menu_open
Nhà thờ Thanh Bình
17/01/2011 4:07:25 CH
Xem cỡ chữ:
Đến Huế mà không đến thăm Từ Đường Thanh Bình, một ngôi nhà thờ tổ của ngành nghệ thuật sân khấu thuộc vào loại lớn nhất ở Huế nói riêng và cả nước nói chung kinh qua bao nhiêu biến thiên của thời cuộc, là một điều thiếu sót.

Trên con đường Chi Lăng đi về phía chợ Dinh, tọa lạc trên một khoảnh đất rộng nằm sát bờ sông Hương, có một ngôi nhà được xây theo kiểu thức giống như các đình ở Huế, khang trang rộng rãi. Đó là Từ Đường Thanh Bình, nơi thờ cúng các thần thánh của ngành Tuồng cũng như các người có công trong sự nghiệp xây dựng cho ngành. Theo tấm bia ký dựng tại đây thì ngôi từ đường này được khởi công kiến tạo từ năm Quí Vị (1823) mãi đến tháng 4 năm Ất Dậu (1825) thì làm xong và đặt bia đá để ghi lại.

Trước đây bao quanh từ đường là một cơ quan công quyền quản lý công việc múa hát trong cung đình, đồng thời nó cũng là cơ quan làm việc của đội võ can, có chức năng như là một cơ quan đào tạo (Trường văn hóa nghệ thuật) chuyên nghiệp của triều đình nhà Nguyễn. Tại đây đã đào tạo được một số lớn các nghệ nhân múa hát, trình diễn xuất sắc cũng như mở các lớp đồng ấu, để đào tạo đội ngủ nghệ nhân kế cận. Cơ quan này thường được gọi dưới tên Thự Thanh Bình, nằm bao quanh từ đường. Từ đường là một công trình kiến trúc ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, cột gỗ, tường gạch, phía trước có một hiên rất rộng. Sân từ đường trước đây lót gạch lát tràng, xung quanh có tường thấp bao bọc, mặt nam chính giữa có bình phong. Trên cửa hiên chính giữa nay vẫn còn một bức hoành sơn son thếp vàng đề chữ  “Thanh Bình Từ Đường”, lạc khoản ghi Tự Đức năm thứ 6 tức là năm Quý Sửu.

Ngoài sân phía bên phải có một tấm bia đá dựng năm Minh Mạng thứ 5 (1825) và bên phải một tấm bia xi măng dựng năm 1958. Về tấm bia dựng phía bên phải, theo “Vài tài liệu về Hát bội đời Nguyễn” của Nguyễn Đắc Xuân, in trong “Nghiên cứu Việt Nam” số 1 năm 1966 thì bia này được dựng năm Minh Mạng thứ 5  vào tháng tư tức là năm 1825. Bản văn bia này được sáng tác trước đó hai năm và được khắc xong sau khi từ đường này hoàn tất. Bởi vì căn cứ vào câu “Ư Quí Vị niên tam nguyệt sơ cửu nhật trung tạo từ đường bi” thì ngày mồng 9 tháng 3 năm Quí Vị (1823) bài văn bia mới làm xong.

Văn bia có đoạn:

“Trường trung xuân thự, nghiễm nhiên vũ dực oai nghi.
Đường thượng vân khai, hòa chỉ thanh âm liệu lượng.
Lịch sổ cổ kim lạc sự, tận vi thiên hạ kỳ quan.

Hạng kim từ đường trùng tạo, trở đậu nhật tân
Kim hạt quan đa lại đức công vô song bái phục
Tâu bi tạ vĩnh lưu thần tích nguyệt bá canh ca”

Tạm dịch:

Trong sân xuân rạng tỏ, lông cánh đường bệ oai nghiêm.
Nhà trên mây mở lối, thanh âm dìu dặt vọng xa.
Vài chuyện vui xưa nay kể lại, lấy làm việc lạ trong đời

Mừng nay từ đường làm lại, đồ thờ ngày một mới.
Quan quản hạt nay công đức rất dày bái phục vô cùng.
Bia mới ghi lại dấu tích nguyện kính công bố”.

Còn tấm bia bằng xi măng dựng bên trái sân làm năm 1858, ghi lại việc trùng tu từ đường, tên tuổi những người đã có công trong việc trùng tu.

Trong từ đường, có thiết những bệ thờ. Trong cùng là 5 bệ thờ, trên có thần vị của các vị tổ sư, thánh sư, quan thánh, chư tiên, Thái thượng, tề thiên đại thánh, Thiên tiên và Địa tiên. Đối diện với bàn thờ chính, ngay giữa từ đường có hai bệ thờ để tượng Ông Làng. Hai bên tả hữu của bệ thờ này là bàn thờ các nghệ nhân đã chết. Về tượng các Ông Làng ở nhà từ đường này thì có hai thuyết. Một thuyết cho rằng hai Ông Làng đó là Đào Duy Từ và Càn Cương Hầu. Càn Cương Hầu là một nghệ nhân người Trung Hoa rất được vua Minh Mạng trọng dụng, ông này là người mà các nghệ nhân ở Huế cho là vị thầy dạy cho các điệu hát bắc hay còn gọi là điệu hát khách.

Một thuyết khác, theo cụ Tuần lý Huỳnh Khắc Dụng kể lại trong tập sách “Hát bội, théâtre traditionnel du Vietnam” do Kim Lai Ấn Quán, Sài Gòn xuất bản năm 1970, trang 267 ghi:

“Thuở xưa, không rõ đời nào, có hai vị hoàng tử mê hát bội cho đến bỏ ngủ, bỏ ăn, lâu ngày sinh bệnh. Vua cha mới cấm không cho đến bộ đình. Nhưng đêm nọ hai ông hoàng lẻn ra khỏi cung, núp trong một góc bội đình để xem hát. Thị thần lục kiếm khắp nơi, đến khi kiếm được thì vì lạnh nên ôm nhau lịm đi. Ít hôm sau thì chết. Sau hiện hồn về phù hộ cho con hát nên được họ thờ kính như ông tổ. Tượng gỗ được gọi là ông Hoàng, lâu ngày đọc trại ra là ông Làng rồi cứ thế mà gọi cho đến nay”.

Nhưng về Ông Làng, thì Đoàn Nồng, trong “Sự tích và nghệ thuật hát bội”, Mai Lĩnh xuất bản năm 1943, thì lại kể rằng:…”Một hôm đương xem hát vừa có một tai nạn xảy tới, chen nhau đạp chết hai ông hoàng cỏn con ấy. Hai ông chết thành thần linh thiêng lắm, lại hay phò hộ cho con hát… cho khỏi quên, khỏi vấp. Vì trẻ con nên hai ông “Làng” còn ham chơi quả thị…Người ta tin rằng hễ có một quả thị trong rạp hát thì hát vấp và quên ngay…”

Trên đây là hai thuyết về “Ông Làng” được thờ ở từ đường Thanh Bình. Nhưng rõ ràng ngày nay đến từ đường này, bước vào cửa giữa, nhìn lên bệ thờ ở trung tâm ta thấy có tượng thờ hai em bé thật.
 

Các bài khác