menu_open
Nghệ thuật làm đẹp cổ xưa của người Pa Cô
Xem cỡ chữ:
Các dân tộc thiểu số anh em sống bên những dãy Trường Sơn hùng vĩ có rất nhiều nét văn hóa độc đáo và riêng biệt của từng dân tộc. Trong đó có nghệ thuật làm đẹp.

Trang sức. Ảnh Lê Quang Phú

Nếu như ở dân tộc Tà ôi, Vân kiều chỉ muốn giữ lại vẻ đẹp trên gương mặt và cơ thể một cách tự nhiên như tạo hóa đã ban tặng thì số ít ở dân tộc Cơ tu - Pa hi số nhiều ở dân tộc Pa cô lại muốn thay đổi một chút bằng những nghệ thuật độc đáo  được chiết xuất từ những cây cỏ, từ những dụng cụ đơn sơ mộc mạc và bằng con mắt nghệ thuật của những người thợ tài nghệ cùng với quan niệm về một cái đẹp chuẩn mực của một dân tộc, của những người đẹp xa xưa ấy. Vì thế, họ đã sáng tạo ra nghệ thuật làm đẹp một cách hài hòa và thống nhất để tôn lên vẻ đẹp vốn có mà ông trời đã mài nhẵn. Cái đẹp đó đã trở thành những tập tục riêng biệt.

Từ những câu chuyện của các nghệ nhân đã từng trải qua thời khắc làm đẹp mà bây giờ nét đẹp ấy vẫn còn tươi nguyên trên gương mặt và cơ thể họ, chúng ta sẽ nhận diện rõ hơn về tập tục khá bí ẩn và cái giá phải trả để có được vẻ đẹp của những người đẹp xa xưa…

Tục xăm hình trên gương mặt và cơ thể

Để có một vẻ đẹp riêng biệt của dân tộc mình, các chàng trai cô gái Pa cô xa xưa có một cách trang điểm độc đáo bằng nghệ thuật xăm hình trên gương mặt và cơ thể. Để có được màu xanh lục tươi đậm của miền rừng xanh, họ thường chọn lấy từ những ngọn cỏ có tên “A luông” Cỏ mực, xanh tươi mơn mởn, sau đó được giã nhuyễn và lọc lấy nước cốt đậm đà trộn đều với than khói (mù hóng) nhựa thông và một loại thuốc dạng củ đặc biệt gọi là “Tân đăr”.

Dụng cụ xăm hình được lấy từ gai của dây Mây “Ki re”, bởi đây là một loại gai không độc, không làm sưng tấy, viêm nhiễm. Người xăm hình cũng phải chọn người cẩn thận, có con mắt thẩm mĩ, mát tay và khéo léo. Đầu tiên, người này vẽ lên gương mặt và cơ thể theo sở thích của mỗi người, các loại hoa văn được vẽ làm sao cho phù hợp với từng khuôn mặt và cơ thể của người đó. Sau đó là đường châm của ba mũi kim bằng gai được bó chặt lại thành một, thoan thoát chạy đều theo đường vẽ, đường xăm đến ngang đâu thì nước cốt của cỏ “A luông” được thấm đều ngang đó.

Để đảm bảo nét thẩm mĩ và sức khỏe, họ cũng phải quy định bằng cách quấn chặt sợi bông ở đầu mũi kim và chừa lại mũi kim vừa tầm. Như vậy, khi châm vào, mũi kim sẽ không châm sâu vào da thịt, sẽ cho một đường nét vừa đậm lại vừa sắc xảo mà không bị thô ráp.

Các loại hoa văn cũng được quy định giới tính rõ ràng. Đối với các chàng trai thì được chọn các loại hoa văn thể hiện sự mạnh mẽ dứt khoát như: “Tung alọ” hình (Đốt tre) được xăm ở trán. “Kâl lăng tiêr” hình (Giàn bếp) được xăm ở hai bên má, hình “Tân tiêng” con rồng. “Ka hẹp” con rết. “Ku ơơ” con rắn, ở bắp tay, ngực, bắp chân. Đối với các cô gái thì được chọn các loại hoa văn thể hiện sự mềm mại như: “U la A rựưc” lá của một loại cỏ đẹp có tên “A rựưc” được xăm ở bắp chân và cổ tay. “Xah Ki xay” hình (Mặt trăng) dịu dàng được xăm ở dưới cằm. “Mặt Âr baang” hình (Mặt trời) rạng rỡ được xăm ở trán. “Tah Pân toor” hình (Chòm sao) lấp lánh được xăm ở hai bên má và hình “Kéo a kọ” móc Rựa được xăm ngay ở hai đường lông mày để tạo đường cong mềm mại quyến rũ. Tục xăm hình này không chỉ tăng thêm vẻ đẹp để cuốn hút sự chú ý của mọi người mà còn phòng tránh ốm đau khi đi xa, hay khi lên rừng xuống suối tránh được các loại rắn rết và côn trùng độc khác cắn vào.

