LỜI GIỚI THIỆU
Từ năm 2009 đến năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế hợp tác với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2018 có thêm Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tham gia phối hợp) tổ chức khảo sát, sưu tầm và số hóa tài liệu Hán – Nôm làng xã và tư gia ở Thừa Thiên Huế tại 14 phủ đệ, 118 làng, đền thờ và nhà vườn thuộc 516 gia đình, họ tộc. Cũng trong thời gian trên, Thư viện đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (2011 – 2013), và đề tài nghiên cứu khoa khoa học cấp tỉnh (2014) liên quan trực tiếp đến vấn đề số hóa các tư liệu làng xã tại địa phương. Đến nay, tổng số tài liệu Hán Nôm sưu tầm, số hóa là 263.848 trang, trong đó có hàng chục ngàn sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ.
Năm 2018, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh biên tập, xuất bản cuốn Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế, giới thiệu nội dung tóm tắt hơn 2.171 sắc phong, sắc chỉ thời Nguyễn. Cuốn sách đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu và bạn đọc gần xa. Kế tục thành quả trên, lần này chúng tôi tuyển chọn và giới thiệu đầy đủ nội dung 300 tài liệu Hán – Nôm quý, bao gồm 181 sắc phong (phần 1); 100 chế phong (phần 2); và 19 chiếu (phần 3) trong tập sách SẮC PHONG, CHẾ PHONG, CHIẾU THỜI NGUYỄN TẠI THỪA THIÊN HUẾ (TUYỂN CHỌN).
Nguyên tắc tuyển chọn các văn bản lần này là các bản sắc phong, chế phong, chiếu phải là bản gốc, chất lượng còn tốt (trên 60%), hiện vẫn lưu giữ tại các phủ, các làng và các dòng họ.
Ở một góc độ nào đó cũng có thể nói rằng, công trình này là kết quả kế thừa, phát triển từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh năm 2014: Sưu tầm, tuyển dịch, số hoa tài liệu Hán - Nôm ở một số làng xã và tư gia tạ tỉnh Thừa Thiên Huế, Mã số: TTH.2014-KX.01.
Nội dung phiên âm, dịch nghĩa các sắc phong, chế phong, chiếu được hợp nhóm theo từng phủ, làng, tư gia, niên đại từ sớm đến muộn và đã được các chuyên gia chuyên ngành thẩm định, đánh giá trước khi nghiệm thu cấp cơ sở và cấp tỉnh.
Có thể nói, đây là một nhóm tài liệu quý có giá trị cao về nội dung và chất liệu trong hệ thống các loại văn bản Hán – Nôm. Sắc phong, chế phong, chiếu được xem là văn bản quý hiếm của các phủ, các làng và các họ tộc – là một loại hiện vật gốc đặc biệt quý hiếm (nói theo ngôn ngữ bảo tàng học), là tư liệu địa chí đặc biệt quý hiếm (nói theo ngôn ngữ thư viện học). Phần lớn các văn bản này đều được nhân dân hết sức coi trọng, xem đó như báu vật tinh thần được bảo quản cẩn trọng với thái độ tôn kính.
Sắc phong có thể chia thành 2 loại, sắc phong nhân vật (chủ yếu phong tặng cho quan lại, người có công) và sắc phong thần kỳ (bao gồm thiên thần, nhiên thần, nhân thần). Sắc phong là một văn bản hành chính đặc biệt của nhà nước quân chủ phong kiến đứng đầu là hoàng đế để ban thưởng khen ngợi cho những nhân vật có công lao đóng góp cho làng xã, đất nước. Với sắc phong thần kỳ, những nhân vật được ban tặng sắc phong có thể là nhân thần (những người khi còn sống đã có công trạng, khi mất đi thường hiển linh phù trợ cho nhân dân, được làng xã thờ tự, suy tôn như thần) hoặc thiên thần, nhiên thần (những thần linh có thần tích kỳ dị, hiển ứng được làng xã thờ vọng). Với nội hàm ý nghĩa như vậy nên sắc phong đã thể hiện uy quyền bao trùm của nhà vua, không những trong thế giới tinh thần hiện hữu mà cả thế giới tâm linh siêu hình, siêu nhiên.
Sắc phong, chế phong, chiếu ghi lại tên tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử kèm theo quê quán, công tích và xếp hạng, đồng thời, phản ánh hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể. Phản ánh sinh động các tín ngưỡng và đời sống tâm linh, có quan hệ mật thiết với các lễ hội dân gian và sinh hoạt văn hóa làng xã. Mặt khác, thông tin cho ta những hiểu biết quý giá về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian và cũng thể hiện đặc trưng của ngôn ngữ, thư pháp Hán Nôm và sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử.
Triều Nguyễn song song với việc củng cố chính quyền, phát triển kinh tế xã hội thì việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức hành chính còn thể hiện qua hàng loạt các văn bản pháp qui do nhà nước qui định, ban hành trong đó có việc xét ban cấp sắcphong. Đối với sắc phong nhân vật, việc ban cấp sắc phong đối với quan chức cụ thể đã được qui định một cách chặt chẽ trong bộ Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ do Nội Các biên soạn.
Niên đại trên văn bản sắc phong, chế phong, chiếu khẳng định niên đại tuyệt đối của việc ban cấp các văn bản này và những sự kiện lịch sử đã diễn ra trong khoảng thời gian đó. Hơn nữa, có vai trò quan trọng giúp cho các nhà nghiên thông tin về nguồn gốc lịch sử của văn bản và các vấn đề có liên quan đến văn bản sắc phong, chế phong, chiếu đó.
Ấn triện trên các văn bản sắc phong cho các vị thần ở làng xã Thừa Thiên Huế trong tập sách này đều có niên đại vào thời Nguyễn (1802-1945) và ấn triện được sử dụng nhiều nhất để đóng dấu thủ tín trong các văn bản này là kim ấn Sắc mệnh chi bảo. Ngoài ra nếu là sắc phong, chế phong ban cho quan lại, tướng lĩnh thì có thêm các ấn quốc gia tín bảo, thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành, chế cáo chi bảo, phong tặng chi bảo...
Về chất liệu, các sắc phong, chế phong, có hai loại: bằng giấy và bằng vải lụa. Các sắc phong cho các thần kỳ thường được viết trên chất liệu giấy, còn các sắc phong cho các nhân vật đặc biệt thường được làm bằng vải lụa với đường nét thêu tinh xảo, các họa tiết chủ đạo là rồng chầu, mặt sau có thêu chữ “Thánh Chỉ” đối với quan lại cấp cao.
Loại giấy để làm sắc phong, chế phong là loại giấy sắc vàng vẽ chìm họa tiết rồng mây (giấy Long Đằng), vốn không được sử dụng trong dân gian, mà do triều đình quản lý để nhà vua sử dụng viết chiếu chỉ, lệnh chỉ, chế phong, sắc phong, vì giấy có độ bền rất cao, mềm như lụa, dai, không hút ẩm. Trong điều kiện độ ẩm cao, khí hậu khắc nghiệt như ở ThừaThiên Huế, một tờ sắc phong được bảo quản cẩn trọng trong ống sắc bằng gỗ, tre, nứa… có thể lưu giữ được trên 300 năm, thậm chí đến trên dưới 500 năm.
Về kiểu chữ thể hiện trên các sắc phong thời Nguyễn đó là kiểu chữ chân phương, dễ nhìn, rõ ràng, dễ đọc.
Sắc phong, chế phong, chiếu... thời Nguyễn đều mang dấu ấn của thời đại, trải qua hàng trăm năm được bảo tồn, gìn giữ, các văn bản này không những là di vật quý báu của làng xã địa phương mà còn là di sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam. Sự đặc biệt của loại hình văn bản này thể hiện ở chỗ chúng là loại văn bản chính thống của nhà nước phong kiến, mang tính pháp quy cao nhất, và gần như là loại hình độc bản. Nội dung của sắc phong, chế phong, chiếu không chỉ phản ảnh quyền lực tuyệt đối của hoàng đế trong chế độ phong kiến – Người đứng trên và duy nhất có quyền phong chức, ban tặng mỹ tực ho các vị thần, mà còn phản ảnh phần nào phong tục tín ngưỡng của làng xã Việt Nam.
Sắc phong, chế phong, chiếu là tài sản quý báu của dân tộc Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng. Việc nghiên cứu, sưu tầm, số hóa để bảo tồn và phát huy giá trị loại di sản văn hóa này có một ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về phong tục lễ nghi của làng xã và những điển chế của triều đình đối với làng xã Việt Nam, đặc biệt là tại vùng đất Thuận Hóa xưa. Lượng thông tin qua các văn bản sắc phong, chế phong, chiếu còn cung cấp cho chúng ta những tư liệu tốt góp phần xác minh về các thời điểm thành lập, tên gọi làng xã, thôn ấp. Đồng thời, cũng cung cấp tư liệu về các tộc họ, tổ nghề, sự kiện và nhân vật lịch sử.
Trong quá trình tổ chức biên soạn tập sách Sắc phong, Chế phong, chiếu thời Nguyễn tại Thừa Thiên Huế (tuyển chọn), dù Ban biên tập đã hết sức cố gắng song khó tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế, vì vậy chúng tôi rất mong nhận được ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu và bạn đọc để khắc phục, rút kinh nghiệm cho những lần xuất bản tới.
Hoàn thành tập sách này chúng tôi xint rân trọng cám ơn sự hợp tác, phối hợp đầy nhiệt huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.