menu_open
Phủ thờ và lăng mộ Diên Khánh Vương
09/06/2022 3:37:31 CH
Xem cỡ chữ:
Phủ thờ và Lăng mộ Diên Khánh Vương là một di tích thuộc hệ thống phủ đệ gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển kinh đô Huế dưới thời nhà Nguyễn.
Địa chỉ: 228 Nguyễn SInh Cung, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế
Tình trạng: Đã được trùng tu.
Năm 2016, được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia

PHỦ THỜ VÀ LĂNG MỘ DIÊN KHÁNH VƯƠNG

"Di tích lịch sử cấp Quốc gia"

 

Phủ thờ và Lăng mộ Diên Khánh Vương là một di tích thuộc hệ thống phủ đệ gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển kinh đô Huế dưới thời nhà Nguyễn.

Ngày 03/01/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 19/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Lăng mộ và Phủ thờ Diên Khánh Vương là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Vài nét về Diên Khánh Vương

 

Diên Khánh Vương (tên thật là Nguyễn Phúc Tấn hay Nguyễn Phúc Thản, con trai thứ 7 của vua Gia Long). Ông sinh ngày 16 tháng 3 năm Kỷ Mùi (tức ngày 21/3/1799) tại Gia Định.

Diên Khánh Vương được biết đến là người cương trực, đức độ, khiêm tốn, lễ tiết, tính tình hiền hậu. Năm Gia Long thứ 16 (1818), ông được phong là Diên Khánh Công khi mới 19 tuổi. Ông mất ngày 23 tháng 6 năm Tự Đức thứ 7 (17/7/1854), thọ 56 tuổi, được truy phong Diên Khánh Vương, cho tên thụy là Cung Chính.

Trải qua các đời vua từ vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông đã giúp triều đình bình ổn đất nước, gìn giữ nếp nhà được vua khen ngợi và nhiều lần ban thưởng.

Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Diên Khánh Vương là người có tài và có đóng góp lớn. Dưới triều vua Tự Đức (1848 - 1883), ông là người mở đầu, có công sáng tác lớn, vạch đường, dẫn lối và cùng với Đào Tấn, Ngô Quý Đồng, Vũ Đình Phương… tham gia biên soạn vở trường thiên "Vạn Bửu Trình Tường".Đây là bộ tuồng đồ sộ nhất, với 108 hồi, tác phẩm nặng về tư tưởng tôn quân, lấy trung hiếu, tiết nghĩa làm đạo lý; có một số hồi quen thuộc như: Bạch Đầu Công lăn lửa, Kim Anh Tử gặp Mộc Nữ La... chủ yếu được diễn trong Cung đình Huế, văn chương được vua Tự Đức khen là kỹ thuật như thần.

Những đóng góp của Diên Khánh Vương và một số tác giả khác đã góp phần tô điểm cho nguồn thi ca xứ Huế, như mạch nguồn văn hóa chảy giữa lòng dân tộc.

Thông tin về Phủ thờ và Lăng mộ Diên Khánh Vương

 

Dưới thời nhà Nguyễn, việc xây dựng phủ đệ dinh thự của tầng lớp trên cũng như nhà cửa của dân chúng đều được pháp luật quy định chặt chẽ. Với phủ đệ của các hoàng thân, quốc thích có quy định riêng, chẳng hạn năm 1816, vua Gia Long chuẩn định: “Phàm dựng làm nhà phủ cho hoàng tử, công chúa, thì chính đường 5 gian 2 chái, tiền đường 7 gian, chung quanh mái chồng hợp làm một tòa, lợp ngói âm dương, bốn chung quanh xây bao bằng tường gạch, mặt trước, mặt sau đều mở một cửa vòm, trong cửa xây bình phong”(1). Sang đời Minh Mạng, vào năm thứ ba (1822) lại quy định: “Phàm nhà phủ hoàng tử, hoàng đệ, trưởng công chúa, công chúa, chính đường tiền đường đều 3 gian 2 chái và lợp ngói âm dương, các khoảnh nhà hành lang, cánh gà, nhà bếp chiếu theo đó mà làm”

Việc xây dựng phủ đệ, dinh thự chủ yếu dựa trên sự ban cấp đất đai, tiền bạc, bổng lộc của nhà vua và phải tuân thủ theo những quy định của triều đình về kiến trúc và trang trí. Phủ thờ Diên Khánh Vương cũng ra đời trong hoàn cảnh đó.

Phủ thờ Diên Khánh Vương nguyên trước đây tọa lạc tại làng Vân Thê (xã Thủy Thanh), được lập năm 1817. Đến năm 1857, vua Tự Đức ban sắc cho cải kiến từ làng Vân Thê lên làng Vĩ Dạ. Lúc đầu, phủ thờ được xây theo hướng Tây Nam, với chủ ý phủ luôn luôn hướng về Hoàng Cung. Sau thấy phủ xây hướng như vậy không thuận tiện và thiếu mỹ quan nên năm Đinh Mùi (1867) phủ tâu lên nhà vua xin cải kiến quay theo hướng Đông Bắc như ngày nay. Tuy phủ được xây dựng và sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ kiến trúc nhà rường truyền thống đồng thời gìn giữ nhiều hiện vật quý giá. Hiện nay Phủ thờ tọa lạc tại số 228 đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế. Với khuôn viên đất rộng 1170,7m2, Phủ thờ Diên Khánh Vương là kiểu nhà vườn truyền thống đặc trưng, mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật

Lăng mộ Diên Khánh Vương tọa lạc tại khu vực 5 (phường An Tây, TP. Huế). Trước đây khi ông mất (1854), việc tế điện đắp mộ, Triều Nguyễn chiếu cấp tiền để làm. Vua Tự Đức làm bài thơ để viếng. Những bài ơn dụ trước, sau và bài thơ của Vua làm được khắc vào bia, được quan ở Sử quán xét hành trạng và soạn văn bia ở trước mộ để lưu giữ.

 
Các bài khác