menu_open
Điện Hòn Chén và lễ hội Hòn Chén ở Huế
31/03/2022 4:56:39 CH
Xem cỡ chữ:
"Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ, Chén ngọc giờ chìm đáy sông sâu" Đó là những câu thơ tuyệt đẹp trong bài Tạm biệt Huế của nhà thơ Thu Bồn viết về điện Hòn Chén, một trong những danh thắng của đất cố đô.

Có thể nói, điện Hòn Chén là một trong những di tích độc đáo nhất của Huế: một đền thờ Thánh Mẫu dân gian, trở thành một kiến trúc cung đình, nhưng trên hết, đó là một kiến trúc nghệ thuật vô cùng quyến rũ. Lễ hội Hòn Chén cũng từng được nâng lên hàng quốc lễ, và đến nay vẫn là một lễ hội truyền thống thu hút đông đảo du khách nhất ở miền Trung.

Điện thờ tọa lạc bên sườn núi Hòn Chén, tên chữ là Ngọc Trãn sơn, một quả núi đất tròn trịa, hình dáng tựa cái chén úp ngược, tên núi vì thế mà có. Nhưng nhìn trên tổng thể, Ngọc Trãn sơn có địa thế rất hùng vỹ. Đây là ngọn núi cuối cùng trong một rặng núi dài phóng ra từ dãy Đông Trường Sơn, đến khi gặp dòng sông Hương xinh đẹp thì dừng lại. Cả dãy núi trông như một con rồng đang uốn khúc lô nhô mà Ngọc Trãn sơn là phần đầu rồng đang ngẩng cao. Vua Đồng Khánh lại ví dãy núi này như một con sư tử đang cúi đầu xuống uống nước sông Hương. Còn dòng sông, sau khi bị núi chặn lại phải uốn mình đổi dòng, chảy thêm một đoạn ngắn nữa lại bị núi Vọng Cảnh cản lại buộc phải uốn khúc lần thứ hai. Theo quan niệm phong thủy của người xưa, từ gò Long Thọ nối đến đây là “Thiên Địa trục” (trục nối liền trời đất) nên hết sức linh thiêng. Bởi vậy, đền thờ Thánh Mẫu không phải vô cớ mà xuất hiện…  

Nguyên xưa điện Hòn Chén là đền thờ nữ thần PôYang Inô-Nagar (hay gọi tắt là Pô Nagar), nữ thần của đất đai, nông nghiệp và sự sinh sôi phát triển của người Chăm, sau này người Việt gọi bà là Thiên Yana. Có thể đền có tuối cùng với Thành Lồi (thế kỷ 7-8) hoặc sớm hơn nữa. Đầu thế kỷ 14, khi người Việt vào tiếp quản vùng đất mới, ngôi đền này cũng đã được Việt hóa dần dần, nhưng dấu ấn tín ngưỡng của người Chăm vẫn còn rất rõ. Bởi vậy, mãi cho đến cuối thế kỷ 17, khi bắt được quốc vương Chăm pa là Bà Tranh sau một cuộc đụng độ dữ dội, chúa Nguyễn đã đưa vị tù nhân đặc biệt này đến giam lỏng tại điện Hòn Chén. Vị vua xấu số đã qua đời tại đây vào năm 1694, cũng vì thế mà ngôi đền thêm linh thiêng.

Đầu thời vua Gia Long nhà Nguyễn (1802-1820), điện Hòn Chén được trùng tu khôi phục lại và Thánh Mẫu cũng được ban cấp sắc phong. Thời vua Đồng Khánh, điện Hòn Chén được đặc biệt quan tâm, được đại trùng tu và đặt tên là điện Huệ Nam. Chính vua Đồng Khánh là người đã đưa lễ hội tại điện thành quốc lễ, mỗi năm hai lần triều đình đều đứng ra tổ chức. Người ta cho rằng, sự kiện đặc biệt này đến từ nguyên do bản thân nhà vua cũng là một tín đồ cuồng nhiệt của Thánh Mẫu, chính Mẫu đã phò trợ và báo mộng cho Đồng Khánh về việc ông sẽ lên ngôi. Có lẽ vì vậy nên đạt được đế vị, nhà vua đã hết lòng đền đáp công ơn của Thánh Mẫu. Thậm chí nhà vua còn tự nhận mình là đệ tử của Mẫu và tôn bà lên hàng “chị”, trong khi về nguyên tắc, nhà vua là Thiên tử, đứng trên tất cả các vị thánh, thần trong nước.

