menu_open
Hồ Thanh Minh - Rời đại ngàn Trường Sơn đi tìm khát vọng cho đồng bào Tà Ôi
Xem cỡ chữ:
Một ngày đầu xuân, Hồ Thanh Minh dẫn chúng tôi trên con xe máy Exciter để từ thành phố Huế, vượt qua 4 con đèo quanh co, khúc khuỷa, lên quê nhà ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). Sắp đến con đèo thứ 4 là A Co, Minh “dọa”: “Xe mà hỏng máy ở đây chỉ có đi bộ mấy cây số”.

Trường Sơn hùng vĩ nuôi dưỡng cậu bé “người rừng”

Quả thực, đèo A Co huyền thoại nằm trên trục đường Trường Sơn hiện ra với một bên vách núi, bên kia là vực thẳm cùng cây rừng chen chúc nhau tạo nên cảm giác hùng vĩ nhưng khá sợ hãi. Cả mấy cây số, không có nhà dân nào. Nhưng khi bon bon trên cung đường dài 90km này, lòng nôn nao đến lạ. 


Núi rừng hùng vĩ từ thành phố dẫn lên huyện miền núi A Lưới.

Sau hai tiếng, chúng tôi đã đến nhà Minh, cách biên giới Việt - Lào chưa đến 1km. “Cứ một, hai tuần, tôi lại lên nhà. Mỗi cuối tuần khi đội tập xong, dù 5h hay 6h chiều tối, tôi vẫn chạy lên vì nhớ nhà”. 

Đến nay, sau ba năm xuống phố, thói quen đó của Minh vẫn không hề bỏ. Cho dù cứ mỗi lần lên trong đêm tối là một lần lo sợ bởi con đường vắng bóng người, tiếng gió rít réo cả tai hàng cây bên đường. 

Đến nơi, bản làng A Đớt hiện ra đẹp như một bức tranh. Dừng chân bất cứ nơi đâu, bà con đều mang hai chữ tự hào về chàng thanh niên Hồ Thanh Minh, người đồng bào Tà Ôi đầu tiên đi theo nghiệp bóng đá chuyên nghiệp và được triệu tập lên U22 Việt Nam.

Bố Minh, ông Hồ Thanh Đùi, là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Lâm Đớt, vốn tất bật với công việc quanh năm. Đến giờ trưa, ông Đùi tranh thủ bày biện những món ăn đặc sản núi rừng như cơm nếp cẩm, heo rừng, rau rừng,… để đãi thực khách. Ông nhanh nhẩu khoe: “Gia đình mới cất cái nhà khang trang nhưng chưa sắm được bàn ghế, khách đến ngồi tạm dưới đất cho vui”. 


Phía sau cầu môn là con sông rộng thênh. Và cứ mỗi khi bóng rơi xuống, các chàng trai bản làng nhảy tỏm xuống để lấy bóng rồi đá tiếp.

Người dân Tà Ôi luôn hiếu khách. Ông Đùi bảo: “Cách đây 30 năm, khi khách đến, chủ nhà không được ăn cùng thế này đâu. Có cái gì ngon, vật lạ là dành cho khách. Khách ăn cơm thì mình ăn khoai, ăn sắn. Nhưng rồi khi dần tiếp xúc với đồng bào người Kinh, quê mình thay đổi tập tục.”

Ông Đùi gọi anh em, họ hàng quanh bản ra tiếp. Ly rượu hòa chung với câu chuyện về những ngày tháng cơ hàn của gia đình. “Trước khó khăn lắm, con thì đông, gia đình phải làm lụng vất vả”, ông bảo. Ngoài làm cán bộ xã, ông Đùi tranh thủ làm nương rẫy, đi rừng lấy mật ong. 

Với Minh, chàng trai sinh năm 2000 nhớ như in lần lạc trong rừng với bố. “Đó là năm lớp 9, hai bố con đi rừng quên đường về. Trời sẩm tối, thế là cứ đi trong vô vọng. Nhưng bố luôn giữ sự điềm tĩnh. Hai bố con cứ hướng theo mặt trời xế chiều để ra đến đường lớn. Rồi từ đó mới may mắn đi nhờ xe về đến nhà”, Minh không quên kỷ niệm ngày nào.

Khó khăn là vậy nhưng vợ chồng ông luôn tâm niệm, sự học vẫn là ưu tiên hàng đầu với con cái. Thế nên, khi anh trai Minh là Hồ Thanh Hương trúng tuyển Đại học Luật Huế, cả bản làng mừng rơn. Ông cũng hướng Hồ Thanh Minh đi theo nghiệp học hành để có tương lai ổn định. Thế nhưng, Minh lại đam mê thể thao đến cháy bỏng. 

“Phật ý” lời bố, theo tiếng gọi con tim

Cuộc sống lam lũ với núi rừng bỗng hình thành trong Minh sức khỏe lạ thường. Minh chạy không biết mỏi. Ông Đùi vẫn nhớ như in thuở thiếu thời của cậu con trai cá tính. “Minh đam mê bóng đá từ nhỏ. Nó như máu thịt với cháu. Mưa gió thế nào cũng đi đá bóng. Trưa đi học về cũng đi. Mùa đông rét lạnh không bỏ buổi nào. Mà hồi trước, bóng chỉ là trái bưởi hay bóng nhựa nhỏ. Gia đình nhắc miết, đang học hành nên hạn chế đá bóng”, ông Đùi kể lại.


Sự nghiêm khắc của ông Đùi đôi lúc khiến Minh sợ nhưng chàng trai giàu ý chí luôn biết cách để "đánh gục" tư tưởng của bố.

Với Minh, “lúc đó, tôi đi đá bóng cũng vì đam mê, vì muốn có sức khỏe. Mà tôi đâu chỉ chơi bóng đá không thôi. Hễ có môn gì như bóng chuyền, chạy,… tôi đều chơi hết”. Cứ mỗi lần tham gia các giải của trường, xã hay huyện tổ chức, Minh đều là nòng cốt, đem lại giải cao cho địa phương. 

Thế nhưng, nhiều lần quá mải mê với bóng banh khiến bố mẹ bực tức vì cứ đến tối om mới về đến nhà. Thế là, Minh ăn đòn roi như cơm bữa. Đến khi lớn lên, bố mẹ hướng theo con đường trở thành quân nhân chuyên nghiệp để về phục vụ cho sự bình yên của bản làng. 

“Theo đá bóng không có sự ổn định lâu dài. Vợ chồng tôi nhất quyết phản đối Minh đến với bóng đá, để cháu đi theo công an có tương lai tươi sáng hơn”, ông Đùi kể lại. Ông chuẩn bị sẵn bộ hồ sơ cho con trai. Và rồi, đùng một phát, Minh trốn nhà. 

“Tôi đâu hay biết nó trốn nhà”, ông Đùi nói. “Nhờ một bạn share bài viết của thầy Dương Công Quốc trên facebook, sau đó xin bố mẹ về tuyển sinh nhưng không được đồng ý. Tôi trốn bố mẹ. Lúc đó, một chàng trai 17 tuổi ít ra khỏi bản làng về với thành phố bỡ ngỡ lắm. Bố mẹ không hỗ trợ. Tôi chia sẻ với mấy dì, mấy dì ủng hộ ít tiền để đi xe đò. Xuống đó, tôi liên hệ anh trai ruột đón ở bến xe”, chàng trai sinh năm 2000 nhớ lại.


Ông Đùi nâng niu bức ảnh chân dung Bác. Bên cạnh là những thành tích mà con trai đạt được.

“Những ngày đầu, hai anh em cứ lỏn tỏn trên con xe đạp cà tàng đi tuyển sinh”, Hồ Thanh Hương nhớ lại, anh chính là chỗ dựa để bám víu cho hành trình tìm đến giấc mơ của em trai. Thế là, Minh thi và trúng tuyển. Đến lúc này, gia đình vẫn cực lực phản đối. Ông Đùi bàn tính với vợ nhiều đêm, phải “lôi” thằng Minh về bản làng. Minh vẫn nhất quyết theo bóng đá.

Thuyết phục rồi cả “răn đe” đều không được, bố mẹ phải chiều theo cậu con trai. “Vì đó là đam mê của con mình”, ông Đùi giãi bày. Quen nếp sống bản làng từ nhỏ, khi Minh xuống thành phố, vợ chồng ông lo lắng. Cứ một, hai tháng, cả hai lại thu xếp xuống phố một lần thăm con trai.

Ông Đùi luôn căn dặn con: “Hạn chế đi lại, ở Huế khác A Lưới. Hạn chế uống rượu bia say, đảm bảo sự nghiệp sau này”. Có gia đình tiếp sức, ủng hộ, tất cả còn lại về chuyên môn, nằm ở ý chí, sự quyết tâm của chàng trai này.

“Lúc đầu bỡ ngỡ về cách mấy thầy chỉ bảo, về kỹ thuật cá nhân. Trước đó, tôi chỉ chơi bóng bản năng, không biết chạy thế nào, cứ cắm đầu chạy khắp sân, chạy bậy vì có sức. Cứ có bóng là theo. Tôi chỉ khỏe chứ không biết kỹ chiến thuật gì.

Đến cả cách bật nhả, đỡ bước một cũng lỗi miết. Có tình huống đỡ bước một, bóng văng lên…trời. Các thầy phải chỉ bảo nhiều về di chuyển thế nào, kỹ thuật chuyền bóng ra sao… Tôi phải học lại ngay từ đầu như một đứa trẻ mới lên lớp 1”, Minh nói.

Đụng đến đâu là khiếm khuyết đến đó, Minh tâm niệm: “Nếu không cố gắng, mình sẽ không theo kịp”. Cứ mỗi khi thầy chỉ bảo, Minh lại tập trung rồi tự ra tập thêm. “Có lúc tập một mình, có lúc tập với bạn nhưng ngày nào cũng phải tập thêm hết”.


Hồ Thanh Minh và tác giả bài viết ở một góc bản làng A Đớt, chỉ cách biên giới Việt Lào chưa đến 100m.

Một chàng trai tuổi 17, vào tập luyện khá muộn với bản năng tự có trong người. Có quá nhiều lỗi nên Minh không tránh khỏi những ánh mắt thiếu thiện cảm. “Các bạn cười, nói tôi kỹ thuật kém, yếu toàn diện”, Minh thổ lộ, “Lúc bạn chê thì buồn lắm, run, không tự tin chơi bóng”. Không nản chí, Minh “cày” cả ngày lẫn đêm. Cứ mỗi tối, Minh lại học trên mạng cách di chuyển, bật nhả với đồng đội, dạy trả bóng đúng cách…

Chàng trai người đồng bào Tà Ôi không hề từ bỏ. Chỉ sau đúng 1 năm theo tập, Minh được đôn lên đội 1 CLB Huế trong sự ngỡ ngàng. Và hai năm sau, cái tên Hồ Thanh Minh trở thành trụ cột đội bóng. Cứ như một giấc mơ, giữa năm 2020, Minh có tên trong danh sách 50 cầu thủ U22 Việt Nam. 

“Đến cả mấy thầy, đồng đội ở đội Huế cũng bất ngờ vì tất cả đều biết khả năng của tôi. Tôi cũng không tin nữa. Nhưng vui, sướng lắm. Giấc mơ mà tôi chưa bao giờ nghĩ lại đến một cách không tưởng đến thế”, Minh vẫn còn xúc động về giây phút ngập tràn hạnh phúc đó. 

Bàn thắng không tưởng vào lưới ĐT Việt Nam và “bố đã… sai”

Với lần triệu tập đầu tiên, HLV Park Hang Seo gọi đến 50 cầu thủ; thậm chí, có những gương mặt mà ông chưa biết đến. Lần đầu lên U22 Việt Nam, Minh tự thấy bản thân còn nhiều khiếm khuyết nhưng đây là cơ hội không thể tốt hơn để học hỏi, trau dồi và hoàn thiện mình.


Khoác áo U22 Việt Nam là vinh dự quá đỗi đặc biệt với chàng trai mang họ Bác Hồ người đồng bào Tà Ôi, Hồ Thanh Minh.

“Đa phần là may mắn vì tôi còn nhiều điểm yếu”, Minh nói. Yếu và còn nhiều khiếm khuyết để cải thiện, chàng trai với nước da rám nắng không hề giấu điểm yếu. Anh luôn chia sẻ với các thầy cũng như các bạn. 

“Tôi học hỏi từ thầy, từ các bạn rồi về CLB tự tập. Tôi chơi tiền đạo nên hay nói chuyện với các bạn ở vị trí tiền đạo. Tôi hỏi mọi thứ, từ cách sút, chạy chỗ, bật nhả,…”, Minh giãi bày.

Ngoài tự vượt lên chính mình, lúc này, Minh không còn rào cản về sự phản đối từ gia đình. Ngược lại, bố mẹ hậu phương vững chắc cho Minh. “Mình ở đây, có biết gì bóng đá nhiều đâu. Vợ chồng chỉ biết khuyên con. Con cần đề cao tính đoàn kết; khi ra sân thì hãy thi đấu hết mình. Khi con đã lên được U22 Việt Nam, hãy cố gắng hơn nữa để gia đình, xã nhà, huyện nhà và cả tỉnh nữa, tự hào về mình”, bố Minh nói.


Với Hồ Thanh Minh, sân bóng ở bản làng A Đớt luôn đặc biệt.

Thế là, Minh tận dụng quãng thời gian quý báu trên U22 Việt Nam để rèn lại chính mình. Và đến đợt tập trung tháng 12, Hồ Thanh Minh tiếp tục được triệu tập. Chàng trai này được trao cơ hội, để rồi, anh ghi bàn thắng ấn định trận hòa 2-2 trước “đàn anh” ở ĐT Việt Nam tại trận giao hữu ở Phú Thọ. “Tôi không nghĩ khi đá với ĐT Việt Nam, mình lại ghi bàn. Đó là bàn thắng may mắn”, chàng trai người dân tộc Tà Ôi cho hay.

Với Minh, bàn thắng đó như chứng tỏ với bố mẹ, anh đang chọn con đường đi đúng hướng. “Ghi bàn xong là tôi nghĩ ngay đến gia đình”, Minh thổ lộ. “Bà con đến xem chật cứng cả nhà. Đêm đó, cả nhà thức đến 1 giờ sáng. Cả đằng nội, đằng ngoại gọi điện chúc mừng.

Bạn bè ở xã, huyện chúc mừng ríu rít. Quá đỗi tự hào. Tự hào dân tộc Tà Ôi, tự hào của cả A Lưới có cầu thủ lên U22 Việt Nam và đó lại là con mình”, ông Hồ Thanh Đùi không kìm nén xúc động. Lắng lòng, ông tâm sự: “Tôi có chút áy náy khi trước đây phản đối, ngăn cản đam mê của con”. 

Bàn thắng như sự khẳng định về hành trình hơn 3 năm ấp ủ theo con đường bóng đá. Một bàn thắng giúp mọi người biết đến hơn về chàng trai Hồ Thanh Minh, cầu thủ dân tộc Tà Ôi khoác lên mình chiếc áo U22 Việt Nam.

Đá bóng hay, đá giỏi để mọi người còn biết đến A Lưới anh hùng

Theo ông Đùi, xã Lâm Đớt có hơn 4.800 nhân khẩu; trong đó dân tộc Tà Ôi chiếm 90%, còn lại là dân tộc Kơ Tu, Pa Kô… Với dân tộc Tà Ôi thì có đến 80% mang họ của Bác Hồ. “Dân tộc Tà Ôi lấy họ theo Bác Hồ, học theo Bác vì Bác là người thành lập đất nước, giúp đỡ bà con mình. Gia đình luôn bảo ban các con học tập theo Bác”, mắt sáng trưng, ông Hồ Thanh Đùi hào sảng nói.


Ngoài sân đất ở bản làng A Đớt, cứ mỗi khi rảnh rỗi, Minh lại ngược lên trung tâm huyện với quãng đường 30km để chơi bóng ở sân nhân tạo.

