menu_open
Tục lệ cúng đất của người dân Huế
Xem cỡ chữ:
Cúng đất còn có tên là lễ “ Tạ thổ kỳ yên”. Cúng đất là lễ dâng cúng cho các vị thần Đất và các vị thần phối thuộc, mỗi năm diễn ra hai lần vào một ngày tốt trong tháng 2 và tháng 8 âm lịch.

Vậy thì vì sao ở Huế có tục lệ cúng đất mà những nơi khác lại không có? Tương truyền, khi Công chúa Huyền Trân được gả cho vua Chế Mân của nước Chiêm Thành vào năm 1306, Đại Việt ta nhận được sính lễ từ vua Chăm là vùng đất 2 châu: Châu Ô, Châu Lý (Châu Rí). Tính theo ngày nay là vùng đất phía Nam tỉnh Quảng Bình cho đến phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Như vậy, cư dân ở vùng đất này vốn là cư dân của Vương quốc Chămpa, theo suy nghĩ của người Đại Việt lúc bấy giờ vùng đất này là vùng đất xa lạ, họ chưa quen thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình cho nên khi vào đây lập nghiệp họ mang trong mình sự tôn kính đối với người dân bản địa và các vị thần linh ở đây. Từ đó, họ có lệ cúng Đất như là việc mong thần linh và những linh hồn người bản địa từng cư ngụ ở đây phù hộ độ trì, chấp thuận cho sự có mặt làm ăn sinh sống của cư dân Đại Việt ta.

Qua đó, ta thấy rằng Lễ cúng Đất không chỉ có ở Huế mà cả vùng từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Nhưng ngày nay, ở các vùng đó vì nhiều lí do họ không còn cúng đều như ở Huế nữa. Là vùng đất xứ Kinh kỳ đầy tâm linh, Huế vẫn giữ nét truyền thống ấy một cách đầy thành kính.

Lễ vật dùng để Cúng Đất bao giờ cũng phải có 1 dĩa rau khoai luộc, chén nước ruốc và xâu tôm cá khô

Một lễ cúng đất đầy đủ nhất có đến 3 bàn: bàn thượng, bàn trung và bàn hạ. Mỗi bàn đều có hương đèn, hoa quả, cau trầu rượu, giấy vàng mã. Bàn thượng đặt bộ áo thổ thần, vật thực gồm con gà, bát xôi, xung quanh là xôi chè. Bàn trung đặt hai bộ áo bà, năm bộ áo ngũ phương, lễ vật gồm miếng thịt heo luộc, đĩa xôi, ba đĩa cua trứng luộc chín, có miếng thịt luộc và vài hạt muối đặt lên trên và mâm cỗ cúng cơm, đặt biệt có đĩa rau khoai luộc, chén nước ruốc và xâu cá, thịt nướng. Bàn hạ đặt áo, cháo, gạo, muối, khoai, sắn, đậu lạc…Ba bàn đặt trước nhà, gia chủ đứng từ trong nhà lạy ra. Danh sách dâng cúng và khấn vái gồm đất nhà cửa của gia chủ cho đến thần suối, thần giếng và tổ tiên làng xã, gia tộc. Đặc biệt là dâng cúng những cô hồn người Chăm từng cư trú, những oan hồ không ai thờ tự…

Khi gần xong lễ, gia chủ sẽ sớt một ít vật thực, và một số thực phẩm nói trên vào cái bẹ chuối gập thành hình cái đãy nhỏ cùng ít áo giấy âm binh đem treo ở góc vườn. Vàng mã thì đốt đi, cháo thánh, gạo muối vãi lên trên khi lửa đốt sắp tàn.

Xong lễ, người Huế thường để lại cặp chân gà lễ để đem đi "xem giò" để gia chủ biết được cát - hung - họa - phúc trong năm của gia đình.  Vì vậy, Lễ cúng này biểu tỏ nét đẹp trong tâm thức của cư dân Huế nhằm cầu nguyện âm siêu, dương thái, cuộc sống an lành.