menu_open
Bệ thờ Vân Trạch Hòa
Xem cỡ chữ:
Có niên đại khoảng thế kỷ IX-X, Bệ thờ Vân Trạch Hòa được xem là "kiệt tác" văn hóa của người Chăm Pa xưa. Đây đồng thời còn là độc bản, là sự hiện diện đầy đủ nhất của thần linh trong tín ngưỡng tôn giáo Chăm.
Địa chỉ: Di Luân Đường, QUốc Tử Giám triều Nguyễn (nay là Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế)
Tình trạng: Được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2015
Giới thiệu:

Có niên đại khoảng thế kỷ IX-X, Bệ thờ Vân Trạch Hòa được xem là "kiệt tác" văn hóa của người Chăm Pa xưa. Đây đồng thời còn là độc bản, là sự hiện diện đầy đủ nhất của thần linh trong tín ngưỡng tôn giáo Chăm.

Lịch sử hình thành:

Vân Trạch Hòa là tên gọi chung của một quần thể phế tích kiến trúc Chăm nằm trên địa bàn xóm Cồn Chùa, thôn Vân Trạch Hòa, xã Phong Thu, huyện Phong Điền. Quần thể di tích kiến trúc này đã bị đổ nát từ lâu. Các điều tra báo cáo được biết đến phế tích Vân Trạch Hòa với một số tác phẩm điêu khắc được H.Parmenier đưa vào danh mục “Thống kê và miêu tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ” xuất bản năm 1919.

Tháng 8 năm 1999, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Tổng hợp Tỉnh đã chính thức khai quật. Vân Trạch Hòa là một tổng thể phế tích kiến trúc lớn, gồm nhiều công trình kiến trúc chính, các công trình kiến trúc liên quan nhưng cuộc khai quật này chỉ dừng lại trên một công trình kiến trúc nơi đã phát hiện ra bệ thờ năm 1991 và tổ chức điều tra, thám sát một số phế tích kiến trúc liên quan.

Kết quả khai quật đã làm xuất lộ 3 công trình kiến trúc; phục dựng được bình đồ của công trình kiến trúc chính và hai bình đồ tháp phụ phía Bắc. Về hiện vật thu được: 01 chiếc đế kê bệ thờ; 2 bệ thờ; 3 mảnh tượng khắc tạc hình đầu voi, đầu tu sĩ, tu sĩ hai tay chắp trước ngực; 1 bệ Yony – Linga; 2 bệ Yony; 1 chiếc đá bệ cửa; 2 thanh đá hình trụ khối dài, 4 chiếc chân tảng… đặc biệt, có 4 hiện vật kim loại màu vàng, dát mỏng, một mảnh có hình hoa 7 cánh xòe cân xứng, 3 mảnh còn lại hình không rõ ràng.

Với mặt bằng kiến trúc hiện biết, có thể thấy đây là loại hình kiến trúc tôn giáo. Niên đại của phế tích Vân Trạch Hòa vào khoảng cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X.

Nét đặc trưng:

Theo hồ sơ Bảo vật quốc gia, bệ thờ Vân Trạch Hòa gồm có hai tầng hình trụ gần vuông chồng lên nhau, dài 118cm, rộng 115cm, cao 53cm. Bốn mặt của cả hai tầng đều chạm khắc các vị thần trong Ấn Độ giáo.

Bệ thờ Vân Trạch Hòa. Nguồn ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Bốn mặt tầng trên trang trí thần Visnu (Bảo tồn), Siva (Hủy diệt), Brama (Sáng tạo) và một vị thần nữa. Ở tầng dưới, bốn mặt và bốn góc đều có các vị thần, thể hiện bốn phương tám hướng. Đó là thần Inđra (Sấm sét, hướng đông), Kubera (Tài lộc, hướng bắc), Varuna (Bầu trời, hướng tây), Yama (Chết, hướng nam), Isana (hóa thân thần Siva, đông bắc), Vayu (Gió, tây bắc), Nirrti (á thần, tây nam) và Agni (Lửa, đông nam).

Giá trị nghệ thuật:

Nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh nhận xét: “Lần đầu tiên trong lịch sử điêu khắc Champa, hệ thống tám vị thần ngự chính tám phương trời (các dikpala) xuất hiện một cách đầy đủ, hoàn chỉnh và trọn vẹn nhất ở bệ thờ Vân Trạch Hòa”.

Còn nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng cho rằng: “Có thể nói, đây là bệ thờ đẹp nhất mới được phát hiện trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa ở nước ta”.

TS Piere Baptiste, trưởng phòng Đông Nam Á - Bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet (Pháp), nhận xét đây là “một tác phẩm kiểu mới chưa từng được công bố có các hình tượng đặc biệt rất chi tiết, là một đài thờ đựng đồ lễ có kiểu đặc biệt...”.

Vì những giá trị tiêu biểu này, năm 2010 Hội châu Á - Hoa Kỳ đã mượn bệ thờ Vân Trạch Hòa đưa đi trưng bày tại Bảo tàng New York, với mức bảo hiểm lên đến 2 triệu USD...

Bản đồ:
Các bài khác