menu_open
Tiếng Mạ của Huế
Xem cỡ chữ:
Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh
Giọng Huế còn thì phong cách sống, bản sắc Huế vẫn còn. Huế vẫn còn thì tiếng Mạ vẫn còn! Tiếng Mạ vẫn được cất giữ trong kho tàng văn hóa xứ sở, vẫn sống trong những ngữ cảnh mà phải thốt lên tiếng Mạ mới nói hết lời.
Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Ba mươi năm xa quê mạ vẫn còn nói giọng Huế
Đó là điều bình thường của mạ phải không?
(Thơ Đoàn Vị Thượng)

“Trẻ em ở Huế hình như không còn gọi là Mạ nữa mà chỉ gọi là Mẹ hoặc Me. Tôi cho rằng, hiện tượng tiếng Mạ mất dần là một dấu hiệu khởi đầu cho sự thay đổi của phong cách sống của Huế”.

Đó là nỗi lo của một người Huế xa quê hiện đang sống ở Sài Gòn - kiến trúc sư Nguyễn Phước Thiện - năm nay tuổi đã gần 70, trong một bài viết của ông đăng trên Báo Thừa Thiên Huế (19/7/2010). Ông Thiện kể rằng, ông phát hiện ra hiện tượng này trong lần trở lại quê nhà vào năm 2005, và lo lắng nếu không còn giữ được phong cách Huế thì đô thị Huế sẽ không còn như ta mong ước.

Phong cách Huế không còn thì bản sắc Huế có còn nữa không? Chắc chắn là không! Nhưng hiện tại cũng đã có khá đông người Huế, nhiều nhất là trẻ em, không chỉ ở phố mà cả ở làng, đều gọi Mẹ. Và chỉ vài mươi năm nữa, thế hệ gọi Mạ cũng sẽ đi xa dần hết, chỉ còn người gọi Mẹ, thì sao? Huế có còn là Huế nữa không?

Câu hỏi đó khiến ta phải lần ngược lại: tiếng Mẹ từ đâu ra, và tự bao giờ người Huế gọi Mạ là Mẹ?

Mẹ - tiếng nói Việt Nam

Từ điển tiếng Việt của NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 1994 giải thích từ “Mẹ” là biến âm từ “Mère” của tiếng Pháp. “Mère” phát âm gần giống như “Mẹ”, có nghĩa là: “Người phụ nữ có công sinh thành và nuôi nấng chúng ta”. Vậy trước khi người Pháp mang từ Mère sang thì người Việt gọi Mẹ bằng gì? Các nhà ngôn ngữ học cho rằng, người Việt trước đó gọi bằng u, bu, bầm, bủ, mế và xa xưa nữa thì họ dùng các từ cổ như: cái, đẻ, nạ...

Giả thiết trên đã được từ điển chấp nhận, nhưng lúc nào Mère trở thành Mẹ trong hơn 300 năm người Pháp đến Việt Nam, kể từ đầu thế kỷ 17 khi những người Pháp đầu tiên đến đây để truyền giáo? Còn phải đợi các nhà sử học, ngôn ngữ học lục tìm trong quá khứ. Còn bây giờ thì tiếng Mẹ đã trở thành từ phổ thông.

Ban đầu, Mẹ là từ phổ thông của người miền Bắc, cụ thể là từ Thanh Hóa trở ra, trừ một số ngôn ngữ thiểu số có cách gọi riêng và một vài vùng quê vẫn dùng cách gọi xưa (u, bu, bầm, bủ). Tiếng Mẹ được nói bằng giọng Bắc đã trở thành biểu tượng ngôn ngữ và văn hóa Bắc bộ. Nhưng đọc tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn (ra đời vào những năm 1932-1942) chỉ nghe người Hà Nội và miền Bắc gọi “thầy u” hoặc “thầy mợ” nhiều hơn là “bố mẹ”. Cho đến giai đoạn 1945-1975 thì sách báo ở miền Bắc mới chủ yếu dùng cách gọi “bố mẹ” và rất ít khi nghe “thầy u”, “thầy mợ”. Có lẽ cách gọi cũ kỹ hoặc cầu kỳ này đã không còn phù hợp với bối cảnh đã đổi thay rất nhiều sau cách mạng tháng Tám. Năm 1954, sau hiệp định Genève, có một luồng di dân từ miền Bắc vào Nam mang theo lời ăn tiếng nói của Bắc bộ, nhưng tiếng “bố mẹ” bấy giờ vẫn chưa phổ biến ra cộng đồng miền Nam.

Sau 1975, đất nước thống nhất, ngôn ngữ cũng thống nhất và tiếng Việt nói theo giọng Bắc với cách phát âm của người Hà Nội - được chọn là “tiếng nói Việt Nam”. Cùng với giọng nói thì từ ngữ của người Hà Nội và nói chung cả vùng phương ngữ Bắc bộ, đã trở thành từ ngữ phổ thông của tiếng Việt. Một dòng ngôn từ miền Bắc theo làn sóng phát thanh, truyền hình, sách báo và những người dân Bắc bộ thâm nhập vào đời sống của người miền Nam, trong đó có từ Mẹ.

Người Huế có thêm Mẹ

Thế rồi tiếng Mẹ bắt đầu được một số người Huế sử dụng. Ban đầu là giới cán bộ, công chức, giáo viên, nhà văn, nhà báo - những người tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ phổ thông và phải thường xuyên dùng từ ngữ phổ thông để dạy học, soạn thảo văn bản, viết sách, viết báo... Trong cơ quan, trường học của họ đều có đồng nghiệp nói tiếng Bắc. Họ tiếp nhận và sử dụng từ ngữ của đồng nghiệp Bắc bộ, trong đó có từ “Mẹ”. Và cứ thế từ ngữ Bắc bộ thâm nhập vào lời ăn tiếng nói của người Huế, ban đầu là trí thức, công chức, sau thì đến người bình dân, từ thành thị lan dần về làng quê.

Ban đầu người Huế gọi Mẹ có vẻ ngập ngừng vì ngại “a dua bắt chước” và việc chi phải vay mượn trong khi mình đã có Mạ. Nhưng rồi quen dần, số người nói Mẹ nhiều dần lên, vì đó là từ phổ thông, nói ra ai cũng hiểu. Trong khi tiếng Mạ là từ địa phương và vốn mang sắc thái quê kiểng nên đã từng có một bộ phận người Huế không gọi Mạ mà gọi là “me”. Tiếng “me” này cũng là biến âm của từ Mère (mẹ) của tiếng Pháp, nên một số người cho rằng dùng “me” mới sang. Nhưng từ “me” sang chảnh này cũng không sống được lâu, đến nay thì gần như đã mất hẳn. Vậy thì tiếng Mạ thân thuộc với người Huế như thế, có phải vì nó mộc mạc, quê mùa hay sao mà cũng dần vắng đi, nhường chỗ cho từ Mẹ du nhập từ Bắc bộ vào?

Các từ điển Hán Việt xuất bản tại Việt Nam đều giải thích chữ 妈 âm đọc là “ma”, có nghĩa là mẹ. Trong Hán tự, chữ “mẫu” là “mẹ” nhưng thường dùng trong văn viết (văn ngôn), còn chữ “mama” (mẹ ơi) thường dùng trong bạch thoại (văn nói). Như vậy, có khả năng từ Mạ của người Huế xuất phát từ chữ Ma của Hán tự.

Mỗi người Huế sẽ có một câu trả lời khác nhau, nhưng đúng là có một sự biến động trong ngôn ngữ của Huế, mà điển hình nhất là từ Mạ đã được thay thế bằng Mẹ, và như KTS. Nguyễn Phước Thiện phát hiện: trẻ em Huế hiện nay hầu như không còn gọi Mạ nữa, ngay ở nông thôn, miền núi vốn là những “ốc đảo phương ngữ” mà từ phổ thông rất khó xâm nhập. Nhiều người Huế lớn tuổi vẫn còn gọi “mạ ơi” nhưng đã xưng “mẹ” với con mình. Điều đó có gì bất thường không?

Có phải là dấu hiệu khởi đầu cho sự thay đổi phong cách sống của người Huế hay không? Tôi nghĩ là không!

Huế còn thì tiếng Mạ vẫn còn!

Và không chỉ người Huế mà người Đà Nẵng, người Sài Gòn, người Cà Mau, người cả miền Nam và cả nước Việt Nam đã gọi Mẹ. Tiếng Mẹ - đó là tiếng Việt. Tiếng Việt còn thì tiếng Huế còn. Tiếng Huế - tức là tiếng Việt phát âm theo giọng Huế với một kho từ vựng mang đậm sắc thái địa phương, riêng biệt đến độ chỉ người Huế mới biết, nên có người đùa rằng tiếng Huế là “ngoại ngữ”. Giọng Huế không hề mất, đó là điều chắc chắn, chỉ từ ngữ của Huế thì có thay đổi. Có từ mất đi, có từ mới ra đời, có từ mới bổ sung, theo thời cuộc, theo nắng mưa, theo đồng loại, để sống với cuộc đời, với cả thế giới. Cái thứ tiếng rất đặc biệt, giọng thì trọ trẹ của phương ngữ Trung bộ, mà phát âm thì lại như phương ngữ Nam bộ (rõ nhất là âm cuối “-n, -t” biến thành “-ng, - k”, “con mắt” thành “coong mắc”), nên chỉ cần mở miệng nói là biết ngay người Huế. Nó đậm đà bản sắc như thế thì làm sao mà mất được!

Giọng Huế còn thì phong cách sống, bản sắc Huế vẫn còn. Huế vẫn còn thì tiếng Mạ vẫn còn! Tiếng Mạ vẫn được cất giữ trong kho tàng văn hóa xứ sở, vẫn sống trong những ngữ cảnh mà phải thốt lên tiếng Mạ mới nói hết lời. Dù đứa trẻ Huế cất tiếng gọi Mẹ, thì trong tâm tưởng của người nghe vẫn vang lên âm hưởng của Mạ. Vì tiếng Mạ đã hòa tan trong máu, trong hơi thở của người Huế!

Minh Tự