Nói xong, người trong mộng buông tay áo ra đi… Chúa tỉnh dậy, trong lòng thầm vui và nghĩ: “Chiêm bao thấy người đàn bà bảo ta phải lập kế dụ địch, như vậy ắt phải dùng kế mỹ nhân”.
Vâng lệnh chúa, nàng Lâm khiến địch... mê muội!
Lúc bấy giờ, Chúa mới có một nàng hầu đẹp, quê ở xã Thế Lại (Huế), tên là Ngô Thị Lâm. Tuy là phận gái nhưng bà gan dạ, có mưu trí, ứng đối trôi chảy, nhan sắc thì “Nguyệt mờ hoa thẹn, dáng điệu cá lặn chim sa” so với nàng Tây Thi ở Hàm Đan (Trung Quốc) chẳng kém bao nhiêu! Chúa cả mừng, gọi nàng Lâm đến giao nhiệm vụ: "Đem vàng bạc, kỳ nam đến trại quân nhà Mạc, tiến dâng các vật báu, xin mở đường hòa hiếu. Nếu cần, nàng phải ưng chịu cho Quận Lập tư thông, mục đích là làm sao dụ được Lập đến đất Trảo Trảo để có kế diệt trừ".
Nghe lệnh chúa, nàng Lâm sụp lạy kêu khóc, xin nhận tội chết chứ không thể "tư thông với Quận Lập". Chúa vừa đau xót vừa kính phục người tiết phụ và tìm lời an ủi, thuyết phục: "Lời của nàng thật đúng với phẩm hạnh lớn của đàn bà. Ta hiểu rõ lòng nàng. Nhưng nay vì sự nghiệp quốc gia đại sự, nếu nàng không xả thân thì không có ai ở đây có thể phá được giặc. Nàng hãy cứ nghe lời ta, đừng chối từ".
Thế là nàng Lâm mang lễ vật đến doanh trại địch, dùng kế “cành dương ngả theo bóng dương” khiến cho Quận Lập đắm say mê muội… Khi biết "cá đã cắn câu", nàng Tây Thi của chúa Tiên "đòi" Quân Lập lập đàn thề kết nghĩa: "Minh công làm huynh trưởng, bản quan của thiếp làm nghĩa đệ, cùng đồng lòng chung sức may mới tránh khỏi hiềm thù đánh giết lẫn nhau gây đau thương cho trăm họ".
Chiều ý người đẹp, Quân Lập bằng lòng. Chúa tiên Nguyễn Hoàng mừng rỡ khôn xiết, sai người bí mật đến vùng Trảo Trảo dựng một gian miếu tranh, đào hố ngầm bốn phía, chọn một số dũng sĩ cầm khí giới ẩn mình trong hố dùng cỏ lác và cát lấp bên trên như đất liền. Để một ít người già yếu cầm chổi, xách sọt đứng ở cửa miếu… đợi lệnh.
Hạ tuần tháng mười năm ấy, nàng Lâm đưa Quận Lập đến miếu tranh làm lễ thề… Thấy quân binh của Chúa Tiên không bao nhiêu lại có vẻ già yếu, Quận Lập chủ quan không đề phòng.
Bắt chước Quan Vân Trường ngày xưa, Quận Lập dùng một chiếc đò nhỏ cùng với 30 lính thân hành đến chỗ hội thề. Ai ngờ "dính" quân mai phục, Quận Lập hồn xiêu phách lạc co giò tháo chạy... nhưng không thể thoát khỏi mũi cung của bộ tướng của Nguyễn Hoàng...
Sau chiến thắng, nàng Lâm được Chúa gả cho Ngô Côn, người gốc Nghệ An, làm phó Doãn sự ở vệ Thiện Vũ, đang theo giúp việc tại phủ chúa.
Mở cõi xuống phía Nam
Lịch sử dân tộc Việt Nam thường có những bước ngoặt tạo nên những trang sử mới. Hơn 450 năm trước, câu nói đầy ẩn dụ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491- 1585) với Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng (1542- 1613) sau khi người anh ruột của ông là Nguyễn Uông đã bị anh rể Trịnh Kiểm giết chết: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" - như là một dẫn dắt, liên quan đến cả vận mệnh dân tộc.
Sự tranh giành quyền lực của họ Trịnh đã tạo nên một biến động lớn để đưa chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa (1558) dựng nghiệp lớn và ông được coi là người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương Nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn bao gồm 13 vua, nhưng cũng là người mở đầu cho cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn sau này.
Đúng như nhận định của sử thần Lê Quý Đôn: “Đoan Quốc công trấn thủ hai xứ [Thuận Hoá và Quảng Nam] được 40 năm rồi, đồng nghĩa họ Nguyễn bắt đầu chuyện giữ đất ấy. Sau khi thoát khỏi sự kiềm chế của Trịnh Tùng, Nguyễn Hoàng đã xúc tiến và đẩy nhanh tiến trình phân lập trên vùng đất phía Nam của chính quyền Lê - Trịnh. Có thể chính việc Tùng tự lập làm đô nguyên soái tổng quốc chính, thượng phụ Bình Yên [An] vương, được ban thêm cho ngọc toản, tiết mao và hoàng việt (tượng trưng đặc quyền vua chúa)... được mở phủ chúa, đặt quan thuộc, đời đời tập phong tước vương vào giữa năm Kỷ Hợi (1599) đã cảnh tỉnh Nguyễn Hoàng về địa vị tàn tạ của vua Lê và hối thúc ông tạo ra quyền vương đối trọng.
Ngoài một loạt các hạng mục hạ tầng cơ sở gấp rút xây dựng như cho dời dinh phủ, đặt kho tàng, trùng tu chùa chiền làm chỗ dựa tín ngưỡng tâm linh, Nguyễn Hoàng tập trung toàn bộ nỗ lực vào hai việc chính: ổn định bộ máy chính quyền và mở mang cương thổ. Năm 1602, sau chuyến kinh lý vào đến Quảng Nam, nhận ra vị trí yết hầu của miền Thuận Quảng, ông liền dựng dinh và cho hoàng tử kế vị tương lai Nguyễn Phúc Nguyên trấn nhậm, đồng thời cắt đặt và nới rộng các địa giới hành chính xứ này, làm đầu cầu vững chắc cho bước chiến lược tiếp theo...
Có thể nói, việc nhẫn nhịn để chờ thời cơ, không manh động gây hấn với địch thủ giết người thân, lập chí lớn, gây dựng cơ nghiệp lâu dài để lại cho con cháu mai sau, Nguyễn Hoàng giống như Nỗ Nhĩ Cáp Xích, người sáng lập ra nhà Hậu Kim, tiền thân của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc sống cùng thời với ông. Trong suốt 55 năm cai trị Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng vừa là một vị tướng mưu lược, vừa là một vị chúa khôn ngoan lại có lòng nhân đức, thu phục hào kiệt, vỗ về dân chúng và lo phát triển kinh tế, cho nên dân chúng Thuận Quảng cảm mến, gọi ông là Chúa Tiên, dù đương thời ông chỉ có chức Đoan Quốc công.
Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã viết về xứ Thuận Quảng đưới sự cai quản của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (trong năm 1572) như sau: "Đoan Quận Công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn 10 năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quan dân hai xứ thân yên tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp. Hàng năm nộp thuế mà để giúp việc quân, việc nước, triều đình cũng được nhờ...".