Từ khi mới lọt lòng, bố của Hồ Thanh Minh gửi gắm con mình với cái tên ý nghĩa này. “Thanh Minh nghĩa là sáng, biết mọi việc. Đời cha mẹ không biết thì con phải cố gắng biết, am hiểu”, ông Đùi bảo. 

Từ ngày lên U22 Việt Nam, Minh trở thành niềm tự hào không chỉ riêng đồng bào dân tộc Tà Ôi mà cả huyện miền núi A Lưới. “Cuộc sống của tôi cũng có đôi chút thay đổi. Bà con biết đến mình nhiều hơn, kỳ vọng ở mình nhiều hơn và theo dõi chặng đường của mình. Chủ tịch UBND huyện cũng chúc mừng tôi, nhắn gửi cố gắng để mọi người biết đến huyện miền núi A Lưới mình”, Hồ Thanh Minh thổ lộ.

Sau giờ trưa, dẫn chúng tôi ra sân bóng của bản làng A Đớt, ông Hồ Xuân Cái, Già làng tấm tắc khen: “Trong bản làng A Đớt mình, ai cũng vui, mừng cho Minh. Bà con dân tộc Tà Ôi, ai cũng hâm mộ, thích lắm”. Nằm sát ngay biên giới Việt Lào nhưng không vì thế mà A Đớt thiếu đi các hoạt động văn hóa, thể thao. Ngoài ngôi nhà rường để tụ họp bà con, A Đớt thay da đổi thịt với đường sá trải nhựa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên hay những dòng xe ô tô xịn, đời mới bon bon chạy trên đường.


Hồ Thanh Minh luôn hướng về gia đình, bà con mỗi khi cuối tuần rảnh rỗi.

Cuộc sống dần thay đổi, bà con cũng chăm lo nhiều hơn đến các hoạt động giải trí. Một khoảnh sân rộng hàng ngàn mét vuông là nơi dành cho bà con trong bản làng vui chơi. Sân bóng đá dành cho thanh niên, trẻ em; sân bóng chuyền dành cho các cụ cao niên,… “Đông vui lắm. Mà ở đây không chỉ bản làng A Đớt, các bản làng khác cũng đều có sân chơi cho con em cả”, ông Cái nói.

Từ những khoảnh sân trong làng, những hoạt động thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, bởi thế, khi Minh đi theo bóng đá chuyên nghiệp, bà con A Đớt không quá bất ngờ. “Tất cả lễ hội trong xã đều có thể thao. Không ai đá bằng Minh cả. Ngày nào, tối nào trong làng chơi bóng cả.

Từ 1 giờ đến 4-5 giờ, đá cho tới tối mới thôi. Bà con bản làng, thanh niên vui lắm. Các thôn bản khác tới chơi, đá với A Đớt là vui mà A Đớt toàn thắng. Từ sân bóng trong tỉnh đến khi lên U22 Việt Nam, thấy Minh nó đá hay, bà con phấn khởi lắm”, ông Cái vui mừng.

Được lên U22 Việt Nam, đó là vinh dự lớn của chàng trai người dân tộc Tà Ôi như Minh. Thế nhưng, đó cũng chỉ là nấc thang đầu tiên. Ông Hồ Thanh Đùi nhắn nhủ: “Khi Minh được triệu tập U22, gia đình luôn nhắc nhở con, phấn đấu, phục vụ đội bóng. Tương lai sau này, điều gì đến sẽ đến. Con đá bóng nhiệt tình, ăn ở đồng đội đoàn kết, ra sân thì hết mình. Cha mẹ luôn ở bên động viên con để ước mơ của con trở thành hiện thực”.

Chia tay A Đớt, chúng tôi trở về trung tâm thành phố với hàng cây xanh mướt hai bên, những ngôi nhà treo cờ Tổ quốc đỏ rợp. Lòng bồi hồi khi được trải nghiệm cuộc sống ở bản làng sát biên giới này và ở đó, bà con Tà Ôi mang họ bác Hồ tự hào sản sinh ra người con ưu tú: Hồ Thanh Minh.

Hãy cứ theo đuổi đam mê của mình, thành công hay không thành công thì tương lai mới biết được - Hồ Thanh Minh gửi thông điệp