Mặt khác, giọng nói của người Bình Định mạnh mẽ thích hợp với các “hơi” trong hát bội, nhất là khi người hát phải vận dụng đến giọng bung, giọng ngực và giọng óc. Trong môi trường thuận lợi ấy, Bình Định lại có duyên may là nơi dừng chân của Đào Duy Từ - ông tổ của ngành ca vũ nhạc xứ Đàng trong và là nơi sản sinh ra nhà soạn tuồng vĩ đại Đào Tấn. Các yếu tố tự nhiên, lịch sử và con người trên đây đã dần dần hình thành một cái nôi Hát Bội tại Bình Định.
Từ xưa, ở Bình Định, Hát Bội là một ngành nghệ thuật dân gian. Nhưng trong điều kiện kinh tế lạc hậu dưới thời phong kiến Việt Nam, một địa phương như Bình Định không thể đủ sức nuôi dưỡng và phát tiển ngành Hát Bội để nó trở thành một ngành nghệ thuật hàng đầu của một quốc gia. Lí do:
- Xiêm y trang trí của Hát Bội rất đắt tiền (lại phải mua của nước ngoài), - Học nghề Hát Bội rất tốn kém vì lâu năm, - Người viết tuồng phải là người có học thức, giỏi văn chương, giỏi nghệ thuật, - Người xem , người nuôi dưỡng phải có trình độ, có điều kiện kinh tế dồi dào… Vì thế, vào thời ấy, chỉ có Kinh đô Huế mới có thể thỏa mãn được các yêu cầu của Hát Bội. Và cánh tay của Hát Bội giơ ra, đã được các vua Nguyễn - Đúng hơn là từ các chúa Nguyễn – bắt lấy ngay.
Thật thế, Kinh đô Huế đã nhiều lần chủ trương bắt con hát, triệu các nhà viết tuồng ở các nơi về Hát cho vua quan triều Nguyễn tiêu khiển, không những thế, các vua Nguyễn còn muốn nắm độc quyền ngành nghệ thuật này để phục vụ “nhiệm vụ” chính trị của họ là giáo dục, rèn luyện cho thần dân tinh thần trung quân ái quốc, hầu cũng cố ngai vàng của họ ngày càng thêm vững bền. Đó là lí do vi sao Kinh đô Huế từ thế kỉ XIX đã trở thành một trung tâm Hát Bội số một ở Việt Nam và các nhà viết tuồng nổi tiếng sinh trưởng ở các địa phương đã có cuộc đời hoạt động nghệ thuật tuồng liên quan đến Huế. Trường hợp điển hình nhất là nhà soạn tuồng vĩ đại Đào Tấn (1845-1907).
Huế một trung tâm hát bội Việt Nam
Sau ngày Nguyễn Hoàng vào trấn giữ miền biên viễn phương Nam (1558), mở đầu cho thời kì phát triển rực rỡ về các mặt ở Thuận Hóa xưa, nhiều nhân sĩ Bắc Hà đã bỏ quê cũ vào miền đất mới, nghề múa, hát bội đã theo chân Đào Duy Từ (1575 - 1634) vào Nam, rồi trở thành một nghệ thuật sân khấu rất đạc sắc là Hát Bội.
Sở dĩ Hát Bội đạt được thành tựu đó là nhờ điều kiện kinh tế xã hội của phương Nam lúc bấy giờ. Tác giả Sãi Vãi đã ca tụng xã hội phương Nam là: “một nơi thư thái, chợ chưa ra giá bán, đường chưa lượm của rơi’’[1]. Thêm vào đó, Đào Duy Từ là một “Khổng Minh” của chúa Sãi, vốn là người xuất thân trong gia đình hát xướng, nên khi được làm quan to ông đã hậu đãi giới Hát Bội.
Đời Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), nhà sư Thích Đại Sán (Trung Quốc) sang thăm Huế (13-3-1756) đã ghi chép những điều tai nghe mắt thấy trong tập Hải ngoại ký sự. Trong tập bút ký này nhà sư có ghi lại một buổi xem hát như sau:
“Ăn cơm xong, khiến gọi ra bốn, năm mươi cung nữ bận áo hoa màu… đội mũ vàng hoặc tay cầm nhạc khí, quá nửa giống nhạc khí Trung Quốc, chỉ có khác là trống eo lưng dài chừng hai thước… dùng tay vỗ có tiếng vang hùng tráng… Ca nhi hát khúc hái sen chậm rãi cho ăn nhịp vơi trống, đàn”.
“Diễn tuồng xong nhà vua lấy ra 50 ngàn đồng giao cho ta bảo thưởng cho tiểu hầu” [2].
Đến đời cháu Nguyễn Phúc Khoát (1739 -1765) đã có thêm những biện pháp tích cực hơn để phát huy cái bản sắc văn hóa của vùng đất Phú Xuân.
Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên cho biết : Khoát đã cho người vào Gia Định bắt con hát về Huế. Như thế đến thời đại của chúa Nguyễn, Hát Bội ở Kinh đô Phú Xuân rất thịnh hành. Đến thời Tây Sơn, Phú Xuân trở thành Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất. Mặt dù những tư liệu của thời Tây Sơn đã bị Gia Long đốt sạch, ta vẫn có thể ước đoán rằng vua Quang Trung xuất thân từ cái nôi Hát Bội Bình Định, người đã có những chủ trương tích cực cho việc phát triển Hát Bội ở Huế.
Đến thời Nguyễn, ta có thể nói Hát Bội bước vào giai đoạn cực thịnh. Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên có chép một mẫu chuyện như sau:
“Nguyễn Đức Xuyên đời Gia Long (1802 -1820) tính tình hào phóng ăn tiêu rộng rãi, ông lập ra Hí ban nữ bộ. Tiền nong túng thiếu nên ông đã tâu vua cho một ngàn quan tiền và một ngàn vuông gạo. Vua con bảo rằng: Nếu không đủ thì cứ cáo với vua, với ông (Xuyên) Nhà nước không tiếc gì hết”.
Hát Bội là ngành giải trí, tiêu khiển chính thống của triều đình, nên khi vạch đồ án xây dựng Kinh thành Huế, Gia Long đã nghĩ đến chỗ đất làm Duyệt Thị Đường [3]. Đến đời Minh Mạng nhà Duyệt Thị được xây cất khang trang nằm phía đông Điện Càn Thành, Duyệt Thị Đường có vai trò của một Nhà hát từ thời xa xưa như thế đấy.
Về phương diện lịch sử kịch nghệ thuật truyền thống Việt Nam, Duyệt Thị Đường là nhà hát đầu tiên ở nước ta. Ban hát trong Cung gọi là Phường Nhà trò. Cũng trong đời Minh Mạng, năm 1825 nhà vua cho thành lập Thự Thanh Bình để thờ tự những tài tử Hát Bội đã quá cố. Và để hỗ trợ cho người Hát Bội, nhà vua ra lệnh phải đổi xiêm y theo lối mới và mời thầy ở nước ngoài về bồi dưỡng nghệ thuật cho con hát Việt Nam. Người thầy nổi tiếng lúc đó là Cang Cung Hầu [4].
Đến thời Tự Đức (1848 - 1883) nghệ thuật Hát Bội phát triển đến tột đỉnh. Nhà Duyệt Thị trong Hoàng Thành chưa đủ, Tự Đức cho xây luôn Nhà hát Minh Khiêm ngay trong Khiêm lăng của ông. Vào các ngày lễ tế hay những lần Tự Đức “ngự giá” lên nghỉ ngơi ở Khiêm cung đều có múa hát. Nghe tiếng Đào Tấn ở Bình Định viết tuồng hay Tự Đức liền rút ông về Huế “sung hiệu thư” chuyên môn viết tuồng theo yêu cầu của triều đình. Tự Đức còn tập hợp những nghệ nhân xuất sắc ở các làng, các tỉnh về Kinh có đến 300 người. Tự Đức mở nhà Học Lâm thu thập các vở tuồng đang lưu diễn trong nước về Kinh để “nhuận sắc” rồi mới giao lại cho các gánh hát, tiếp tục hành nghề. Người được lệnh ngồi chép tất cả các bổ tuồng cũ cho vua Tự Đức là công Lê Quý Đồng. Sau này nước Anh đã chiếm được các bản chép tay này và nhập vào thư viện British Museum ở Luân Đôn vào năm 1889, đóng thành 28 cuốn. Xin liệt kê theo bản Photocopy lưu trữ tại Thư viện quốc gia thành phố Hồ Chí Minh:
Sách 1: Tuồng Tống Từ Minh, ba thứ, 121 tờ.
Sách 2: Tuồng Lý Thiên Long, bốn thứ, 122 tờ
Sách 3: Tuồng Mã Đăng Long, ba thứ, 72 tờ
Sách 4: Tuồng Mã Sĩ, ba thứ, 104 tờ
Sách 5: Tuồng Trần Nhạc Võ, 82 tờ
Sách 6: Tuồng Đà Hắc Báo, 104 tờ
Sách 7: Tuồng Đào Phi Phụng, 109 tờ
Sách 8: Tuồng Sơn Hậu, 3 thứ, 111 tờ
Sách 9: Tuồng Hồ Thạch Hổ, ba thứ, 95 tờ
Sách 10: Tuồng Lý Châu Ngọc, ba thứ, 76 tờ
Sách 11: Tuồng Tứ Tinh Giáng Thế, ba thứ, 93 tờ
Sách 12: Tuồng Kim Vân Kiều, ba thứ, 116 tờ
Sách 13: Tuồng Võ Thành Lân, ba thứ, 70 tờ
Sách 14: và một tuồng mất tờ nhan đề còn lại 42 tờ.
Tuồng Nhạc Hoa Linh, năm thứ, 191 tờ.
Sách 15: Tuồng Lữ Chây Hy, 24 tờ
Tuồng Tam Cố Mao Lư, 18 tờ
Tuồng Giang Tả Cầu Hôn, 25 tờ.