Mặc dù là một tập tục, một nét đẹp dành cho chàng trai cô gái trẻ nhưng không phải ai cũng xăm được. Cụ Quỳnh Thạch dân tộc Pa cô ở làng Y Ry xã Hồng Quảng, một người đã từng xăm nhiều hình đẹp mà hiện giờ vẫn còn hiện rõ trên gương mặt, ông cho biết: “Tục xăm hình ngày xưa chỉ dành cho những người có làn da trắng nõn nà mềm mại như cây “Ki đoo” (chuối rừng) mới bóc vỏ, thân hình bụ bẫm như cây “A băng” (Măng) rừng đang lớn! Những người đẹp ấy khi được xăm các hoa văn lên gương mặt và cơ thể của họ thì nhìn càng đẹp càng duyên dáng hơn, nhất là khi đi dự lễ hội hay khi đi sim, dưới ánh nắng vàng rọi vào áo váy, khố, để lộ ra những cánh tay bắp chân trắng ngần với những hoa văn đã được xăm lên thì nhìn ngắm mãi mà không chán, còn với những người có làn da đen thì dù có muốn cũng không thể xăm được”.

Ở vùng cao A Lưới có 5 tộc người anh em: Pa cô - Tà ôi - Cơ tu - Pa hi - Vân kiều cùng sinh sống, nhưng tục xăm hình phổ biến nhất là ở người Pa cô, còn người Cơ tu - Pa hi cũng có nhưng chỉ số ít mà thôi. Khi được hỏi tại sao người Tà ôi lại không có tập tục xăm hình? Trả lời những điều thắc mắc này già làng Hồ Thanh Xoa ở Làng A Ziêl, A ngo tươi cười nói: “Người Tà ôi chúng tôi không có tập tục xăm hình này đâu! vì chúng tôi muốn giữ vẻ đẹp tự nhiên mà ông trời đã ban tặng! Còn người Pa cô họ rất thích làm đẹp! nhất là những người đẹp, đã đẹp lại muốn mình đẹp hơn! Nhưng nói thật, khi nhìn thấy họ mặc áo váy, khố đẹp cùng với hình xăm hiện lên trên trên gương mặt, cơ thể của họ thì mình cũng thấy đẹp và thích thật!”

Xưa kia cũng có những người đẹp được xem là lãng mạn và tinh nghịch, bởi ngoài những đường nét hoa văn được xăm ở bên ngoài để phô diễn cho mọi người được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mình, thì còn có những người đẹp bạo dạn cho xăm vào những vùng “Đẹp” nhất của mình một cách tự nguyện, điều này chỉ muốn làm sự tò mò của mọi người và muốn làm cho mình được “Nổi tiếng”. Đương nhiên, dù tạo sự chú ý của mọi người nhưng không ai có thể chiêm ngưỡng được, bởi điều đó chỉ dành riêng cho một người, cho cuộc đời của người ấy mà thôi.

Tục xăm hình và các đường nét hoa văn của các chàng trai cô gái, của những người đẹp xa xưa ấy vẫn còn hiện hữu ở các cụ đẹp lão ngày nay, khi nhìn ngắm các cụ không chỉ cho ta thấy được một vẻ đẹp độc đáo mà còn cho ta một cảm nhận rằng: Những người đẹp của ngày xa xưa ấy đã biết tận dụng những màu sắc tinh túy để tôn lên vẻ đẹp mà tạo hóa đã ban tặng; vẻ đẹp ấy, màu sắc ấy luôn bền bỉ cùng thời gian. Dù đã đi qua bao thăng trầm cuộc đời, đi qua bao nắng mưa sương gió nhưng, những nét hoa văn, đường xăm mang hình dáng của cỏ cây hoa lá gần gũi với con người Pa kô được chiết xuất từ những ngọn cỏ “A luông” mang màu xanh lục mọc lên từ chính mảnh đất mình vẫn còn in đậm trên gương mặt, cơ thể, trên những làn da trắng mịn màng của những người đẹp. Với những con mắt thẩm mĩ, bàn tay khéo léo của người nghệ nhân không chỉ đã tạo nên một vẻ đẹp một hình ảnh vừa hoang sơ, mà còn muốn khẳng định, muốn đánh dấu sự độc đáo, sự khác biệt về văn hóa, về nghệ thuật làm đẹp giữa tộc người Pa kô với các tộc người anh em khác sinh sống ở “Phía núi” của vùng xứ A Lưới của những ngày xa xưa ấy. Vẻ đẹp ấy vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay.

