menu_open
Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - Huế
Xem cỡ chữ:
Dù không có tuổi đời lâu như nhà thờ Chính tòa Phủ Cam nhưng hơn nửa thế kỷ tồn tại, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế vẫn để lại nhiều dấu ấn riêng biệt trong dòng chảy lịch sử văn hóa Huế.

Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (hay còn gọi là nhà thờ Đức mẹ Hằng Cứu Giúp) là một công trình kiến trúc Thiên Chúa giáo với khu đất hình tam giác tọa lạc giữa hai con đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Khuyến (tên cũ là đường Quỳnh Lưu) (nay thuộc phường Phú Nhuận, Tp. Huế), được biết đến là bản thiết kế nổi bật của kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc (một trong những cộng sự tài hoa cùng thời với các KTS Ngô Viết Thụ, Phạm Quỳnh Lân, Vũ Tòng làm nên công trình để đời là Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt) vào tháng 1/1959 và hoàn thành vào tháng 8/1962. Tuy nhiên, lịch sử của nhà thờ đã tồn tại từ những năm 20 của thế kỷ XX.

Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (ảnh: Internet)

Gây dựng từ tấm lòng

Lịch sử nhà thờ bắt đầu từ ngày 14 tháng 10 năm 1925, theo lời kêu gọi của Tòa thánh, ba vị thừa sai là cha Hubert Cousineau (1890 - 1964), cha Eugène Larouche (1892 - 1978) và thầy Barnabé St-Pierre (1883 - 1961) đã lên đường ra đi từ Canada đến Việt Nam với sứ vụ thành lập cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế ở Đông Dương. Huế là nơi dừng chân đầu tiên của ba vị thừa sai vào cuối tháng 11 cùng năm và họ đã được Giám mục Eugène Marie Allys đón tiếp trọng thể. Mặc dù đức cha Allys nhận định “Huế không phải là giáo đoàn đẹp nhất tại Đông Dương và không có khả năng để giúp về tài chính” (Nguyệt san Annales Sainte Anne 1925, tr.258) nhưng cuối cùng xứ Huế cũng chính là điểm được lựa chọn với lý do “các ngài sẽ được tiếp đón với tất cả tấm lòng”. Đó chính là khởi nguyên cho quá trình hình thành và phát triển của Dòng Chúa Cứu Thế tại Huế.

Vào ngày 8 tháng 12 năm 1925 nhân ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, các vị thừa sai đã chọn ngày này là ngày khai sinh cộng đoàn Đức mẹ Hằng Cứu Giúp tại Huế. Ngày 13 tháng 9 năm 1927 cộng đoàn đã mua miếng đất mà nay là nơi tu viện tọa lạc, đến ngày 18/03/1929 tu viện được khởi công. Từ đó cho đến năm 1959 các cơ sở vật chất được tiếp tục xây dựng và mở rộng để phục vụ bà con giáo dân về văn hóa như Thư viện L’Acceuil (1939), Nhà đọc sách (1943), Cư xá Nguyễn Trường Tộ (1944) và đặc biệt nhất là Đệ tử viện (1930).
 

L'Accueil từng được xem là ngôi nhà đa năng, vừa để chơi thể thao vừa để trình diễn văn nghệ và các hoạt động giải trí, là Trung tâm văn hóa duy nhất tại cố đô Huế lúc bấy giờ. Hiện nay, ngôi nhà này là Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Huế (87 Nguyễn Huệ).


Đệ tử viện là nơi các cha thừa sai chiêu mộ, tuyển lựa và đào tạo ơn gọi trẻ, làm nền móng cho việc phát triển Dòng tu. Năm 1928, lớp Đệ tử đầu tiên với tổng số 27 đã được hình thành, cho đến năm 1945, con số đó lên tới 110 – 130 đệ tử. Cũng trong giai đoạn này, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam chỉ có một Đệ tử viện duy nhất ở Huế với đầy đủ các lớp, cho đến nay vẫn duy trì được con số 20 – 30 đệ tử/năm.