Sau khi vương triều Nguyễn sụp đổ, dù lễ hội Hòn Chén không còn là quốc lễ nữa nhưng việc tổ chức lễ vẫn được duy trì đều đặn và sức ảnh hưởng của nó vẫn còn rất lớn. 

Đến thăm điện Hòn Chén hiện nay, du khách có thể đi đò ngang từ Bến Than hoặc trên các tuyến đò dọc từ Huế lên hay trên thượng nguồn về ghé vào. Đứng từ bờ bên này sông đã thấy ngôi điện xinh xắn ẩn mình thấp thoáng trong cả một ngọn núi xanh biếc. Đến khi cập bến điện, bước lên hàng bậc cấp bằng đá núi, phóng mắt nhìn về phía thượng nguồn mới thấy hết được cảnh đẹp tuyệt vời của dòng sông Hương, lòng càng thán phục sự tinh tường của người xưa khi lựa chọn chỗ đất này để dựng đền.

Gọi là điện Hòn Chén nhưng thực ra là cả một tổ hợp kiến trúc với khoảng 10 công trình lớn nhỏ. Dưới cùng là am Thủy Phủ, lên chút nữa ở bên trái là nhà Quan Cư, Trinh Cát Viện, Miếu Ông (Chùa Thánh). Ở lưng chừng núi là tòa Minh Kính Đài, công trình chính của điện Huệ Nam. Tiếp nữa ở bên phải là dinh Ngũ Vị Thánh Bà, bàn thờ Các Quan, động thờ ông Hạ Ban (tức ông Hổ - con cọp), Am Ngoại Cảnh...

Minh Kính Đài được xây dựng từ năm 1886, thời vua Ðồng Khánh, cấu trúc mặt bằng kiểu hình chữ “Tam” với tổng diện tích hơn 250m2. Từ dưới lên trên, Minh Kính Đài chia làm 3 phần:

Minh Kính Tiểu Ðài Ðệ Tam Cung, còn gọi là Tiền Ðiện - nơi có xây một hương án lớn, hai bên đặt trống chuông, là chỗ cử hành tế lễ. Nơi đứng cúng lạy của khách hành hương còn được nới rộng thêm bằng một mái hiên và cái sân ở mặt trước tòa nhà. 

Minh Kính Trung Ðài Ðệ Nhị Cung, còn gọi là Cung Hội Ðồng, giữa xây bệ thờ cao và lớn, cung này thờ hàng chục tượng thần thánh khác nhau, có cả tượng Phật và dùng làm nơi thiết trí các đồ thờ dùng để rước sắc trong những dịp lễ lớn: Võng Cung Nghinh Mẫu, Phụng Liễn, Long Ðình. 

Minh Kính Cao Ðài Ðệ Nhất Cung, còn gọi là Thượng Cung hay Thượng Ðiện, chia làm 2 tầng. Tầng trên thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Thánh mẫu Vân Hương, ảnh vua Ðồng Khánh và một số thần thánh cao cấp khác trong tôn giáo; tầng dưới dùng làm chỗ tiếp khách và nơi ở của người thủ từ... 

