menu_open
Dấu riêng của họa sĩ Huế
Xem cỡ chữ:
Vọng - Đặng Mậu Triết
Tại Trại sáng tác Mỹ thuật 2017 của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng diễn ra từ ngày 11- 25/10/2017 có 3 họa sĩ Huế là Nguyễn Duy Linh, Đặng Mậu Triết và Lê Văn Nhường. Trong triển lãm tác phẩm của trại có 7 tác phẩm của họ được chọn trưng bày trong số 28 tác phẩm của 14 họa sĩ khắp mọi miền đất nước.
Vọng - Đặng Mậu Triết

Các họa sĩ Huế đã đem lại một luồng gió mới với những tác phẩm có tính thẩm mỹ khá nổi bật trong triển lãm này. Những tố chất sáng tạo rất riêng của những người nghệ sĩ tạo hình xứ Huế đã in sâu trong mỗi đề tài, với những kỹ năng sáng tạo mang tính hiện đại đầy những khát khao sáng tạo, cống hiến.

Họa sĩ Nguyễn Duy Linh nguyên là giảng viên của Trường đại học Nghệ thuật Huế, là một trong số ít họa sĩ ngoài 60 tuổi vẫn còn đầy nhiệt huyết và dồi dào năng lực sáng tạo. Tranh của anh hấp dẫn người xem ở tính mới mẻ, gắn với thẩm mỹ đương đại, với sự thoáng đãng pha chút bí ẩn, lắng sâu tâm hồn với những vệt màu nhẹ mà đầy cá tính sáng tạo, phá cách. Kỹ thuật thể hiện màu sắc và chiều sâu hình tượng trong tranh đã được Nguyễn Duy Linh thể hiện một cách bài bản, khi anh là một trong số những người thầy, người họa sĩ được đồng nghiệp kính nể ở sự điêu luyện tinh tế và độ "dày" của tư duy hình tượng.

 

Sông trăng - Lê Văn Nhường


Tại trại sáng tác này, anh trưng bày 2 tác phẩm: "Đường mây" (sơn dầu) và "Nhớ núi" (acrylic). Nếu "Nhớ núi" thiên về gam nâu đen và vẫn rất "tiết kiệm" màu làm tăng sự thanh thoát, mềm mại khiến người xem phải tự “soi” rất nhiều, dừng lại trước bức tranh với sự đồng cảm trước nỗi nhớ rất đỗi da diết, lắng sâu và không kém gai góc của anh thì "Đường mây" lại mang đầy tố chất trừu tượng đương đại, nền tranh không còn chìm lắng ẩn sâu mà nổi lên những vệt màu mạnh mẽ, táo bạo và chan chứa xúc cảm. "Đường mây" là một sự trở về lối cũ của họa sĩ Nguyễn Duy Linh trong sắc thái và tính biểu cảm mới. Đó là sự nhấn sâu và phá vỡ cấu trúc không gian mà dường như mỗi bức tranh của anh khiến người xem như cùng họa sĩ đi tìm khám phá mới về không gian tâm tưởng.

Là một họa sĩ thành danh ở Huế, Đặng Mậu Triết gần như luôn có mặt ở những trại sáng tác lớn trong nước. Mang tính “nóng bỏng” và đáng nhớ là các đợt sáng tác ở Trường Sa, Đà Lạt, Đại Lãnh, Tam Đảo, Đắk Lắk... Và, Trại sáng tác Mỹ thuật Đà Nẵng 2017 như một trải nghiệm mới trên con đường chinh phục và sáng tạo cái đẹp. Anh đã gửi đến người xem một chiều sâu kỳ thú qua 2 tranh tổng hợp: "Vọng" và "Ngày mới". "Vọng" được lấy cảm hứng từ tranh "Bát âm" của dòng tranh dân gian làng Sình cùng những liên tưởng ca Huế được thể hiện qua gam màu tươi tắn của ngũ sắc cung đình Huế. Lối vẽ của họa sĩ Đặng Mậu Triết khá đa dạng trong cách dùng những nét nhấn, thả và điểm tô từng chi tiết, cả trong lối hòa màu nền tạo nên vẻ đẹp rất riêng và đậm chất Huế. Đặng Mậu Triết đã rất chú ý đến màu sắc, nét đẹp riêng của từng vùng, miền mà ở tranh này, vẻ đẹp miền Hương Ngự không chỉ ở những bóng dáng của người thiếu nữ - nhạc công mà còn hiện hữu rất rõ ở phong vị riêng của màu và nét nhấn hoa văn phục trang thời Nguyễn đầy "cố ý" của anh.

 

Đường mây - Nguyễn Duy Linh


Họa sĩ Đặng Mậu Triết tâm sự: "Trại sáng tác Mỹ thuật 2017 tổ chức tại studio của họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, một họa sĩ người Pháp gốc Việt vẽ theo phong cách hậu hiện đại. Tại đây, chúng tôi không chỉ có cơ hội học hỏi với thành viên của trại mà còn giao lưu được với nhiều họa sĩ trẻ đến tham dự từ khắp các tỉnh thành, như TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Kon Tum và Đà Nẵng” .

Họa sĩ Lê Văn Nhường với 3 tác phẩm sơn dầu: "Kết nối", "Sông trăng" và "Ngựa đá" đã tạo ra một nét thi vị khá độc đáo ở Trại sáng tác lần này, khiến công chúng phải thừa nhận một tình cảm sâu kín và nghĩ suy khi xem các tác phẩm của anh. Tranh anh "buộc" người xem phải nhìn ngắm những gì đã phản ánh về vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống được diễn đạt trong trẻo, sự chặt chẽ về bố cục, nhịp điệu và hơn thế, còn là những ẩn tình sâu kín qua hình tượng con ngựa đá bất động đầy vẻ hoài cổ, ánh trăng mờ phía cao xa vẫn in dấu trên những tán cây xao động và kết nối như là sự thể hiện quá khứ - hiện tại một cách bình dị mà chất chứa suy tư.

Với những tác phẩm trưng bày tại Trại sáng tác Mỹ thuật 2017, 3 họa sĩ Huế đã để lại một dấu ấn sâu sắc cho các đồng nghiệp và công chúng, mỗi người đều có được những trải nghiệm sáng tạo đầy lý thú. Và với Huế, cũng mong có được những trại sáng tác như vậy để khỏi chạnh lòng khi đội ngũ sáng tạo hùng hậu nhất miền Trung mà đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Huế vẫn chưa ra đời và vì vậy, nhiều tác phẩm quý giá của những họa sĩ Huế đang dần ra đi.

Bài, ảnh: PHAN THANH BÌNH