menu_open
Nghệ thuật khắc họa tính cách và hành động nhân vật qua hai vở tuồng cung đình 'Sơn Hậu' và 'Ngọn lửa Hồng Sơn'
Xem cỡ chữ:
Sân khấu Tuồng cung đình Huế qua Sơn Hậu và Ngọn lửa Hồng sơn là cuộc đấu tranh chính trị, đề cao những vấn đề quốc gia đại sự, những cuộc xung đột giữa chính và tà, trung và nịnh trong triều đình phong kiến.

Các nhân vật chính, nhân vật trung tâm luôn phải trải qua một quá trình bị đặt trong tình thế phải lựa chọn. Chính vì vậy, tâm lý của nhân vật luôn xung đột, bởi luân thường đạo lý xoắn quanh tâm trí họ. Do đó, khi xây dựng các kịch bản sân khấu Tuồng cung đình nói chung, hai vở Tuồng Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn nói riêng, ngoài hệ thống nhân vật trong không gian cung đình được lồng ghép theo kiểu đan xen nhau, thì trong vòng xoáy kìm tỏa của chế độ phong kiến, giới quan lại triều đình nhà Nguyễn cũng đã song song xây dựng bao quát một hệ thống nhân vật thông qua tính cách và hành động của từng nhân vật cụ thể.

Nghệ thuật khắc họa tính cách

Nhân vật trong tất cả các kịch bản văn học Tuồng cung đình Huế, luôn được khắc họa tính cách theo kiểu một chiều. Không có nhân vật ban đầu tốt, sau trở thành xấu và ngược lại. Cũng như vậy, đặc trưng tính cách của các nhân vật trong hai vở Tuồng cung đình Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn không có sự biến chuyển, đây là sự khẳng định rất rõ ràng thông qua nội dung của các kịch bản Tuồng.

Phàn Định Công trong Tuồng Sơn Hậu tính khí trung trực, quả cảm và nóng nảy, ông luôn có suy nghĩ khác người, bởi vậy khi nghe Tạ Thiên Lăng cướp ngôi vua ông đã chặt đầu tên sứ quan của triều ngụy đến dụ hàng, lấy máu nó đề cờ phục quốc.

(Chư tướng) Truyền đặt bàn quỳ tế ngũ phương
Lấy huyết sứ đề cờ phục quốc
Truyền khanh đẳng trai minh thịnh phục1
Trước là trả thảo tiên hoàng
Sau đặng tròn niềm thần tử.

Quân vừa kéo đi thì một ngọn gió thổi gãy cờ. Có người cho rằng đó là điềm chẳng lành, khuyên ông hoãn binh. Ông nói, cờ của ông là cờ chính nghĩa, thánh thần phải phù hộ, gió kia là ma quỷ, là tà khí, ta bất chấp nó. Đi một đoạn nữa, ông nhận được mật thư của Lê Tử Trình, nội dung thư bảo ông chưa nên động binh, hãy chờ cứu được mẹ con thứ hậu ra khỏi nơi tử tù đã. Ông giận thư kia đến muộn, nên nếu rút lui lúc này là mất nhuệ khí quân lính. Ông ngã ngựa và hộc máu. Tướng sĩ can gián, ông quát tiến quân, rồi lại hộc máu và ngã ngựa. Lại có người can ông, nhưng ông vẫn nhảy lên lưng ngựa ra lệnh ai can gián sẽ chém đầu. Rồi lần thứ ba ông ngã, hộc máu và chết. Một cái chết đầy hùng khí.

Thiên dĩ táng, thiêng dĩ táng!
Khí lực suy khi lực suy!
(Thương hại) Gắng sức già lên ngựa ba phen
Trời chẳng độ, Tề triều ắt mất
Ngưỡng thiên nhi đoản thán
Phủ địa dĩ trường thanh2
(Diệm nhìn mặt cha cho tường a con)
Ngựa Khương Dung giấu để ngoài thành
Cốt Phàn thị sớm chôn Sơn Hậu.