Tuồng Hoa Chúc, 23 tờ.
Sách 16: Tuồng Triệt Giang, 18 tờ
Tuồng Kim Châu Phó Hội, 20 tờ
Tuồng Hoa Dung, 23 tờ.
Tuồng Nghĩa Thích Nghiêm Nhan, 12 tờ.
Tuồng Lạc Phụng Ba, 13 tờ.
Sách 17: Tuồng Đương Dương Trường Bản, 30 tờ.
Tuồng Lê Ngụy Khôi, ba thứ, 105 tờ.
Sách 18: Tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, 144 tờ.
Sách 19: Tuồng An Triều Kiếm, ba thứ, 80 tờ và sách Tuồng Bá Biến Diễm Âm, Tuồng Đào Ân Huệ, 4 hồi.
Sách 20: Tuồng Tửu Hội.
Và một số bài hát Chầu, Mời, hát Phận…
Trong tám sách sau phần lớn là tuồng chèo, chỉ có vài tuồng Hát Bội như tuồng Ngự Văn Quân, 125 tờ (sách 27) và Ngũ Hổ Bình Liêu (sách 28)
Không những chép lại và sửa sang những bản tuồng cũ, triều Tự Đức còn có những tay viết tuồng cự phách như: ông Cử Võ Đình Phương, ông Lê Qúy Đồng, ông Võ Duy Tịnh, Hồ Qúy Thiều, Nguyễn Hiến Dĩnh [5] và nhất là cụ Đào Tấn như đã nói ở trên. Nhờ vậy những vở tuồng hàng trăm hồi đã được soạn thảo kỹ lưỡng như : Vạn Bửu Trình Tường, Quần Phương Hiến Thụy. Không những nhờ kỹ xảo mà Hát Bội có dịp xây dựng những vỡ tuồng vĩ đại và những vở tuồng có giá trị lớn về văn chương và nghệ thuật cũng xuất hiện như các vở Hộ Sanh Đàn, Trầm Hương Các, Diễn Võ Đình… Ngoài ra Huế còn có những vở tuồng đò Di Tình [6],Trương Ngáo rất được quần chúng ta ưa thích.
Đến cuối đời Tự Đức, xã hội Việt Nam bắt đầu tan rã vì thối nát và bất lực bên trong, bị uy hiếp ở bên ngoài, do đó Hát Bội cũng chung số phận nổi trôi với đất nước… Mãi đến đời Đồng Khánh, Hát Bội mới khởi sắc trở lại. Nhưng bên cạnh một Đào Tấn chân chính lại có những người theo Tây như Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải gian manh. Bên cạnh những vở tuồng của Đào Tấn phản ánh tinh thần của kẻ sĩ trong nữa sau thế kỷ 19 lại có những vở tuồng cổ động cộng tác với Pháp như Tượng Kỳ Khí Xa, Tây Nam Đắc Bằng của Hoàn Cao Khải. Đến đời Thành Thái hát bội vẫn còn thịnh hành ở Huế. (Thành Thái rất thích Hát Bội, có lần ông đã định lên đóng một vai trong tuống hát).
Thanh Bình Thự và Thanh Bình Từ Đường.
Qua phần trình bày trên ta thấy Huế dưới thời các vua đầu triều Nguyễn còn để lại nhiều di tích có liên quan đến nghệ thuật tuồng không những có giá trị ở Kinh đô Phú Xuân xưa mà còn có giá trị đối với Việt Nam.
Sau đây xin giới thiệu một di tích đến nay vẫn còn nguyên vẹn và còn có giá trị đối với những nghệ nhận tuồng chúng ta. Di tích đó là Thanh Bình Từ Đường tọa lạc tại phường Phú Hiệp Huế.
Dưới thời Nguyễn ở Huế có ba khu vực dân cư đông đúc dành cho các ông Hoàng, bà Chúa, những kẻ có quyền thế nhất trong xã hội, đó là các khu Kim Long, Vỹ Dạ và chợ Dinh (phường Phú Hiệp bây giờ).
Vua Minh Mạng đã thành lập ở vùng chợ Dinh một cơ quan quản lý và đào tạo múa hát cho cung đình gọi là Thanh Bình Thự dưới quyền điều hành của một quan Thự (ngang hàng với Viện trưởng ngày nay).
Cơ sở chính quan trọng và thiên liêng nhất trong khu vực Thự Thanh Bình là nhà thờ Thanh Bình-nơi thờ phụng, hương khói cho tất cả các nghệ nhân hát bội trên toàn quốc đã quá cố. Các đội múa hát của Cung đình đều học tập, sinh hoạt tại các nhà trường, nhà rạp, nhà ở, nhà giấy… tọa lạc trước nhà thờ.
Các nam đồng ấu từ 10 đến 12 tuổi được tuyển vào cho ăn học trong ba năm rồi bổ sung cho các đội múa hát. Chương trình học có bài bản hẳn hoi, học sinh học hát, học múa rất công phu, phải khổ công luyện lắm mới thành công được. Những người thầy được đến dạy ở thự phải rất giỏi, phần lớn là những người được tuyển chọn ở các địa phương trong nước. Vị thầy đã có công lớn và được giới thiệu hát bội ở đây phong là vị hậu tổ Hát Bội đó là cụ Đào Tấn.
Các sân dài và rộng trước nhà thờ là sân khấu Thanh Bình. Sân khấu này lúc đầu chỉ để diễn tập, dần dần về sau theo yêu cầu của quần chúng, sân khấu Thanh Bình đã biểu diễn phục vụ rộng rãi người xem của Kinh thành giống như rạp Bắc Hòa ở gần chùa Diệu Đế.
Ngày nay, không mấy ai còn nhớ cái trường đào tạo múa hát Thanh Bình, cũng ít người hiểu rõ cái sân rộng trước nhà thờ Thanh Bình xưa kia vốn là một sân khấu hát bội quan trọng nhưng giới hát bội và ngay cả quần chúng mộ điệu ở Huế vẫn còn nhờ họ đã tham dự vào những sinh hoạt lễ lượt tế tự của nhà thờ Thanh Bình.
Nhà thờ Thanh Bình có lẽ đã có từ trước. Theo văn bia còn lại thì “tự đường làm lại” và lạc thanhg vào ngày 9 tháng 3 năm Quý Tỵ (23-4-1833). Trãi qua hơn 150 năm, khí hậu, mưa ẩm và chiến tranh đã làm cho nhà thờ hư hại nhiều. Năm 1958 các nghệ nhân Hát Bội với sự giúp đỡ của bà Từ Cung đã sữa chữa khang trang.
Nhà thờ Thanh Bình là nơi thờ tự độc nhất dành cho những người làm nghệ thuật ở Việt Nam. Để hiểu rõ đánh giá của người xưa với Hát Bội, chúng tôi thiết nghĩ cần đọc văn bia tại nhà thờ Thanh Bình sau đây:
Thanh Bình từ đường bia văn
Xin dịch nghĩa:
Niên hiệu Minh Mạng (1820 - 1840) năm thứ năm (1825) tháng tư, chọn ngày lành khởi công làm bia.
Đến năm Qúy Tỵ mồng 9 tháng 3, Tự đường lạc thành bia văn kính dựng.
Vũ đài xuân rạng hàng liệt chỉnh tề, sân khấu mây lồng âm thành dìu dặt.
Thuật lại chuyện vui xưa nay, kể rõ trò đời biến chuyển, khánh chuông ra lệnh xướng hòa, kèn trống nhịp nhàng đánh thổi.
Tiếng đội tầng mây, đua tài rang sức.
Coi trò hề nức nỏm cả cười, thấy đào kép bàng hoàng suy nghĩ.
Tưởng tượng bong đế Vương, tướng lãnh ngày xưa rõ ràng trước mắt.
Ý hy dạng hào kiệt, anh hung thuở trước, xúc động trong long.
Trải mấy triều Vương đều khuyến khích.
Biết bao âm nhạc được dồi dào, Vua Đại Thuấn thời Ngu đàn khúc Nam phong cầu lệ thứ an vui như được ghe lại.
Ninh võ tử người Vệ nghe bài Trạm lộ đãi sứ thần long trọng chừng đã quen tai.
Thường ngày : Tinh thục cung thương, tập rèn bộ sâu.
Giữa điện đình múa nhảy, tỏ điềm thái vận nước nhà.
Trên lăng miếu xướng hòa, ngưỡng đức cao thâm sơn hải.
Mừng nay: Tự đường làm lại trang hoàng, Tế khí càng thêm rực rỡ.
Quan quản hạt thật dày công đức, không thể quên ơn.
Bài văn bia ghi tạc sắt son. Kính xin tuyên bố.
Người dịch: Di Sơn Ưng Dự (1965).
Qua văn bia, chúng ta thấy Hát Bội đến thời Minh Mạng đã hoàn chỉnh và có thể nói là Hát Bội đã vươn lên đạt mức tốt đẹp. Sở dĩ có được sự phát triển mạnh mẽ như thế là nhờ “trải mấy triều vương đều khuyến khích, biết bao âm nhạc được dồi dào”. Mấy triều vương ở đây không có nghĩa là chỉ từ Gia Long mà phải từ các chúa Nguyễn mấy trăm năm trước.
Hàng năm nhà thờ Thanh Bình tổ chức tế vào hai ngày: Rằm tháng ba và Rằm tháng bảy. Năm 1965, nhận làm luận văn tốt nghiệp, tôi đã tìm lý do tại sao tổ chức tế vào ngày rằm tháng ba, nhưng không tìm được. Còn ngày Rằm tháng bảy theo cụ Ưng Dự, một người nghiên cứu rất uyên bác, có một đội tuồng riêng, cho biết : “Ngày Rằm tháng bảy là ngày Thu tế, cúng tất cả những vong linh nghệ sĩ ở khắp nơi trong nước dù hữu danh hay vô danh. Người ta chọn ngày Rằm tháng bảy vì ngày ấy là ngày giỗ vị hậu tổ Đào Tấn (1845-1907).
