menu_open
Nỗ lực giữ tuồng Huế
Xem cỡ chữ:
Nhiều năm liền không mở được lớp tuồng, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật không khỏi lo lắng về tương lai của bộ môn nghệ thuật này. Để giữ tuồng Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đang nỗ lực đào tạo lực lượng kế cận.

Trích đoạn tuồng “Mạnh Lương bắt ngựa”

8 năm rồi không được dạy tuồng

Tốt nghiệp lớp diễn viên sân khấu tuồng 7 năm ở Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật (Trường VHNT) vào năm 2009, Bùi Thị Dịu được giữ lại trường giảng dạy tuồng. Nhưng, từ ấy đến nay, chị chưa được dạy một tiết học nào về tuồng vì... không có học trò. Học 4 năm trung cấp và 3 năm cao đẳng (do Quỹ Ford tài trợ), lứa của Dịu là lớp học sinh tuồng cuối cùng của trường. Sau khóa học của Dịu, Trường VHNT không mở được lớp tuồng nào nữa.

Chị Dịu trăn trở: “Học 7 năm trời mà không được dạy tuồng, thời gian đầu tôi rất buồn. Nhiều năm đi tuyển sinh, tôi ước gì có vài em đăng ký để dạy nhưng rồi cứ năm này qua năm khác, chỉ là sự chờ đợi mỏi mòn. Nhiều khi nhớ nghề quá lại chạy sang Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế xem các bạn diễn cho đỡ nhớ”. 

Chung cảnh ngộ, nhiều năm nay, thầy giáo Trần Đức Huấn vốn là giáo viên dạy tuồng của Trường VHNT cũng không còn được lên lớp dạy bộ môn này. Sau lớp học của chị Dịu, anh Huấn cũng không có học trò. Cũng may chị Dịu và anh Huấn đều được đào tạo múa hát cung đình song song với tuồng nên bây giờ họ dạy múa và kỹ thuật biểu diễn.

Anh Huấn kể: “8 năm rồi tôi không có học trò học tuồng, e cũng quên nghề. Tôi nhớ lắm không khí dạy và học tuồng ngày xưa. Thời của tôi, thi vào trường nghệ thuật khó lắm, tỷ lệ 1 chọi đến 15, 17 người. Hát phải hay, hình thể đẹp, luyện thi cả tháng trời mới đi thi được”. Ngồi bên cạnh, chị Dịu tiếp lời: “Hồi ấy, đang học lớp 9, tôi khăn gói từ Quảng Trị vào Huế thi tuyển. Lúc ấy tuyển gắt gao lắm, cả trăm người mới chọn được 17 người học tuồng. Bây giờ, chỉ mong có người đăng ký học mà cũng không có”.

Hằng năm, Trường VHNT đều về các trường THCS, THPT trong tỉnh và các tỉnh lân cận để tuyển sinh nhưng không có ai theo nghệ thuật tuồng. Anh Huấn buồn bã: “Khi nghe chúng tôi giới thiệu về tuồng, các em đều cười ồ. Chúng tôi từng đến nhiều gia đình động viên, khích lệ phụ huynh cho con em theo tuồng nhưng bất lực. Cũng phải thôi, nghề không nuôi sống được mình, chẳng ai dám cho con theo”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu lo lắng: “Nhiều năm Trường VHNT không tuyển được học sinh tuồng, chúng tôi rất lo không có thế hệ kế cận. Công việc, biên chế quá khó khăn, đầu ra không có các em chẳng dám thi vào. Hơn nữa, trong xu thế hội nhập, khán giả quay lưng với nghệ thuật truyền thống, học rồi cũng chẳng biết phục vụ cho ai”.

