menu_open
Thời kỳ Tiền sử, Sơ sử đến thế kỷ XIV
30/11/2018 5:15:49 CH
Xem cỡ chữ:
  Công cụ sắt ở Cồn Ràng (Hương Trà)
Thời Sơ sử ứng với thời đại Kim khí theo phân kỳ khảo cổ học, bao gồm cả thời đại đồ đồng cho đến sơ kỳ thời đại đồ sắt.
  Công cụ sắt ở Cồn Ràng (Hương Trà)
Giới thiệu:

Thừa Thiên Huế thời Kim khí là địa bàn phân bố của phức hệ văn hóa Sa Huỳnh. Đến nay tại Thừa Thiên Huế đã phát hiện được hai di tích của giai đoạn muộn - giai đoạn Sa Huỳnh điển hình ở Cồn Ràng và Cửa Thiềng, tìm thấy nhiều di vật như mộ chum, đồ gốm, công cụ bằng sẳt, đồ trang sức bằng đá, thủy tinh...

Các di tích phức hệ văn hóa Sa Huỳnh ở Thừa Thiên Huế được phát hiện chưa nhiều, chưa có hệ thống, giai đoạn tiền Sa Huỳnh đang còn là mảng trống. Nhưng những tài liệu đã biết về giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh điển hình ở đây cho phép nhận thức rằng cư dân thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh trên đất Thừa Thiên Huế có bộ mặt văn hóa và trình độ kỹ thuật hoàn toàn đồng nhất với cư dân các vùng khác trên địa bàn phân bố của nền văn hóa này.

Nét đặc trưng:

Cư dân văn hóa Sa Huỳnh trên đất Thừa Thiên Huế đã có một cuộc sống nông nghiệp định cư lâu dài, sự phát triển của nghề luyện kim đã thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế và dẫn đến những chuyển biến sâu sắc trong đời sống xã hội.

Cùng với việc trồng lúa, cư dân thời đó còn trồng các loại cây ăn quả, ăn củ, cây lấy sợi..., họ đã biết khai thác nguồn lợi từ biển, từ rừng, từ lòng đất bằng việc đánh bắt hải sản, săn bắt thú, khai thác các nguồn hương liệu, khoáng sản.... Bên cạnh đó, họ đã biết phát triển các nghề thủ công như nghề chế tạo đồ sắt, làm gốm, đồ trang sức, đan lát, xe sợi, dệt vải. Đồ trang sức, đồ gốm thời đại này đã đạt được trình độ thẩm mỹ cao. Ngoài ra, họ đã biết giao lưu, trao đổi, buôn bán với các cư dân thời đại Kim khí trong khu vực, đặc biệt là với cư dân Việt cổ - chủ nhân của văn hóa Đông Sơn, bằng chứng là sự có mặt của trống đồng Đông Sơn ở Khe Trăn (Phong Mỹ, Phong Điền) đã khẳng định cho mối quan hệ giao lưu văn hóa này.

Đời sống tinh thần của cư dân thời kỳ này nhờ sự phát triển của nông nghiệp và các nghề thủ công cũng phong phú và đa dạng hơn, họ đã biết làm đẹp cho mình và những đồ dùng trong sinh hoạt.

Với những nhân tố phát triển trên, rất có thể cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã bước vào giai đoạn xã hội có giai cấp và nhà nước sơ khai (tiền nhà nước), làm tiền đề cho sự ra đời của vương quốc Chămpa cổ đại ngay trong thời kỳ sau đó.

Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử