menu_open
Hệ thống Dữ liệu mở (Open Data) tỉnh Thừa Thiên Huế: Bước đi tất yếu để chuyển đổi số trong chính quyền và toàn xã hội
31/07/2021 5:52:32 CH
Xem cỡ chữ:
Trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu chiếm giữ ở vị trí số 1 được xem là động lực chính tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Lượng dữ liệu sinh ra ngày càng lớn, đa dạng về chủng loại và có tốc độ tăng trưởng như vũ bão. Việc xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở là một hướng đi tất yếu và hiệu quả để có thể chuyển hóa dữ liệu lớn thành tri thức của xã hội và mang lại giá trị cho nền kinh tế.

Hiện nay, khi việc tra cứu thông tin trên nền tảng Internet trở thành một “thói quen” của con người (*), Internet được xem như một thế giới thứ hai song song với thế giới thực, việc cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin của chính quyền lên môi trường Internet là một việc làm cần thiết nhằm xây dựng hình ảnh về một chính quyền thân thiện, cởi mở với người dân, doanh nghiệp; đồng thời hình thành kho lưu trữ thông tin liên thông giúp các cơ quan, đơn vị cũng như người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác và tái sử dụng, từ đó thúc đẩy một nền hành chính công trở nên minh bạch hơn, phục vụ người dân tốt hơn.

Từ những yêu cầu mang tính thực tiễn đó, trong những năm qua, Trung tâm CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế (HueCIT) - đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực CNTT của tỉnh đã tổ chức nghiên cứu và xây dựng nên Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế tại địa chỉ:

https://data.thuathienhue.gov.vn

Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Hệ thống Open Data) cung cấp dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Kinh tế - Xã hội, Tài nguyên môi trường, Văn hóa,… và các dữ liệu khác do thành viên hệ thống cung cấp. Đối với dữ liệu thành viên cung cấp sẽ được lưu trong dữ liệu chuyên ngành Dữ liệu mở hệ thống. 


Giao diện Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế

Sử dụng công nghệ mã nguồn mở, Hệ thống Open Data giúp tiết kiệm chi phí bản quyền, không phụ thuộc vào một nhà sản xuất, có độ tin cậy và tính phổ biến cao; đảm bảo khả năng dễ dàng sửa đổi, nâng cấp mở rộng trên nền tảng đã có; đáp ứng số lượng truy cập lớn, nhiều người sử dụng tại cùng một thời điểm…

Hệ thống Open Data đồng thời hỗ trợ người dùng truy cập trên nhiều nền tảng và trên các thiết bị di động; đảm bảo tính bảo mật trong quá trình cung cấp và khai thác thông tin. Đặc biệt, Hệ thống Open Data có khả năng lưu trữ với dung lượng lớn với khoảng thời gian lưu trữ lâu dài cùng nhiều cơ chế khai thác thông tin một cách linh hoạt, phục vụ công tác tìm kiếm, thống kê, báo cáo dễ dàng cho người dùng.

Với những tiện ích và sự cần thiết của việc hình thành khung pháp lý trong việc dùng chung và khai thác dữ liệu trong cơ quan nhà nước, ngày 03/02/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND về quy chế quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu trên Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Theo đó, 33 đơn vị là các cơ quan chuyên môn; các đơn vị sự nghiệp; các sở, ban, ngành cấp tỉnh có trách nhiệm cập nhật 190 danh mục dữ liệu vào Hệ thống. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành bao gồm cả thông tin chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của cơ quan cung cấp được hình thành trước và sau khi Quy chế này có hiệu lực thi hành. Đồng thời, sau khi Quy chế này có hiệu lực, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cập nhật dữ liệu định kì cập nhật thông tin chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của cơ quan trong các Quý trong năm lên Hệ thống trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đầu tiên của Quý sau. Đối với các cơ quan, đơn vị đã có cơ sở dữ liệu chuyên ngành, có hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo các tiêu chuẩn của ngành và Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, thì cung cấp API để hệ thống kết nối.

Để sử dụng dữ liệu mở hiệu quả cần kết hợp 3 bên, gồm: Chính phủ (nơi có và cung cấp dữ liệu), người dân (đối tượng muốn tiếp cận thông tin), khối tư nhân (giúp rút ngắn việc cung cấp dữ liệu). Việc hình thành một địa chỉ dùng chung và khai thác dữ liệu như Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế là bước đi đầu tiên của chính quyền địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc  xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở.

Cùng với chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh lực phần mềm nền tảng mở và phân tích dữ liệu lớn để triển khai có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng CNTT của tỉnh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, giao thông đô thị, tài nguyên môi trường v.v… góp phần xây dựng thành công hệ thống thông tin chính quyền điện tử, tăng cường năng lực chỉ đạo điều hành và xử lý công việc hành chính qua môi trường mạng. Đồng thời, việc nghiên cứu, xây dựng nền tảng dữ liệu mở dùng chung toàn tỉnh, đảm bảo năng lực cơ sở hạ tầng thông tin tạo ra hệ sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh theo định hướng xây dựng của tỉnh.

---

(*) Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 do Adsota phát hành, trung bình hàng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút - tương đương với 1/4 ngày để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị.
Năm 2020, theo Nghiên cứu mới của Google, Temasek và Bain & Company, với tỉ lệ 41%, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực. 


Tập tin đính kèm
STT Tên tập tin Tải về
1 Quyết đinh ban hành Quy chế Quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu trên Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế ()
2 Quy chế Quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu trên Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế ()
Các bài khác
    << < 1 2 3 4 > >>