menu_open
Tự tin hơn với “Từ điển tiếng Việt địa phương vùng Huế”
Xem cỡ chữ:
Không lâu sau khi ở tận bên trời Tây bác sĩ Bùi Minh Đức xuất bản tập sách “Từ điển xứ Huế” xôn xao dư luận, thì ngay tại quê hương, nhà nghiên cứu Triều Nguyên cũng kịp trình làng công trình nghiên cứu “Từ điển tiếng Việt địa phương vùng Huế” (Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2012).

 

 

Là con dân xứ Huế, yêu mến, gắn bó và quý trọng với những gì thuộc về Huế, tạo ra cái phong cách Huế, nên những tập sách khảo cứu, nghiên cứu về ngôn ngữ kiểu như của bác sĩ Bùi Minh Đức hay nhà nghiên cứu Triều Nguyên thực sự cuốn hút, hấp dẫn tôi ngay từ đầu bắt gặp. Đã có nhiều ý kiến về “Từ điển xứ Huế” của bác sĩ Bùi Minh Đức. Bài viết này xin dừng lại công trình từ điển của thạc sĩ Triều Nguyên.

Chỉ là tiếng Việt địa phương vùng Huế mà tác giả có được cuốn sách già 500 trang, với 8.023 từ mục. Dừng lại ở những cảm nhận mang tính hình thức ấy thôi cũng đã thấy được cái tài và sự dụng công lớn mà tác giả dành cho cuốn sách của mình. 8023 mục từ trong cuốn “Từ điển tiếng Việt địa phương vùng Huế” được sưu tập từ hai nguồn là sách báo và từ lời ăn tiếng nói trong dân gian. Đây là công việc mà thạc sĩ Triều Nguyên tiến hành liên tục trong 16 năm ròng rã, từ 1989 đến 2005. Bước một, từ 1989 đến 1993, lập phiếu cho các mục từ (được tác giả xác định là từ địa phương vùng Huế) từ sách báo. Bước hai, từ 1993 đến 2000, sưu tầm các từ ngữ địa phương được dân gian sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày và lập phiếu cho các mục từ này. Bước ba, đề ra quy cách và biên soạn thành bản thảo lần một. Bước bốn, từ 2003 đến 2005, sửa chữa, bổ sung, chỉnh lý bản sơ thảo thành bản thảo chính thức. Dông dài một tý cũng bởi lẽ, muốn bạn đọc hiểu hơn công sức và tâm huyết mà tác giả đổ dồn cho cuốn sách. Đó là công trình của một nhà nghiên cứu đam mê công việc, của một người Huế, yêu Huế, một đời gắn bó với Huế.

“Từ điển tiếng Việt địa phương vùng Huế” là cuốn từ điển biên soạn theo nguyên tắc dùng kèm với một quyển từ điển tiếng Việt phổ thông. Nói như tác giả trong lời đầu của cuốn sách, điều này được hiểu là kho từ vựng tiếng Việt vùng Huế bao gồm kho từ vựng tiếng Việt phổ thông và kho từ vựng tiếng Việt địa phương vùng Huế. Còn tuy không phải là người soạn từ điển chuyên nghiệp, nhưng Triều Nguyên cho thấy tư duy khoa học và khả năng làm chủ một công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn, bao quát và tính tổ chức, khoa học cao. “Từ điển tiếng Việt địa phương vùng Huế” là loại từ điển ngôn ngữ. Mỗi mục từ được ghi nhận và trình bày các nội dung (theo thứ tự): tên gọi; từ loại; cách thức, khả năng kết hợp (nếu có và cần); định nghĩa; ví dụ. Có thể xem, cuốn sách là kho tàng chứa những từ ngữ cổ, những cách phát âm, những yếu tố tưởng như không có nghĩa trong tiếng Việt hiện đại. Nó là sản phẩm mang tính riêng biệt của vùng Huế (địa bàn Thuận Hóa- Bình Trị Thiên, nói chung), trong đó lấy Thừa Thiên Huế làm tiêu điểm. Điều này cũng dễ hiểu khi mà Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã từng gắn bó với nhau trong cùng một đơn vị hành chính (lộ, đạo, xứ, tỉnh) hơn bốn thế kỷ.

Giá trị khoa học và những đóng góp mang tính chuyên ngành của cuốn sách là điều mà với tư cách là một bạn đọc phổ thông tôi không dám lạm bàn. Tuy nhiên, điều có thể khẳng định đây là một cuốn sách quý và bổ ích. Nguyên tắc biên soạn dựa trên những tri thức mới của ngành từ điển học. Cách giải thích các mục từ vừa khoa học, vừa mang phong cách Huế, là cách nói, cách nghĩ của người Huế. Người đọc thích thú với những phát hiện đầy bất ngờ của tác giả khi giải thích các mục từ. Thiết nghĩ, cuốn sách rất cần thiết cho giới nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, và bạn đọc yêu thích tiếng Huế. Nó cũng mang đến lợi ích thiết thực cho giáo viên, sinh viên, học sinh trong giảng dạy, học tập các bài về phương ngữ ở các giáo trình, sách giáo khoa, việc nắm bắt các chú giải về từ ngữ địa phương ở những bài giảng văn và những sáng tác liên quan đến vùng Huế, nói chung. Các bộ môn khoa học xã hội nhân văn khác (như địa lý, lịch sử, dân tộc học…) cũng có thể tìm thấy ở đây những điều cần thiết.

Nghề làm báo trên đất Cố đô, lắm khi phải lao tâm khổ tứ khi cần tìm một từ ngữ “rặt Huế” để diễn đạt cho phù hợp với văn cảnh hay tính cách nhân vật, thì đây với cuốn sách của mình, thạc sĩ Triều Nguyên đã giúp tôi giải tỏa khó khăn kia. “Từ điển tiếng Việt địa phương vùng Huế” có mục từ phong phú và rất nhiều trong số đó là những mục từ “đặc Huế”, kiểu như “để đèng” (để dành), “đệt” (ngây, đờ đẫn)… hằng ngày ai đó vẫn hay dùng nhưng xuất xứ từ đâu thì lại chưa biết. Hay như các từ, chẳng hạn như “cằn rằn” (nghĩa như cằn nhằn trong tiếng phổ thông), “cẳn rẳn” (trẻ em khó ở, khóc lóc từng cơn hoặc vòi vĩnh này nọ) mà những con dân Huế như tôi đây từ nhỏ thường nghe và cũng đã quen dùng, nhưng lắm khi ngại, không dám dùng trong văn viết trước đó, bởi chưa hiểu rõ và cặn kẽ ý nghĩa. Còn nữa là những câu ca dao, câu vè, như “Cây khoai, cây ớt hư hèn; Lấy chi vun quén để đèn mai sau (Vè lụt năm Mão,1999). Đúng là “Huế rặt”.

“Từ điển tiếng Việt địa phương vùng Huế” của thạc sĩ Triều Nguyên đã, đang và sẽ giúp ta thấm sâu qua thời gian, hiểu hơn về lời ăn tiếng nói của con người xứ Huế, qua đó có thể sử dụng tự tin, thành thạo, chính xác trong giao tiếp sinh hoạt và viết lách mà không sợ bị hố, bị chê là quê, là không đúng cách, mà nói như người Huế mình, rứa là ốt dột lắm. Nó xứng đáng là cuốn sách đầu giường và là một đóng góp quan trọng cho ngành ngữ học Việt Nam.

Đình Nam