menu_open
Thời Nguyễn (1802-1858)
30/06/2018 6:32:07 CH
Xem cỡ chữ:
Khi Gia Long lên ngôi, mở ra triều đại nhà Nguyễn, Huế trở thành trung tâm chính trị của một đất nước có lãnh thổ thống nhất và rộng lớn chưa từng có trong lịch sử.
Giới thiệu:

Khi Gia Long lên ngôi, mở ra triều đại nhà Nguyễn, Huế trở thành trung tâm chính trị của một đất nước có lãnh thổ thống nhất và rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Ở kinh đô Huế vua Gia Long và vua Minh Mạng đã xây dựng một bộ máy nhà nước có quy củ, được tổ chức chặt chẽ, đủ sức quản lý cả một đất nước rộng lớn từ Lạng Sơn đến tận mũi Cà Mau.

Nét đặc trưng:

Thừa Thiên Huế ở nửa đầu thế kỷ XIX (1802 - 1858)

Về quan chế được quy định gần giống với nhà Lê. Dưới nhà vua, mọi việc đều do lục Bộ đảm nhiệm: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Hình, Bộ Lễ, Bộ Công, Bộ Binh. Ngoài Lục Bộ còn có Đô Sát viện. Đến năm 1834, vua Minh Mạng lập Cơ Mật viện để bàn việc quân quốc cơ yếu.

Vua Gia Long chia lãnh thổ từ Bắc vào Nam làm 23 trấn và 4 doanh. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), triều đình chia đặt từ Quảng Trị ra Bắc thành 18 tỉnh, qua năm sau 1832, tiếp tục chia đặt từ Quảng Nam vào Nam thành 12 tỉnh. Cả nước bấy giờ có 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên. Năm Minh Mạng thứ 15 (đầu năm 1835), triều đình đặt thêm 3 huyện ở phủ Thừa Thiên là Phong Điền, Hương Thủy và Phú Lộc. Như vậy đến thời điểm này phủ Thừa Thiên có tất cả 6 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy và Phú Lộc.

Vào thế kỷ XIX, Thừa Thiên Huế bao gồm cả kinh đô nên thường được triều đình Huế chú ý an dân, phát triển các mặt để tạo chỗ dứng chân vững chắc cho vương triều.

Về kinh tế, triều Nguyễn có những chính sách ưu đãi để phát triển nông nghiệp ở Thừa Thiên, cấm mua bán ruộng đất công, lập kho Thường bình, Sở Tịch điền, Sở Diễn canh, kho Bình thiếu, Sở Đồn điền, Đàn Tiên nông, giảm miễn thuế mỗi khi mất mùa, xây dựng các công trình thủy lợi, đắp đập ngăn mặn, đào kênh, khơi vét sông hói. Năm 1808 đào sông Dương Xuân, năm 1814 đào sông An Cựu (Lợi Nông), năm 1835 đào sông Phổ Lợi... Dẫu vậy, cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, trình độ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, công cụ chưa có những tiến bộ quan trọng và năng suất cây trồng còn thấp.

Cùng với nông nghiệp, thủ công nghiệp Thừa Thiên Huế trong  nửa đầu thế kỷ XIX cũng có bước phát triển đáng kể, nhiều làng nghề thủ công trở nên nổi tiếng: làng gốm Phước Tích (Phong Điền); làng nón Triều Sơn (Hương Trà); Sư Lỗ Đông (Phú Lộc), Phú Cam (Huế); làng nghề rèn, luyện sắt ở Phù Bài (Hương Thủy), Hiền Lương (Phong Điền); đúc đồng ở Dương Xuân; nghề thêu ở Huế; mộc, chạm điêu khắc Mỹ Xuyên... Hoạt động thủ công nghiệp có hai bộ phận, ngoài các làng nghề thủ công dân gian, còn có xưởng thủ công do triều đình quản lý. Các nghề thủ công đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa Huế, in đậm trên các công trình kiến trúc vật thể và trong đời sống tâm linh của con người. Ngoài các nghề thủ công, ở Huế còn có các làng sản xuất muối biển nổi tiếng nhất là Diêm Trường và Phụng Chính (Phú Lộc).

Một bộ phận lớn các thợ thủ công được tập hợp trong một tổ chức nghề nghiệp là Tượng cục (thời Gia Long gọi là Ty, hay Đội). Số lượng tượng cục ở kinh đô rất lớn, Tượng cục có thể tự sản xuất độc lập hoặc trở thành một bộ phận trong xưởng sản xuất lớn - những quan xưởng của triều đình.

Sự phát triển của nghề thủ công nghiệp không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu đời sống cung đình và công việc kiến thiết đế đô, mà còn tạo ra nguồn hàng thúc đẩy thương nghiệp phát triển. Nửa đầu thế kỷ XIX, mạng lưới chợ huyện đã được hình thành đều khắp trên địa bàn Thừa Thiên Huế như Gia Hội, An Vân, Thanh Hà, Kim Long, Nam Phổ, An Cựu, An Nông, Phú Lễ, Đại lộc...., các chợ là trung tâm giao lưu trao đổi giữa các địa phương trong vùng và với kinh đô Huế. Ngoài chợ huyện còn có hệ thống các chợ làng. Đặc biệt sự phát triển của thương cảng Bao Vinh đóng vai trò quan trọng trong việc mua bán giữa Thừa Thiên Huế với các tỉnh và với nước ngoài.

Nhìn chung, thủ công nghiệp và thương nghiệp ở Thừa Thiên Huế trong nửa đầu thế kỷ XIX có bước phát triển đáng kể so với trước. Tuy nhiên, do quốc sách “dĩ nông vi bản” của triều đình nên thủ công nghiệp và thương nghiệp chưa phát triển hết tiềm năng, vẫn còn chịu nhiều ràng buộc của thế chế phong kiến và của nền kinh tế tiểu nông.

Về giao thông, ở Thừa Thiên Huế dưới triều Nguyễn, ngoài các đường thủy trên sông, trên các đầm phá và dọc theo biển, còn có nhiều cầu được xây dựng. Đường bộ thì có đường quan, theo đường quan các trạm dịch được thiết lập: trạm Thừa Nông, Thừa Hóa, Thừa Lưu và Thừa Phúc ở huyện Phú Lộc; trạm Thuận Lan ở Phú Vang; trạm Thừa An, Thừa Mỹ ở Phong Điền. Các đường trạm và trạm dịch giữ vai trò quan trọng trong giao thông liên lạc lúc bấy giờ.

Về văn hóa, những thành tựu văn hóa giáo dục ở nửa đầu thế kỷ XIX của đất nước được phản ánh rõ nhất trên đất Thừa Thiên Huế.

Dưới triều Nguyễn hệ thống trường học được mở quy củ đến tận các huyện. Quốc Tử Giám cũng được mở để đào tạo nhân tài phục vụ cho đất nước. Cùng với hệ thống trường học, việc thi cử cũng được định lệ, kỳ thi Hương được tổ chức từ năm thứ sáu đời gia Long (1807) và kỳ thi Hội có từ năm Minh Mạng thứ ba (1822). Cứ ba năm một lần tổ chức thi Hương, năm sau tổ chức thi Hội. Trường thi Thừa Thiên được xây dựng năm 1825 và liên tục là địa điểm tổ chức các khoa thi dưới triều Nguyễn.

Dưới thời Minh Mạng, năm 1836, ở kinh sư còn thành lập một trường đặc biệt chuyên dạy ngoại ngữ, có tên gọi là Tứ Dịch Quán để đào tạo người giỏi ngoại ngữ phục vụ cho việc bang giao với các nước.

Quốc Sử quán triều Nguyễn được thành lập năm 1820 đã làm công việc sưu tầm tập hợp hàng ngàn pho sách cổ của các thời trước, xuất bản nhiều công trình sử học, địa lý học quan trọng như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Đại nam liệt truyện,...

Âm nhạc, sân khấu: Các loại nhã nhạc cung đình được lưu hành có nhã nhạc, giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc.... Ngoài ra, âm nhạc Huế có hai dòng chính là nhạc dân gian xứ Huế và ca nhạc Huế. Sân khấu tuồng phát triển mạnh mẽ, bên cạnh dòng tuồng bác học chuyên phục vụ cho cung đình còn có dòng tuồng dân gian.
Kiến trúc ở Huế có kiến trúc cung đình với nhiều công trình kiến trúc hoành tráng, quy mô lớn được xây dựng qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức là bộ phận chủ yếu làm nên quần thể di tích Huế được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Bên cạnh đó còn có dòng kiến trúc chùa, miếu, đình, và kiểu kiến trúc nhà ở dân dã.

Tôn giáo: Các vua đầu triều Nguyễn nhận thức được vai trò quan trọng của Nho giáo trong việc củng cố chế độ phong kiến tập quyền nên rất coi trọng Nho giáo. Đối với Phật giáo, tuy có những quy định chặt chẽ về việc xây dựng chùa chiền, đúc chuông, tô tượng, đàn chay hội chùa... “từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, làm chùa mới và tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa, hết thảy đều cấm” (Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, tập 1, tr 586), nhưng nhiều vị vua triều Nguyễn tổ chức  tu sửa chùa chiền, xây dựng nhiều chùa công (chùa do nhà nước xây cất) như Thiên Mụ, Giác Hoàng, Diệu Đế, Thánh Duyên.... Nhìn chung, các vua nhà Nguyễn không hoàn toàn bài bác Phật giáo mà có thái độ dung hòa Nho - Phật. Đối với Thiên chúa giáo, nhà Nguyễn thi hành chính sách hạn chế.

Về đời sống xã hội của nhân dân Thừa Thiên Huế nửa đầu thế kỷ XIX, là đất kinh sư mặc dù được ưu đãi hơn so với các địa hạt khác trong nước, nhưng đời sống của nhân dân vẫn cơ cực, thuế má, phe phen nặng nề. Sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc cùng với việc hình thành tầng lớp quý tộc và tầng lớp bình dân. Hơn ở đâu hết, trên đất Thừa Thiên huế nhân dân cảm nhận rõ rệt sự đè nặng của tôn ti, trật tự, đẳng cấp phong kiến.

Công cuộc xây dựng Kinh đô Huế dưới triều Nguyễn

Sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh chọn Phú Xuân làm kinh đô, lập đàn tế trời đất rồi thiết triều để lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long. Năm 1804, vua Gia Long đổi quốc hiệu là Việt Nam.

Tháng 4 năm Ất Sửu (1805), triều Nguyễn khởi công xây dựng Kinh thành. Hơn 3 vạn lính và dân phu từ Quảng Bình đến Quy Nhơn đã được huy động đến Huế thi công. Ðến năm 1807 thêm 80.000 binh lính ở Thanh Nghệ và Bắc Thành được đưa vào tăng cường lao dịch ngày đêm. Ban đầu thành đắp bằng đất, gỗ ván bọc mặt ngoài. Năm Gia Long 17 (1818) mới cho xây gạch 2 mặt Tây và Nam. Hai mặt Đông và Bắc xây gạch năm 1822. Ðến năm 1832, đời Minh Mạng, việc thi công mới hoàn tất và sau đó còn được tu bổ nhiều lần.

Địa điểm tọa lạc của Kinh thành Huế nguyên đã được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong từ năm 1687 đến 1775, rồi sau đó nhà Tây Sơn dùng làm kinh đô của cả nước từ 1788 đến 1801. Vua gia Long chọn lại địa điểm này để xây dựng Kinh thành với quy mô to lớn hơn, nằm trên đất của 8 làng: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, Thế Lại, An Vân, An Hòa, An Bửu và An Mỹ.

Kinh thành được xây dựng theo kiểu Vauban, có hình gần như vuông, diện tích 520ha, chu vi trên 10.500m. Hệ thống thành quách (gồm Kinh thành (thành ngoài), Hoàng thành và Tử cấm thành (thành trong) đều nằm trên một trục, quay mặt về hướng Nam - Đông Nam, được xây dựa vào địa thế của núi Ngự, sông Hương. Trục chính của hệ thống này chạy qua giữa đỉnh núi Ngự Bình.

Hoàng thành là trung tâm sinh hoạt chính trị và hành chính quan trọng nhất của triều đình, được xây dựng vào năm 1804 và được nâng cấp, hoàn chỉnh vào năm 1833. Hoàng thành có diện tích 36ha, có hình gần như vuông, mỗi cạnh khoảng 600m. Trong Hoàng thành có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp chia làm nhiều khu vực khác nhau, giữ các chức năng riêng.

Tử cấm thành nằm trong lòng Hoàng thành là khu vực sinh hoạt của vua và hoàng gia. Tử cấm thành có hình gần như vuông với chu vi 1.200m. Trong Tử cấm thành có hơn 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, bao gồm nhiều cung điện huy hoàng tráng lệ, lộng lẫy vàng son.

Kinh thành Huế có giá trị lớn về mặt phòng thủ. Chung quanh thân thành có 24 pháo đài, cùng một thành phụ là Trấn Bình đài (Mang cá nhỏ). Tất cả các công trình đó cùng với vòng đai Hộ Thành hà bảo vệ bên ngoài đã tạo nên một hệ thống bố phòng vững chắc.

Kiến trúc kinh thành Huế là sự kết hợp chặt chẽ đầy trí tuệ giữa kiến trúc và thiên nhiên. Đây là tri thức và tài nghệ của dân tộc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.

Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử