menu_open
Thăm Thanh Bình Thự
Xem cỡ chữ:
Ông Lợi trước Thanh Bình từ đường
Theo đường Chi Lăng đến kiệt 281, bỏ lại sau lưng ồn ào phố thị chúng tôi vào thăm Thanh Bình Thự. Người thủ từ già tủm tỉm cười, tay chầm chậm tra chìa khóa khi khách xin vào dâng hương. Sau cánh cửa gỗ ấy như có một thế giới khác...
Ông Lợi trước Thanh Bình từ đường

Thanh Bình Thự là nhà thờ tổ ngành hát bội lớn nhất nước, được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng để suy tôn các tổ sư có công trạng với nghệ thuật sân khấu tuồng Huế. Sự tồn tại của nhà thờ này gắn liền với lịch sử phát triển của nghệ thuật tuồng Huế. Dưới thời các chúa Nguyễn, nghệ thuật tuồng đã được phát triển lên vị thế đỉnh cao với phong cách tuồng cung đình và trở thành "Quốc kịch" của Đàng Trong. Năm 1992, Thanh Bình Thự được Nhà nước công nhận Di tích cấp Quốc gia.

Cụ Trần Ngọc Lợi – vị thủ từ đã ngoài 90 tuổi, không chút chần chừ khi khách xin vào thăm và dâng hương trong từ đường. Mồ hôi viên thành giọt trên trán ông vẫn kính cẩn dẫn khách đến từng bàn thờ và giới thiệu tỉ mỉ về các bài vị được thờ trên đó.

Trước tiên là ban thờ Ngài Một ở chái bên tả: “Ngài là vị thần cai quản từ đường, mỗi lần có cúng kiếng hay thăm viếng từ đường đều phải làm lễ cáo với ngài”. Tiếp đó là ban thờ các bài vị thờ Quan Thánh Đế Quân, Thái Thượng Lão Quân, Chư Phật Bồ Tát, Tề Thiên Đại Thánh, Thiên Tiên Địa Tiên, Cửu Thiên Huyền Nữ, Tôn Đức Hầu, Lưu Tiên sinh, Chúa Ngọc Tiên Bà, Thánh Nương Ngọc Mẫu, Thổ Địa Thánh Thần, Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ và Chúa sơn lâm. Mỗi hương án đều mang ý nghĩa thiêng liêng riêng. Gần cửa ra vào là nơi thờ ông tổ của 12 ngành nghề thủ công. Ông Lợi diễn giải thứ tự ra đời của các ông tổ nghề, gắn với vòng đời của một con người, như sớm nhất là ông tổ ngành rèn, phải có dao mà cắt dây rốn, và cuối cùng là ông tổ kim hoàn chế tác vàng, bạc. “Ấy là khi cuộc sống đã đủ đầy rồi, người ta mới nghĩ đến chuyện làm đẹp”, vị thủ từ móm mém cười.

Ban thờ cuối cùng ở gian chính giữa – nơi trang trọng nhất trong từ đường, có bài vị Càn Cương Hầu. Tương truyền, Càn Cương Hầu là người Trung Quốc, được triều đình Minh Mạng mời sang dạy hát cho người Việt Nam. Cũng có giả thiết khác, rằng Càn Cương Hầu là người Việt, học được cách hát khách của người Trung Quốc rồi truyền dạy lại cho người Việt. Ông được tôn xưng là ông Tổ ngành tuồng và được thờ ở vị trí trang trọng nhất. Cũng ở ban thờ này, còn có hương án thờ 27 vị thầy của ngành nghệ thuật truyền thống này... “Trước khi ra sân khấu, các diễn viên thắp hương khấn vái để các thầy phù hộ cho vai diễn của mình. Khi các gánh hát ngừng hoạt động, người ta lại rước các thầy đến thờ ở đây”, ông Lợi giải thích.


Trước khi ra sân khấu, các diễn viên thắp hương khấn vái để các thầy phù hộ cho vai diễn của mình


Dâng hương và được nghe giới thiệu hết các vị được thờ trong từ đường, chúng tôi trở lại sân, nơi có dựng một bia đá sắc phong Từ đường của vua Bảo Đại và một tấm khác ghi công lao những người đóng góp công sức trùng tu lại Thanh Bình từ đường. Ngày nay, xung quanh nhà thờ tổ ngành hát tuồng có rất nhiều gia đình sinh sống với nhịp điệu bình yên đến lạ. Trong sân từ đường và cả những ô đất nhỏ hiếm hoi xung quanh, vợ chồng ông Lợi đã trồng xanh những cau và trầu, làm lễ vật dâng cúng các ngài. Hỏi ông “Tuổi đã già, ông còn điều chi mong muốn?”. Ông cười móm mém: “Tui tình nguyện trông coi từ đường ni từ năm 1954, buồn vui kể không hết được. Chừ ở tuổi này rồi, không mong gì hơn là được các Ngài cho sức khỏe để có thể làm tốt việc ni cho đến hết đời mà thôi”.

“Trải qua bao đổi thay, dù nghệ thuật tuồng không còn giữ vị thế độc tôn như dưới thời kỳ nhà Nguyễn, nhưng Thanh Bình từ đường vẫn được xem là nơi linh thiêng, là mái nhà chung, là nơi tụ họp của con cháu trong nghề mỗi dịp tế tổ hàng năm. Niềm tin đối với các vị tổ sư giúp người trong nghề sống tốt hơn cả trong nghệ thuật lẫn cuộc sống. Ý nghĩa văn hoá và tâm linh của ngôi Từ đường giúp người ta vươn cao trong nghề nghiệp và hướng thiện trong cuộc sống...”, tác giả Phan Thuận Thảo đã viết điều đó trong “Tìm hiểu tổ ngành hát bội”. Xin mượn chia sẻ ấy làm sự đồng cảm vậy!
Bài, ảnh: Đồng Văn