menu_open
Sử dụng quan lại thời Minh Mệnh
Xem cỡ chữ:
Quan lại thời phong kiến (Ảnh minh họa)
Trong tiến trình lịch sử của chế độ quân chủ Việt Nam, triều Minh Mệnh được các nhà sử học ghi nhận là triều đại đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác hành chính và sử dụng quan lại.
Quan lại thời phong kiến (Ảnh minh họa)

Minh Mệnh (1791-1841) là một vị vua thông minh, am tường Hán học và có nhân cách lớn. Nhà vua là người siêng năng, chịu khó học hỏi, trọng người có tài năng nên thời kỳ ông trị vì có nhiều người giỏi, khiến thực thi thành công những chính sách cải cách, đất nước có kỷ cương, nề nếp... Điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công cải cách hành chính dưới thời Minh Mệnh là việc sử dụng được nhiều người hiền tài trong bộ máy hành chính Nhà nước. Nhân dịp năm mới, “ôn cố nhi tri tân”, nghiên cứu những kinh nghiệm sử dụng quan lại của triều Minh Mệnh, là việc làm cần thiết, có thể tiếp thụ được nhiều điều bổ ích.

Trong thời kỳ Minh Mệnh, việc quan trọng đầu tiên là cách thức tuyển lựa quan lại công khai, minh bạch và cẩn trọng. Cơ quan tuyển lựa quan lại là bộ Lại. Bộ Lại có ba chức trách chính: tuyển dụng, khảo xét, thăng giáng và phong tước cho các quan. Những người làm việc ở bộ Lại phải là người công tâm, trong sạch, có khả năng tổ chức và am hiểu về con người. Quan chức được tuyển vào làm việc ở bộ Lại phần lớn là những người đỗ đạt trong các khoa thi. Việc tuyển dụng, tuyển bổ, thăng, giáng, giãn thải quan lại mà bộ Lại chủ trì phải dựa trên cơ sở tâu báo của các địa phương và các khoa đài. Để kiểm soát công việc quan trọng đó, Bộ Lại chịu sự kiểm tra, giám sát của một cơ quan ở triều đình trung ương là Lại khoa. Lại khoa có chức trách kiểm tra, theo dõi công việc của bộ Lại. Lại khoa có quyền trả lại, hoặc bác đi nếu bộ Lại bổ dụng người không đúng tiêu chuẩn.

Cũng giống các triều đại quân chủ trước, triều Minh Mệnh tuyển dụng quan lại chủ yếu có 3 con đường: Nhiệm tử, Tiến cử và Khoa cử. Nhiệm tử (còn gọi là Ấm thụ, Tập ấm) là định lệ của triều đình dựa vào công lao, ân trạch của cha ông mà con được bổ nhiệm vào một chức quan nào đó, hoặc vào học ở Quốc Tử Giám. Năm 1820, mới lên ngôi, Minh Mệnh đã ban Chỉ dụ cho con các viên Thượng thư Đặng Đức Siêu, Trần Văn Diệu là Đặng Đức Thiệm, Trần Văn Thực đều cho làm Hàn Lâm viện Tu soạn. Sau đó, nhà vua lại ban ân chiếu cho quan viên văn, võ tam phẩm trở lên, đều được ấm thụ 1 con vào học ở Quốc Tử giám. Tiến cử (hoặc Bảo cử) là định chế của triều đình cho phép các viên quan có thể tiến cử những người tài năng, đạo đức nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa có điều kiện đi thi (hoặc thi không đỗ) được giữ một chức quan nào đó. Khoa cử là tuyển chọn quan lại thông qua các kỳ thi Nho học, đây là cách thức chủ yếu. Minh Mệnh hiểu rằng muốn cho chính quyền vững mạnh, được lòng dân không thể duy trì mãi tình trạng cũ là tuyển lựa quan lại từ con cháu các quan đại thần. Minh Mệnh cũng hiểu rằng, việc trị nước phải trao cho những người có học vấn, đạo đức, tức những người đỗ đạt qua các kỳ thi, nên từ năm 1822, vua Minh Mệnh bắt đầu tổ chức thi hội, thi đình lấy đỗ tiến sĩ. Tháng 7-1825 (năm Minh Mệnh thứ 6), triều đình quy định lại phép thi hương, thi hội. Trước đây, thi hương 6 năm một khoa, chưa định thi hội, nay quy định 3 năm một khoa thi. Triều đình cũng ra nghị chuẩn thay đổi danh hiệu học vị những người trúng tuyển các kỳ thi hương, trước gọi là Hương cống, nay đổi là Cử nhân; Sinh đồ đổi là Tú tài, được thực hiện kể từ khoa thi hương năm Minh Mệnh thứ 9 (1828). Từ khoa thi năm 1829, triều đình định lại phép chấm và lấy đỗ ở kỳ thi hội. Triều Minh Mệnh kéo dài 21 năm (1820-1841), nếu chỉ tính riêng các khoa thi hội, thì có 6 khoa, số dự thi là 969 người, lấy đỗ được 56 tiến sĩ và 20 phó bảng.

Việc tuyển dụng quan lại dưới thời Minh Mệnh khá công bằng, nghiêm minh và cẩn trọng. Việc bổ dụng cũng được quy định rất rõ ràng, quy củ. Quan lại trước khi bổ dụng chính thức, đều phải có một thời gian thử việc, gọi là Thí sai. Thời gian để làm Thí sai, thường được quy định là 3 năm. “Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) chiểu cho tất cả các tổng ở các trấn, đạo từ Nghệ An trở ra Bắc, cũng phải tuân theo Dụ năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), mỗi tổng, mỗi hạt ... chọn tuyển viên nào liêm, chăm, nhanh, giỏi làm việc đủ 3 năm trở lên mà không có tội lỗi thì chỉ rõ tên, tâu xin chuyển thành thực thụ…”.

Để bộ máy nhà nước hoạt động hữu hiệu, Minh Mệnh đề ra nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa những sai phạm của quan lại. Trong đó, đáng kể là đặt cơ quan chuyên trách kiểm tra, giám sát là Đô sát viện, và thực hiện chế độ Hồi tỵ. Năm 1832, Minh Mệnh bắt đầu đặt Đô sát viện. Ở Viện đặt các chức tả, hữu Đô Ngự sử ngang hàng với Thượng thư lục bộ, trật Chánh nhị phẩm; tả, hữu Phó đô Ngự sử ngang hàng với Tham tri lục bộ, trật Tòng nhị phẩm. Đô sát viện có trách nhiệm giám sát và tư pháp (cùng với bộ Hình và Đại lý tự hợp lại làm Tam pháp ty) toàn bộ cơ quan hành chính triều Minh Mệnh. Đô sát viện được tổ chức độc lập, không chịu sự kiểm sát của bất kỳ cơ quan nào ở trung ương. Đô sát viện chỉ chịu sự điều khiển và thay mặt người có quyền tối cao là nhà Vua. Bên cạnh Đô sát viện, vua Minh Mệnh còn quy định chế độ Hồi tỵ. “Hồi tỵ” nghĩa là tránh đi, né tránh. Chế độ này quy định những người thân như cha con, anh em, thầy trò... không được làm quan cùng một chỗ. Nếu ai gặp một trong những trường hợp đó thì phải tâu báo lên triều đình cho né, tránh đi chỗ khác, gọi là  “cho phép hồi tỵ”. Trong lịch sử quan chế Việt Nam, trước triều Nguyễn, dưới triều Lê sơ (1428-1527) đã thấy quy định về chế độ này. Minh Mệnh đặt lại “chế độ hồi tỵ” với mục đích đề phòng sự gây bè, kéo cánh, đem tình riêng cản trở việc chung. Nhưng cũng có một số cơ quan trong triều như hai ty Chiêm hậu và Hiệu lễ sinh thì không phải hồi tỵ. Bởi lẽ ty Chiêm hậu là ty coi về lịch, ty Hiệu lễ sinh chuyên coi về lễ nghi không có liên quan đến việc hành chính. Ngoài ra, Thái y viện là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối, nên cũng không phải hồi tỵ. Chế độ giám sát, giúp cho triều đình phát hiện sớm, chính xác các vụ tiêu cực, kịp thời xử lý răn đe quan lại. Chế độ hồi tỵ giúp cho triều đình phòng ngừa việc quan lại dựa vào tình thân, kéo bè cánh lũng đoạn công việc triều chính.

Minh Mệnh cũng là vị vua có chế độ thưởng, phạt hết sức nghiêm minh. Để thực hiện tốt việc trên đây, nhà vua đặt ra “chế độ khảo khóa” quan lại. Vẫn theo sách Hội điển thời Nguyễn: “Phàm xét thành tích các quan cứ 3 năm làm một khoá (lấy năm thìn, tuất, sửu, mùi làm hạn), cứ đến những năm ấy, văn, võ trưởng quan ở trong Kinh, quan ở tỉnh ngoài, đều chiểu sự trạng công lao, lầm lỗi trong chức sự 3 năm, làm một bản tự trình gửi về bộ Lại kiểm tra giải quyết”. Chế độ này còn quy định, cứ 3 năm 1 lần khảo khóa thành tích các quan văn, võ trong Kinh, ngoài trấn, tỉnh, những năm này được gọi là “Kế sát”, xét thành tích các quan trong Kinh, thì gọi là  “Kinh sát”, khảo xét quan lại địa phương gọi là “Đại kế”.

Minh Mệnh rất đề cao và tôn trọng pháp luật, thưởng, phạt nghiêm minh. Đặc biệt, trong cách dùng người của Minh Mệnh, phần lớn là căn cứ vào tài năng. Nếu là người có tài, đức, dù là con cháu những người đã từng làm quan với Tây Sơn, như trường hợp dòng họ Phan Huy ở Sài Sơn (Sơn Tây-Hà Nội), Minh Mệnh vẫn trọng dụng. Dưới triều Minh Mệnh, Phan Huy Thực được thăng tới chức Thượng thư bộ Lễ. Con ông là Phan Huy Vịnh bắt đầu làm quan thời kỳ này và tới triều Tự Đức (1848-1883) cũng lên tới chức Thượng thư bộ Hình. Người có công lao, cho dù người đó là ai, Minh Mệnh sẵn sàng ban thưởng và thưởng khá rộng rãi. Ngược lại, đối với tội, lỗi của quan lại, Minh Mệnh xử phạt rất nặng. Có thể nói, dưới triều Minh Mệnh, sử dụng quan lại đã đi vào chế độ quy củ và phát triển khá hoàn bị trong lịch sử quan chế Việt Nam.

Nghiên cứu chế độ sử dụng quan lại dưới triều Minh Mệnh cho chúng ta một số kinh nghiệm quý và sâu sắc như: Thể hiện nhãn quan chính trị sâu sắc, khẳng định vai trò quyết định của con người chính trị trong bộ máy quyền lực nhà nước; tính chuyên nghiệp, tính hệ thống, tính thống nhất trong việc hoạch định, thực thi chính sách đào tạo và sử dụng quan lại; tính công khai, minh bạch gắn với pháp luật, kỷ cương trong đào tạo và sử dụng quan lại; có cơ chế, thiết chế kiềm chế, kiểm soát quyền lực giữa các nhánh quyền lực nhà nước, nhờ đó làm cho việc sử dụng quan lại được khách quan, công bằng. Có thể nói, chính sách đào tạo và sử dụng quan lại thời Minh Mệnh có ý nghĩa sâu sắc không chỉ đối với thực tiễn lịch sử Việt Nam thời đó, mà còn có nhiều giá trị quý mà công tác cán bộ hiện nay cần nghiên cứu để sử dụng.

PGS.TS. Nguyễn Minh Tường