menu_open
Thưởng ngoạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn 1802-1945
Xem cỡ chữ:
Ảnh: Trung tâm Học liệu Đại học Huế
Đây là cuốn sách thứ 5 của Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn về đồ sứ ký kiểu Việt Nam, trong đó tiêu biểu là đồ sứ ký kiểu dưới thời Nguyễn. "Cuốn sách này không chỉ dành cho những người mê đồ cổ mà còn dành cho tất cả những ai yêu và muốn tìm hiểu về lịch sử dân tộc" - GS.TS Trần Văn Khê.
Ảnh: Trung tâm Học liệu Đại học Huế

Cuốn sách là bộ sưu tập hình ảnh độc đáo đi kèm lời chú thích, diễn giải ý nghĩa về các vật dụng bằng sứ của vua, quan triều Nguyễn: chiếc chén thanh thoát với hoa mai, chim hạc; những bộ ấm trà mang hình ảnh rồng mây uốn lượn đến dĩa, tô khắc những câu văn thơ chữ Hán Nôm độc đáo của một thời kỳ... Dòng thời gian và biến cố lịch sử khiến mỗi sản phẩm phảng phất vẻ đẹp trầm mặc, thanh tao, toát lên phần hồn và tính cách người Việt xưa cũng như quan niệm thẩm mỹ của một thời.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn lý giải cụm từ "đồ sứ ký kiểu" được dùng thay cho "đồ sứ men lam Huế", một thuật ngữ vốn không phải do người Việt xưa đặt ra mà do cố học giả Vương Hồng Sển dịch từ cụm tiếng Pháp "bleus de Hue" của một học giả người Pháp say mê nghiên cứu đồ sứ triều Nguyễn.

Trong khi đó, ở cuốn Đại Nam quốc âm tự vị (1895), cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên do Huỳnh Tịnh Của biên soạn, cụm từ "đồ ký kiểu" đã xuất hiện với nghĩa: đồ làm theo kiểu mình gửi. Tên gọi này bắt nguồn từ việc dưới triều Lê - Nguyễn, người Việt thường gửi kiểu vẽ mẫu đồ sứ sang Trung Hoa, Anh, Pháp... để đặt hàng thợ tại đây chế tác. Vào thời ấy, Đàng Ngoài gọi đồ sứ dạng này là "đồ mẫu", còn ở Đàng Trong gọi là "đồ ký kiểu" hoặc "đồ kiểu".

Dù đồ sứ của Huế dưới thời Nguyễn phần lớn được đặt hàng từ nước ngoài, cuốn sách của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho thấy những đồ cổ này không phải là đồ Tàu, đồ Pháp xuất khẩu sang Việt Nam. Chúng chính là những sản phẩm của người Việt. Bởi người Việt đã thiết kế chi tiết từng mẫu mã, kiểu dáng gửi sang đặt hàng thợ nước ngoài chế tác. Điều đặc biệt, trên những loại đồ cổ này hầu hết đều được khắc thơ, văn chữ Hán Nôm. Vì thế, chúng trở thành dạng văn bản đặc biệt quý hiếm giúp người đời sau hiểu được tâm tư, tình cảm của tiền nhân.

Vừa in đậm dấu ấn lịch sử lại vừa là vật dụng sinh hoạt hàng ngày của các vua, nên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn chính là một "cánh cửa" mở ra nhiều điều lý thú về ẩm thực, kiểu cách ăn uống của người Việt xưa, và về cả mỹ thuật, văn học. Nội dung sách được chăm chút với những chú giải ngắn, gọn, đầy đủ một cách khoa học, chính xác những số liệu, để lật từng trang sách người đọc vừa ngắm cổ vật qua ảnh vừa cất giữ những ước mơ của người đời trước cho người đời sau như một thông điệp thời gian.

Chẳng phải đi đâu xa, vào bảo tàng hay tìm đến những nhà sưu tập đồ sứ cổ… (mà chắc gì đã được chủ nhân cho phép thưởng thức), những người đam mê đồ sứ men lam Huế - đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn giờ đây có thể thoả mãn trong một chừng mực, nhưng không kém thú vị khi sở hữu trong tay cuốn Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn (1802-1945) của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn.

Ngoài sự phong phú của các mẫu vật được minh hoạ, cuốn sách còn được thực hiện với chất lượng in ấn cao cấp trên nền giấy tốt, nội dung được chăm chút với những chú giải ngắn, gọn, đầy đủ một cách khoa học, chính xác những số liệu, đỉểm xuyết vào đó là những câu thơ Nôm, thơ Hán, để vừa ngắm cổ vật qua ảnh vừa ngâm nga thơ người xưa như một cách thưởng thức thanh tao của bậc trí giả.

Xem thêm thông tin TẠI ĐÂY.