menu_open
Thanh Bình Từ Đường
24/11/2021 12:44:25 CH
Xem cỡ chữ:
Thanh Bình Từ Đường là một địa chỉ văn hóa nổi tiếng - Nhà thờ tổ nghệ thuật Tuồng (hát bội) truyền thống của Việt Nam, được xây dựng vào năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng,
Địa chỉ: kiệt 281 đường Chi Lăng, thành phố Huế
Tình trạng: Được công nhận là Di tích cấp Quốc gia
Giới thiệu:

Tọa lạc ở kiệt 281 đường Chi Lăng, thành phố Huế, Thanh Bình Từ Đường là một địa chỉ văn hóa nổi tiếng - Nhà thờ tổ nghệ thuật Tuồng (hát bội) truyền thống của Việt Nam. Được xây dựng vào năm 1825 dưới thời vua Minh Mạng, Thanh Bình Từ Đường vừa là nơi thờ cúng các vị tiên hiền của ngành Tuồng cổ, vừa là nơi tập hợp những quan viên của Thanh Bình thự (sảnh công Thanh Bình - đội Nhã nhạc triều Nguyễn) sinh hoạt và cư ngụ.

Lịch sử hình thành:

Sự tồn tại của nhà thờ này gắn liền với lịch sử phát triển của nghệ thuật tuồng Huế. Dưới thời các chúa Nguyễn, nghệ thuật tuồng đã được phát triển lên vị thế đỉnh cao với phong cách tuồng cung đình và trở thành "Quốc kịch" của Đàng Trong. Kinh đô Huế đã nhiều lần chủ trương bắt con hát, triệu các nhà viết tuồng ở các nơi về Hát cho vua quan triều Nguyễn tiêu khiển, không những thế, các vua Nguyễn còn muốn nắm độc quyền ngành nghệ thuật này để phục vụ “nhiệm vụ” chính trị của họ là giáo dục, rèn luyện cho thần dân tinh thần trung quân ái quốc, hầu cũng cố ngai vàng của họ ngày càng thêm vững bền. Đó là lí do vi sao Kinh đô Huế từ thế kỉ XIX đã trở thành một trung tâm Hát Bội số một ở Việt Nam và các nhà viết tuồng nổi tiếng sinh trưởng ở các địa phương đã có cuộc đời hoạt động nghệ thuật tuồng liên quan đến Huế. Trường hợp điển hình nhất là nhà soạn tuồng vĩ đại Đào Tấn (1845-1907).

Kiến trúc:

Thanh Bình Từ Ðường là ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, tường xây bằng gạch, bộ mái bằng gỗ, lợp ngói liệt. Các kèo, xuyên, quyết trang trí đơn giản. Nhà hướng Ðông đã được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1958, 1992 và năm 2000.

Không gian thờ tự mộc mạc nhưng rất đặc biệt tại Thanh Bình Từ Đường

Từ ngoài vào là cổng, có chiều rộng 2,85m, cao 3,20m, hai trụ biểu hai bên cao 3,80m, trên đỉnh trụ biểu có gắn hình bầu rượu cao 0,45m, có la thành chạy dài bao quanh mặt tiền của nhà thờ. Sau cổng là sân rộng 660m2, trước đây là nơi dùng để biểu diễn nghệ thuật Tuồng. 

Di vật còn lại là tấm bia đá khắc năm xây dựng Từ đường (1825) đặt nằm ở bên trái, phía bên phải là tấm bia bằng xi măng ghi những người có công trong việc trùng tu nhà thờ năm 1958. Trước cửa là bức hoành phi lớn sơn son thiếp vàng, khắc chữ “Thanh Bình Từ Đường” làm vào năm Tự Đức thứ 6 (1853). Ngoài ra, Từ đường hiện còn lưu một hiện vật quý giá là tờ mục bằng vải (Gia Phả Từ đường) và một số sắc phong của triều Minh Mạng ban tặng.

Giá trị nghệ thuật:

Trong bài viết “Tìm hiểu tổ ngành hát bội”, tác giả Phan Thuận Thảo đã nhận định: “Trải qua bao đổi thay, dù nghệ thuật tuồng không còn giữ vị thế độc tôn như dưới thời kỳ nhà Nguyễn, nhưng Thanh Bình từ đường vẫn được xem là nơi linh thiêng, là mái nhà chung, là nơi tụ họp của con cháu trong nghề mỗi dịp tế tổ hàng năm. Niềm tin đối với các vị tổ sư giúp người trong nghề sống tốt hơn cả trong nghệ thuật lẫn cuộc sống. Ý nghĩa văn hoá và tâm linh của ngôi Từ đường giúp người ta vươn cao trong nghề nghiệp và hướng thiện trong cuộc sống...”.

Với những giá trị ấy, Thanh Bình Từ Đường đã được công nhận là Di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 776QÐ/VH ngày 23-6-1992 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). 

Ngày nay, khi đến với Huế, ghé thăm Thanh Bình Từ Đường để hiểu rõ hơn về nghệ thuật Tuồng cổ Việt Nam cũng là một gợi ý hay cho hành trình khám phá Huế của mỗi một du khách.

Bản đồ:
Ảnh: Nguyễn Đình Chiến
Các bài khác