Cũng như vậy, tính cách bộc trực nhưng khẳng khái của Khương Linh Tá chính là tiền đề cho những thắng lợi của phe trung thần, bởi vì ở con người này mỗi câu nói trong lúc lâm nguy luôn thể hiện tính cách dứt khoát và quyết liệt:

Khuyên yêng đừng thoái chí
Hãy gắng sức anh hùng
Yêng hãy phòng hoàng tử, thứ cung
Mà ra chốn ải quan đặng trước
Ví dù Tạ tặc
Binh mã tiến truy
Đã có chước giải nguy
Mặc tài tôi ngăn trở
Sức này dù xô ngã
Yêng chạy đã xa đường

Khi nhân vật bộc lộ cá tính của mình, ngôn ngữ thường chứa đựng nhiều thông tin, với nội dung chân thực, chính xác nhằm khắc họa sâu sắc tính cách của nhân vật. Để nói thế nước đang trong cơn nguy khốn và sự thiếu vắng những trung thần vì vua vì nước, Đổng Kim Lân than:

Cơ nghiệp tề chẳng khác trứng trồng
Binh quyền Tạ dường như đã gác”
...
“Chim muốn bay hiềm vì thiếu cánh
Rắn muốn chạy ngại nổi không đầu”
...
“Thành nghiêng không kẻ đắp
Lũy mỏng thiếu người bồi

Và Đổng Kim Lân cùng Khương Linh Tá đã thề nguyện:

Phơi gan đắp lũy
Lột da bồi thành”

Triệu Khắc Thường khinh bỉ những kẻ hèn nhát:

“Thế cũng đòi lên ngựa cầm đao
Về mà vận yếm đào cho tiện

Cũng như vậy, trong vở Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn Tạ Ngọc Lân đã khen tính cách của Triệu Tư Cung:

Biết ngựa hay bởi tại đường dài
Quả cây đắng đã sinh trái ngọt.

Trong mỗi kịch bản sân khấu Tuồng cung đình Huế nói chung, hai Vở Tuồng Sơn Hậu và Ngọn lửa Hồng Sơn nói riêng, tính cách nhân vật thường được khắc họa thông qua động tác biểu diễn của nhân vật trên sân khấu. Đây có thể coi là kiểu kích thích tình cảm trong diễn xuất của nhân vật. Trong đoạn Khương Linh Tá quan sát giặc chuẩn bị chiến đấu:

Binh theo đường gió
Tướng đuổi tựa mưa
Đoái trước sau chỉ có mình ta
Tưởng cô thế khôn ngăn ba gã
Luận theo đường hổ
Ra sức tranh long.

Khi diễn viên sử dụng múa để nhằm tô đậm tích cách nhân vật, thường chọn những điểm nhấn của lời văn mang tính hình tượng để biểu hiện, Tạ Ngọc Lân trong lớp sai Phương Cơ về triều đình thám thính đã cất giọng hát:

Thấy nói lòng mừng lật đật
Nghe rằng chân bước xung xăng
(Bây giờ)
Giả điên cuồng con xuống Trường An
Thông tin tức cha lên Trúc Tự.

Điều hạn chế khá quan trọng là các nhân vật chỉ xuất hiện và hoạt động chủ yếu trong mối quan hệ cang thường và biểu hiện những đức tính: Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, còn cuộc sống riêng tư của con người ít khi được đề cập đến. Điều này xuất phát từ mối quan hệ xã hội, họ coi đó là những mẫu mực của xử thế, do đó những người làm nghề Tuồng khi trình diễn hai vở Tuồng Sơn Hậu và Ngọn lửa Hồng Sơn thường nói:

+ Thông minh như con Cơ (Tạ Phương Cơ trong vở Ngọn lửa Hồng Sơn).
+ Ngay thẳng như Triệu Khắc Thường (Tuồng Sơn Hậu).
+ Tình bạn như Kim Lân - Linh Tá (Tuồng Sơn Hậu).
+ Đúng đắn như bà Nguyệt (Nguyệt Hạo trong Tuồng Sơn Hậu).

Những tính cách điển hình nói trên, là hình tượng nghệ thuật theo quan niệm của người nghệ sĩ, bởi họ đã biết cảm xúc ở mặt đạo đức xã hội về phẩm chất của con người: trung thực, giàu khí tiết, thông minh, dũng cảm, thủy chung. Từ quan niệm này, vấn đề riêng tư của nhân vật ít được đề cập đến cũng là một lẽ tự nhiên.

Khác với các loại hình sân khấu khác, đối với sân khấu Tuồng cung đình Huế mang chủ đề quân quốc, những người làm nghề Tuồng thường thuộc câu nằm lòng:

Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc
Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi.

