menu_open
Rực rỡ hoa giấy Thanh Tiên đón Tết
12/01/2011 1:54:45 CH
Xem cỡ chữ:
Những người thợ khéo tay của làng hoa giấy Thanh Tiên
Những người thợ khéo tay của làng hoa giấy Thanh Tiên Bên cạnh các làng hoa tươi nổi tiếng đất Phú Xuân, người ta luôn đính kèm thêm một ngôi làng được tôn vinh là đất hoa tết của cố đô Huế- làng hoa giấy Thanh Tiên.
Những người thợ khéo tay của làng hoa giấy Thanh Tiên

Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km về phía Đông Bắc, những ngày cuối năm này của làng Thanh Tiên rực rỡ sắc màu của muôn hoa, các thế hệ trong ngôi làng nổi tiếng này đang dùng đôi tay khéo léo của mình làm nên những bông hoa giấy đủ chủng loại toả đi muôn phương...

Khoảng hơn 10 phút xe máy từ trung tâm thành phố, chúng tôi đặt chân đến ngôi làng có tên gọi rất dễ thương- làng Thanh Tiên. Làng chỉ có khoảng 100 hộ gia đình, nhưng họ là chủ nhân của hàng chục loại hoa giấy phục vụ cho nhu cầu của người Huế và vùng phụ cận: hoa quỳ, tường vi, hoa lan, hoa chùm, hoa búp, hoa cúc, bông lùng, bông đũa...

Nghề làm hoa giấy của làng Thanh Tiên có từ 300- 400 năm trước, xuất phát từ nhu cầu làm sang bàn thờ gia tiên, đi tế lễ đình chùa, thờ phụng ngày Tết từ trong cung đình cho đến nhà dân. Hoa Thanh Tiên được dùng để cắm trên bàn thờ, trang thờ bổn mạng của nhiều gia đình ở Huế, hoặc trang trí trên vách giữa- tô vẽ, điểm xuyết phần nào cho sự trống trải của ngôi nhà.

Trong các sản phẩm của làng hoa Thanh Tiên, bông lùng, bông đũa có thể xem là tác phẩm tạo hình đầy thú vị. Bông lùng được làm từ ruột một loài cây thân thảo- cây lùng; bông đũa được vót từ thanh tre thân xơ tua tủa. Nhìn bàn tay nắn từng cánh hoa thoăn thoắt nhưng đều răm rắm của chị Nguyễn Thị Nga- một người dân làm nghề lâu năm của làng, chúng tôi không khỏi ngưỡng mộ. Qua đôi tay của chị từ những tờ giấy màu vô tri nhiều cánh hoa, đài hoa, nhụy hoa đã trở thành những bông hoa khoe sắc, đầy biểu cảm. Chị Nga cho biết: hoa giấy tuy đơn giản nhưng lại không dễ làm, bởi ngoài sự khéo tay, người thợ cần phải có sự tài hoa, óc thẩm mỹ mới có thể cho ra đời những sản phẩm đẹp và tinh tế.

Để làm nên một cành hoa giấy rực rõ, đẹp mắt mà chúng ta thấy trên thị trường, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nghề làm hoa giấy cũng đòi hỏi công phu, tỷ mỷ không kém gì trồng hoa tươi, bởi nguyên liệu làm hoa phải chuẩn bị từ mấy tháng mùa khô nắng ấm. Người làng Thanh tiên thường tranh thủ ánh nắng chói chang, rực lửa của thời tiết mùa Trung để hong khô cho những cành hoa, cuốn hoa đã được chẻ cẩn thận, tỉ mẫn từ những cây tre trong làng. Cũng ánh nắng ấy sẽ tiếp tục hong khô cho các cành, thân, giấy làm hoa đã được nhuộm nhiều màu rực rỡ. Tất cả đều mất khá nhiều thời gian và công sức bởi những người thợ phải canh từng “con nắng” để làm sao cho thân, cành, giấy làm hoa được hong khô vừa phải, không bị ánh nắng làm mất màu chuẩn. Ngày nay, giấy làm hoa có thể là những tờ giấy do người thợ tự nhuộm bằng những loại màu pha chế từ cây cỏ cũng có thể là những tờ giấy đủ sắc màu được bán sẵn tuỳ theo đơn đặt hàng và tuỳ theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời, để đỡ tốn nhiều công sức và mất thời gian, bên cạnh các công đoạn làm thủ công như phải ráp nhuỵ hoa, cánh hoa thành từng bông hoa khoe sắc thì những người thợ của làng đã sử dụng những chiếc đục sắt có nhiều khuôn hình khác nhau với các mẫu đài hoa, cánh hoa, búp hoa và lá của nhiều loài hoa khác nhau như mai, cúc, lan, đồng tiền, hồng, tường vy… Người thợ chỉ xếp chồng giấy và chắn đục cho ra sản phẩm theo ý mình. Tiếp đến là công đoạn chún, bấm các cánh hoa sao cho đúng kiểu, đúng tông màu. Tuy nhiên cong đoạn ráp cánh hoa, nhuỵ hoa để trở thành một bông hoa khoe sắc thì chỉ có thể làm bằng tay. Những người thợ của làng sẽ dùng đôi tay khéo léo của mình bẻ những cánh hoa sao cho có nếp nhăn li ti sống động như cánh hoa thật, đây cũng là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo và con mắt tinh tế của người thợ. Cuối cùng là kết thành cành, mỗi cành thường là kết 9- 10 bông theo quan niệm con số “hên” của người Huế.

Đầu tháng 12 âm lịch, hoa giấy Thanh Tiên bắt đầu toả khắp phố phường xứ Huế và các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình… Với nhiều công đoạn để làm nên một cành hoa như thế nhưng mỗi cặp hoa có giá chỉ 2.500- 3.000 đồng. Hiện nay, không chỉ làng Thanh Tiên kết hoa giấy mà nghề này đã được mở rộng ra các làng lân cận như Tiên Nộn, Mậu Tài.

Hoa giấy Thanh Tiên nổi tiếng bởi có nguồn gốc- giá trị sâu xa về mặt tín ngưỡng trong nếp sống cổ truyền của người dân đất thần kinh xưa này nói riêng, người dân việt Nói chung. Bên cạnh đó, trái ngược với sự nhộn nhạo của chốn thị thành, làng quê này hàng năm vẫn mang lại cho Huế những hình ảnh thật vui mắt trong dịp Tết với những bó hoa sặc sỡ sắc màu cắm trên một thân tre- phần đầu bó bằng rơm hoặc chổi được mang đi rao bán khắp nơi. Và một không gian đẹp tinh khôi của cố đô Huế khi tết về, với hình ảnh mỗi gia đình ở Thanh Tiên vào ngày tết thường kết những cây hoa thật lớn với 300 - 500 cành, có gia đình kết được 7 - 10 cây, có nhà kết được đến 30 cây. Đến Thanh Tiên dịp này, trông cả làng như một rừng hoa rực rõ lung linh nhiều sắc màu kỳ diệu.

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thờ cúng hoa giấy đã giảm nhiều và sự lấn át của các loại hoa nhựa nhiều chủng loại, đẹp mắt đang tràn nhập trên thị trường với ưu điểm có thể dùng qua nhiều năm chứ không như hoa giấy chỉ có thể dùng trong vài ba ngày tết. Tuy thế, làng hoa giấy Thanh Tiên vẫn cố duy trì hoạt động của mình trên quy mô đáng kể. Nhiều hộ dân trong làng mà đi đầu là trưởng thôn Nguyễn Hoá đã thử nghiệm làm hoa gỗ và các loại hoa trang trí nghệ thuật, loại hoa lưu niệm khác như một cách nuôi nghề làm hoa giấy truyền thống của làng đã thu được nhiều kết quả phản hồi khả quan từ sự thích ứng của thị trường và bước đầu đã có một vài hộ dân trong làng đang học tập làm theo. Nói như cụ Nguyễn Rô- một cao niên của làng: Ngôi làng được đặt tên là Thanh Tiên bởi chính sự nho nhã, khéo tay của người dân làng bao đời nay vì thế dù xã hội không còn tiêu thụ nhiều như trước nhưng các con cháu của làng vẫn cố gắng duy trì nghề như một cách nhớ ơn tổ tiên đã truyền nghề lại nuôi dưỡng cho biết bao thế hệ con cháu của làng.