menu_open
Đại lễ dâng Y Kathina của Phật giáo Nam tông tại Huế
24/08/2017 5:43:53 CH
Xem cỡ chữ:
Một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất của hệ phái Phật giáo Nam tông (Phật giáo Tiểu thừa) là Đại lễ dâng Y Kathina. Trong những ngày này, tại Thừa Thiên Huế - một trong những cái nôi của Phật giáo, hàng ngàn Phật tử đã hội tụ về đây để tham gia đại lễ lớn nhất trong năm.

Đây là lễ hội hàng năm và duy nhất của Phật giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế, được tiến hành bắt đầu từ ngày 16/09 Âm lịch và kéo dài trong vòng 01 tháng (PL.2558). Đối với những người dân theo Phật giáo hệ phái này, Đại lễ dâng Y Kathina mang một ý nghĩa hết sức to lớn. Nếu như Đại lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo Mahanaya (Bắc tông) là đại lễ quan trọng nhất thì Đại lễ dâng Y Kathina của phái Nam tông cũng có ý nghĩa tương tự.

Đại lễ là một ngày hội của giới Phật tử, là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo có từ thời Đức Phật, không chỉ khích lệ tín đồ Phật tử thực thi đại hạnh bố thí, tri ân công đức của Đức Bổn sư Như Lai Phật, tri ân công đức Tam bảo, tri ân công đức hàng Phật tử hộ trì Phật pháp mà còn để nhắc nhở hàng Phật tử tại gia và xuất gia nhớ về công đức của đàn tín.

Theo như tên gọi của đại lễ, y áo chính là vật phẩm quan trọng nhất trong đại lễ, được gọi là “quả báu”. Sở dĩ quả báu của lễ dâng Y Kathina đặc biệt hơn tất cả mọi quả báu của phước thiện bố thí khác, là vì lễ dâng Y Kathina được phát sinh một cách hoàn toàn trong sạch, do bởi đại thiện tâm hợp với trí tuệ hiểu biết rõ phước thiện dâng Y Kathina là cao quý, và quả báu của lễ dâng Y Kathina là cao quý, không có ai xúi giục, khuyến khích.

Nguồn gốc lễ dâng Y Kathina:

Kathina - theo tiếng Pàli không có nghĩa là y áo hay dâng y mà có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Trong tiếng Phạn, Kathina (viết là kathinaya) có nghĩa là cái khung dệt vải, khung treo. Đại lễ dâng y được gọi như vậy là bởi vì đại lễ này kết cấu nhiều quy định quan trọng dẫn đến thắng duyên cho hàng phật tử. Đại lễ là sự thể hiện đại hạnh của đức bố thí, thế nên, một người phát tâm cúng dường mà tâm nghĩ quá đơn giản thì người cúng dường cũng như người thụ thí thường khó làm cho sự bố thí đạt đến sự viên mãn. Đại lễ cũng mất đi ý nghĩa nếu thiếu những yếu tố của tâm thí, thời thí, vật thí, người thụ thí, và cung cách thí. Đại lễ Dâng Y Kathina bao hàm tất cả những điều đó nên mang ý nghĩa của sự bền vững, chặt chẽ, viên mãn.

Có một cách lý giải khác về đại lễ dâng Y Kathina, đó là vào mùa an cư, theo nghi lễ, tăng đoàn sẽ họp nhau lại để cắt may y áo mới chuẩn bị cho việc du hành sau khi tháng an cư kết thúc. Chiếc y áo đầu tiên sẽ được tặng cho vị tỳ kheo nào thông thái nhất, lớn tuổi nhất hoặc vị nào khó khăn nhất trong tăng đoàn. Khi may xong, áo được căng lên một cái khung (gọi là kathina) rồi mời mọi người đến chiêm ngưỡng. Áo này được gọi là Mahakathina. Sau đó, khung căng áo được tháo ra để tượng trưng cho sự nới lỏng một vài giới luật đối với các tỳ kheo. Nhưng trước đó, trong suốt thời gian an cư, phải giữ khung căng áo nguyên vẹn vì đó là biểu tượng của giới luật phải giữ gìn. Vì thế, lễ dâng y của Phật giáo Nguyên thủy mang tên Kathina, tức là sự chặt chẽ, vững bền như chiếc khung Kathina vậy.

Đại lễ dâng Y Kathina được tổ chức sau kỳ an cư của chư tăng kết thúc. Khi Đức Phật còn tại thế, ngài chuẩn bị an cư tại chùa Kỳ Viên (Anàtapindika) thành Xá Vệ (Savatthi), khi đó có một nhóm tăng đoàn khoảng 30 người xin đến được cùng an cư với Đức Phật tại thành Xá Vệ, được Đức Phật đồng ý, tăng đoàn đã đến chùa Kỳ Viên, nhưng do đường xa, đi lại khó khăn, lại vào mùa mưa nên khi tăng đoàn tới nơi, y áo đều bị ướt và rách nát. Sau khi an cư, Đức Phật mới cho phép nới lỏng một số giới luật để tăng đoàn được lưu lại, may vá y phục mới trước khi tiếp tục lên đường hành pháp. Cũng chính tại đây, nữ đại thí chủ Visakha - một trong hai bậc hộ pháp của Phật giáo (người còn lại là Trưởng giả Sudatta) đã dâng y cho Đức Phật lần đầu tiên. Từ đó truyền thống dâng y cho tăng đoàn vào tháng đầu khi kết thúc kỳ an cư được truyền cho đến ngày nay.

Nguồn: Vụ Phật giáo

 

Đại lễ dâng Y Kathina rất quan trọng nên luôn được tuân thủ một số quy định, thể hiện sự trân trọng của tăng đoàn đối với Phật tử tại gia khi nhận y áo.

Tăng đoàn chỉ được nhận lễ dâng y khi có tối thiểu 5 sư tăng nhập hạ và các sư chỉ nhận y dâng theo nhu cầu thực tế của mình. Ưu tiên trước những vị tuổi cao, những vị có nhiều hạ lạp hay những vị thiếu thốn, khó khăn.

Chư tăng khi thụ y phải biết xả y cũ, làm dấu, chú nguyện y mới và hoàn tất bằng lời tri ân trước Phật tử. Chư tăng thường dùng lời hoan hỷ để tạ ân Đức Phật đã ban pháp cho chư tăng được thụ y, tạ ân tăng đoàn đã tổ chức lễ thụ y và tạ ân các tín chủ đã tổ chức lễ dâng y.


Ảnh: Không Lực

Trong lễ dâng Y Kathina còn quy định rằng, nếu Phật tử dâng y may sẵn, chư tăng có thể dùng luôn, còn nếu Phật tử dâng y bằng vải thì trong một ngày, chư tăng phải hoàn thành việc cắt may, khâu vá để dùng. Nghi thức này được đặt ra để nhắc lại sự tích người mẹ nuôi của Phật, cũng là người dì, tức là em của mẹ Phật, tên là Ma-ha Ba-xà-ba-đề Cồ-đàm-di (Mahaprajapati Gautami), đã từng thức suốt một đêm để hoàn tất chiếc áo cho Phật. Khi Phật sinh ra được bẩy ngày thì mẹ mất, người dì này đã chăm sóc, nuôi dưỡng Phật. Sau này, khi Đức Phật đạt được giác ngộ, bà đã xin quy y và thành lập giáo đoàn các Tỳ kheo ni, vì thế bà cũng là vị Ni sư đầu tiên của giáo đoàn Phật giáo.

Cũng có quy định, các Phật tử có thể dâng y áo trong vòng 01 tháng của đại lễ, nhưng các chư tăng chỉ được nhận duy nhất một lần trong suốt mùa đại lễ ấy tại nơi đã an cư nhập hạ.

Tuy rằng ngày nay, việc may mặc không còn là mối quan tâm chính cho các sư tăng, nhưng nghi thức này vẫn còn được giữ gìn để bảo tồn và đề cao sự tương trợ giữa những tỳ kheo trong tăng đoàn với nhau, giúp nhau trong việc tu tập. Về phía những Phật tử tại gia, họ cúng dường vải vóc, y áo để tự nhắc nhở mình phải nghĩ đến những khó khăn và thiếu thốn của người xuất gia.

Các Phật tử ngoài dâng y, là thứ quan trọng nhất trong đại lễ để tưởng nhớ về nghi thức Phật chế, còn dâng lên chư tăng các phẩm vật khác để tỏ lòng tri ân và bày tỏ sự chia sẻ khó khăn với những hàng đệ tử xuất gia.

Ở Huế, ngoài chùa Huyền Không Sơn Thượng, đại lễ cũng được tiến hành tại các ngôi chùa theo phái Nam tông còn lại, bao gồm chùa Thiền Lâm, chùa Tăng Quang, chùa Định Quang, chùa Huyền Không, chùa Pháp Luân và Tịnh thất Gotami.

Đại lễ dâng Y Kathina đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của những tín đồ theo Phật giáo Nguyên thủy. Mỗi mùa an cư kiết hạ qua đi là chúng Phật tử lại nhớ về Đại lễ dâng Y Kathina như một hạnh nguyện lớn trong đời. Sự dâng Y Kathina không phân biệt cũng nói lên tinh thần chung vượt ra ngoài những quan niệm cá nhân. Chiếc Y Kathina cho dù trong hình thức đơn giản nhất cũng nói lên ba điều quan trọng là người dâng y không lựa chọn cá nhân sư tăng để dâng, chư tăng thụ y theo cách lợi hoà đồng quân và vật phẩm trong lễ dâng y được trang trọng vì chuyên chở những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Ngọc Bích
Các bài khác
    << < 1 2 3 > >>