Nếu đúng như thế thì ta càng hiểu thêm vai trò của cụ Đào Tấn đối với Hát Bội Huế và Việt Nam thật đã quan trọng đến mức nào! ”
Những năm tháng cụ Đào Tấn hoạt động nghệ thuật ở Huế
Cụ Đào Tấn hiệu là Tô Giang, tiểu hiệu là Mai Tăng, sinh ngày 26 tháng 2 năm ất Tỵ (1845) tại thôn Vĩnh Thạch, huyện Tuy Phước, tỉnh Nghĩa Bình.
Đậu cử nhân năm 1867, bốn năm sau cụ được giới triệu ra Kinh đô Huế nhận chức “Hiệu thư ” và từ đó cụ bắt đầu cuộc đời làm quan ngót 33 năm. Năm 1904 cụ về hưu nghỉ ở quê nhà được ba năm thì mất (1907).
Trong 33 năm làm quan có một lầm cụ chán ngán triều đình, lấy lý do về “cư tang”, cụ lên tu ở chùa Ông úi (Bình Định) trong ba năm. Cụ thực thụ làm quan tròn 30 năm.
Trong 30 năm ấy cụ đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng, từ chân Hiệu thư cụ đã được cân nhắc lên đến chức Tổng đốc An Tịnh (hàm nhị phẩm), Thượng thư Bộ Công, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Binh ( hàm nhất phẩm)… Nhưng cuối cùng lúc về hưu cụ chỉ còn độc chân cử nhân.
Ba mươi năm làm quan, trừ những lần đi làm tổng đốc An Tịnh (10 năm), làm Tri phủ Quảng Trạch (2 năm) cụ sống ở Huế ngót 18 năm.
Cụ Đào Tấn có những mối liên hệ với Huế rất đặc biệt:
Đào Tấn là cháu ngoại của Huế. Thân mẫu của cụ là bà Hà Thị Loan gốc người La Chữ sau vào sinh sống ở làng Vỹ Dạ, Đào Tấn lại là rễ ở Huế. Cụ bà Đào Tấn tên thật là Tôn Nữ Nhuận Khanh, thường gọi là bà Diêu Tiên, giỏi nghề thuốc Bắc. Con trai cụ là Đào Nhữ Tuyên làm rễ Hường Hàng, con gái cụ là vợ ông Tôn Thất Tế (ông nội của nữ nghệ sĩ đàn Piano Nguyệt Minh) ở An Cựu.
Năm 1890, cụ lập Mai Viên trên bờ Ao hồ, một nơi gần gũi chợ Dinh và nhà thờ Thanh Bình, để săn sóc mẹ già và làm nơi rèn luyện Hát Bội cho các nghệ nhân (Mai Viên hiện nay vẫn còn tại số 24 đương Nguyễn Du, phường Phú Cát, Huế) [7]. Bà Hà Thị Loan, thân mẫu của cụ đã qua đời tại Mai Viên, thọ 90 tuổi (1897). Mộ táng tại xã Cổ Bưu gần thôn La Chữ [8].
Xuất thân là một sĩ phu thủ cựu, nghĩa là trung quân ái quốc một cách chung chung, sau khi ở Huế, cụ thấm thía với những bất lực, những thối nát của triều đình Tự Đức, với thủ đoạn của kẻ thù dân tộc là thực dân Pháp, dần dần cụ đã trở thành một sĩ phu tiến bộ theo trào lưu mới. Cụ đã giao tiếp với nhà yêu nước Phan Bội Châu và đã có mặt trong cuộc họp kín thành lập Đảng Việt Nam Quang Phục [9]. Chính ở Huế, cụ đã “tiến” họa sĩ Lê Văn Miến (người Việt Nam đầu tiên học trường thuộc địa và trương Mỹ thuật tại Ba Lê) vào cho vua Thành Thái. Miến là người trung thực đã phản ánh tình hình thực tế của phương Tây cho Thành Thái nghe và Thành Thái đã nhờ họa sĩ vẽ các kiểu súng bộ binh của Tây phương để thuê đúc trang bị cho những đội nữ binh của nhà vua.