Những mẫu thiết kế nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trước khi quyết định chọn mẫu của kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc (Ảnh: Sưu tầm)

Trong những năm tháng chiến tranh, các công trình của nhà thờ ít nhiều bị phá hủy bởi bom đạn nhưng vẫn luôn là địa chỉ lưu trú của dân tị nạn, không phân biệt lương – giáo. Những thời điểm lũ lụt dâng cao khắp thành phố Huế, chính nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế cũng là nơi trú ngụ an toàn cho rất nhiều người dân. Những ngày thường, nhà Mục vụ hành hương (xây dựng năm 1911) luôn mở rộng cửa chào đón các đoàn hành hương La Vang khi đi qua Huế được tá túc miễn phí và cũng là nơi dạy giáo lý cho các con chiên. Vào các dịp nghỉ hè những năm gần đây, nhà Mục vụ có thêm nhiệm vụ giảng dạy miễn phí cho học sinh nghèo là con em giáo dân nhằm giúp các em nắm bắt được nhiều kiến thức phục vụ cho việc học tập trên lớp cũng như cuộc sống. Chính những việc làm tưởng chừng đơn giản đó đã dựng nên hình ảnh một nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế đẹp lộng lẫy với lòng bác ái bao la, rộng lớn và nằm trọn trong tim mọi người dân cố đô như chính mảnh đất đắc địa mà nhà thờ hiện hữu.

Hiện nay, giáo dân giáo xứ tập trung chủ yếu ở hai khu vực nhà thờ, ở dọc đường Nguyễn Khuyến và Nguyễn Huệ như một bó hoa, và có những “tua” dài ra (ở khu vực Ngự Bình, Thanh Dạ và Vân Dương) như tua chiếc nơ kết đẹp bó hoa dâng kính Mẹ Hằng Cứu Giúp – bổn mạng giáo xứ.

Nét kiến trúc Đông – Tây hòa quyện


Từ một Nhà Nguyện nhỏ ngày ngày vang tiếng kinh cầu, nhờ sự đồng lòng và đoàn kết cùng tình yêu thương của mọi giáo dân dành cho Thiên chúa và Đức Mẹ, ngôi Thánh Đường Dòng Chúa Cứu Thế đã được dựng lên sau 4 năm Giáo xứ được thành lập. Trải qua rất nhiều bản vẽ thiết kế, cuối cùng, bản thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Mỹ Lộc đã được lựa chọn. Với sự hợp tác của 150 tay thợ, sau gần 3 năm, công trình đã hoàn tất với những con số ấn tượng: Đỉnh tháp cao 53m, mái nhà thờ cao nhất 32m, chiều dài trong lòng 70m, bề ngang trong lòng 37m (chỗ rộng nhất) và 16m (chỗ hẹp nhất). Tháp chuông chính giữa nhà thờ hình bát giác gồm ba tầng và một chóp nhọn đỡ thánh giá, treo 4 quả chuông đồng lớn, nặng 1,5 tấn được điều khiển bằng hệ thống điện… Tổng chi phí theo thời bấy giờ là 47 triệu đồng (lúc bấy giờ giá vàng khoảng 3000 đồng/lượng).

 Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế1963 (Ảnh: Jerrell Pickett)



Vẻ đẹp hiền hòa nhưng không kém phần lộng lẫy, tôn nghiêm ngay giữ lòng thành phố (Ảnh chụp năm 1966,
Carranza Collective)

Sau gần 40 năm, vẻ đẹp ấy vẫn không suy chuyển (Ảnh: Ngọc Bích)

Điểm đặc biệt của ngôi Thánh Đường là không có cột. Trừ các đòn tay và rui ở mái, toàn bộ vật liệu xây nhà thờ là bê tông và đá xanh, mái lợp ngói đất nung. Theo lời kể của cha Giuse Lê Viết Phục: “sắt xây nhà thờ được mang về từ Đà Nẵng, đá xanh được khai thác từ mỏ đá Nhà Dòng dưới Thừa Lưu, cát được mang về từ Cù Bi (sông An Lỗ bây giờ) và chiếc thánh giá nổi bật trên nền gương màu vàng viền bọc màu xanh ngay trước tiền đường nhà thờ được làm bằng thép từ xác máy bay (sáng kiến và công sức của tu sĩ Henry Bùi Văn Khắc)…

 

Những bức tranh về cuộc đời của Chúa Giêsu được chạm nổi bằng bê tông và đặt trang nghiêm trên tường cao nơi Thánh đường (Ảnh: Ngọc Bích)

Lòng nhà thờ rộng lớn với sức chứa hơn 1000 người (Ảnh: Ngọc Bích)

Vẻ ngoài nguy nga tráng lệ của Thánh đường đưa mọi người vào bên trong với nét đẹp của chốn phiêu diêu. Lòng nhà thờ rộng, với nét kiến trúc và bố cục của nó đưa đến một tâm tình tôn giáo đặc biệt, đó là cầu nguyện. Bàn thờ chính giữa làm từ đá cẩm thạch màu hồng được khai thác từ Ngũ Hành Sơn với kích thước 3,6*1,2*0,29m. Với một hệ thống cầu thang gấp khúc ở góc tường, mọi người có thể leo đến tháp chuông để ngắm toàn cảnh phía Nam thành phố Huế



Nhìn từ trên cao, toàn bộ hệ thống kiến trúc nhà thờ
Dòng Chúa Cứu Thế mang hình cây Thánh giá đặt giữa trái tim (Ảnh: Võ Chí Thạnh).


Nhà thờ Đức mẹ Hằng Cứu Giúp ở Huế có mặt bằng đối xứng qua trục trung tâm, tạo nên hình ảnh cây thánh giá khi nhìn từ trên cao xuống. Phía trước nhà thờ, tượng Chúa Giêsu mở rộng hai cánh tay như ôm trọn và thấu suốt hết mọi tâm tư để bao dung với mọi con chiên của Người. Hang Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng bên cánh trái được thiết kế như một quả núi quanh năm hoa trái tốt tươi. Hàng ngày, tại khuôn viên xung quanh nhà thờ luôn có rất nhiều người tới cầu nguyện, được gặp cha quản xứ để chuyện trò và nghe giảng đạo hoặc vui chơi, chụp ảnh, ôn bài... Nơi đây từ lâu đã trở thành một điểm đến quen thuộc và thân thiện với người dân xứ Huế.

Hang đá Đức mẹ Maria hàng đêm vẫng vang ngân lời kinh "Kính mừng" (Ảnh: Ngọc Bích)

Muốn thưởng thức thêm vẻ đẹp của Thánh Đường ĐMHCG, chúng ta phải nhìn tiếp từ hai phía tả hữu nhà thờ. Mỗi cánh nhà thờ là một quần thể kiến trúc Đông – Tây rất hài hòa: những chiếc tháp kiểu dáng Tây phương nhưng thon nhỏ nằm kề cận nhau gần gũi, khắng khít; những nét đầu mái ngói uốn lượn kiểu đầu rồng Đông phương mềm mại nhưng dai chắc; dưới những tháp nhỏ là khuông kính màu cao vút thanh nhã thoát tục và dưới tầng mái cuối cùng của hàng hiên là những ô cửa đá hình vòng cung thấp kiểu Tây mạnh mẽ và huyền bí. Phía đầu nhà thờ, cũng với lối kiến trúc tháp lớn nhỏ dựa sát vai nhau gần gũi mà thanh thoát ấy, nối hai cánh tả hữu là kiến trúc bán nguyệt ăn khớp với hai cánh.

 


Vẻ đẹp huyền ảo trong một đêm trăng (Ảnh: sưu tầm)

Và trên cùng của phần mái phía đầu nhà thờ, xuất hiện kiêu hùng một ngọn tháp 3 tầng với một chóp cao vút. 3 tầng tháp nằm chồng nhau gần gũi như kiểu ngọn tháp đình chùa Việt Nam nhưng bên trên đó lại có một chóp tháp cao vút kiểu Gô-tích Tây phương mà nếu nhìn từ dưới lên thì cứ như là chạm vào mây trời rồi vậy. Ngọn tháp này làm bằng những khung sắt, được chính công ty Eiffel thiết kế và xây dựng. Ngọn tháp cao vút hướng thẳng trời xanh như bày tỏ ước nguyện của con người vươn tới siêu việt của tình bằng hữu không biên giới.

Nhìn tổng thể kiến trúc nhà thờ, người ta cảm nhận mình đang đứng trước một quần thể kiến trúc vừa thanh vừa trầm, vừa sáng thoáng vừa cổ kính, vừa rất Tây phương lại cũng rất Đông phương hòa quyện khiến khách tham quan cũng hóa thi nhân:

“Kết hôn nét đẹp dáng Đông phương,
Tầng cổ lầu chuông tháp Nguyệt Đường,
Vươn thẳng trời cao hồn tín hữu,
Kính hoa ngũ sắc cười trong sương”.

Một lần ghé thăm xứ Huế, đừng quên nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - một địa chỉ tâm tình của tình thương nối dài theo năm tháng.



Ngọc Bích