nghệ thuật tuồng cung đình Huế

Biểu diễn tuồng ở Duyệt Thị Đường phục vụ khách du lịch

Giữ cho tuồng Huế không mất

Trong xu thế khó khăn, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế tự đào tạo thế hệ kế cận để giữ gìn tuồng Huế. NSND Bạch Hạc, Giám đốc nhà hát cho hay: “Không có nhân lực, nhà hát phải tìm cách khai thác nhân lực. Tiêu chí của nhà hát khi nhận người phải làm được 3 việc: múa, hát và tuồng. Trong quá trình làm việc, chúng tôi nhìn ra được tố chất của các em và cực lực tập luyện cho các nghệ sĩ trẻ. Vừa rồi, 8 trích đoạn tuồng của nhà hát đi thi tài năng trẻ đều có giải. Đa số họ là diễn viên múa nhưng nhà hát đào tạo ra nghệ sĩ tuồng”. Rồi giọng chị sôi nổi: “Ai nói rằng tuồng Huế mất? Không mất. Hàng năm, nhà hát tự đào tạo người của mình và bây giờ, chúng tôi vẫn còn người để đào tạo”.

Với cách làm này, hiện nay nhà hát có đoàn tuồng Thanh Bình gồm 40-50 diễn viên. Để giới thiệu và quảng bá nghệ thuật tuồng, mỗi ngày 2 suất, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế biểu diễn trích đoạn tuồng cùng với nhã nhạc, múa cung đình tại Duyệt Thị Đường phục vụ khách du lịch. Với quan điểm phi vật thể là linh hồn của vật thể của lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, sắp đến, ngoài biểu diễn ở Duyệt Thị Đường, nhà hát sẽ tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống ở một số địa điểm mới trong khu di tích để thu hút khách du lịch.

NSND Bạch Hạc hào hứng: “Lợi thế của nhà hát là nằm trong di tích nên sẽ có những địa điểm đẹp, thích hợp với nghệ thuật truyền thống để biểu diễn. Có thể, chúng tôi sẽ biểu diễn một số trích đoạn tuồng hoặc giới thiệu mặt nạ tuồng phục vụ khách du lịch. Thay vì biểu diễn một trích đoạn tuồng 20-30 phút sẽ khiến khách nhàm chán vì không hiểu, chúng tôi không sử dụng lời nhiều mà tăng vũ đạo để thể hiện nhân vật. Hoặc, có thể không diễn nguyên một trích đoạn tuồng mà gói gọn lại trong 10 phút nhưng 10 phút ấy có giá trị để người xem hiểu được nghệ thuật tuồng cung đình Huế”. 

Một tin vui nữa là năm 2016, Huế có 8 học sinh theo học tuồng tại Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Đây là đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020 của Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngoài những môn kiến thức chung, các em được các nghệ nhân, nghệ sĩ của Huế trực tiếp ra dạy về tuồng Huế. Đây là giải pháp cấp thiết để bảo tồn nghệ thuật tuồng đang ở mức “báo động đỏ”.

Ông Nguyễn Văn Thanh trăn trở, trong chừng mực nào đó, Hội Nghệ sĩ sân khấu và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đang nỗ lực để giữ gìn vốn cũ. Tuy vậy, muốn giữ nghệ thuật tuồng cần có chế độ, chính sách dài hơi, bởi tuyển chọn diễn viên tuồng rất khắt khe. Trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống, tuồng khó nhất, học rất vất vả vì tổng hợp giữa vũ đạo, giọng hát và biểu hiện tâm lý, đòi hỏi phải có giọng ca, thanh sắc và cả sức khỏe.

Giữ gìn nghệ thuật truyền thống, trong đó có tuồng là câu chuyện chưa có hồi kết. Xin mượn câu hỏi và cũng như là câu trả lời của NSND Bạch Hạc để thay lời kết bài viết này: “Tại sao Kinh kịch Trung Quốc vẫn giữ được những diễn viên giỏi? Tại sao Kịch Noh của Nhật Bản cũng là kịch truyền thống mà vẫn giữ được các nghệ sĩ trẻ? Bởi họ có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho nghệ sĩ”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN