menu_open
Lễ tế Tổ Nghề Rèn Hiền Lương
Xem cỡ chữ:
Làng nghề truyền thống rèn Hiền Lương tại Lễ đón Bằng công nhận Nghề truyền thống
Hiền Lương là một làng nổi tiếng nghề rèn ở tỉnh Thừa Thiên Huế, xưa gọi là Hoa Lang, thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Đến triều Minh Mạng toản tu địa bộ, đổi xứ Thuận Hóa làm phủ Thừa Thiên và phân địa giới thành 6 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc. Làng Hoa Lang từ đó được đổi là làng Hiền Lương, nay thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Lễ tế Tổ hằng năm cử hành rất long trọng, vì ngày trước dân Hiền Lương chủ yếu lấy nghề rèn truyền thống làm kế sinh nhai.
Làng nghề truyền thống rèn Hiền Lương tại Lễ đón Bằng công nhận Nghề truyền thống
Địa chỉ: Làng nghề rèn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế)
Thời gian hoạt động: Ngày 18 tháng 2 Âm lịch
Giới thiệu:

Năm 2016, Làng nghề truyền thống rèn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được công nhận Nghề truyền thống, Làng nghề truyền thống của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một trong 6 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận năm 2016 nhằm vinh danh sự đóng góp của các tổ chức nghề, làng nghề trong quá trình bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển kinh tế tại địa phương.

Lịch sử hình thành:

Làng Hiền Lương xưa kia có tên là Hoa Lang, là một trong 59 ngôi làng cổ thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa, được hình thành khá sớm vào năm 1445 dưới triều vua Lê Nhân Tông, cách đây cũng đã gần 6 thế kỷ.

 Nhớ buổi đầu di dân vào đây khai sơn phá thạch, cày ruộng để ăn, đào giếng để uống, dân làng chỉ sống bằng nghề nông. Đến đầu thế kỷ 17, làng nhập thêm một nhóm dân cư mới, gọi là hậu tập. Trong nhóm hậu tập ấy có một vị biết làm nghề rèn, ông chuyên rèn các dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do nhu cầu đòi hỏi của xã hội nông nghiệp bấy giờ, đặc biệt là những năm tháng khai hoang khẩn đất, xây dựng làng xã, chống chọi với tai ương chướng khí, thú dữ và mọi kẻ thù, ông đã truyền dạy nghề rèn cho dân làng và nghề rèn ở Hiền Lương dần dần phát triển. Quả nhiên đúng như câu nói: “Ruộng đất bề bề không bằng có nghề trong tay”. Thấy được ích lợi của nghề rèn, thuở ấy cứ vào buổi nông nhàn, người trong làng theo học nghề rèn rất đông. Từ đấy, làng Hiền Lương bắt đầu được mọi người trong vùng biết đến với tư cách là một ngôi làng cổ có nghề rèn nổi tiếng của xứ Thuận Hóa… Cũng chính vì vậy, từ ngôi làng này, người Hiền Lương đã đem nghề rèn đi sinh kế và đến với nhiều làng quê khác trong vùng, lần hồi vào đến các tỉnh phía Nam.

Trong cuốn “Văn bản Hán Nôm làng Hiền Lương”, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế - 2013 có ghi chép lại: "Ngoài nghề nông , người Hiền Lương lấy kỹ nghệ nghề rèn làm sinh kế. Tổ sư dạy nghề cho làng là ngài Tây Nhạc Thiên Kim Thuận Đế, sau được gia phong Thái Lợi Chi Thần. Nhờ có nghề Rèn mà người Hiền Lương bôn tẩu đi làm ăn, làm giàu khắp nơi. Đến ở đâu người Hiền Lương cũng quây quần bên nhau rồi lập nên Hàng Kỉnh nhằm bảo lưu, giúp đỡ, truyền giữ các nghề Rèn truyền thống, dần dần trở thành một tổ chức nghề cơ khí khá chặt chẽ. Hàng Kỉnh là một dạng của hiêp hội ngành nghề ngày nay, nhưng đầm ấm, tình nghĩa hơn vì đa số thành viên đều là con dân, dâu rể của nghề Rèn Hiền Lương. Ngày giỗ Tổ sư hàng năm vào ngày mười tám tháng hai âm lịch, người ở xa không về được thường họp nhau ở nhà Kỉnh trưởng để tưởng niệm, dâng hương bái vọng về cố thổ".

Khởi đầu là một làng quê nghèo chuyên nghề nông, chẳng bao lâu dân Hiền Lương đã trở nên giàu có, đem cái nghề rèn đóng góp nhiều ích lợi cho việc xây dựng giang sơn, bảo vệ bờ cõi, phát triển đất nước chính bằng nghề nghiệp của mình. Bởi vậy mà làng Hiền Lương còn được gọi với cái tên thân thương: Làng Rèn. Và người có công đưa nghề rèn đến với Hiền Lương được phong làm Tổ sư, được hậu thế lập nhà thờ hương khói quanh năm.

Nét đặc trưng:

Theo sử sách thì dưới triều Tây Sơn, nhiều thợ rèn Hiền Lương đã tham gia quân đội, họ đã rèn gươm dáo cho nghĩa quân Tây Sơn, trong số ấy có một người họ Hoàng được tuyển chọn để rèn thanh gươm cho chủ soái Nguyễn Huệ.

