Sách do nhóm cán bộ nghiên cứu thuộc phòng Nghiên cứu Khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế biên soạn, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp cùng Nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản năm 2000.
Chủ biên: Phạm Đức Thành Dũng & Vĩnh Cao; nhóm biên soạn gồm: Phan Thuận An, Phan Thanh Hải, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Phước Hải Trung và Nguyễn Tân Phong.
Sách dày 638 trang, khổ 27 x 18,5cm, in 1000 cuốn, tuy nhiên đến nay rất khó tìm thấy trên thị trường.
Phần nội dung, ngoài Lời giới thiệu, Tựa, Lời nói đầu và Thay lời kết của đơn vị chủ quản và nhóm biên soạn, sách chia làm 3 phần:
Phần 1: Văn Miếu Võ Miếu và khoa cử triều Nguyễn (trang 17-180): giới thiệu khá tỉ mỉ quá trình phát triển của Nho học và chế độ khoa cử ở nước ta, trọng tâm là dưới thời Nguyễn. Trong phần này giới thiệu cả về Văn Miếu, Trường thi, Thí sinh, tổ chức thi của cả 3 kỳ thi trong thời quân chủ (thi Hương, thi Hội và thi Đình). Võ Miếu cũng được giới thiệu chi tiết về cấu trúc, cách thờ tự, quy cách tổ chức thi võ (bao gồm cả thi Hương, thi Hội và thi Đình).
Phần 2: Bia tiến sĩ triều Nguyễn (từ trang 181-432): Giới thiệu đầy đủ nội dung 32 tấm bia tiến sĩ Văn và 2 tấm bia tiến sĩ Võ., bao gồm cả phần nguyên văn chữ Hán được trình bày tượng tự như trên bia, phần phiên âm và dịch nghĩa.
Phần 3: Lược khảo nhân vật (từ trang 433-615): Giới thiệu thân thế sự nghiệp của 10 vị công thần triều Nguyễn trên bia Võ Công và lược khảo thân thế của các vị tiến sĩ văn, tiến sĩ võ cùng danh sách trích ngang các vị Phó bảng của thời Nguyễn.
Có thể nói “ Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn” là cuốn sách đầu tiên giới thiệu một cách đầy đủ, toàn diện nhất về chế độ khoa cử của triều Nguyễn đối với cả ngành Văn và ngành Võ. Sau hơn 20 năm (2000-2021), vẫn chưa có cuốn sách nào vượt qua được công trình này. Đây là cuốn sách hết sức cần thiết cho những ai muốn nghiên cứu về chế độ khoa cử của triều Nguyễn nói riêng, và của các triều đại quân chủ Việt Nam nói chung.
Thời gian gần đây, nhóm biên soạn sách “Khoa cửa và các nhà khoa bảng triều Nguyễn” đã tiến hành bổ sung, điều chỉnh một số nội dung, đặc biệt là phần cập nhật về thân thế, sự nghiệp, quê quán của các nhân vật được đề cập trong sách.
Rất mong công trình này sẽ sớm được tái bản và xuất hiện trên thị trường sách với logo “Tủ sách Huế”.