Vẽ Bác bằng tình cảm sâu đậm
Triển lãm sáng tác chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với chủ đề “Bác Hồ của chúng ta!” gồm 40 tác phẩm thể hiện các góc nhìn khác nhau nhưng đều ăm ắp tình cảm về Bác Hồ kính yêu. Với những chất liệu phong phú của các loại hình: Điêu khắc có tượng tròn, phù điêu; hội họa có acrylic, sơn dầu; đồ họa có tranh in và cả chất liệu đặc biệt: dùng thép tạo hình chân dung Bác Hồ và vẽ tranh trên kính... các tác giả đã thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh với khí chất tinh thần của lãnh tụ, tinh thần nhân văn cao cả và lý tưởng khát vọng độc lập cho dân tộc.
Họa sĩ Nguyễn Vũ Lân sử dụng chất liệu tổng hợp tạo ra những điểm chấm phá bằng thép để tạo hình chân dung Hồ Chủ tịch. Đây là cách khám phá chất liệu tương đối lạ mà theo Ban tổ chức có lẽ ở Việt Nam chưa ai làm bao giờ. Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm của PGS. TS. Phan Thanh Bình là hình ảnh của một vị lãnh tụ luôn trăn trở, lo âu cho vận mệnh của đất nước. Hình ảnh Bác Hồ được lấy từ ảnh tư liệu lịch sử năm 1945 trong trạng thái đăm đắm, suy tư. Xung quanh là những đồng hiện về bức tranh Bác Hồ vẽ người kéo xe An Nam trên báo, tác phẩm "Nhật ký trong tù", báo "Người cùng khổ"... mang tính chất ngợi ca.
Ấn tượng nhất là bức vẽ chân dung Bác Hồ trên tranh gương của họa sĩ Nguyễn Văn Hoàng. Gương mặt hiền từ, đôi mắt tình cảm, tác giả đã thể hiện được thần thái hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn bộ bức tranh đều được tác giả vẽ trực tiếp bằng các ngón tay, sự kết hợp giữa kỹ thuật vẽ tranh hiện đại và kỹ thuật vẽ gương truyền thống cũng là điểm nhấn độc đáo của tác phẩm này.
Họa sĩ Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ: “Vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với tôi từ thời còn bé. Nhà tôi ở cạnh nhà của họa sĩ Tôn Thất Đào nên cha tôi là họa sĩ Côn Sơn thường được ông bày cho kỹ thuật vẽ chân dung. Sau đó, cha tôi mở phòng vẽ truyền thần và là một trong những họa sĩ vẽ chân dung nổi tiếng ở Huế. Từ sự truyền dạy của cha, hai cha con tôi cùng kết hợp vẽ chân dung, nhiều nhất là chân dung Bác Hồ. Tôi đã vẽ khoảng 200 bức chân dung về Bác nên các đường nét trên gương mặt Người tôi đã thuộc nằm lòng. Dù vậy, mỗi lần vẽ chân dung Bác, tôi vẫn rưng rưng cảm xúc kính trọng và yêu mến. Với tác phẩm này, tôi chọn hình thức vẽ trên tranh gương, là nghề truyền thống của gia đình tôi”.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua góc nhìn của PGS. TS Phan Thanh Bình
Chân thực, truyền cảm
Triển lãm “Bác Hồ của chúng ta!” không chỉ là nội dung thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn là trách nhiệm, tình cảm của toàn thể đảng viên, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật hướng về vị lãnh tụ kính yêu. Chỉ trong 2 tháng phát động, toàn thể đảng viên, giảng viên của nhà trường tích cực hưởng ứng và sáng tác. Điều đặc biệt là phòng tranh có sự tham gia của một đảng viên là sinh viên và nhà điêu khắc Pisịt người Thái Lan. Còn 2 ngày nữa về nước nhưng khi biết tin này, ông cố gắng vẽ cho bằng được bức chân dung Hồ Chủ tịch bằng chì.
Là sinh viên - đảng viên duy nhất có tác phẩm được trưng bày tại triển lãm đặc biệt này, Nguyễn Thị Ngọc Tài, sinh viên năm thứ 4 Khoa Sư phạm mỹ thuật xúc động: “Thể hiện hình ảnh Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc năm 1951 nổi trội bằng gam màu nóng, em cố gắng khắc họa vẻ mặt suy tư, lo lắng của Người và tác phẩm đã được Ban tổ chức lựa chọn triển lãm. Đây là một vinh dự lớn với em, bởi trong phòng tranh này, tất cả các tác phẩm đều là của các thầy cô giáo”.
PGS. TS. Phan Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật chia sẻ: “Hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh rất khó được thể hiện sâu sắc trong nghệ thuật tạo hình, nhưng các cán bộ, giảng viên, đảng viên, sinh viên đã sáng tác về Bác bằng tình cảm sâu đậm. Điều đó cho thấy, trong mỗi trái tim của đảng viên nhà trường luôn khắc sâu và hướng về hình tượng của Bác, hướng về giá trị đạo đức, nhân cách, tác phong, tư tưởng của Người”.
Là cán bộ giảng viên nghệ thuật, các tác giả rất coi trọng tính chuyên nghiệp, tính nghệ thuật và đã cố gắng tìm tòi khám phá về chất liệu, kỹ thuật, bút pháp và tính biểu đạt nghệ thuật để mỗi tác phẩm thể hiện giá trị thẩm mỹ, chân thực, có sức truyền cảm đối với công chúng. PGS. TS. Phan Thanh Bình cho hay: “Suốt 7 năm thực hiện cuộc vận động với các triển lãm tranh cổ động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chưa bao giờ có sự tác động mạnh mẽ vào tâm lý, tình cảm của nghệ sĩ nhiều như triển lãm này. Các nghệ sĩ đã thể hiện tình cảm đối với vị cha già dân tộc bằng tình cảm, trách nhiệm, từ đó rèn luyện bản thân mình tốt hơn, thẩm thấu hơn nữa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống và trong trách nhiệm đào tạo tài năng nghệ thuật. Những bức tranh này cũng là minh chứng cho thấy, họ là tấm gương của người thầy trong việc giảng dạy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.