Yêu Huế
Hằng tốt nghiệp đại học lĩnh vực du lịch. Đam mê của em là kinh doanh các lĩnh vực nhà hàng, ăn uống, nhất là các món đặc sản Huế. Sau khi tốt nghiệp ở Huế, Hằng chọn kinh doanh nhà hàng đặc sản Huế để phát triển sự nghiệp. Miền đất hứa ban đầu với Hằng là Thủ đô Hà Nội, nơi Hằng đã đến nhiều lần và khảo sát khá kỹ về sở thích, đặc điểm tính cách, "gu" ẩm thực của người Hà Nội.\
Hơn hai năm kinh doanh món Huế ở phố Huế của thủ đô, nhà hàng kinh doanh các loại đặc sản của Hằng làm ăn khá thuận lợi. Riêng món bún bò Huế luôn được khách trầm trồ khi ăn. Điều làm khách thích thú hơn cả là các gia vị được trưng bày sẵn và nấu tại chỗ để khách có thể trải nghiệm công đoạn nấu. Với loại gạo "de" mà Hằng kinh doanh khi ở Hà Nội, thực khách đều được phục vụ nấu ăn tại nhà hàng nên rất ưng ý.
Đang ăn nên làm ra ở Hà Nội, song Hằng vẫn quyết định từ bỏ tất cả để trở về Huế mở công ty chế biến gia vị nấu bún bò chuẩn vị Huế với mong muốn đưa gia vị bún bò đúng vị Huế đến người tiêu dùng trên khắp đất nước Việt Nam, khu vực và cả thế giới.
Gia vị bún bò chuẩn vị Huế được đóng gói bằng hũ thủy tinh
“Khi khách đến quán ăn bún bò, ai cũng hỏi làm thế nào để nấu được bún bò Huế. Điều này khiến em suy nghĩ, nếu chỉ bán bún bò thì chỉ hướng dẫn được những thực khách đến ăn nên em muốn ngay cả những thực khách không đến ăn cũng có thể nấu được bún bò đúng vị Huế nhờ gói gia vị được chế biến sẵn. Bởi quan trọng nhất khi nấu bún bò vẫn là cách nêm các loại gia vị, còn nguyên liệu thì ở đâu cũng có thể mua được”, Hằng chia sẻ về quyết định làm gia vị bún bò Huế.
Để có một hũ gia vị nấu bún bò chuẩn vị Huế, đúng chất Huế như tên gọi của công ty, sản phẩm “YESHUE”, Hằng đã phải đổ đi khá nhiều nồi gia vị sau chế biến nhưng chưa thấy hợp khẩu vị hoặc thiếu cái gì đó. Cách mà em đã làm để lấy được vị chuẩn nhất cho gia vị bún bò Huế là nấu bún bò mời khách hàng ăn và xin ý kiến phản hồi, sau đó chọn lọc, tập hợp ý kiến chung nhất để điều chỉnh cho phù hợp.
Đích đến phải là sản phẩm quốc tế
Bún bò Huế khác biệt với những món bún, phở khác chính là ở phần gia vị. Những gia vị không thể thiếu khi nấu bún bò theo cách của người Huế là sả, hành băm phi dầu và gia vị đặc biệt chỉ có ở bún bò Huế là ruốc được khuấy lỏng với nước để lắng cặn và cho vào nồi nước hầm xương cùng với nước lọc khi chưa đun sôi để tránh mùi và làm trong nước dùng. Để giữ bí quyết này, việc xào nấu gia vị được Công ty TNHH Sản xuất và thương mại YESHUE, nơi Hằng và chồng đang quản lý tuân thủ theo cách truyền thống nhất để khi nấu, bún bò vẫn đậm đà mà không “nghe” mùi ruốc.
Thuận lợi là các loại nguyên liệu như sả, ruốc đều đã được hợp đồng xây dựng với người dân các huyện A Lưới, Phú Vang để chọn được nguyên liệu ưng ý, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, Hằng đang làm việc với nông dân Hương Trà để hợp đồng trồng hành theo tiêu chuẩn an toàn làm nguyên liệu cung cấp thường xuyên cho YESHUE.
Cuộc thi KNĐMST 2017 nhận được 41 ý tưởng trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, giao thông, môi trường… của các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự.
Ban tổ chức đã chọn ra 14 ý tưởng, dự án khởi nghiệp có nhiều tiềm năng tham gia vào vòng chung kết. Kết quả, đã có 6 ý tưởng, dự án xuất sắc nhất được trao giải, gồm nhất, nhì, ba và các giải hỗ trợ từ Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh, với tổng giá trị 120 triệu đồng.
Theo đó, ý tưởng, dự án “Gia vị bún bò chuẩn vị Huế” đoạt giải nhất cuộc thi. Đây là dự án được đánh giá cao ở mức độ ứng dụng thực tiễn, góp phần giữ gìn ẩm thực đặc sản Huế, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh Huế với người dân, du khách.
|
Khó khăn nhất đối với sản phẩm gia vị bún bò chuẩn vị Huế là đầu ra cho sản phẩm được Hằng và các thành viên YESHUE triển khai khá thành công. Bằng việc nấu bún bò mời khách hàng ăn thử ở các chợ, trung tâm thương mại…, ngoài việc thu được ý kiến phản hồi tốt, cách này đã giúp gia vị bún bò Huế đến tay người tiêu dùng. Hằng cho biết, hơn 90% khách hàng ăn thử bún bò Huế đều mua gói, hũ gia vị. Cách này cũng được cô áp dụng khá thành công ở một số hội chợ ở Thái Lan, Lào… với sự thích thú và hưởng ứng khá tốt của cộng đồng người Việt ở các nước đó.
“Đích đến của em không chỉ đưa sản phẩm gia vị bún bò Huế ra khu vực mà phải là thế giới”, Hằng chia sẻ. Ngoài được chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2005, Hằng và chồng đang hướng đến các quy trình chế biến, theo hướng an toàn theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới để xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm gia vị bún bò chuẩn vị Huế đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, nhất là hệ thống các siêu thị, quán ăn đặc sản… Mới đây, YESHUE còn tham gia ký kết giao thương giữa đặc sản Huế với đặc sản Ninh Bình cùng với một số loại đặc sản khác của Huế để cung cấp, trao đổi đặc sản giữa hai tỉnh với nhau.
Điều mà Hằng băn khoăn và là cản trở lớn nhất trong việc mở rộng mô hình hiện nay là thiếu quỹ đất để mở xưởng sản xuất quy mô lớn, khi đã có những hợp đồng làm ăn lớn với các công ty trong và ngoài nước. “Nếu được tạo điều kiện hỗ trợ về đất đai ở các khu công nghiệp, chắc chắn chúng tôi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc mở rộng quy mô”, Hằng nói.
Ông John Richard Tapper, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Cộng hưởng (CoPLUS), đơn vị đồng hành và hỗ trợ cuộc thi KNĐMST năm 2017 đánh giá, so với năm 2016, năm 2017, cuộc thi KNĐMST có khá nhiều ý tưởng mới lạ, trên nhiều lĩnh vực, mà quan trọng nhất là các ý tưởng mang tính thực tiễn cao, đã được triển khai, thử nghiệm thành công trước khi đến với cuộc thi như YESHUE. Đây chính là điều kiện tốt để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp vươn xa hơn, thành công hơn.