Từ câu nói trên, người xem có thể nhận thấy tính cách của mỗi nhân vật trong Tuồng được thể hiện rõ ra bên ngoài khuôn mặt được hóa trang của diễn viên. Ở đây, tính cách của nhân vật được thể hiện rõ ở màu sắc với ba tông màu chủ đạo là đen - đỏ - trắng và thêm một số màu phụ trợ như: xanh, xám… Mỗi tông màu gắn với từng mô típ nhân vật cụ thể, như: mặt đen - đại diện cho sự rắn chắc; mặt trắng - vẽ sự bạc bẽo; mặt mốc - dành cho kẻ xu nịnh, phản trắc; mặt rằn - kẻ tướng mạo xấu xí, tính tình nóng nảy; mặt đỏ - tỏ rõ sự trung can nghĩa khí... Đồng thời, hàm chứa sâu sắc cái đẹp trong mỹ học dân tộc. Đối với hai vở Tuồng cung đình Sơn Hậu và Ngọn lửa Hồng Sơn, tính cách nhân vật cũng được khắc họa như vậy. Dưới đây là hình ảnh về khuôn mặt được kẻ bằng những họa tiết “mỹ thuật sân khấu” nhằm làm nổi bật tính cách của một số nhân vật trong hai vở Tuồng nói trên:

Trong hai vở Tuồng Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn tính cách nhân vật cũng đã khắc họa thông của sự bộc lộ cá tính độc đáo của nhân vật, dù mỗi nhân vật có một tính cách khác nhau, nhưng nhìn chung tác giả đã xây dựng nhân vật dựa theo cốt truyện nhằm làm nổi bật nội dung để chuyển tải đến người đọc và người xem những lập trường, tư tưởng cũng như lý tưởng của nhân vật thông qua những cảnh, lớp, hồi của kịch bản.

Nghệ thuật khắc họa hành động

Trong hai kịch bản văn học Tuồng Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn, mỗi hành động của nhân vật luôn được tác giả khắc họa theo qui chuẩn tâm lý đúng với thể loại sân khấu Tuồng cung đình. Trong đó, mỗi hành động của nhân vật được mô tả theo đúng tuyến tính không gian và thời gian, đó cũng chính là mấu chốt thành công của cốt truyện. Mịch Quang, trong Đặc trưng nghệ thuật Tuồng cho rằng: “...ở tuồng, với tính chất ngâm xướng quán triệt trong phong cách của nó, rất khó gây hứng thú chỉ bằng hát. Do đó, nếu văn học tuồng không chú trọng đến hành động, mà chỉ lao theo viết nhiều làn điệu cho mấy đi nữa cũng không thể tạo đất hoạt động cho diễn viên, không thể gây hứng thú cho nghệ thuật”.

Đối với tất cả các loại hình sân khấu, hành động là điều kiện quyết định cho sự thành công của vở kịch. Tuy nhiên, đối với đặc trưng nghệ thuật sân khấu Tuồng cung đình Huế, kịch bản luôn dồi dào tính hành động, và chính hai vở Tuồng Sơn Hậu và Ngọn lửa Hồng Sơn là những vở Tuồng rất giàu hành động và xung đột. Sự việc diễn ra hầu hết là sự đấu tranh không điều hòa giữa hai lực lượng trung và nịnh dẫn đến sự kết thúc một mất một còn. Ở đây, hành động của nhân vật luôn được đẩy đến sự tột cùng của quyết liệt. Do đó, nhân vật nếu đã nổi giận thì giận đến long trời lở đất. Chúng ta thể có nhận thấy giận dữ của Phàn Định Công trong Tuồng Sơn Hậu khi nghe sứ thần của Tạ Thiên Lăng đến dụ hàng:

Vương Sứ:

Vâng lệnh thiên tử
Chiếu truyền dữ lão quan
Hồi bái yết thiên nhan
Đặng gia phong quyền tước

Phàn Định Công:

Nhìn chiếu chỉ quỳ tâm hưởng phúc
Để sắc văn yển thảo xuy phong3
(Chư tướng) Nay có chiếu trào trung
Truyền bài khai hương án.

Vương Sứ, (đọc chiếu):

Nhất gia nhân, nhất quốc hướng nhân
Nhất gia nhượng, nhất quốc hướng nhượng4
Tạ triều đình chiếu chỉ
Trẫm hiệu Thiên vương

Phàn Định Công:

(Sứ, Tạ vương là Tạ vương mô hè?)

