menu_open
Lễ tế tổ ca Huế
Xem cỡ chữ:
Với lịch sử hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ XVII cho đến nay, Ca Huế là một loại hình nghệ thuật độc đáo và đặc trưng của mảnh đất Cố đô Huế. năm 2015, Ca Huế được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với truyền thống lâu đời, cứ vào ngày 16 tháng 3 Âm lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế lại tổ chức Lễ tế tổ ca Huế trong thể tại nhà thờ Cổ nhạc.
Địa chỉ: Cổ nhạc từ (5/127 Nguyễn Trãi, TP. Huế)
Thời gian hoạt động: Ngày 16 tháng 3 Âm lịch
Lịch sử hình thành:

Trong dòng chảy lịch sử hàng trăm năm, Ca Huế đã tiếp thu, kế thừa và ảnh hưởng nhiều sắc thái, tinh hoa của nhiều vùng đất khác nhau để trở thành một trong những loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Trải qua biết bao biến cố thăng trầm, có lúc Ca Huế tưởng chừng như không thể tồn tại, nhưng với những đặc trưng về loại hình nghệ thuật độc đáo, sự phối hợp tuyệt vời giữa ca từ và giọng hát hòa cùng các nhạc khí tam, tỳ, nhị, nguyệt… đã đi vào lòng người mộ điệu nghệ thuật Ca Huế từ xưa đến nay. Năm 2015, Ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo các nghệ nhân Cổ nhạc cao tuổi, nhà thờ Cổ Nhạc là nơi tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân đã khai sáng, truyền bá và phát triển bộ môn nhã nhạc, bộ môn Ca Huế đến thế hệ hôm nay và mai sau. Khu vực nhà thờ Cổ nhạc nguyên là Cung tôn miếu do vua Thành Thái tạo lập năm 1891 để thờ phụ hoàng là vua Dục Đức. Đến năm 1899, hoàng đế Dục Đức được đưa về thờ ở điện Long Ân, miếu Cung tôn bị bỏ phế đến năm 1966 thì được giao cho Ban Cổ nhạc Đại nội sử dụng để xây dựng từ đường. Nhà thờ Cổ nhạc ra đời từ đó.

Hệ thống thờ phụng tại nhà thờ Cổ nhạc gồm tổ tiên chế nhạc liệt vị tôn sư, lịch đại thánh hiền giáo truyền nhạc nghệ, chư hương linh tiền hậu nhạc sĩ, ca công quá cố, các vị thánh tổ khai sáng âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đó là một hình thức thờ cúng nói lên lòng biết ơn của những người đời sau đối với lịch đại tổ sư, các nghệ nhân có tài, có đức, đồng thời cũng là niềm an ủi cuối cùng cho những người suốt đời phục vụ nghệ thuật Ca Huế đã khuất.

Nét đặc trưng:

Trước đây, lễ tế các vị tổ sư Ca Huế tại nhà thờ Cổ Nhạc được tổ chức vào ngày 16/10 Âm lịch. Công việc tổ chức lễ tế tổ do Hội Ca nhạc truyền thống Huế - tiền thân là Hội Ái Hữu Cổ Nhạc Thừa Thiên được thành lập chính thức vào năm 1974. Hội đứng ra làm Ban tổ chức, cùng với sự tham gia đông đảo của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và những người có niềm đam mê Cổ nhạc. Song ngày 16/10 Âm lịch hàng năm, thời tiết ở xứ Huế thường xuyên diễn ra tình trạng mưa bão lụt lội, nên công tác tổ chức và người dân đi lại tham dự kỳ lễ tế tổ gặp rất nhiều khó khăn nên từ năm 1996, Ban tổ chức lễ tế đã quyết định chuyển kỳ lễ tế tổ Ca Huế sang ngày 16/3 Âm lịch. Tuy nhiên, Ban tổ chức vẫn tiếp tục tổ chức lễ tế tổ Ca Huế vào ngày 16/10 Âm lịch theo thông lệ truyền thống nhưng với quy mô buổi lễ tế đơn giản.

Nghi thức lễ tế tổ Ca Huế diễn ra tại nhà thờ Cổ Nhạc suốt cả ngày với hai phần quan trọng: lễ tế tổ và sinh hoạt nghệ thuật Ca Huế. Không gian tổ chức lễ tế tổ diễn ra trang nghiêm từ hiên ngoài tiền đường đến các bệ thờ trong chính đường. Các nghệ nhân cao tuổi và có uy tín trong ngành Cổ nhạc đóng vai quan viên tế. Họ đều mặc theo phẩm phục nghi lễ truyền thống chỉnh tề, sắp hàng đứng hai bên. Các gian chính đường đều có chiếu dành cho chủ tế và hai bồi tế. Dàn nhạc bát âm đứng tập trung ở gian tả chính đường nhà thờ. Ngoài hiên tiền đường có hai nghệ nhân đánh trống chiêng. Bàn thờ nào cũng khói hương nghi ngút, đèn nến sáng choang, hoa quả sắp đầy. Dàn nhạc khí chỉ cử trong từng tiết lễ. Các loại dàn nhạc tham gia diễn tấu trong lễ tế tổ Ca Huế như: Đăng đàn đơn, xàn xê, kèn chiến, long ngâm được tấu bằng kèn, trống, sinh tiền... Điểm nhịp cho từng hồi xướng lễ là chiêng và trống lớn.

Sau khi lễ tế tổ kết thúc, các thành viên tham dự lễ tế tổ trao đổi kinh nghiệm biểu diễn nghệ thuật Ca Huế, trình diễn nhạc cụ, các bài ca, điệu đàn tâm đắc nhất sau một năm xa cách. Đặc biệt, những nghệ nhân Ca Huế lão thành có uy tín, đức cao vọng trọng sẽ trình diễn những bài bản Ca Huế cố đặc sắc với tất cả tài năng và tâm hồn của mình để hầu tổ nghề và giao lưu với khách mời.

Đa số nghệ nhân, diễn viên, nhạc công Ca Huế xem lòng thành quan trọng hơn lễ nghi, nên dù bận rộn, thì đến ngày giỗ tổ cũng phải nghỉ để đến nhà thờ Cổ Nhạc thắp nén nhang và khấn vái nhằm bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đến các vị tổ nghề, nghệ nhân quá cố đã có công khai sáng, phát triển ngành Cổ nhạc với nhiều tác phẩm bất hủ, lưu danh sử sách. Lễ tế tổ ngành Cổ nhạc là một hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống rất đáng trân trọng, thể hiện đậm đà giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, cần bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại. Bởi vì nơi ấy, trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức, nhà thờ Cổ Nhạc vẫn luôn được xem là nơi linh thiêng, là mái nhà chung, là nơi tụ họp của con cháu trong bộ môn Ca Huế mỗi dịp tế tổ nghề hàng năm. Niềm tin đối với các vị tổ nghề giúp người trong nghề qua các thế hệ sống tốt hơn cả trong nghệ thuật âm nhạc lẫn cuộc sống đời thường. Với nghề nghiệp, họ phải cố gắng trau dồi kỹ năng thực hành ca và đàn Huế để vươn xa trong nghề nghiệp, trao truyền tri thức cho thế hệ trẻ để duy trì và phát triển nghệ thuật Ca Huế, sao cho xứng đáng với công lao khai mở và phát triển nghề nghiệp của các vị tổ sư. Giữa cuộc sống trần tục, họ phải giữ gìn sự trong sạch, không được làm những điều xấu xa để tránh bị các chư vị tổ nghề quở phạt, hướng thiện trong đời sống hằng ngày của mình.

Giá trị nghệ thuật:

Với những giá trị đặc sắc về lịch sử - văn hóa, ý nghĩa nhân văn, nhà thờ Cổ Nhạc đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 160/QĐ-UBND ngày 20/01/2010. 

Tập tin đính kèm
STT Tên tập tin Tải về
1 Lễ tế tổ ca Huế. Tác giả: Trần Văn Dũng ()
Các bài khác