Tục cưa (cà) răng

Cưa răng cũng là một tập tục, một nghệ thuật làm đẹp, một vẻ đẹp để khẳng định sự khác biệt giữa tộc người Pa kô với tộc người anh em khác. Đây là một kiểu làm đẹp khá mạo hiểm, những ai muốn có bộ răng lí tưởng phải có gan chịu đựng. Trước khi “Phẫu thuật”, người thợ cưa với người muốn làm đẹp phải có một sự giao kèo chắc chắn đó là, không được bỏ cuộc giữa chừng, nếu không chịu được sự đau đớn thì ngay từ đầu không được tham gia. Sau khi đã cam kết chắc chắn như đinh đóng cột cuộc phẫu thuật mới được tiến hành, dụng cụ để cưa là bằng cái Rựa “A Kọ” cụt đầu được tạo đường răng như lưỡi liềm ngày nay và mài cho sắc.

Đầu tiên người được cưa phải đặt trong tư thế nằm ngửa, sau đó họ chèn ngang vào miệng một miếng gỗ vừa tầm đã được làm sạch và cho người đó cắn vào, còn cái chân, cái tay, cái đầu và cái bụng được bốn người thật khỏe đè chặt không để một chút nhúc nhích nào cả, khi mọi tư thế đã sẵn sàng, lưỡi “A kọ” mới được đặt vào hàm răng và bắt đầu cưa.

Kả Vế, làng Tâl Ay xã Hồng trung một cụ bà có bộ răng đẹp kể rằng “Bắt đầu chuẩn bị cưa bà hồi hộp lo sợ lắm! Khi lưỡi cái rựa cưa ở bên ngoài răng đã rất đau rồi, nhưng không bằng khi đường cưa chạm vào trong tủy “Klur” răng thì đau đớn kinh khủng tưởng chừng như cả hàm răng đã bị vỡ vụn, máu me chảy đầm đìa. Không ít người bị ngất xỉu, cưa xong, lại tiếp tục cắn thật chặt vào cọng chuối đã được hun nóng để khử trùng, làm như thế không bị viêm nhiễm! Trong thời gian từ 5 đến 6 ngày sau đó phải ăn cháo loãng, phải ở nhà không đi chơi đâu được vì miệng rất hôi hám bởi tủy răng nó còn chảy! Đau đớn là thế nhưng vì muốn đẹp nên phải cố gắng chịu đựng thôi! ”.

Khi bộ răng đã khô sạch họ tiếp tục “Hóa trang” cho bộ răng bằng cách lấy vỏ của cây “Krêệt” hoặc cây “Ra vang”, đốt cháy lên, và loại cây này sẽ cho những giọt nhựa màu đen tuyền, hứng vào đầu cái rựa cụt, sau đó được bôi đậm đều vào hàm răng, loại nhựa này có hai công dụng. Một là làm cho bộ răng đen và sáng bóng. Hai là để khử trùng giữ cho bộ răng có độ bền về sau, đây là công đoạn cuối cùng cách làm đẹp cho hàm răng, nếu thấy nhựa gần như phai đi thì họ lại tiếp tục bôi đậm lại. Theo như lời các cụ “Khi nở nụ cười với bộ răng đều rí không có chỗ lồi lên lõm xuống, cùng với màu đen tuyền óng ánh thì nhìn rất duyên dáng, đẹp mắt!”.

Tục căng tai

Để vẻ đẹp độc đáo được hài hòa, người Pa cô còn có thêm một tập tục nữa đó là tục căng tai. Từ khi còn bé các cô gái đã được cha mẹ sâu vào lá tai để tạo thành lỗ bằng gai bưởi “A song Piêih”. Các bé gái nhỏ thì cho đeo những loại trang sức nhỏ gọi là “Pâr oyh ”. Đối với con nhà khá giả giàu có thì đeo những loại trang sức được làm bằng bạc, còn đối với con nhà nghèo thì đeo những loại như cuống bắp khô, gọi là “A poọ aưm” khi con gái đã đến tuổi trưởng thành thì họ thường đeo những loại trang sức gọi là “Tâng kăm”. Để có một lỗ tai đủ rộng theo ưng ý của mỗi người, người Pa Kô thường lấy cọng cỏ tranh “Plăng” vừa tầm rồi cho vào cái lỗ đã sâu sẵn, rễ tranh là một loại rễ độc nên khi luồn vào nó sẽ ăn mòn da thịt dần dần và lỗ sâu đó ngày càng khoét rộng ra, khi vết khô lành họ không đeo rễ tranh nữa mà thay vào đó là vỏ bắp khô được cuộn tròn chắc được luồn vào lỗ tai gọi là “Căng tai”, những cuộn vỏ bắp đó cũng được làm nhiều kích cỡ, từ nhỏ đến to, cuộn này lỏng thì tiếp tục thay cuộn khác, cứ như vậy, cho đến khi đã đạt được đôi lỗ tai ưng ý họ mới đeo một loại trang sức đặc trưng của người Pa cô có tên “Tâng Hil”. Đây là một loại trang sức quý giá dành cho phụ nữ từ tuổi trung niên trở lên, loại trang sức này được làm bằng bạc, dát mỏng bề ngoài, bên trong trống rỗng mỗi khi thấy các mẹ các cụ đeo bên đôi tai, lỗ tai căng xuống, cùng với đôi trang sức “Tâng Hil” lủng lẳng sáng óng ánh dưới ánh mặt trời bên đôi tai của các cụ người Pa kô mỗi khi đi làm khách “Tâm mooi” hay trong các dịp lễ hội lớn nhỏ của dân tộc thì trông rất duyên dáng và cổ kính. Theo lời cụ bà Kả Hom làng A Năm xã Hồng Vân “Khổ nhất là khi giai đoạn đeo rễ tranh, nó ăn vào da thịt vừa đau lại vừa ngứa ngáy khó chịu lắm! nhưng không thể gãi được vì sợ nó bị sưng tấy, viêm nhiễm. Còn khi giai đoạn căng tai, đeo những vỏ bắp khô nó rất vướng víu bất tiện, nhất là khi đi ngủ! Khổ là thế nhưng vì muốn đẹp thì phải cố gắng chịu đựng!”