Cụ Đào Tấn là một vị quan thanh liêm chăm lo đời sống cho dân ; trong hoạt động nghệ thuật Hát Bội cụ là người được giới nghệ nhân trong triều ngoài nội phong là “hậu tổ” danh tiếng vào bậc nhất trong nước. Trong tư cách của một kẻ sĩ cụ thuộc vào thành phần tiến bộ… vì thế, bọn Việt gian như Nguyễn Thân sinh lòng ghen ghét tìm cơ hội hãm hại cụ. Năm 1903 cụ làm Thượng thư Bộ Công, cho Hường Hàng (là thông gia, cha vợ Đào Nhữ Tuyên con trai cụ), đấu giá làm mới dãy Trại đường Đông Ba. Trong hợp đồng không nói rõ khoản những vật hạng cũ giở ra thuộc về ai. Hường Hàng (là người có thủ đoạn) đã lợi dụng chỗ sơ hở của hợp đồng lấy hết vật hạng cũ. Nguyễn Thân vịn vào lý do đó để tố cáo cụ Đào Tấn với Pháp là đã thông đồng với thông gia để biển thủ vật hạng của nhà nước. Bọn Pháp vốn biết cụ Đào Tấn có những hoạt đồng ngầm chống Pháp nhưng chúng chưa có bằng chứng cụ thể để triệt hạ cụ. Nhân việc Nguyễn Thân sàm tấu như vậy, chúng ra tay làm nhục cụ ngay. Cụ bị cách hết chức tước chỉ còn lại cái vốn cử nhân xuất thân. Nhà cụ ở Mai Viên bị bao vây, hàng ngày chúng chỉ cho người giúp việc đi chợ, ngoài ra không một ai được liên lạc với cụ. Người có thể đến thăm cụ Đào Tấn là họa sĩ Lê Văn Miến (hành tẩu Bộ Cung) thì lại bị Nguyễn Thân đưa ra Nghệ An với công tác giúp mở mang trường Pháp- Việt. Vua Thành Thái là người có tâm đắc với Đào Tấn, chính Đào Tấn là người giữa ngày Tết năm 1889 đã thay mặt triều đình tuyên đọc chiếu chỉ của Lưỡng cung phụng rước Bửu Lân lên ngôi, biến cậu bé 13 tuổi đang sợ hãi ôm mẹ khóc thành vua Thành Thái. Nhưng trước tình cảnh bối rối này Thành Thái cũng chỉ nói được một câu an ủi: “Ta còn ngồi trên ngai này ngày nào thì Đào Tấn không mất trật nào hết” rồi chịu bó tay trước bọn gian thần.
May thay, có ông bạn Hà Đình Nguyễn Thuật hiến kế rằng: Bà Đào Tấn nên bí mật ra Hà Nội gặp Toàn quyền Pháp nói rõ sự thực và yêu cầu Toàn quyền làm áp lực với Tòa Khâm Huế để giải tỏa cho cụ Đào Tấn. Bà Đào Tấn đã làm theo kế của Hà Đình. Nhờ đó cụ Đào được giải vây và được hưu trí. Đó là cái “phần thưởng” có ý nghĩa nhất mà bọn Việt gian và thực dân Pháp đã dành cho cuộc đời làm quan ngót ba mươi năm của Đào Tấn.
Cuộc đời xuất xứ của cụ Đào Tấn có đủ vinh nhục. Nhưng tất cả những thứ ấy cũng bị thời gian xóa nhòa… Sở dĩ ngày nay chúng ta còn phải trân trọng nhắc nhở đến cái tên Đào Tấn chính là vì cuộc đời hoạt động Hát Bội bất diệt của cụ, nhất là những năm tháng hoạt động ở Huế.
Quả thế, ba mươi năm làm quan, cụ Đào Tấn đã từ chức Hiệu thư leo lên đến Thượng thư. Người đời nói : Sở dĩ cụ được cân nhắc lên như vậy là nhờ cụ có tài viết tuồng va thành lập trường dạy hát bội dưới các triều Tự Đức và Thành Thái chứ không phải vì cụ có “công” đàn áp dân trong lúc làm quan.
Toàn bộ tác phẩm của cụ có khoản hai mươi vở do cụ sáng tác, chỉnh đốn và nhuận sắc những vở cũ. Trừ một số vở cũ viết trong hai thời kỳ làm tổng đốc An Tịnh, đa số các vở khác đều sáng tác và nhuận sắc ở Huế.
Hát Bội Huế, nói đúng hơn là Hát Bội triều Nguyễn, đã được Đào Tấn đưa lên đến giai đoạn cực thịnh. Có được thành tựu vẻ vang đó chính là nhờ tài năng kiệt xuất của Đào Tấn được cơ duyên phát triển trong hoàn cảnh đặc biệt dưới thời các vua nhà Nguyễn, nhất là dưới thời Tự Đức và Thành Thái.
Vào thời Tự Đức, xã hội Việt Nam bị phân hóa, tinh thần tôn quân bắt đầu lung lay, nứt rạn sau Hòa ước 1862. Đứng trước tình trạng nguy nan đó, Tự Đức đã cố nắm lấy Hát Bội làm phương tiện giáo dục quần chúng ý thức tôn quân cho nên Hát Bội được đặc biệt nâng đỡ. Không những chỉ triệu Đào Tấn về Kinh, Tự Đức còn cho điều cả những người có tài soạn vở như Vũ Đình Phương, Ngô Qúi Đồng, Nguyễn Trọng Trì và hàng trăm nghệ sĩ tuồng khác từ khắp nơi về Huế.