Vương Sứ:

(Thưa, Tạ Thiên Lăng).

Phàn Đinh Công:

(Ải, ải) Thấy nói dầu sôi sùng sục
Nghe thôi lửa cháy bừng bừng
(Ấy vậy) Ngỡ Tề triều chiếu chỉ thì lão vâng
Nay Tạ tặc dụ ngô dường ấy?!
Kíp xé tan chiếu chỉ,

(Đao phủ quân)
Đao phủ nã xứ nhân
(Chư tướng!)
Truyền đặt bàn quý tế ngũ phương
Lấy huyết sứ đề cờ phục quốc.

Và cũng như vậy, những nhân vật trong các kịch bản Tuồng nếu đã khóc thì khóc đến xé lòng, đến chảy máu mắt; nếu là tiếng cười thì tiếng cười đến lộn ruột, nghĩa là những hành động tương phản cực độ. Ở đây, trong các kịch bản Tuồng, tiếng cười thường được xây dựng xung quanh hành động của các nhân vật như: quan xòi5, lính canh... điều này được thể hiện lúc Tạ Phương Cơ muốn vượt qua cổng thành về báo lại tình hình với cha mình, rằng Triệu Văn Hoán đã tiếm ngôi vua và cử Tạ Kim Hùng làm đốc tướng.

Hai lính canh:

(Con kia, đi đâu...?)

Phương Cơ:

(Dạ, em đi, em đi tìm chồng em... a ha hahaaaaa).

Hai lính canh:

“Ê, hắn đi tìm chồng mi ơi, con nhà ai mà xinh thế không biết, mà hình như hắn bị điên..., em ơi, chồng đây này, hiiiiiiiiiiiiii).
Con cu bay bổng qua sông
Hỏi thăm em bậu có chồng mà hay chưa.

Phương Cơ:

Có chồng năm ngoái (mà) năm xưa
Năm nay chồng chết nên chưa có chồng.
(A ha haaaaaaaaa, cho em qua bên nớ nghe anh, a haaaaaa).

Hai lính canh:

Có chồng không nói qua hay
Qua cho thúng bún, qua giùm quả xôi”

Phương Cơ:

“Có gì mà bún mà xôi
Hộp trầu chén rượu đã rồi hôm qua
Chạy qua ải

Hai lính canh:

Con này đã dại
Ta lại không khôn
Theo con này chặt lấy bàn chơn
Bỏ xuống ruộng cho cua nó kẹp.”

Có thể nói, dù chỉ là một cảnh, một lớp đi đường diễn ra ở cổng thành hay rừng núi, nhưng hành động của nhân vật chính là điểm ráp nối cho các kiểu xung đột trong nghệ thuật Tuồng nói chung và hai vở Tuồng Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn nói riêng.

Theo Mịch Quang, trong Đặc trưng nghệ thuật Tuồng: “Tính hành động là cái không thể thiếu được của các vở tuồng được truyền tụng, nhưng “tính hành động quyết liệt” lại chỉ là đặc tính trong một thời kỳ lịch sử nhất định của kịch bản tuồng, phản ánh thế giới quan của các nhà hoạt động tuồng đương thời và hoàn cảnh xã hội (thời cuối Lê đầu Nguyễn) vào khoảng thế kỷ từ XVI đến XVIII. Đến cuối thế kỷ XVIII, sang đầu thế kỷ XIX (nhất là tuồng của Đào Tấn) tính hành động tuy vẫn là một đặc trưng cơ bản, nhưng không còn gay gắt quyết liệt, mà lại lắng vào chiều sâu, thiếu về hành động tâm trạng”.

Với sự nhận định trên, hành động của các nhân vật trong Tuồng cung đình tương ứng với lịch sử ra đời của kịch bản Tuồng. Ở hai vở Tuồng Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn hành động tâm trạng của các nhân vật vẫn được đẩy đến tột độ, đó là những suy nghĩ của: Lê Tử Trình, của Đổng Kim Lân, của Tạ Ngọc Lân, của Triệu Tư Cung, của Lý Khắc Minh... tìm “phương cứu giải” khôi phục giang sơn đất nước trong tiếng thở dài độc thoại của bản thân cùng bóng đêm cô tịch.

Kịch tính và hành động của nhân vật luôn căng thẳng từ đầu đến cuối vở diễn. Then chốt của kịch tính là nằm ở những xung đột nội tâm hết sức quyết liệt của nhân vật. Trong Tuồng Sơn Hậu chúng ta có thể thấy hành động của nhân vật được khắc họa thông qua sự đấu tranh nội tâm một cách quyết liệt như: Khi Đổng Kim Lân đem binh đến đánh Tạ Thiên Lăng, nhưng thấy thế họ Tạ quá lớn đành phải quy thuận; Khương Linh Tá đem quân tới giúp Đổng Kim Lân, nhưng thấy Kim Lân đã trá hàng về với Tạ Thiên Lăng, cũng đành trá hàng theo; Thái giám Lê Tử Trình tuy trong lòng muốn bảo tồn dòng giống của vua tề, nhưng phải dâng ấn ngọc cho Tạ Thiên Lăng, để tranh thủ lòng tin của tên thái sư này; Kim Lân và Linh Tá lo lắng không biết Tử Trình có trung thành với vua cũ không nên phải thử lòng Tử Trình; Mẹ Kim Lân bị Tạ Ôn Đình bắt trói yêu cầu Đổng Kim Lân phải đầu hàng, mẹ Kim Lân không cho con đầu hàng, Kim Lân hẹn ba ngày xin bãi binh, hay tên Tạ Kim Hùng không đồng ý với cuộc sống cơ hàn, ngày ngày chăn trâu cắt cỏ cùng cha, cùng em gái, nên hành động bắt đầu cho những tội lỗi của hắn là đã bỏ nhà theo Triệu Văn Hoán khi tên này cướp ngôi vua và cho hắn làm đến chức đốc tướng. Khi Tạ Ngọc Lân giả đến xin ở với nó, nó đã hỏi cha nó có còn đủ sức để làm mấy việc vặt trong nhà không, nếu đủ sức thì múa vài đường quyền để nó xem gân cốt đã. Chỉ một hành động nhỏ bằng lời nói, nhưng ở đây kịch bản đã cho chúng ta thấy được sự bất nhân, bất nghĩa của Tạ Kim Hùng đối với cha mình.

Như vậy, đối với những vở Tuồng cung đình mang chủ đề quân quốc nói chung và hai vở Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn nói riêng, đặc trưng kịch bản sân khấu của nó là tác giả đã sáng tạo những hành động độc đáo của nhân vật khi đưa nhân vật đến những tình huống “ngã ba đường” như một biện pháp thường dùng để xây dựng nhân vật. Ngoài ra, các tác giả cũng có những biện pháp tạo nên những hành động độc đáo của nhân vật để khắc họa tính cách. Nói hành động độc đáo, tức là hành động của nhân vật ở đây khá đặc biệt với những người khác trong tình huống tương tự: đó là hành động của Phàn Định Công (trong Tuồng Sơn Hậu chém xứ thần, rồi ba lần ngã ngựa nhưng vẫn muốn về kinh thành hỏi tội Tạ Thiên Lăng khiến ông hộc máu và chết; hay hành động của Bích Hà tỳ nữ của Xuân Hương (trong Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn) tự nguyện hy sinh thay chủ mình để thế thân cho chánh cung; và còn nữa, Tạ Ngọc Lân (trong Tuồng Ngọn lửa Hồng Sơn) đã phải giết con trai mình vì cơ nghiệp của dòng vua cũ;... những biện pháp ấy, thường được tác giả sử dụng một cách thành thạo như một phương cách nhằm tạo ra hành động độc đáo cho nhân vật của mình trong các kịch bản Tuồng cung đình Huế nói chung, hai vở Sơn HậuNgọn lửa Hồng Sơn nói riêng.


Trương Trọng Bình
(SH321/11-15)


---------------
1. Truyền tất cả ăn chay mặc tang phục
2. Ngửa mặt lên trời than vắn, cúi xuống đất kêu dài
3. Một lòng hướng phục chiếu chỉ, thấy sắc văn như cỏ cúi xuống khi gió thổi. Ý nói tôn trọng chiếu chỉ nhà vua.
4. Một nhà có nhân, cả nước hướng theo điều nhận/ Một nhà nhượng, cả nước đều nhượng.
5. Một chức quan nhỏ trong triều, không có lập trường nhưng thường chỉ biết a dua theo những lời nói của người khác.