menu_open
Bà tôi & tết xưa
Xem cỡ chữ:
Mỗi năm cứ vào cữ 20 tết trước ngày đưa ông Táo về trời, là lúc lũ trẻ con chúng tôi dưới phố được gửi lên vườn nhà từ đường họ, tọa lạc ở dốc đồi Hà Khê gần chùa Thiên Mụ, thăm bà nội và giúp bà thay ba mạ bận công việc chưa lên sớm được, chuẩn bị ngày tết.

Còn nhớ hình ảnh bà đứng đó, dưới hiên từ đường, trước cửa bàng khoa, đón từng đứa cháu, dáng gầy, tóc bạc, gương mặt thanh thoát. Bà đứng đếm từng đứa một mãi cho đủ số các cháu được ba mạ gửi lên, mới trở vào nhà. Khu vườn bỗng rộn tiếng cười nói giòn giã của lũ trẻ làm cho gương mặt của bà tươi hẳn lên. Đối với bà tôi, bắt đầu từ ngày 20 tết là thời gian bận rộn nhất. Phải “thống lĩnh ba quân”, từ ngoài vườn vào trong bếp. Ba quân đây trước ngày ông Táo là anh chị em chúng tôi, còn những ngày từ 22 tết là phần mứt bánh nấu nướng nhộn nhịp của các bà dâu nội trợ. Từ trong ra ngoài đâu đâu cũng có tiếng khuyên bảo của bà, chuẩn bị một cái tết cổ truyền của dòng họ.

Sau khi cho chúng tôi ăn chè đậu ván mà bà đã làm sẵn, ấy là lúc phân công. Trước hết là chùi đồ đồng, các bộ tam sự, ngũ sự ở các bàn thờ, việc đó dành cho các anh con trai. Bà tôi vừa nhai trầu vừa thủng thỉnh đi quanh xem các cháu làm, vừa nói: “Tết nhứt - điều quan trọng trước hết là bàn thờ tổ tiên, rồi mới đến nhà cửa. Bàn thờ thì phải trong bóng, tươm tất, sạch sẽ, ông bà mới phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gia đình ăn nên làm ra, việc chùi rửa các đồ thờ cúng phải nhờ con trai, nối dòng nối dõi, ấy là báo hiếu cho tổ tiên, các con nên làm cho giỏi. Còn mấy đứa con gái thì làm việc khác”.

Bà tôi hay hóm hỉnh làm thơ, đổi luôn những câu thơ gia huấn “trai thì đọc sách ngâm thơ” ra “trai thì đánh bóng lư đồng” để tặng các đứa cháu trai, quay qua các chị, bà cũng ngâm “gái thì soạn chén dĩa bồng đơm cơm” rồi dẫn các chị vào trong đông phòng, nơi bà cất giữ rương chén bát kiểu xưa thường dùng trong những ngày cúng kỵ, lễ lượt, ngày tết trong gia đình. Bà bảo các chị nhẹ tay bê các tô, chén, dĩa đem ra bàn rửa sạch và lau chùi. Lần nào bà cũng đưa từng chén từng dĩa lên bình phẩm và định chức vụ của chúng cho các món ăn. Chén bát tiên nội phủ nhỏ dành để múc chè, chén kiểu mai hạc dùng cho súp hay cơm, các dĩa ngoạn ngọc quý phái hay tô kiểu được vẽ các sự tích Lã Vọng ngồi câu cá hoặc ngư tiều canh mục… dùng để đựng các món bát bửu nước, dĩa rồng phượng và mai hạc cỡ nhỏ để đơm xôi hay sắp các món xào nấu. Vừa bày vẽ cho chúng tôi, bà vừa kể các sự tích được minh họa trên đó.

Giọng kể của bà có sức thu hút đưa tôi vào ngay dòng sông hay rặng núi của thời xa xưa mà lại gần gũi, như kề bên, như thể chúng chính là sông Hương và rặng núi Kim Phụng, khung trời mà tâm hồn tôi đang thân thiết tẩm gội và hít thở từng giây phút của tuổi thơ.

Trong các anh chị em, tôi thích nghe bà kể chuyện nên hay níu áo bà và được gần bà nhất trong ba ngày tết. Sau khi giao việc cho các anh, các chị, bà thường nắm tay tôi đi quanh. Xuống bếp dặn các bác, các cô chuẩn bị lá dong, lá chuối, lá dứa, thái thịt, vút đậu, lột hành, tiêu muối nước mắm. “Con heo ụt ịt đòi hành đòi tiêu”, bà dặn dò nêm, nếm mắm muối đều phải thấu biết tính chất từng loại thực phẩm, theo kinh nghiệm ngày xưa, “xưa làm nay bắt chước”. Bà ấn định khổ bánh và dặn dò cân lượng.

Chuẩn bị tết, nhà bếp là nơi rộn ràng nhất. Nấu bánh chưng bánh tét, làm mứt, làm bánh, nấu cỗ cúng. Bà biết tài khéo từng người mà giao việc. Dưới sự chỉ bảo của bà, các bác, các cô, các chị đều cố gắng trổ tài làm khéo. Vào dịp tết, những dĩa dưa món, dĩa cổ của các bác, các cô tôi bày trên bàn là một tác phẩm đẹp mắt đến thèm và thương, là những bản hòa ca sắc màu với hương vị bếp Huế đậm đà, kích thích khoái cảm vị giác và cả khoái cảm thẩm mỹ.

Hết phần bánh trái, quay sang sửa soạn lễ lượt trong ba ngày tết, thì đứng đầu là y phục tươm tất. Hình như đối với những đứa bé, và đối với bà tôi, ngày tết chỉ là tết khi được có áo mới. Về đêm giữa mơ và tỉnh, còn nghe bà căn dặn mẹ qua tấm mùng, về sắc áo mùa xuân. Đó là thời áo dài thường được mặc đôi, gọi là áo cặp, trong một chiếc áo dài vải lụa nhẹ, ngoài áo dài vải lụa the hay gấm; quần thì nên chọn thứ vải lụa đi với áo gấm, áo nhung, hoặc áo lụa, đừng ham lòe loẹt, sặc sỡ. Áo cặp ngày tết bà thường dạy phải tinh nhạy chọn màu, trong màu hồng nhạt ngoài màu xanh biển, trong màu xanh rêu ngoài màu san hô, trong đỏ ngoài the nâu, tím thì đi với xanh lục hoặc vàng mơ, đừng có sặc sỡ quá... là cách phối màu áo tế nhị của người xưa.

Bà còn căn dặn trẻ con thì may áo bằng vải lụa dày hay vải phin, quần rộng để chạy nhảy cho dễ, đừng theo mốt thời nay may áo bằng vải ni-lông mặc bịt bùng. Nghe bà căn dặn mẹ may áo cho con, thì tôi đã mơ một chiếc áo mới ngày mồng một tết sẽ được xúng xính với các anh chị vào mừng tuổi bà. Lời bà biết bao cẩn trọng và tin yêu cho mọi người, hình như càng về sau, mình mới hiểu được hết ý nghĩa của nếp nhân sinh từ chiếc áo, cái bánh, miếng mứt ngày tết.

Chuyện tết với bà tôi hầu như vô tận. Hết chỉ dẫn điều này đến điều khác, lắm khi như chuyện thần tiên, lắm khi như một giấc mơ. Đối với đứa trẻ lên tám tuổi thì những ngày trước tết quả là dài vô tận, khi lẽo đẽo theo bà... óc tưởng tượng càng lúc càng đầy ắp những hình ảnh lấp lánh màu sắc. Cho đến khi một sáng ngày cuối năm, mụ Nậy đun nồi nước trong vườn sau bếp. Lu nước mưa bên cạnh sóng sánh hoa mộc hoa bưởi trong vườn, mùi chanh bốc thơm phức. Ấy là lúc sửa soạn cho bà tôi tắm tất niên.

Cuộc tắm tất niên của bà được xem là dấu mốc chấm dứt công việc tề gia nội trợ của năm cũ, thảnh thơi bước vào năm mới với con người mới, cho nên cũng trang trọng như một lễ nghi. Chị tôi được bà cho phép kỳ lưng, còn tôi xin được làm việc dội nước cho bà. Mới biết bà tôi mặc năm lớp áo cụt suốt mùa đông, túi này chồng lên túi khác, và mỗi túi đều có chức vụ riêng như ví cất tiền, ví cau trầu, ví khăn mặt. Lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng bà tôi, gầy khẳng khiu, chân ốm tong, tay dài như hai nhành lão mai trước sân nhà, ngón tay muốt dài, ngực bà không còn căng, khác với mẹ và chị, nhưng hơi ấm từ lồng ngực vẫn tuôn ngào ngạt thơm mùi sữa. Bà tôi vốn người mảnh mai từ thuở còn thiếu nữ và vẫn giữ cốt cách ấy trong suốt đời người.

Ôi bà tôi gầy và mỏng manh trong gió đông… Tưởng chừng giấc mơ thần tiên đêm ba mươi đã bay đi với chiếc áo, và tôi nghe chừng như mình sắp òa khóc, yêu bà, thương bà nhăn nheo, gầy guộc đến quên cả chiếc áo mới đang mơ. Trong giây phút ấy trong thâm tâm của đứa trẻ còn non nớt ham thích vui chơi hồn nhiên, bỗng nghe điều gì xót xa, trực cảm được thân phận đời người - từ một thiếu nữ xinh tươi cho đến lúc già cỗi, người phụ nữ ấy đã dâng trọn trái tim cho đại gia đình, đã giữ gìn và vun xới gia phong, nếp nhà, đã trọn đời vắt hết mọi ngọt ngào yêu thương cho con cháu...

Thế rồi, trong khói sương mồng một tết, khi mẹ tôi mặc cho chiếc áo mới và bồng tôi ra ngoài mừng tuổi bà, tôi còn ngái ngủ với giấc mơ bà tiên xuống trần chưa trọn. Bàn thờ gia tiên bừng trong ánh sáp, chiếu sáng choang những lư đồng đang nghi ngút trầm hương, những quả bồng bánh rực rỡ đủ màu, những khay mứt thơm lừng mùi tết. Mọi người trong gia đình đang chỉnh tề khăn áo, lũ trẻ chúng tôi được sắp hàng thứ tự để quỳ lạy chúc tết, mừng tuổi bà.

Và tôi thấy, với đôi mắt mở to, bên cành mai rực rỡ vừa đơm bông, bà tôi ngồi cạnh hộp tộ/tợ (cái bàn để trên sập cho các cụ uống trà), vẻ thanh thoát đẹp như tiên trong cặp áo lục điều, lộng lẫy… một nhành mai cốt cách đẹp nhất thế gian!

Bài: Thái Kim Lan
Ảnh: Bảo Minh