menu_open
Miền Trung & những cung đường trong quá khứ
12/10/2016 7:32:49 SA
Xem cỡ chữ:
Rong ruổi trên những cung đường ở miền Trung đầy nắng gió, đây đó chúng ta bắt gặp những địa danh khá lạ nhưng cũng đầy ấn tượng: dốc Mạ Ơi, Câu Lâu, dốc Muối, cầu Tuần, đèo Nại… Lạ lùng, ấn tượng, luôn gợi sự liên tưởng, những địa danh này luôn ẩn chứa bên trong nhiều câu chuyện lịch sử và chiều sâu văn hóa của vùng đất.

 

 

 

Cung đường Hồ Chí Minh qua A Lưới đoạn giáp với Quảng Nam

 


Huyết mạch giao thương

Trong suốt chiều dài lịch sử, nhiều tuyến đường được mở ra làm thành một mạng lưới khá chằng chịt, có thể nhận diện những trục lộ điển hình: con đường 7, đường 8, tuyến đường muối cổ xưa ở Bắc Trung bộ, về sau thường được gọi là con đường Sứ - con đường quen thuộc của các Sứ bộ trong bang giao Việt - Lào dưới thời quân chủ; Đường 9 Đông Hà - Lao Bảo xuất hiện như là sự gợi ý của tự nhiên về một tuyến giao thông cực kỳ thuận lợi khi trên tuyến không có con đèo nào cao quá 300m và từng được sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII.

Trục lộ sông Ô Lâu, ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế là địa bàn thủ đắc của bộ phận người Pa Hy và Vân Kiều đóng vai trò làm người trung gian trong những thương vụ trao đổi. Trục lộ sông Thu Bồn là tuyến trao đổi truyền thống của tộc người Katu. Trục lộ sông thu Trà Bồng, Trà Khúc, hay tuyến Đồng Ké - Sơn Hà chính là con đường quế trứ danh của người Cor, Ca dong, H’re Quảng Ngãi.

Xa hơn về phía Nam, tuyến đường 24 Thạch Trụ - Violac - Kon Tum vốn được mở ra trên nền tảng con đường vận chuyển muối lên cao nguyên phía tây bởi bộ phận giáo dân sau sự kiện Bình Tây - Sát Tả dưới thời Minh Mạng. Rồi tuyến đường 19 An Khê - Mang Yang, hay Quốc lộ 25, 29 ở tả ngạn và hữu ngạn sông Ba, Phú Yên chính là những lối mở thuận lợi, đưa mắm, muối lên miền cao nguyên phía Tây trù phú…

Trên phương vị Bắc - Nam, nhiều, rất nhiều những địa danh biểu hiện sự tiếp biến văn hóa của các bộ phận từng là chủ nhân của vùng đất, phản ánh đặc trưng địa lý, hoặc ẩn chứa những sản vật đặc thù. Sòng, Sịa, Truồi, Nong… ở bắc Trung bộ; hay Câu Lâu, Tuyết Diêm, đèo Nại, Nại Hiên… ở Trung và Nam Trung bộ là những ví dụ điển hình cho sự sinh động và đa dạng dưới giác độ lịch sử và văn hóa.

“Ai về nhắn với nậu nguồn/Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”; “Trồng trầu bỏ lộn dây tiêu/Con đi đò dọc mẹ liều con hư”, đây đó những câu ca phổ biến ở các tỉnh thành miền Trung cho thấy hình ảnh của một mạng lưới buôn bán tồn tại theo một cách thức rất khác, nhưng lại thể hiện rõ nhu cầu thiết yếu giữa kẻ có  - người cần của cộng đồng cư dân. Mạng lưới ấy đã mang lại sự phồn thịnh của vùng đất này trong quá khứ, khi mỗi một con đường được nắm giữ bởi chủ nhân nhất định, chuyên chở loại hàng hóa đặc thù và mắm muối, cá biển luôn là những thứ không thể thiếu.

Tất nhiên, trong một hành trình từ biển lên rừng hay ngược lại, đường đi không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhưng rồi những trở ngại của địa lý, đặc thù của dòng chảy lại là căn nguyên để làm nên thế ứng xử rất hay của người Việt miền Trung, khi nhiều loại hình chợ phiên tuần tự xuất hiện và tọa lạc cạnh sông, như là cách để đáp ứng nhu cầu tập trung hàng hóa, nghỉ ngơi, trao đổi… trong một hành trình thường kéo dài đến đơn vị tháng.
 

Bản làng lưng chừng núi nhìn từ đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Thái Bình
 
 

Đi không chỉ để đến

 


Sự phát triển của mạng lưới giao thông hiện nay đã làm phai mờ hình ảnh lẫn vai trò của những trục lộ truyền thống, dù rằng, sự kế thừa trên những cái vốn có từ truyền thống là không nhỏ. Đây đó trên những cung đường rộng rãi và tiện nghi, lẩn khuất trên nhiều cung đoạn là lưu ảnh của mạng lưới giao thương vốn có như nếp hằn của lịch sử. Hình ảnh những bản làng hoang sơ của người miền núi, mà trong ký ức không phải để lãng quên, khi họ từng một thời dấn thân vào mạng lưới trao đổi, mang lại những nhu yếu phẩm tối cần cho bản làng. Hay hình ảnh của những quán gió ven đường, những khu chợ phiên… luôn gợi nhớ về một thời nhộn nhịp đã qua.

Sự thuận lợi của mạng lưới giao thông hiện đại mang đến những tiện nghi trong đời sống của những bản làng xa khuất. Muối, mắm hay những phẩm vật từ biển không còn là nỗi ước ao và là niềm mong đợi của các cộng đồng thiểu số. Những cung đường vì thế mà đánh mất vai trò cốt yếu vốn có từ truyền thống, nhưng với nhu cầu của con người trong xã hội hiện nay, bản thân nó lại được khoác thêm những chức năng mới, ngoài vấn đề giao thông.

Sự hiện diện của mạng lưới giao thương nhộn nhịp mang lại nhiều lợi nhuận đã khiến nhiều người dấn thân vào việc buôn bán với ước muốn giàu lên nhanh chóng trong quá khứ. Nhiều già làng người Katu kể rằng, chỉ cần bỏ ra một số vốn ít ỏi, với những lao khó của người đi buôn, sau một thời gian ngắn, từ những mặt hàng mua ở đồng bằng và biển (muối, mắm, đồng la, chén sứ...), anh ta đã có một tài sản đáng kể và có được vị thế trong cộng đồng.

Dưới giác độ địa lý, khoảng cách cực ngắn trên chiều đông - tây ở các tỉnh thành miền Trung càng được thu hẹp bởi sự hiện đại và tiện nghi của nhiều loại hình phương tiện di chuyển trong một chuyến du hành. Nhưng với những cung đường như thế này, đi còn là hành trình mang lại sự trải nghiệm. Việc chậm rãi, quan sát, chiêm nghiệm… trong suốt chuyến đi luôn mang lại sự thú vị đến khôn tả, khi bạn có thể cùng lúc nhìn thấy thay đổi của sinh cảnh, của địa hình, của môi trường, của độ cao… Hơn hết, là sự chuyển đổi, đan xen của những mảng màu văn hóa ở nhiều cộng đồng mà con đường ấy đan qua.

Có đi thì có đến. Nhưng với những cung đường này, đi không chỉ để đến, con đường không chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông, mà còn là cơ hội mang lại nhiều trải nghiệm, nếu bạn thực hiện những hành trình rong ruổi trên khắp khu vực núi rừng miền Trung.
 
NGUYỄN PHƯỚC BẢO ĐÀN
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 5 > >>