Tục để tóc mái “Chăng Kân noyh”

Đây là một nét làm đẹp đặc trưng nữa dành chung cho tất cả mọi lứa tuổi của phụ nữ người Pa cô. Khi cắt tóc họ chỉ chọn lấy những lọn tóc mềm ở trên trán, sau khi đo ngang tầm họ mới cắt nhẹ nhàng theo hình mẫu mái ngang, tóc mái chỉ cắt ngắn vừa, để lộ ra đôi lông mày có đường xăm thanh thoát và khuôn mặt rạng rỡ, còn tóc mái ở hai bên thì vẫn để nguyên được vuốt gọn ra sau nằm gọn trong lọn tóc bối. Để tăng thêm độ bóng đẹp cho mái tóc, phụ nữ người Pa cô thường sử dụng dầu “Dừa” một loại dầu được người yêu “Târ roonh” mua tặng của người đồng bằng thông qua buôn bán trao đổi.

Theo như lời các cụ: Tập tục Xăm hình, Cưa răng, Căng tai, Để tóc mái của các cô gái chàng trai người Pa cô không chỉ tăng thêm vẻ đẹp của riêng mình, tạo sự hấp dẫn, thu hút người khác giới để ý đến mình nhiều hơn, thích mình nhiều hơn, mà còn muốn đánh dấu sự khác biệt của dân tộc mình với dân tộc khác. Cụ Kả Nghĩa, làng A Năm, Hồng Vân: “Nếu không xăm hình, không cưa răng, căng tai, cắt tóc mái thì các chàng trai chê cười, nói không phải là con gái Pa cô mà là con gái người dân tộc khác đó”.

Các chàng trai cô gái trẻ người Pa cô ngày nay không còn tiếp nối tục làm đẹp độc đáo bằng nghệ thuật Xăm hình, Cưa răng, Căng tai và Để tóc mái của những người đẹp Pa cô thuở xa xưa ấy nữa, nhưng không có nghĩa là lãng quên một nét văn hóa độc đáo mà cha ông để lại, bởi một lẽ đương nhiên rằng: Làm đẹp phải phù hợp với từng thời đại, đặc biệt là nghệ thuật làm đẹp trên gương mặt của các cô gái chàng trai trẻ ngày nay luôn cuốn theo luồng gió “Hiện đại” của xã hội hiện tại, nếu luồng gió ấy có thể quay vòng và trở lại điểm xuất phát từ những ngày đầu tiên của nghệ thuật làm đẹp cổ xưa ấy thì quý biết mấy. Nhưng nếu không thể thì nghệ thuật làm đẹp đầy duyên dáng quyến rũ ấy sẽ sống lại trên sân khấu nghệ thuật, trên những trang sách, báo, phim, ảnh của những người con biết yêu quý trân trọng những cái hay cái đẹp của mỗi dân tộc để tôn vinh, để quảng bá giới thiệu cho các dân tộc khác hiểu và biết về cách làm đẹp riêng biệt của một dân tộc riêng biệt. Đồng thời để nhắc lại cho muôn đời sau hiểu và trân trọng một vẻ đẹp độc đáo mà đời trước đã dày công sáng tạo, đã đánh dấu một nét văn hóa riêng có của người Pa cô một sự khác biệt với dân tộc anh em khác sinh sống ở Miền tây của dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Ta Dưr Tư