Qua các điệu ca Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh, Phú lục… ta sẽ thấy chất trữ tình, đượm vẻ ngọt ngào, hiền dịu trang nhã mà sâu lắng, tươi vui không náo loạn, u buồn nhưng không bi lụy. Nếu nghe nhạc có thể hiểu được tâm trạng con người thì Ca Huế có đủ khả năng thể hiện tâm tư, tình cảm người Huế một cách trung thực, sâu nét. Có lẽ đó cũng là nguyên do Ca Huế để lại những ấn tượng không thể quên nếu một ai đã từng được thưởng thức bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.
Ca Huế rất đa dạng về bài bản, làn điệu. Theo các nguồn tư liệu Ca Huế được chia ra các điệu sau:
Ca Huế có hai điệu chính: “Điệu Bắc hay còn gọi là điệu Khách, mang tính chất vui vẻ trang nghiêm; Điệu Nam hay còn gọi là điệu Ai, mang tính chất buồn; Và đặc biệt còn có một điệu lững lờ giữa hai trạng thái vui buồn và điệu Dựng, đấy là bài bản thuộc điệu Bắc mà chơi theo điệu Nam và ngược lại”.(1)
Một số bài bản thuộc điệu Bắc: Lưu Thủy, Kim Tiền, Cổ Bản, Lộng Điệp, mười bản tấu ( còn gọi là liên hoàn): Phẩm tiết, Nguyên Tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.
Mỗi bài bản thuộc hệ thống này biểu hiện những khía cạnh, những niềm vui cụ thể khác nhau. Như trong tác phẩm “Ca Huế và Ca Kịch Huế” của Văn lang có nhận xét:
- Lộng điệp thì như tràn trề niềm hưng phấn sôi nổi, lạc quan (một niềm hưng phấn không có trở lực nào ngăn cản được)
- Đoản xuân mang một nguồn vui khỏe khoắn, tinh thần hăng say, như thôi thúc chúng ta hành động, vươn tới, vững bước mà không vội vàng hấp tấp.
- Lưu thủy là một niềm vui thỏa nguyện, phấn khởi, là dòng nước chảy êm ả, hiền hòa của những dòng sông xanh biếc: sông Hương, sông Thạch Hãn, sông Nhật lệ… Tuy nhiên, cũng có lúc mưa nguồn nước lũ dâng ngập hiện lên nét hung hăng đe dọa muôn loài. Nhưng rồi dòng nước lại nhanh chóng trở về vẻ đẹp hiền hòa ngàn xưa của nó. Dòng sông lại êm ả về xuôi…
- Kim tiền thì biểu hiện niềm tự hào (như hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”), là niềm tin tưởng mạnh mẽ, một điều quyết đoán đúng đắn, một vấn đề cần khẳng định, không thể dung hòa, thỏa hiệp.
- Phẩm tiết thì thanh thản, thong dong.
- Nguyên tiêu thì biểu hiện niềm hi vọng tràn đầy, một niềm tin sáng lạng, một lời hứa hẹn bên vững, trong sáng như vầng trăng tròn đầu năm lung linh, mát dịu.
- Cổ bản là tiếng của bầy chim lao xao giữa mùa xuân đem lại niềm hứng thú, sảng khoái, rạo rực tâm hồn và cũng là một cuộc trao đổi đầy chân tình, cởi mở.
Trong hệ thống này còn có một số bài bản với nhịp điệu mạnh khỏe hơn, có khả năng thể hiện những trạng thái tức giận (Kim tiền), khẩn cấp, gấp rút (Tẩu mã)…
Một số bài bản thuộc điệu Nam
Mang âm điệu buồn, ai oán, có các bài như: Đảo ngũ cung, Hạ giang nam, Nam chiến, Tư mã tương như, Ai giang nam (Nam ai), Vọng giang nam (Nam bình) Tiên nữ tống Lưu – Nguyễn, Quả phụ, Bá Nha khấp Tử Kỳ, Tự trào, Tự than, Tứ đại oán, Vọng phu, Tương tư… Mỗi bản nhạc là một tâm trạng cụ thể.
- Nam bình là một nỗi buồn âm thầm như đang nén lại, cố giữ kín trong lòng để riêng chịu một mình nỗi đau buồn tê tái.
- Khác với Nam bình, Nam ai là một nỗi buồn không thể dấu kín trong lòng mà nỗi buồn đó được bộc bạch ra cho mọi người đều tỏ.
- Còn cái buồn của bài Quả Phụ thì thật là đáng sợ. Điệu ca thể hiện một nỗi buồn thầm lặng, u uất mang tính bi thảm của một tâm trạng phải sống trong những năm tháng hiu quạnh, lạnh lùng, trống trải.
- Vọng phu là một lời thở than, nhắn nhủ vì nỗi niềm thương nhớ da diết trong hoàn cảnh người chồng đang ở nơi xa vắng tận phương trời.
- Còn Tương tư lại thể hiện một sự đau buồn đầy xót xa, day dứt khi gặp phải một cảnh ngộ éo le, phũ phàng, khó giải thoát.
Đó là một số bài bản quen thuộc để chứng minh rằng tuy cùng một hệ thống các điệu thức Nam, nhưng trong cái buồn chung, mỗi bài bản lại thể hiện những khía cạnh khác nhau nói lên sự đa dạng về mặt tình cảm của con người mà tác giả đã gửi gắm vào tác phẩm của mình.
Hệ thống các bản Dựng (còn gọi là lưỡng tính)
Có các bài như: Nam xuân, Hành vân, Long ngâm, Phú lục, Tứ đại…
- Nam xuân vừa có nét nhạc vui vui lại vừa phản phất nét buồn buồn, Nam xuân trước đây còn có tên gọi trước đây là Nam chiến (chiến trận ở miền Nam) nhưng nét nhạc của nó chảng có gì là võ dụng cả.
- Phú lục là một bài ca mang âm điệu hùng tráng, đồng thời có tinh chất bi tráng. Trong ca nhạc cổ truyền, đây là một hiện tượng đặc biệt, hiếm có.
- Long ngâm thì vừa trang nghiêm, vừa xót xa thương cảm.
- Tứ đại cảnh vừa có nét đau buồn vừa lại như oán trách.
- Hành vân cũng có nét tương tư, vừa phảng phất hơi buồn lại vừa thoáng chút vui hoặc ở trạng thái bình thường.
Bên cạnh những bài bản điệu thức chính trên, Ca Huế còn sử dụng các bài Lý hay câu Hò xứ sở để vận dụng nhằm làm phong phú thêm nền ca nhạc truyền thống. Một số bài Lý như: Lý Tương tư, Lý Nam xang, Lý giao duyên, Lý Mười thương… Hay những câu hò mái nhì, mái đẩy… chạnh lòng người góp phần làm cho người nghe càng thêm xao xuyến, ấn tượng sâu đậm khi nghe Ca Huế.
Thứ tự bài bản trong các buổi trình diễn Ca Huế cũng là yếu tố được các nghệ nhân Ca Huế “sành điệu” rất chú trọng vì nó góp phần không nhỏ trong việc dẫn dắt cảm xúc của người nghe. Ông Văn Thanh, một người yêu Ca Huế và có những nghiên cứu nghiêm túc về Ca Huế nêu đặc điểm thứ tự bài bản Ca Huế như sau: “… Mở đầu bao giờ cũng là một số bài bản thuộc cung Bắc, sau đó mới bắt sang các bài bản thuộc cung Nam. Và nếu ta đã thưởng thức nhiều về đàn ca Huế, ta sẽ nhận thấy rằng chính những bài cung Bắc đi trước làm nổi bật những bài cung Nam đi sau. Khi bản đàn cung Bắc vừa chấm dứt, dư âm rộn rã, vui tươi của điệu nhạc như còn phảng phất chưa lắng đọng hẳn mà nhạc công dạo lên mấy tiếng đàn hơi Ai thật chải chuốt, mơ buồn thì không khí phòng nhạc bỗng như thay đổi hẳn. Nó có thể ví như đang từ một không khí oi bức của mùa hạ, bỗng một cơn gió heo may từ đâu thổi đến báo hiệu cảnh thu sang khiến lòng ta như bâng khuâng xao xuyến” (2).
Nhận xét trên cho thấy, thật ra thứ tự bài bản Ca Huế trong các buổi trình diễn không phải được sắp xếp theo một thứ tự tỉ mỉ, chi tiết mà được xếp theo thứ tự điệu thức từ Bắc sang Nam để dẫn dắt cảm xúc người nghe từ vui sang buồn. Các bài bản trong cùng một điệu thức thì không cần theo thứ tự nhất định.
Qua việc tìm hiểu nguồn gốc, quá trình phát triển, và những làn điệu tiêu biểu trong Ca Huế, có thể nói, Ca Huế có sự kết hợp giữa nhạc Cung Đình và Hò, Lý dân gian. Chính sự kết hợp hài hòa giữa hai luồng giao thoa đó đã làm nên một phong vị đặc biệt, không những thỏa mãn được những yêu cầu thẩm mỹ của “giới quý tộc phong lưu”, các sỹ phu phong kiến (ngày trước) mà Ca Huế còn được quần chúng nhân dân lao động hâm mộ nâng niu.
---
Chú thích:
(1). Lê Văn Hảo – Trịnh Cao Tưởng (1985), Huế, NXB Văn hóa, Hà Nội, tr.107.
(2). Văn Thanh (1989), Tìm hiểu Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên, Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên, Huế, tr.23-24.