Ngoài việc để cho Pháp cướp dần đất nước, nội bộ thối nát, triều đình bất lực trước hoàn cảnh rối ren. Tự Đức còn có một nổi niềm riêng : vốn bệnh hoạn từ nhỏ, thêt chất yếu đuối, lại mang cái tội “với trời ” là không con, không có người kế nghiệp [10]. Ông đã phải tự làm lăng cho mình ở Vạn Niên [11]. Khi còn sống, Tự Đức sử dụng lăng như một cung điện (gọi là Khiêm Cung) Trong Khiêm Cung, Tự Đức đã không quên dựng một cái nhà hát (tên gọi Minh Khiêm Đường) để giải buồn những khi lên đất nghỉ ngơi.
Do yêu cầu giải buồn cho vua, các soạn giả đã phải viết những vở tuồng trường thiên như: Vạn Bửu Trình Tường diễn liên tục 100 buổi, vở Quần Phương Chiến Thụy diễn 40 buổi mới hết.
Mỗi buổi diễn kéo dài từ giờ ngọ đến nữa đêm.
Theo Đoàn Nông, Vạn Bửu Trình Tường là một pho tuồng dài “đại cà sa” lấy tên các vị thuốc đặt cho các vai tuồng do Diên Khánh Vương (con Gia Long) khởi xướng va được các nho sĩ trong bá quan triều Tự Đức đứng đầu là cụ Đào Tấn soạn.
Dựa vào dược tính các vị thuốc Bắc, các soạn giả đã viết những truyện rất ly kỳ, nhân vật toàn là vị thuốc được nhân cách hóa. Thuốc bổ là nhân vật chính diện, thuốc độc là nhân vật phản biện. Thuốc không độc không bổ như Cam thảo thì thành nhân vật “dĩ hòa vi quí”. Cam toại là vị đắng và độc biểu trưng tính nịnh tàn bạo… Người ta nói cụ Đào Tấn hiểu được các vị thuốc bắc một phần do học thức, một phần nhờ người vợ (bà Diệu Tiên) - một người rất giỏi về thuốc bắc.
Cùng soạn với Đào Tấn có các bạn đồng triều như Ngô Qúi Đồng và Võ Đình Phương. Ba người phải làm việc cật lực trong ba năm mới xong. Tương truyền, mỗi lần viết xong một lớp Vạn Bửu, Đào Tấn trình lên cho Tự Đức duyệt. Là một ông vua nổi tiếng hay thơ, Tự Đức vẫn phaỉ khen rằng “Thần hồ kỹ hỷ” nghĩa là nghệ thuật như thần! Và khi trả lại cho soạn giả các bản thảo, Tự Đức thường lồng trong các trang viết năm, ba nén bạc để thưởng.
Vạn Bửu là một tuồng lạ nhất xưa nay, cả Đông lẫn Tay chưa hề có. Ông Đội Tiêu nhạc chánh Nam triều - là ông nôi tôi - cho biết : Về văn chương thì vở Vạn Bửu trác tuyệt, về nghệ thuật thì tinh vi, kết cấu có tình tiết éo le, gây cấn…dựng lên sân khấu người xem bị lôi cuốn suốt cả mấy tháng.
Bổn tuồng này đến nay đã thất truyền. Hai mươi năm trước, khi nghiên cứu đề tài Hát Bội của Đoàn Nồng (trang 170) và nghe nói ở Paris còn giữ được một bản đầy đủ, nhưng không rõ đang nằm trong tay ai ?
Đồng thời với Vạn Bửu, Đào Tấn còn soạn vở Quần Phương hiến thụy, Quần Phương là một vở lớn diễn đến 40 buổi mới hết. Nội dung lấy các lài hoa làm nhân vật, có hoa thơm, hoa hôi. Các loài hoa tranh chaaso nhau trong cốt truyện rất ly kỳ. Vở Quần Phương cũng cùng chung số phận với vở Vạn Bửu nay đã thất truyền. Thật là một thiệt hại lớn cho Hát Bội nói chung và Hát Bội Huế nói riêng.
Viết và sữa chửa trên dưới hai mươi vở tuồng, danh tiếng của soạn giả Đào Tấn chiếm lĩnh hoàn toàn các sân khấu Hát Bội cuối thế kỷ XIX. Nhưng sự việc viết tuồng chỉ tạo được danh vọng cho một người đó là tác giả. Đào Tấn không dừng lại ở đó. Cuộc đời cụ từ khi còn ở quê nhà cho đến lúc ra làm quan, từ một chân cử nhân cho đến địa vị nhất phẩm triều đình (thượng thư) bao giờ cụ cũng dành nhiều thời gian để tổ chức và luyện tập nghề nghiệp cho các nghệ sĩ tuồng như các lớp mầm non.
Lúc sinh thơi, ông Đội Tiêu cho biết : “Trước kia vua quan rất thích xem hát nhưng họ vẫn khinh thường người hát. Họ liệt con hát vào hàng vô loại, đồ xướng ca vô loại. Nhưng đến đời Tự Đức có Đào Tấn là một quan to lại giỏi soạn tuồng và hát hay cho nên từ đó những người đi hát mới có uy tín. Có được sự chỉnh đốn ấy ai cũng biết là nhờ cụ Đào Tấn”.