Trong nội thất của Minh Kính Đài có khá nhiều cổ vật quý, đa số đều được làm hoặc được hiến tặng dưới thời vua Đồng Khánh. Đặc biệt, trong tòa Đệ nhất cung có một bức tranh gương vẽ 7 vị đệ tử của Thánh Mẫu Thiên Yana, một trong số đó chính là vua Đồng Khánh. Điểm đặc biệt nữa tại Minh Kính Đài là hình ảnh phụng hoàng được trang trí rất nhiều. Thời Nguyễn, chim phụng thường được dùng tượng trưng cho các bà, đây là nơi thờ Mẫu, nên người ta dùng chim phụng là chủ yếu.

Nếu đến Huế vào đầu tháng 3 hay tháng 7 âm lịch thì du khách không nên bỏ qua dịp tham dự lễ hội điện Hòn Chén.


(Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Ngày hội, dọc theo dòng sông Hương, suốt từ thành phố lên đến điện Hòn Chén tấp nập ghe thuyền của các tín đồ đến từ khắp nơi trong nước. Họ kết đôi những con thuyền thành những chiếc “bằng” rộng rãi, trên đó đặt những hương án được trang trí lộng lẫy bằng các loại cờ phướn, hoa, đèn... Thánh Mẫu Thiên Yana được dân làng Hải Cát gần đó tôn làm Thành hoàng của làng, nên dịp lễ cũng gắn liền với ngày hội tế đình của Hải Cát. Lễ tế được tổ chức rất long trọng. Trước ngày Chánh tế, dân làng tổ chức lễ rước Thánh Mẫu từ điện Huệ Nam về đình làng; sau lễ lại rước bà về điện Huệ Nam. Điều độc đáo là tham dự lễ rước này, ngoài dân làng Hải Cát còn có hàng ngàn tín đồ khác của Mẫu. Nhiều người đã ví, lễ hội Hòn Chén như một Festival văn hóa dân gian trên sông Hương, bởi đây là nơi khoe sắc của hàng ngàn con thuyền, nơi diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa tâm linh, bao gồm cả tế cúng, ca hát, nhảy múa, lên đồng hầu bóng, tổ chức lễ phóng sinh, phóng đăng...

Hình ảnh hấp dẫn nhất có lẽ là đám rước Mẫu được cử hành trên những chiếc “bằng”. Trên chiếc “bằng” lớn đặt hương án có thêm long kiệu, trên đặt hòm sắc vua ban cho Thánh Mẫu. Những chiếc “bằng” đi sau rước hương án, long kiệu của các Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Hỏa, Mẫu Thủy, các đồ tự khí, lọng, tàn, gối, quạt...  có cả phường bát âm với các nhạc cụ truyền thống đi theo. Tất cả tạo nên một đám rước đầy màu sắc nhưng vẫn giữ được không khí trang nghiêm, thành kính.

Sau phần lễ là phần hội diễn ra tưng bừng với vô vàn loại âm thanh, nhưng vút lên cao nhất vẫn là tiếng nhạc chầu văn sôi động. Trên sàn của rất nhiều chiếc “bằng”, các bà các cô trong trang phục sặc sỡ thoải mái nhún nhảy lắc lư theo tiếng nhạc. Dường như khi tham dự lễ hội này, họ đã hoàn toàn để lại đằng sau sự e ngại, rụt rè vốn có. Đây cũng là một nét độc đáo của lễ hội Hòn Chén ở Huế, vùng đất nổi tiếng của những phụ nữ hiền thục và sống khép kín.

Những ai đã từng đến đến thăm điện Hòn Chén và nhất là đã từng tham dự lễ hội điện Hòn Chén thì chắc chắn sẽ rất khó quên cảnh đẹp và những nét văn hóa đáng yêu của lễ hội này. Người Huế vẫn gọi lễ hội điện Hòn Chén là Lễ Vía Mẹ, lễ của đạo hiếu, của lòng biết ơn đối với Thánh Mẫu. Bởi vậy, nếu đến thăm cố đô Huế, bạn không nên bỏ qua điểm du lịch thú vị này.

TS. Phan Thanh Hải
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế