Họa sĩ Jean Despujols, sinh ngày 19/3/1886 tại Salles, Pháp. Ông từng đoạt giải nhất tranh sơn dầu ở Rome năm 1914 và tranh về chủ đề Đông Dương năm 1936. Qua tranh sơn dầu, màu nước và cả những phác thảo bút chì, ông hoàn toàn bỏ qua quan điểm chủ nghĩa thực dân để vẽ bằng con mắt nghệ thuật và cảm xúc chân thật của tâm hồn, ghi lại hình ảnh những vùng đất, con người Việt Nam và Đông Dương với sự thấu hiểu và cảm thông.
Tranh mô tả 99 ngọn núi ở Phú Thọ
Nguyên cớ bức tranh cô gái Huế
Tờ Tràng An Báo xuất bản ở Huế trước 1945, số 251 ra ngày 31/8/1937 đưa tin: “Họa sĩ Despujols đến Huế”, với nội dung: “Nhà họa sĩ Pháp Jean Despujols đã đến Huế một tuần lễ nay. Về nghề hội họa, ông Despujols đã được giải nhất La Mã và giải nhất Đông Pháp. Ông Despujols là bạn của quan Khâm sứ Graffeuit. Ông đến Huế lần này là lần đầu, ông còn lưu lại đây rất lâu, để có đủ thời giờ mà họa các danh lam thắng cảnh Thần kinh”.
Trong một phóng sự dài “Chân dung Đông Dương với 21 bức tranh vẽ của Jean Despujols” đăng trên tạp chí National Geograpic, hai tác giả W.Robert Moore và Maynard Owen Williams đã kể lại một số tư liệu thú vị về Jean Despujols và các bức tranh của ông. Hai tác giả cho biết Jean Despujols sáng tác khoảng 300 bức tranh tại Đông Dương, phản ánh xã hội, phong tục tập quán lễ hội, phong cảnh, con người Đông Dương.
Chân dung cô gái Huế tên Yến
Họa sĩ Jean Despujols đã vẽ nhiều gương mặt con gái của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia với bút pháp tinh tế, màu sắc hài hòa, phong cách thể hiện rất gần gũi với thẩm mỹ của người Việt. Và trong số rất nhiều chân dung đó, có một bức chân dung của người con gái Huế.
Trong số 21 bức tranh được giới thiệu, có bức tranh số 13 vẽ chân dung cô gái Huế tên là Yến, và bức tranh số 14 vẽ cô gái miền Bắc tên Xuân. Bài viết bình luận: “Vẽ thanh nhã của con gái Trung kỳ và dáng khỏe mạnh của con gái Bắc kỳ phản ánh sự tương phản giữa các chủng tộc chị em của Việt Nam. Yến đang trồng lúa gần Huế, nơi đặt triều đình An Nam cũ. Khi họa sĩ tìm thấy cô ta, ông nhận xét: “Về nét thanh tao hiển nhiên của cô, các hoàng đế - thi sĩ trước đây là các kẻ chịu trách nhiệm, họ đã tuyển chọn các phụ nữ xinh đẹp nhất để phục vụ trong triều”. Xuân “trở nên chua chát và cứng cỏi” bởi các sự túng thiếu. Trồng lúa, đắp đê, và đẻ con là số phận của cô ta. Hơi thở nhẫn nhục có vẻ như toát ra qua đôi môi của cô”…
Rất tiếc là trong phóng sự nói trên, W.Robert Moore và Maynard Owen Williams chỉ giới thiệu 1 bức tranh về Huế của Yến. Bởi chắc chắn với thời gian ở lại Huế rất dài như Tràng An Báo đưa tin, Despujols đã vẽ được rất nhiều tranh về chốn Kinh đô.
Bảo tàng Meadows – nơi lưu giữ hình ảnh Việt Nam qua tranh của Despujols
Bộ tranh Đông Dương của Despujols khi chuyển từ Pháp qua Mỹ suýt nữa đã bị thất lạc. Tuy nhiên, số phận may mắn không thể giải thích được đã đưa số tranh này tới Mỹ và được trưng bày lần đầu tại Bảo tàng tiểu bang Lousiana và viện Smithsonian năm 1950.
Cô gái Bắc kỳ tên Xuân
Tháng 4/1951, tạp chí National Geograpic chọn 21 bức tranh trong bộ sưu tập này minh hoạ cho phóng sự “Chân dung của Đông Dương” nói trên và sau đó, những bức tranh được cất giữ trong một thùng gỗ ròng rã 18 năm cho đến ngày ông mất năm 1965. Tháng 5/1969, ông Algur H. Meadows đã mua toàn bộ số tranh của Despujols và tặng cho trường Centenary College. Bởi vậy ông Algur H. Meadows được xem là người sáng lập và bảo trợ cho Bảo tàng Nghệ thuật mang tên ông - Bảo tàng Meadows.
Bảo tàng này nằm tại Shreveport, một thành phố nhỏ nằm ở tiểu bang Lousiana, miền Nam nước Mỹ, chỉ duy nhất để trưng bày bộ sưu tập tranh của họa sĩ Jean Despujoils vẽ trong chuyến hành trình Đông Dương của ông bắt đầu từ cuối năm 1936.
Trong số 21 bức tranh của Despujols được W.Robert Moore và Maynard Owen Williams giới thiệu trên tạp chí National Geograpic, có khá nhiều bức tranh vẽ về đất nước, con người Campuchia và Lào. Chúng ta bắt gặp ở đó các điệu múa Apsara trên nền Angkor đổ nát. Các thiếu nữ Campuchia tay cầm búp sen linh thiêng, những vũ nữ trong các vai cổ điển xa xưa của Ấn Độ giáo…
Ở một bức tranh khác, con hổ ngang nhiên đi lại giữa ngôi đền hoang, khiến các họa sĩ phải ôm đồ nghề bỏ chạy. Cùng đề tài hổ, có bức tranh thể hiện những người đàn Radé, tấn công một con hổ với các ngọn giáo và cung tên. Trong góc tranh, một con hổ đang nằm chết.
Hay trong một bức tranh khác, ngôi đền tháp nhọn tại Siemreap, cất giữ thân xác và giàn thiêu của một nhà sư. Mặc dù được dựng bằng tre và giấy có thể đốt cháy nhưng nó không bị châm lửa mà lại được tháo gỡ đi. Các nhà sư trong áo choàng khoác ngoài màu vàng của sự khiêm tốn, hướng mặt về phía đền. Điều thú vị là có cảnh người Việt Nam ngồi xổm đang ăn cơm bán bởi một người bán hàng rong.
Trong tranh của họa sĩ Despujols, xứ sở Lào hiện lên bình yên và sống động. Đó là phong cảnh một chiếc thuyền độc mộc đang ngược dòng nước xiết, và bóng con voi trên triền núi. Thiếu nữ Lào được họa sỹ đặc biệt yêu thích thể hiện. Từ nàng Bouddhi dịu dàng trong khăn quàng màu vàng, trái với sự biểu lộ quả quyết, đôi khi dữ dội của cô cho đến cô gái Wouni, ngọt ngào và tử tế, đã sốt sắng đi bộ hai ngày từ ngôi làng miền núi của cô để giữ đúng hẹn với họa sĩ Despujols.
Và tất nhiên, hình ảnh đất nước Việt Nam hiện lên qua khá nhiều bức tranh, trong đó đáng chú ý nhất là “Dãy núi với 99 ngọn” ở Phú Thọ - được tác giả gọi là “Xương sống của con rồng An Nam”...
Bài: HỒ ĐĂNG THANH NGỌC - Ảnh: TL