Ông nội tôi cũng cho biết là “Ông đã được học bộ điệu với cụ Đào Tấn ở Thanh Bình Thự. Cụ Đào Tấn có tài biểu diễn đế nổi cụ mặc quần áo giấy mua ở hàng mã, lên sân khấu biểu diễn người xem cứ tưởng đó là xiêm y rực rỡ thực. Nhờ cụ truyền nghề nên Hát Bội Huế có những nét riêng độc đáo khác với Hát Bội miền Bắc, miền Nam”.
Những người sành điệu đều biết học nghề Hát Bội rất công phu. Nhiều thể loại được đưa lên sân khấu : Hoặc là văn hoặc là kịch, hoặc là ca nhạc, vũ hay điêu khắc… Nhưng khi biểu diễn nhiều bộ môn nghệ thuật chỉ tổng hợp được vài ba tính chất trên. Chỉ có Hát Bội là tổng hợp được cả năm. Riêng hai môn điêu khắc và vũ nổi bật hơn hết. Cụ Đào Tấn đã thấy được đặc điểm đó và đã khai thác triệt để.
Khi lập Mai Viên ở Huế (số 24 đường Nguyễn Du ngày nay) cụ đã xây dựng một nhà hát riêng để dạy hát. Nhà hát này giống như nhà hát cụ dựng trên bờ sông Vĩnh Diện khi cụ làm Tổng Đốc Nam Nghĩa năm 1898, và cũng giống như Học Bộ đình cụ dựng ở Vinh khi làm Tổng đốc An Tịnh lần thứ hai (cuối 1898), Do tính chất trung tâm văn hóa và chính trị, Huế đã trở thành trung tâm Hát Bội thế kỷ XIX và đã thu hút được những nhà viết tuồng nổi tiếng về hoạt động. Nhưng khi giặc Pháp xâm lược nước ta, đặt trong nền móng cai trị ở đây thì văn hóa Tây phương với sự hậu thuẫn của giặc đã đẩy lùi văn hóa dân tộc ra các vùng nông thôn. Hát Bội cùng chung số phận với các ngành văn hóa khác đã trở về ẩn nấu ở quê nhà Bình Định.
Hiện nay, Hát Bội đang có những cơ hội tốt để hồi sinh. Tỉnh Bình Định nêu bật trong cả nước về ngành nghệ thuật sân khấu truyền thống này. Tuy thế, Huế vẫn không bị phai mờ… Chưa bao giờ Huế được đồng bào cả nước và thế giới khẳng định là một trung tâm văn hóa tiêu biểu của Việt Nam như ngày nay! Văn hoad Việt Nam phát triển ở Huế có liên quan đến tất cả các địa phương trong cả nước và ngược lại các địa phương trong cả nước đều có dính dáng cách này hay cách khác với Huế.
Riêng về ngành Hát Bội, Huế ngày nay cũng cần quan tâm đến nhiều việc: Cần sưu tầm lại tất cả di sản Hát Bội Huế (bản tuồng cũ và nghệ thuật trình diễn) để xây dựng lại đoàn tuồng Huế nhằm phục vụ nhân dân Huế và khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời cần phục chế, tôn tạo những di tích có giá trị quốc gia như Duyệt Thị đường, nhà thờ Thanh Bình, Minh Khiêm đường và Mai Viên của cụ Đào Tấn đểlàm nơi hội diễn hàng năm của ngành sân khấu truyền thống, để làm bảo tàng nghệ thuật cho đời nay và mai sau.
Chú thích:
[1] Nguyễn Cư Trinh, Sải Vãi, câu 7.
[2] Thích Đại Sán, Kỷ Sự Hải Ngoại, Đại học Huế XB 1963, trang 40.
[3] Nhiều người cho rằng nhà Duyệt thị đã xây dựng từ thời Gia Long, thật sự là xây từ thời Minh Mạng. Nhưng có lẽ trên chỗ đất ấy, dưới thời Gia Long đã có một nhà hát rồi sau bị dời đi, làm lại khang trang hơn như Đại Nam Nhất Thống Chí (Tập Kinh sư) đã ghi.
[4] Đoàn Nồng, Hát Bội, trang 26.
[5] Đoàn Nồng, Sđd, trang 31.
[6] Vở Di Tình tương truyền của cụ Tuy Lý Vương, sau đổi thành “Thầy Nghêu” và hiện đang được lưu hành với cái tên “Nghêu Sò Ốc Hến”.
[7] Năm 1904, cụ bán cho ông Phò mã Nguyễn Hữu Khâm để về hưu trí. Ông Khâm là chồng bà chúa Tám (chị ruột vua Thành Thái).
[8] Theo Mạc Như Tòng.
[9] Đời hoạt động Cách mạng của Cường Để, trang 13.
[10] Xem Khiêm Cung ký tại lăng Tự Đức.
[11] Một việc chưa từng có trước đây.