Vào đầu thời vua Nguyễn, nhiều thợ rèn Hiền Lương đã có chân trong Ngạch quân võ, Võ khố nha và Bách công Dạ Tượng cuộc mà tên tuổi các ngài còn ghi trong sách sử hay như trên quả chuông lưu tại chùa làng. Như ngài Trần Văn Đắc, một thợ rèn có nhiều công lao trong việc đào tạo thợ thuyền cho triều đình cũng như ngoài dân gian, được vua Minh Mạng đến vua Tự Đức ban cấp nhiều sắc bằng. Ngài Hoàng Văn Lịch, một thợ rèn Hiền Lương. Do trí thông minh và chịu khó nên việc học nghề sớm thành tài. Đầu triều Gia Long ông được sung vào ngạch quân võ, thăng dần lên Cai đội, rồi Lãnh binh. Đến cuối triều Minh Mạng, theo lệnh vua ông đã trực tiếp chỉ huy chế tạo thành công ba chiếc tàu thuỷ chạy bằng hơi nước khác nhau và có tên: Yên Phi, Vân Phi, Vụ Phi. Hoàng Văn Lịch được xem như người: "Kỹ sư chế tạo tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của Việt Nam". Theo Hương phổ của làng, ngoài việc có công chế tạo tàu thủy, ông còn rèn ra được một loại gươm rất sắc bén, dầu cây to một ôm, cũng có thể chém một nhát là đứt ngay; và ông còn chế ra các thứ súng bắn bằng hơi chứ không phải bằng thuốc. Do công lao của mình mà ngài được vua Minh Mạng thụ phong Hầu tước. Quả là một việc hiếm thấy xưa nay. Đánh giá công lao của ông trong lịch sử đóng tàu thủy chạy bằng máy hơn nước của Việt Nam, trong đợt đặt tên đường phố lần thứ IV năm 2005, tên tuổi của Hoàng Văn Lịch đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế lấy để đặt cho một con đường ở vùng cảng Bãi Dâu, thuộc phường Phú Bình, thành phố Huế.

Vào cuối thế kỷ 19, theo Chiếu Cần vương, nhiều thợ rèn Hiền Lương đã hăng hái tòng quân lên chiến khu Tân Sở, mở lò sản xuất vũ khí chống Pháp.

Đầu thế kỷ 20, nhiều thợ rèn Hiền Lương trở thành những người thầy thầy dạy nghề rèn và cơ khí tại trường Bá công (Bách nghệ kỹ nghệ thực hành đầu tiên của Việt Nam) được lập tại Huế dưới triều vua Thành Thái…

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều con dân Hiền Lương đã đi theo cách mạng, đem nghề rèn phục vụ kháng chiên cứu quốc trong ngành quân giới, súng đạn, hỏa xa...

Nghề rèn đã đem ngôi làng thuần nông Hiền Lương lên một vị thế mới. Nhớ ơn vị Tổ sư và các bậc tiền nhân đã dày công truyền dạy nghề rèn cho dân làng, vào cuối thế kỷ 18, dân làng đã thiết lập một ngôi nhà tranh, rước thần chủ vị Tổ Sư Nghề Rèn vào thờ, sau này ngôi nhà tranh ấy đã trở thành Tổ Đình Nghề Rèn Hiền Lương cho đến ngày nay.

Kiến trúc:

Nhà thờ Tổ Nghề Rèn Hiền Lương có kiến trúc theo kiểu truyền thống, chung quanh xây la thành bao bọc, trước dựng trụ biểu tạc câu đối tôn vinh, xây bình phong chắn chướng khí, đào hồ chữ nhật để thả cá, vừa trồng sen làm mát mùa hạ, vừa lấy nước phòng hỏa khi cần.

Ở nội điện Tổ Đình, chính giữa thờ vị Tổ Sư Nghề Rèn, văn tế hàng năm linh bái ngài Tây Nhạc Kim Thiên Thuận Đế, về sau triều Nguyễn lại gia phong Thái Lợi Chi Thần, cùng phối thờ liệt vị tiên sư.

Tả hữu nội điện thờ tiên hiền, hậu hiền trong làng và những người có công với nghề rèn truyền thống.

Giá trị nghệ thuật:

 Xuân thu một năm hai lần tế bái. Chánh giỗ ngài Tổ Sư nhằm ngày 18 tháng Hai âm lịch hàng năm, con dân dâu rể của làng và cả những học trò nghề rèn ở mọi miền đất nước thường trở về đây chiêm bái, tri ân Tổ sư Nghề Rèn và bao lớp thầy thợ ngày trước đã truyền dạy cho hậu thế cái nghề lương thiện “đứng đầu trong bách nghệ” làm rạng danh ngôi làng và góp phần mở mang cơ nghiệp vững vàng của nghề cơ khí nước nhà như hôm nay và cầu mong mọi điều tốt lành. Đồng thời cũng là một cách “bảo thủ hương phong”, lưu giữ những giá trị lịch sử, nhằm giáo dục cho các thế hệ mai sau về một ngôi làng nghề truyền thống của xứ Thuận Hóa – Phú Xuân và của Thừa Thiên Huế ngày nay trước những đổi thay của thời cuộc.

Video Youtube:
Bản đồ:
Các bài khác