cõi (tình mà) thù (á) phương.

Xiết chi (chỉ mà thôi) cảm mến (á này để) muôn muôn tuổi thọ Hoàng vương đức lành.

Xiết chi (chỉ mà thôi) cảm mến (á này để) muôn muôn tuổi thọ Hoàng vương đức lành.

Dồ hậy dá dô – Dô hậy dá dô – Dá dô dồ hậy – Ô hậy á dà hậy – Ta dô hồ hậy – Hù khoan à hù khoan”.

“Áo xiêm nghiêm trượng (tình mà) oai (á) phong

Mấy người (người thôi mà) trung quốc (a này rồi), thảy đứng trong bầu trời.

Mấy người (người thôi mà) trung quốc (a này rồi), thảy đứng trong bầu trời.

Dồ hậy dá dô – Dô hậy há dô – Dá dô dồ hậy – Ô hậy á dà hậy – Ta dô hồ hậy – Hù khoan à hù khoan”.

Tiếng đồn khắp hết (tình mà) nơi (á) nơi

Bốn phương (Phương thôi mà) khen ngợi (a này rồi), để tiếng muôn đời cùng khen.

Bốn phương (Phương thôi mà) khen ngợi (a này rồi), để tiếng muôn đời cùng khen.

Dồ hậy dá dô - Dô hậy dá dô - Dá dô đồ hậy - Ô hậy á dà hậy - Ta dô hồ hậy - Hù khoan à hù khoan”…

Sau đoạn hát múa chèo lễ trên là lễ đốt văn tế. Ông xướng tế xướng: "Lễ tất" sau khi văn tế cháy hết. Các quan viên lễ trước bàn thờ rồi rời khỏi vị trí.

Đội chèo lễ lại tập trung như cũ.

Nhà cái hô: "Ba má ghe, ba mái giật lùi”. Ông tái lúc này đã đứng trên một chiếc ghe phía sau, giữa hai hàng con đang đứng cầm chèo, lớn tiếng nói:

Lễ đại đàn hầu mãn

Công nhị thập tứ hiếu mà ra

Truyền các con cởi trật áo ra

Lăn buồm lại để lái lui thuyền ra hải ngạn.

Ông bước xuống, cùng hai hàng nhà con lúc này đã đứng quay lại quây thành một vùng tròn rộng, cả nhà cái cầm lệnh trong tay, vừa đi vòng vừa bơi chèo, lái thuyền, đánh lệnh, vừa hát theo nhịp:

Tất cả lý: Lui thuyền khỏi bến Giang Tân

Ta lý tình tang, ta lý tình tang
Phất phơ buồm liễu

Hò: Khoan hò khoan

Tay lần chèo ba

Hụi bớ hò hụi – Hù hụi hù khoan

Tiếp đó là một đoạn dài hò xướng xô giữa hò cái và hò con, cái xướng một câu bốn chữ, tất cả hò con xô: Hù là khoan. Nội dung bài hò đề cập đến sinh hoạt chèo lễ đại đàn vào ngày rằm tháng bảy là để chuộc tội cho nghệ nhân tuồng, mô tả đời sống của cư dân trên sông biển, dũng cảm chèo chống tinh thần lạc quan yêu đời, chúc nước nhà cơ nghiệp vững bền mọi người khương, ninh, thọ, phúc.

Không khí và nhịp điêu múa hát từ lúc "lui thuyên" cứ bốc dần lên, mỗi lúc một nhanh, mạnh, trở thành cao trào của buổi Tế Tổ.

Múa hát dứt, tất cả đội chèo lễ cùng xúm vào khiêng vác đi hòm đồ dùng biểu diễn sân khấu mà ban tổ chức di chuyển đến trước đó, chạy sa ngã ba đường “vất bỏ" (Việc vất bỏ này chỉ tính cách tượng trưng, thể hiện ý nghĩa chuộc tội “Đá dám phạm thượng thần thánh, Phật Tiên, ma, quỷ, vua, chúa … trong biểu diễn sân khấu của nghệ nhân – Ban tổ chức đã bố trí người nhặt các thứ này rồi mang quà cáp, cau trầu rượu tới xin chuộc tội rồi lại “tái phạm”…) trong tiếng pháo nổ ròn kết thúc Đại lễ tế Tổ.

Giá trị nghệ thuật:

Lễ tế Tổ ngành tuồng ở Thanh Bình từ đường tỉnh Thừa Thiên Huế là một sinh hoạt văn hóa - văn nghệ và một nghi lễ nghề nghiệp - phong tục cổ truyền rất đáng trân trọng. Nó thể hiện đậm đà truyền thống “tôn sư trọng đạo", "uống nước nhớ nguồn" của nhân dân ta.

Bản đồ:
Tham khảo nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế
Các bài khác